Hôn nhân là vấn đề hệ trọng liên quan suốt cuộc đời. Chẳng vậy mà cụ Nguyễn Du đã nhắc nhở: “Trăm năm tính cuộc vuông tròn, phải dò cho tới ngọn nguồn lạch sông.” (Truyện Kiều)
Hôn nhân là điều khó quyết định, càng khó hơn khi đó là hôn nhân khác đạo – nói văn hoa thì đó là “hôn nhân liên tôn.” Phàm cái gì khác nhau cũng có thể gây phiền toái, nhất là khi cái khác đó liên quan vấn đề tôn giáo.
Tỷ lệ ly hôn tại Hoa Kỳ chiếm khoảng 50%, rõ ràng là không dễ xây dựng mối quan hệ phu thê bền vững lâu dài. Khi hai người có niềm tin khác nhau, thách thức có thể rất khó vượt qua. Tuy nhiên, với tình yêu chân thật, sự tôn trọng và thỏa thuận hợp lý, hôn nhân khác đạo vẫn có thể đem lại hạnh phúc.
Hôn nhân khác đạo là một thách đố, thế nên càng cần nhiều tình yêu và khéo léo trong cách giao tiếp. Nhờ đó, hôn nhân khác đạo cũng có thể là đại phúc giúp vợ chồng lớn mạnh trong niềm tin của nhau. Đây là một số gợi ý dành cho những người Công giáo muốn kết hôn với người khác tôn giáo:
1. ĐỪNG “HOÁN CẢI” NHAU
Bạn có thể chia sẻ sự nhiệt thành về niềm tin của mình và thật lòng trả lời các câu hỏi, nhưng đừng thúc ép người bạn đời phải gia nhập Công giáo. Giáo Hội khuyên: “…Các cặp vợ chồng khác đạo có thể sống trong hoàn cảnh đặc biệt theo ánh sáng của Đức Tin, vượt qua mọi sự căng thẳng giữa trách nhiệm đối với nhau và cộng đoàn, khuyến khích phát triển các điểm chung về niềm tin và tôn trọng các điểm khác nhau.” (GLCG, số 1636)
2. CẦU NGUYỆN CÙNG NHAU
Hằng ngày nên dành thời gian cầu nguyện với nhau. Mới đầu có thể khó, nhưng hãy kiên trì để có thể đạt được cách cầu nguyện chung và có lợi cho cả hai về tâm linh. Một cách hay là cùng đọc Kinh Thánh hoặc tìm hiểu về Kinh Thánh.
3. DUY TRÌ ĐỨC TIN
Người Công giáo có thể dễ xa rời Đức Tin vì cảm thấy khó hòa hợp trong hôn nhân khác đạo. Vấn đề quan trọng là phải biết tôn trong niềm tin của người bạn đời, nhưng đừng thỏa hiệp. Nếu không thể tham dự Thánh Lễ hằng ngày thì hãy cố gắng tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, hãy đề nghị người bạn đời cùng đi. Hãy xưng tội vào những dịp lễ, tết, và các dịp đặc biệt. Bí tích Hòa Giải tạo cơ hội tốt để thảo luận về mọi điều khó khăn của cuộc sống hôn nhân khác đạo. Bạn có thể đề nghị người bạn đời cùng nhau gặp linh mục và thảo luận về bất kỳ vấn đề gì.
4. GIÁO DỤC CON CÁI
Theo Giáo Luật, người không Công giáo phải đồng ý cho con cái gia nhập Công giáo và giáo dục chúng theo cách của Công giáo. Hãy bảo đảm cho chúng nền tảng Đức Tin vững chắc và được lãnh nhận các bí tích. Điều này rất “nhạy cảm” đới với người bạn đời khác đạo. Hãy dạy con cái tôn trọng niềm tin của cha hoặc mẹ của chúng, và hãy khuyến khích chúng đặt ra các câu hỏi.
5. CHIA SẺ ĐỨC TIN
Hãy lưu ý các điểm chung về tâm linh và hỗ trợ nhau trên hành trình tâm linh, nhưng hãy tôn trọng các điểm khác nhau. Tránh chỉ trích hoặc chê bai niềm tin của nhau. Nếu không thể trả lời câu hỏi về Đức Tin, hãy tìm câu trả lời ở sách báo hoặc nhờ người có uy tín. Hãy tìm hiểu Công giáo và chia sẻ với người bạn đời. Hãy cầu xin Chúa giúp hiểu nhau và tôn trọng nhau.
6. CỞI MỞ GIAO TIẾP
Hôn nhân khác tôn giáo có thể thành công nếu hai vợ chồng duy trì lời thề hứa khi đối mặt với các thử thách và luôn chân thật với nhau. Mặc dù nên nói chuyện cởi mở về sự khác nhau về tôn giáo trước khi kết hôn, không bao giờ quá trễ để bắt đầu cuộc đối thoại. Trong cuốn “A Non-Judgmental Guide to Interfaith Marriage” (Hướng dẫn Hôn nhân Liên tôn), tác giả Steven Carr Reuben khuyến khích sự giao tiếp bằng cách nhắc các vợ chồng “luôn yêu thương nhau khi nói chuyện về tôn giáo.” Cần phải nhớ rằng tình yêu là phẩm chất có giá trị của mọi tôn giáo. Nếu bạn ngại nói về niềm tin, hãy cho nhau biết mà không biết cách bắt đầu hoặc bắt đầu từ đâu. Bạn càng cởi mở thì càng tốt cho cả hai.
7. BIẾT RÕ NIỀM TIN CỦA NHAU
Trong cuốn “Interfaith Families: Personal Stories of Jewish-Christian Intermarriage” (Gia đình Liên tôn: Các Câu chuyện về Hôn nhân giữa Do Thái giáo và Kitô giáo), tác giả Jane Kaplan nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm hiểu tôn giáo của nhau để có thể tôn trọng lẫn nhau. Đặt ra các câu hỏi không chỉ để học hỏi kinh nghiệm, mà còn là cách xác định chiều sâu của lời hứa đối với tôn giáo của mình. Đối thoại có thể hữu ích, với điều kiện cả hai luôn tôn trọng và lịch sự với nhau. Cách tốt nhất là đặt ra các câu hỏi cởi mở và chân thành.
8. THỎA THUẬN CÁCH GIÁO DỤC CON CÁI
Thảo luận cách nuôi dạy con cái nên bao gồm vấn đề tôn giáo, vì tôn giáo gắn liền với giáo dục. Vợ chồng cần thống nhất cách giáo dục con cái, vì điều đó ảnh hưởng các hoạt động khác của con cái. Vợ chồng cần rạch ròi vấn đề này càng sớm càng tốt. Thỏa thuận và thống nhất với nhau để giáo dục con cái tốt nhất. Tôn trọng nhau là bài học sống có giá trị cao để con cái phát triển đúng về tâm sinh lý và tâm linh. Hảy hỏi con cái, khuyến khích và giúp chúng biết cách tự quyết định.
9. GIỮ TRUYỀN THỐNG
Khi thảo luận về tôn giáo, mỗi người hãy nói rõ về tôn giáo của mình với những ngày lễ nghỉ. Đối với một số người, những ngày lễ nghỉ phải được tuân thủ. Ngay cả những người cho tôn giáo không quan trọng, họ vẫn mừng lễ bằng cách nào đó, chẳng hạn cây Giáng Sinh hoặc Đàn Menorah (đàn nhiều nhánh dùng trong đền thờ Do Thái cổ). Vợ chồng có thể thấy vui mừng khi duy trì truyền thống tôn giáo của nhau, của cả bên nội và bên ngoại.
10. TÔN TRỌNG SỰ KHÁC BIỆT
Tác giả Naomi Schaefer Riley hướng dẫn nghiên cứu cấp quốc gia về hôn nhân khác đạo. Bà phát hiện tỷ lệ cao về xung đột ở các cặp vợ chồng không cùng tôn giáo, bà nói rằng “kết hôn với người khác đạo cần phải biết rõ tôn giáo của người đó.” Chính Riley cũng có chồng khác đạo, bà khuyến khích các cặp vợ chồng cần phải nghiêm túc và luôn tôn trọng tôn giáo của nhau.
Tóm lại, hôn nhân khác đạo rất cần thỏa thuận với nhau ngay từ đầu, và cả hai phải tuân thủ tuyệt đối sự thỏa thuận đó. Vợ chồng có thể cảm thấy ít bị áp lực và tận hưởng hôn nhân bằng cách áp dụng phương pháp khác nếu hoàn cảnh cho phép.
Chắc chắn rằng chính bạn phải hy sinh và hành động khéo léo trong cuộc sống hôn nhân khác đạo, cố gắng để có lợi ích cho gia đình và xã hội. Trong Tông huấn “Familiaris Consortio,” Thánh GH Gioan Phaolô II cho biết: “Hôn nhân giữa người Công giáo và người khác đạo có bản chất riêng, nhưng có nhiều yếu tố có thể tốt và phát triển, cả về giá trị thực chất và về sự đóng góp mà họ có thể tạo sự đại kết. Điều này rất thật khi hai người trung thành với nhiệm vụ tôn giáo của mình. Phép Rửa và động lực của ân sủng cung cấp cho họ nền tảng và sự thúc đẩy để diễn tả sự kết hợp trong lĩnh vực luân lý và tâm linh.”
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Beliefnet.com)
✽ Đối Thoại Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/10/oi-thoai-gia-inh.html
✽ Giải Quyết Chuyện Gia Đình – https://tramthienthu.blogspot.com/2023/04/giai-quyet-chuyen-gia-inh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment