Lần đầu tiên gặp các môn đệ sau khi Đức Giêsu Kitô phục sinh, lời chúc bình an là câu nói đầu tiên của Ngài: “Bình an cho anh em.” (Lc 24:36; Ga 20:19; Ga 20:21) Tám ngày sau, Ngài gặp lại các môn đệ và cũng chúc: “Bình an cho anh em.” (Ga 20:26) Quả thật, sự bình an rất quan trọng đối với bất kỳ ai và bất cứ lúc nào – cả tinh thần, thể lý, và xã hội.
Khi gặp nhau,
chúng ta thường hỏi: “Có khỏe không?”
Hỏi về sức khỏe nhưng thực chất là nói về sự bình an, đơn giản là bình an về
thể lý. Khi hỏi thăm ai về người nào đó mà lâu ngày chúng ta không gặp, chúng
ta cũng hỏi: “Người ấy có khỏe không, có
bình an không?” Khi ai đó đi xa, chúng ta cũng luôn cầu chúc: “Thượng lộ bình an.” Thậm chí người ta
còn cầu chúc cho người quá cố: “Xin cho
linh hồn này được nghỉ yên muôn đời.” Chắc chăn sự bình an vô cùng cần
thiết.
Sự bình an và
niềm hy vọng có liên quan lẫn nhau. Có được sống trong sự bình an thì người ta
mới hy vọng tràn trề. Không có bình an thì ước mơ chẳng khác gì chuyện hão
huyền, mơ cũng chẳng bao giờ thấy. Tương tự, một đất nước không có nền hòa bình
thực sự thì niềm hy vọng của người dân chẳng khác gì xa xỉ phẩm, họ khao khát
mà không thể có được. Thật tội nghiệp cho người dân ở các nước thiếu hòa bình,
hoặc tương đối có hòa bình mà không trọn vẹn. Hòa bình đó là hòa-bình-ảo!
SỰ BÌNH AN
Sự bình an còn
gọi là an bình, bình yên, hoặc yên bình. Đó là trạng thái thanh thản, cảm giác
an hòa, thanh bình. Sự bình an có hai dạng: Bình an tâm hồn và bình an thể lý.
Có thể có một dạng nữa là bình an xã hội, bình an đất nước – gọi là hòa bình.
Bình an tâm hồn là không bị dao động, lương tâm trong
sạch, không đam mê cái xấu, sạch tội, không bon chen, không so đo, không giận
hờn, không ghen tương, không đố kỵ, không phiền muộn,... Bình an thể lý là không bệnh tật, ăn ngon, dễ ngủ,... Bình an xã hội là không sợ bị trộm cướp,
không sợ bị hại, không lo bị dòm ngó,...
Danh nhân Mahatma
Gandhi, một chính khách chủ trương bất bạo động được dân Ấn Độ coi là “cha già”
và thánh nhân, đã nhận xét về sự bình an: “Mỗi
người đều phải tìm thấy sự bình an từ bên trong bản thân mình. Sự bình an thực
sự phải không bị ảnh hưởng bởi ngoại tại.” Thời xưa cũng quan niệm tương
tự: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình
thiên hạ.” Mọi sự phải được bắt đầu từ chính mình vậy!
Sự bình an quan
trọng hơn sự giàu sang hoặc nghèo khó. Giàu sang mà bất an thì cũng vô ích,
ngồi trên đống vàng mà lòng như lửa đốt thì có vui không? Người giàu cũng khóc
kia mà! Ngược lại, nghèo khó mà lòng thanh thản, không nợ nần, dù không được ăn
ngon và mặc đẹp như người khác, thế là được bình an rồi. Lão Tử đã nhận định: “Tri túc chi túc, hà thời túc; tri nhàn chi
nhàn, hà thời nhàn.” (Biết đủ là đủ,
tức là đủ; biết nhàn là nhàn, tức là nhàn.) Nhàn ở đây không có nghĩa là “ngồi không,”
bởi vì thể xác nhàn nhưng chưa chắc tâm hồn nhàn. Nhàn phải mang nghĩa thanh
thản cả thể lý lẫn tâm hồn. Như vậy mới là bình an. Đó là sự bình an cần thiết.
Đất nước nào có
hòa bình thực sự thì mới hưng thịnh. Muốn hòa bình thực sự thì chính phủ phải
là một “bộ máy yêu thương,” nghĩa là chính phủ biết thương dân, thương nước,
không tham nhũng, không hối lộ. Trong thi phẩm “Chữ Nhàn,” cụ Nguyễn Công Trứ
đặt vấn đề: “Tri túc, tiện túc, đãi túc,
hà thời túc; tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn.” Nghĩa là: “Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới
đủ; biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn.”
Vua Trần Nhân
Tông định nghĩa chữ Nhàn là không màng công danh phú quý, là hơn tất cả mọi
thứ. Trong một thi phẩm Hán tự, ông viết câu kết: “Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn kim.” Vạn kim là mười ngàn lượng
vàng, là giàu sang phú quý. Nghĩa là “hai chữ thanh nhàn hơn cả sự giàu sang
phú quý.” Đó mới là “nhàn” đúng nghĩa, nhàn như vậy mới là sự bình an đích
thực. Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh bộc bạch: “Thư thái bình an vừa nằm
con đã ngủ, vì chỉ có mình Ngài, lạy Chúa, ban cho con được sống yên hàn.” (Tv 4:9)
Khi Con Một Thiên
Chúa giáng sinh làm người nơi hang Belem đơn nghèo, muôn vàn thiên binh hợp với
sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Vinh
danh Thiên Chúa trên trời, bình an
dưới thế cho loài người Chúa thương.” (Lc 2:14) Trong thời gian thực hiện
sứ vụ, Chúa Giêsu căn dặn những người được sai đi truyền giáo: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.” (Mt 10:12; Lc 10:5) Ngay cả những khi chữa lành bệnh hoặc
tha tội cho ai, Chúa Giêsu đều nói với họ: “Hãy
đi bình an.” (Lc 7:50; Lc 8:48)
Sự bình an cũng có
ý nghĩa khác nhau. Sự bình an của Thiên Chúa khác hẳn với sự bình an của loài
người, như Chúa Giêsu đã xác định: “Thầy
để lại bình an cho anh em, Thầy ban
cho anh em bình an của Thầy. Thầy
ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi!”
(Ga 14:27) Ngài không giải thích về sự khác nhau
thế nào, nhưng Ngài động viên chúng ta. Ngài biết chúng ta sẽ ngạc nhiên, nhưng
Ngài muốn để chúng ta tự cảm nghiệm, nhờ đó mà Đức Tin của chúng ta mới được thanh
luyện.
Chữ “bình an”
được đề cập nhiều lần xuyên suốt Kinh Thánh – dù trực tiếp hoặc gián tiếp. Sau
khi con trẻ Gioan ra đời, mọi người lấy làm lạ và chia vui, ông Dacaria liền
ứng khẩu cảm tác bài ca “Chúc Tụng” (Benedictus): “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn, cho Vầng Đông tự chốn cao vời viếng
thăm ta, soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần, dẫn ta bước
vào đường nẻo bình an.” (Lc 1:78-79)
Được bình an là
hạnh phúc. Chia sẻ bình an còn hạnh phúc hơn, vì đó là một trong Bát Phúc mà
Chúa Giêsu đưa ra trong bài giảng thứ nhất, khởi đầu công khai sứ vụ của Ngài: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5:9)
Có câu chuyện liên
quan sự bình an như thế này...
Một hôm, Tô Đông
Pha đến chơi nhà chùa và cùng ngồi thiền với một nhà sư. Trong khi ngồi thiền, Tô
thấy an lạc xuất hiện. Xả thiền xong, Tô rất vui vẻ hỏi nhà sư: “Ngài thấy tôi ngồi thiền như thế giống cái
gì.” Nhà sư ôn tồn: “Trông ngài giống
như Đức Phật.” Tô nghe thế thì vui lắm. Thiền sư hỏi lại: “Thế ngài thấy tôi ngồi thiền giống cái gì.”
Tô đáp ngay: “Trông ngài ngồi thiền
giống một đống phân bò.”
Thiền sư nghe nói
vậy mà lòng vẫn bình an. Tô Đông Pha cười suốt dọc đường về và thầm nghĩ: “Hôm nay ta đã thắng lão hòa thượng đó một
phen rồi. Bị ta nói là đống phân bò mà không bẻ lại được câu nào cả.” Tô về
khoe với Tô tiểu muội: “Hôm nay huynh đã
qua mặt được lão sư già đó rồi.” Tô muội hỏi chuyện gì. Tô huynh hào hứng
kể lại chi tiết đầu đuôi. Tô muội cười ồ lên, Tô huynh đắc chí nên càng hào
hứng kể. Chợt ngưng cười, Tô muội nói: “Muội
cười là cười huynh đó, huynh lại thua lão hòa thượng ấy rồi.”
Tô huynh ngạc
nhiên hỏi thế là thế nào. Tô muội phân tích: “Tâm lão hòa thượng là tâm Phật,
nên thấy huynh cũng giống như Phật.
Còn tâm của huynh thì toàn phân bò,
nên huynh thấy hòa thượng giống như đống
phân bò. Tâm huynh như thế làm sao mà bằng được tâm lão hòa thượng chứ.”
Tô huynh ngộ ra và tiu nghỉu!
Thiền sư có cái
tâm chân chính nên thấy người khác cũng tốt, cái tâm của thiền sư là tâm bình
an. Còn Tô Đông Pha có cái tâm bất chính nên thấy người khác cũng xấu, cái tâm
của Tô là tâm bất an, chỉ tìm mọi cách để chê trách người khác, kiểu “vạch lá
tìm sâu” hoặc “bới bèo ra bọ.” Dạng tâm địa như vậy không thể sống bình an được!
Câu chuyện này
“nhắc khéo” chúng ta về “chữ Tâm,” về cách đối nhân xử thế, cách nhìn người. Tục
ngữ có câu: “Chiếc áo không làm nên thầy
tu.” Ca dao cũng ví von: “Thế gian
lắm kẻ mơ màng, thấy người toét mắt tưởng vàng ăn ra.” Lão giáo còn mệnh
danh là “Đạo Vô Vi.” Động thái vô vi rất khó, ngay khi bạn nghĩ bạn vô vi là bạn
đã không vô vi rồi! Càng thoát tục thì người ta càng được hưởng bình an, nhưng
chỉ có Thiên Quốc mới nền hòa bình thực sự và vĩnh cửu. Trần gian muốn hưởng sự
bình an thì phải bảo vệ và duy trì công lý: “Triều
đại Người đua nở hoa công lý và thái bình thịnh trị tới ngày nao tuế nguyệt
chẳng còn.” (Tv 72:7)
Hằng ngày, mỗi
khi tham dự Thánh Lễ, sau hai lần xin Thiên Chúa thương xót, chúng ta tiếp tục
xin Ngài ban bình an: “Lạy Chiên Thiên
Chúa, Đấng xóa tội trần gian, xin ban bình
an cho chúng con.” Kết thúc Thánh Lễ cũng là một lời chúc bình an.
Vâng, ơn bình an vô cùng quan trọng đối với cuộc lữ hành trần gian này, nhờ có
sự bình an mà chúng ta tiếp tục sống trong niềm hy vọng. Khi sống, ai cũng mong
được bình an, khi chết cũng mong được bình an để có thể thanh thản giã biệt thế
gian, hy vọng được hưởng sự bình an của Nước Trời vĩnh hằng.
NIỀM HY VỌNG
Hy vọng là Đức
Cậy, một trong ba nhân đức đối thần. Hy vọng liên quan sự lạc quan. Có thể chia
loài người thành hai loại: Người lạc quan và người bi quan. Người lạc quan có
thể “vô tư” (theo nghĩa tích cực), nhìn mọi thứ qua lăng kính màu hồng sáng;
còn người bi quan có thể dễ yếm thế, nhìn mọi thứ qua lăng kính ảm đạm. Hai
người cùng nhìn qua cửa sồ, người thì thấy ánh nắng, người thì thấy bùn đen!
Ngày hôm qua là
cảnh mộng, ngày mai là ước mơ, nhưng ngày hôm nay sống tốt sẽ khiến mỗi ngày
qua đi là một giấc mơ hạnh phúc, và mỗi ngày mai là giấc mơ hy vọng. Cố nhạc sĩ
Trịnh Công Sơn đã có quyết tâm tích cực: “Mỗi
ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười… Mỗi ngày tôi
chọn đường mình đi, đường đến anh em,
đường đến bạn bè… Và như thế tôi sống vui từng ngày, và như thế tôi đến
trong cuộc đời, đã yêu cuộc đời này bằng
trái tim của tôi… Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, cùng với anh em tìm đến mọi người…” (Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui) Ca từ đầy chất nhân
bản, phù hợp với Đức Ái Kitô giáo. Đẹp lắm!
Cuộc sống nhiêu
khê nhưng cần cố gắng đối với bốn động thái tích cực này: [1] Nhìn lại phía sau
để rút kinh nghiệm, [2] nhìn lên
phía trước để luôn hy vọng, [3] nhìn
ra xung quanh để nhận biết thực tế, [4] nhìn vào nội tâm để nhận diện chính mình. Ông Thomas
Carlyle (1795-1881, triết gia và sử gia Anh quốc) nhận xét: “Người có sức khỏe thì có hy vọng, người có hy vọng sẽ có tất cả mọi thứ.”
Ở đây, “sức khỏe” nên hiểu theo hai nghĩa: Sức khỏe thể lý và sức khỏe tinh
thần. Như vậy sức khỏe mới trọn vẹn.
Tương tự, một
danh nhân đã nói: “Nếu bạn cảm thấy sợ
hãi về điều sẽ xảy ra, đừng sợ! Hãy ôm
lấy sự không chắc chắn và để nó dẫn bạn đi. Hãy cản đảm khi đời thách thức
bạn sử dụng cả con tim và trí óc để mở ra con đường dẫn tới hạnh phúc của riêng
mình, đừng lãng phí thời gian trong tiếc
nuối. Bật sức mạnh vào hành động tiếp theo. Hãy tận hưởng hiện tại khi nó
tới, tận hưởng từng giây phút, bởi vì bạn sẽ không bao giờ có lại thời khắc đó nữa. Nếu có lúc nào đó bạn ngước lên và thấy mình lạc lối, hãy hít
thở sâu và bắt đầu lại. Đi ngược theo bước chân mình và
quay trở về nơi tinh khiết nhất trong trái tim, nơi hy vọng tồn tại. Rồi bạn sẽ lại tìm thấy con đường.”
Vâng, hy vọng
luôn mở ra những con đường, đặc biệt là “con đường sống.” Và con-đường-sống đó
chính là Đức Kitô, vì Ngài đã xác định: “Chính
Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6) Hãy chú ý hành trình của mình: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và
đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa
hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7:13-14; Lc 13:24) Bà Helen Keller (1880-1968, tác giả và
chính khách Hoa Kỳ) phân tích: “Chúng ta
bảo tình yêu là sự sống, nhưng tình yêu
không có hy vọng và niềm tin thì chỉ là cái chết đau đớn.” Cẩn tắc vô ưu!
Trước khi qua
đời, ông Máttítgia căn dặn các con: “Các
con hãy tâm niệm rằng: từ đời này qua đời khác, hết những ai đặt hy vọng vào Thiên Chúa sẽ không bị suy tàn.” (1 Mcb 2:61) Chắc chắn là vậy. Người sắp chết luôn
nói thật để người khác có kinh nghiệm sống, vì họ biết họ không còn dịp để làm
lại cuộc đời nữa!
Chắc hẳn các Kitô
hữu còn nhớ chuyện người mẹ và bảy người con trai bị vua Antiôkhô hành quyết
vì họ quyết bảo vệ Đức Tin tới giọt máu cuối cùng. Khi đến lượt người thứ ba bị
tra tấn, vừa được yêu cầu anh liền thè lưỡi, anh can đảm đưa tay ra và khẳng
khái nói: “Tôi có được lưỡi này, tay này,
là do Chúa Trời ban. Nhưng vì luật Chúa Trời, tôi coi khinh những thứ đó, và tôi hy vọng nhờ Chúa Trời, tôi sẽ lấy
lại được.” (2 Mcb 7:11) Tinh thần Kitô giáo vô cùng bất
khuất! Chính Đức Cậy (niềm hy vọng) đã giúp họ giữ vững Đức Tin vì yêu mến
Thiên Chúa (Đức Mến). Một Tam-Giác-Đối-Thần tuyệt vời, luôn nối kết chặt chẽ
với nhau. Rất lô-gích! Thánh Phaolô nói: “Đức
mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng
tất cả.” (1 Cr 13:7)
Kinh Thánh luôn
đề cập niềm hy vọng ở nhiều dạng và nhiều tình huống. Ông Êliphát, người
Têman, nói lời động viên ông Gióp: “Người
cứu kẻ yếu hèn khỏi lưỡi gươm, khỏi tay người quyền thế. Bấy giờ kẻ nghèo khó
lại bừng lên niềm hy vọng, và phường
tội lỗi chẳng còn dám hé môi.” (G 5:15-16) Vâng, Thiên Chúa
luôn tín thành và giàu lòng thương xót, nhất là đối với những người bé mọn: “Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy,
tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng,
và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh
Người.” (Mt 12:20-21)
Thánh Phaolô động
viên: “Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng, cứ kiên nhẫn lúc gặp
gian truân, và chuyên cần cầu nguyện.” (Rm 12:12) Niềm hy vọng kéo theo nhiều hệ lụy. Và Thánh Phaolô cầu chúc: “Xin Thiên
Chúa là nguồn hy vọng, ban cho
anh em được chan chứa niềm vui và bình an nhờ đức tin, để nhờ quyền năng
của Thánh Thần, anh em được tràn trề hy
vọng.” (Rm 15:13) Ước gì mỗi chúng ta luôn sống được như
vậy!
Liên quan niềm hy
vọng, Thánh Phaolô “chuyển hệ” một chút: “Nếu
anh em cho vay mà hy vọng đòi lại
được thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn
để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho
vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả.
Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối
Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” (Lc 6:34-35) Loại hy vọng này khó lắm, khó vô cùng.
Nhưng ai có niềm hy vọng này mới thực sự là thánh nhân!
Cuộc sống luôn có
rất nhiều thứ khiến chúng ta nản chí, chùn bước. Tuy nhiên, dù thất vọng thì
cũng đừng bao giờ tuyệt vọng. (x. 2
Cr 4:8) Hy vọng, thất vọng, tuyệt vọng (vô vọng). Ba mức độ này chênh lệch nhau
không nhiều. Có câu chuyện về bốn ngọn nến như thế này...
Trong một căn
phòng, không gian tĩnh lặng tới mức người ta có thể nghe thấy tiếng thì thầm
của những ngọn nến. Cây nến thứ nhất than vãn: “Tôi là biểu tượng của Thái Bình và Hòa Thuận. Thế nhưng thời nay,
những cái đó thật chênh vênh, chông chênh. Thế giới hiếm khi không có gươm đao,
súng đạn, tranh chấp, cãi cọ,... giữa người với người – thậm chí vợ chồng, anh
em trong một nhà.” Thế rồi ngọn nến leo lét, ngọn lửa mờ dần, mờ dần,...
cho tới khi ánh sáng lụi tắt hoàn toàn.
Ngọn nến thứ hai
vừa lắc đầu vừa kể lể: “Tôi là Niềm
Tin. Thế nhưng trong thế giới này hình như tôi trở nên thừa thãi, như một
thứ xa xỉ. Biết bao kẻ sống theo thời không cần tới niềm tin.” Nói rồi ngọn
nến từ từ tắt, tỏa ra một làn khói trắng luyến tiếc.
Ngọn nến thứ ba than
phiền: “Ta là Tình Yêu, nhưng ta
không còn đủ sức để tỏa sáng nữa. Người ta gạt tôi ra một bên và không thèm
hiểu giá trị của tôi. Cứ nhìn thế giới mà xem, không thiếu những kẻ quên luôn
cả tình yêu đối với chính những người ruột thịt của mình.” Dứt lời, ngọn
nến vụt tắt.
Căn phòng trở nên
tối tăm. Chỉ còn một ngọn nến nằm ở góc xa vẫn tiếp tục phát ra ánh sáng, như
ngôi sao đơn độc giữa đêm tối âm u. Bất chợt, một cô bé bước vào phòng. Thấy ba
ngọn nến đã tắt, cô bé thốt lên: “Tại sao
các bạn không cháy nữa? Cuộc sống này luôn cần các bạn. Hòa Bình, Niềm
Tin, Tình Yêu phải luôn tỏa sáng chứ.”
Cây nến thứ tư
nãy giờ vẫn lặng lẽ cháy trong góc phòng khe khẽ đáp lời cô gái: “Đừng lo! Tôi là Hy Vọng. Nếu tôi còn cháy, mặc dù ngọn lửa rất mong manh, chúng ta
vẫn có thể thắp sáng lại Hòa Bình, Niềm Tin và Tình Yêu.” Mắt cô bé
sáng lên. Cô bé dùng cây nến Hy Vọng để thắp sáng lại các cây nến khác.
Niềm Hy Vọng rất
quan trọng. Nếu trái tim luôn cháy lên “ngọn lửa hy vọng,” dù chỉ leo lét và âm
ỉ, chúng ta sẽ tìm lại được những điều tốt đẹp khác cho cuộc sống: Tình yêu,
niềm tin và bình an. Thánh Don Bosco chia sẻ kinh nghiệm: “Càng khốn khó thì càng phải tin cậy vào Thiên Chúa.”
Hy vọng là Đức Cậy. Đức Cậy liên quan Đức Tin, vì có tin tưởng
thì mới trông cậy. Chúa Giêsu dạy chúng ta tin tưởng nơi Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài.” Sau khi nhận hỉ tín làm Mẹ Thiên Chúa và đi
thăm người Chị cũng vừa được hỉ tín làm mẹ của Gioan Tẩy Giả, Đức Maria đã xưng
tụng Lòng Thương Xót của Thiên Chúa: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những
ai kính sợ Người.” (Lc 1:50)
Tháng Mười Hai. Cuối năm. Nhưng là đầu năm Phụng vụ, Giáo
hội cho chúng ta sống trong một khoảng thời gian Mùa Vọng để chuẩn bị đón mừng Con
Thiên Chúa giáng sinh làm người, nhắc nhở chúng ta hướng vọng về Nước Trời, nơi
không còn Đức Tin và Đức Cậy, chỉ còn Đức Mến và sự Bình An vĩnh viễn. Thánh
Tiến sĩ Augustinô xác định: “Hồn con còn
xao xuyến mãi cho tới khi nào được an nghỉ trong Thiên Chúa.”
Mùa Vọng là Mùa Hy Vọng – trông đợi và mong ước điều tốt
lành nhất: Chúa Giêsu giáng sinh làm người. Đó là khởi đầu của sự bình an và
niềm hy vọng: Ơn Cứu Độ.
Lạy Thiên Chúa,
xin vì sự giáng sinh của Đấng Cứu Thế đem lại ƠN BÌNH AN và NIỀM HY VỌNG cho
mọi người thành tâm thiện chí. Xin giúp chúng con biết kiến tạo hòa bình, bảo
vệ công lý, và khơi nguồn hy vọng cho tha nhân. Chúng con cầu xin nhân danh
Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo Chân Lý, Dòng Đaminh Canada - 2014, và báo ĐMHCG, Dòng Chúa Cứu Thế Hoa Kỳ - 2015]
✽ Chữ Lương – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/12/chu-luong.html
✽ Tránh Trì Trệ Tâm Linh – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/tranh-tri-tre-tam-linh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment