Đạo hiếu là chuyện quanh năm, nhưng riêng Tháng
Mười Một được Giáo hội Công giáo dành để cầu nguyện cho các linh hồn,
đồng thời nhắc nhở mọi người nhớ tới tiền nhân, nhất là cha mẹ mình. Điều đó
chứng tỏ Giáo hội Công giáo quan tâm chữ Hiếu chứ không như những người ngoài
Công giáo hiểu lầm!
Tột cùng Thiện không gì bằng Có Hiếu, tột
cùng Ác không gì bằng Bất Hiếu. Đó là đạo làm người. Dù là ai trong tôn giáo
hay cuộc sống đời thường, từ kẻ cùng đinh trong xã hội tới người có quyền lực
cao nhất, trước tiên người ta phải LÀM NGƯỜI, tức là có Đạo Làm Người. Không
giữ Đạo Làm Người thì kẻ đó phải bị nguyền rủa.
Kinh thánh dạy: “Mỗi người phải kính sợ cha mẹ” (Lv 19:3), “Bất cứ người nào nguyền
rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Nó đã nguyền rủa cha mẹ, thì máu nó đổ xuống đầu
nó” (Lv 20:9), và “Đáng nguyền rủa thay kẻ khinh dể cha mẹ!” (Đn 27:16).
Với người Công giáo, nhà có người qua đời được gọi là “Nhà Hiếu”. Chắc hẳn
không phải ngẫu nhiên mà tiền nhân đã dùng hai chữ đó! Và Hiếu cũng là một đạo:
Đạo Hiếu. Đạo là đường ngay nẻo chính mà ai cũng phải bước theo suốt đời!
Trong một buổi phát sóng của chương trình “Bạn Hãy Nói Với Chúng Tôi” lúc 22 giờ
30 (hằng ngày phát trên kênh VOV, hệ 2) có một câu chuyện thật thương tâm về
tình mẫu tử. Nghe xong chắc hẳn ai cũng phải “nóng máu” mà thương cho bà cụ và
căm phẫn đứa con “xác người, dạ thú” kia!
Bà cụ năm nay đã 81 tuổi, ở Hà Nội (rất tiếc
là nhà đài không cho biết tên tuổi và nơi ở cụ thể, vì lý do “tế nhị”). Chồng
bà đã mất lâu. Bà một mình nuôi 3 đứa con: Đứa con trai lớn là con nuôi, 53 tuổi;
đứa con thứ hai 45 tuổi; và đứa con gái thứ ba 42 tuổi. Các con bà đã có gia
đình riêng. Cha mẹ luôn yêu thương con cái. Với người Bắc và người Trung, cha
mẹ yêu con đến nỗi quên mình và không mong con các sẽ đền đáp (người Nam thì
nuôi con và hy vọng chúng sẽ đền đáp). Với bà cụ đau khổ kia cũng coi con trai
là “của để dành” – vì dân Việt thường ảnh hưởng sâu nặng quan niệm “nhất nam
viết hữu, thập nữ viết vô” (1 con trai coi là “có”, 10 con gái coi như “không”).
Đứa con nuôi và cô con gái út không có vấn
đề gì. Đứa con trai 45 tuổi do bà rứt ruột đẻ ra lại có vấn đề nghiêm trọng. 19
năm anh ta lấy vợ thì bà ăn riêng 18 năm, dù ở chung nhà. Vì tuổi cao sức yếu,
nay ốm mai đau, bà mới ăn chung và “lệ thuộc” vào vợ chồng anh ta khoảng 1 năm
nay. Khi bà nằm bệnh viện, anh ta thường xuyên vào thăm và “rỉ tai” khiến bà ký
giấy cho xong, vì bà quá mệt mỏi cả tinh thần lẫn thể lý. Thế là anh ta tráo
trở, làm sổ đỏ và tách hộ khẩu, đất đai do anh ta đứng tên. Anh ta đã lừa chính
mẹ ruột mình!
Chuyện không chỉ vậy. Hàng ngày, anh ta luôn
“kiếm chuyện” la hét bà, mọi thứ đều đổ lỗi cho bà, thậm chí là đánh đập bà như
cơm bữa mà không hề thương tiếc. Cô con dâu là giáo viên cấp I (sic!), đã không
can ngăn chồng làm ác mà còn “đổ dầu vào lửa”. Cô ta cũng kiếm chuyện “đá thúng
đụng nia, đá mèo khoèo rế”, vào hùa với chồng để hành hạ mẹ. Cứ đến bữa cơm thì
cô ta lại la rầy đứa con: “Già rồi còn ngu”. Mới đây, không biết cô con dâu
giáo viên “to nhỏ” với chồng thế nào mà anh ta tức tốc về nhà tát bà cụ mấy
cái, rồi đuổi bà cụ ra khỏi nhà.
Cô con gái út nhiều lần khuyên can anh nhưng
vô ích. Anh ta còn dõng dạc tuyên bố: “Quyền
ở tay ông, lôi thôi ông đuổi khỏi nhà. Có tiền không chịu bỏ ra, chết ông bỏ
thối”. Nghe những lời anh ta nói mà “nổi da gà” và “rởn tóc gáy”. Vì tham
lam mà anh ta bất chấp đạo lý làm người, đạo là con với mẹ mình! Thật vậy, lòng
tham không có đáy, “dù đá có biến thành vàng thì lòng người vẫn không thỏa mãn”
(Ngạn ngữ Trung Hoa).
Balze nói: “Lòng Mẹ là vực sâu mà dưới đáy luôn có sự bao dung”. Nhưng bà cụ
kia đã chịu đựng quá nhiều, bà đã kiệt sức, cuối đời mà bà không được thanh
thản. Và nay bà làm đơn kiện đứa con “trời đánh” đó, nhưng lòng người mẹ còn
băn khoăn không biết bà làm vậy có quá đáng không.
Ước mong sao những người con hãy tỉnh thức
mà báo hiếu phần nào với song thân phụ mẫu – dù không bao giờ có thể đền ơn đáp
nghĩa đủ, nếu không sẽ không còn cơ hội, vì Petit Sein đã xác định: “Cái chết của người mẹ là nỗi đau buồn thứ
nhất khi người ta khóc mà không có mẹ bên cạnh dỗ dành”.
Người ta có thể chọn nhiều thứ nhưng không
thể chọn cha mẹ, dù cha mẹ có thế nào thì vẫn là người sinh thành và dưỡng dục,
dù con có lớn mấy (thành cha mẹ, thành ông bà) thì cũng vẫn là con của cha mẹ
mình. Công lao sinh dưỡng lớn lao lắm:
Công cha nặng lắm, ai ơi!
Nghĩa
mẹ bằng trời chín tháng cưu mang
Người ta có thể tìm lại được nhiều thứ đã mất, nhưng không bao giờ tìm lại được cha mẹ đã mất. Khi các ngài qua đi, không còn trên cõi đời này, chúng ta sẽ cảm thấy hụt hẫng, trống vắng, để rồi...
Chiều chiều ngó ngược ngó xuôi
Ngó
không thấy mẹ, bùi ngùi nhớ thương!
Chữ Hiếu lớn lao và quan trọng lắm. Chẳng ai trả công sinh dưỡng đúng mức cho cha mẹ, mà chính các ngài cũng chẳng mong con cái đáp đền, nhưng làm người phải biết đạo làm người, và làm con phải biết đạo làm con – dù người đó là ai:
Lo đêm rồi lại lo ngày
Ở sao
hiếu thảo cho tày phận con
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment