Hạnh phúc và đau khổ là vấn đề muôn thuở. Kẻ khổ và người sướng, kẻ khóc và người cười, xui và hên, rủi và may,... cũng là vấn đề thiên thu vạn đại, như “phần cứng” của máy vi tính đã được “cài đặt” sẵn, không thể gỡ ra (uninstall), người ta muốn làm gì thì làm, cứ khởi động lại máy (restart) thì lại trở về trạng thái mặc định (default) – vì tất cả đã được “đóng băng” (deep freeze). Người Việt cũng có cách “mặc định” riêng: “Người ăn không hết, kẻ lần không ra.” Mãi mãi là một ẩn số cuộc đời!
Trong cuộc sống
đời thường, “tỷ lệ” hoặc “cấp độ” sướng hay khổ được người ta dựa trên một
“phần mềm” (software) như dạng mặc định: Tiền bạc. Như người ta thường nói: “Có tiền mua tiên cũng được.” Xem chừng
tiền có sức mạnh vạn năng như một thần linh, thế nên người ta gọi là Thần Tài.
Vị Thần này được người ta tôn sùng rất đa dạng và tinh vi. Vì người ta tôn sùng
“vị thần” này ở dạng nào đó, thế nên bất kỳ mối quan hệ nào có “đụng chạm” đến
tiền bạc thì khó mà bền vững. Thậm chí “vị thần” này còn len lỏi cả vào tôn
giáo!
Tiền bạc là lưỡi
gươm bén nhọn hai lưỡi. Louisa May Alcott nhận định: “Tiền bạc là gốc rễ của cái ác,
và nó lại là một cái rễ hữu ích đến
mức chúng ta không thể sống mà không có nó, cũng như chúng ta không thể sống mà
không có khoai tây.” (Money is the root of all evil, and yet it is such a
useful root that we cannot get on without it any more than we can without
potatoes.” Với người Tây phương là khoai tây, với người Việt là cơm gạo – như
người ta thường dùng “dây chuyền” Cơm-Áo-Gạo-Tiền. Cuộc sống nhiêu khê quá!
Tiền bạc là
“thước đo” cách sống, nó khiến người ta bận tâm không ngừng, thoát ly nó là
điều rất khó. Samuel Johnson: “Tiền bạc
và thời gian là những gánh nặng ghê gớm
nhất của cuộc đời, những kẻ bất hạnh nhất là những người sở hữu chúng nhiều
hơn mình có thể sử dụng.” (Money and time are the heaviest burdens of life,
the unhappiest of all mortals are those who have more of either than they know
how to use.) Vế hai trong câu nói này thật thú vị!
Báo chí cho biết
rằng, lương bổng của mấy “ông lớn” mỗi tháng vài trăm triệu đồng, trong khi
công nhân làm chỉ vài triệu đồng. Họ sống ung dung, trở thành đại gia trong
chốc lát, không tốn giọt mồ hôi nào. Họ dư tiền nên chiều chuộng con cái. Con
cái thoải mái hưởng “phúc ấm” nên cứ “vô tư” tiêu xài mỗi đêm khoảng một hoặc
hai trăm triệu tại các quán bar. Với họ chỉ là “chuyện nhỏ”! Vì tiền bạc mà
người ta đổ đốn, hư thân, mất nết. Và cũng vì tiền bạc mà người ta có thể phạm
tội ác tày trời, khắp nơi đây đó vẫn thấy xảy ra những vụ án sát nhân nghiêm
trọng liên quan ông Thần Tài.
Thánh Phaolô xác
định: “Cội rễ sinh ra mọi điều ác là lòng ham muốn tiền bạc, vì buông theo
lòng ham muốn đó, nhiều người đã lạc xa đức tin và chuốc lấy bao nỗi đớn đau
xâu xé.” (1 Tm 6:10) Người ham tiền bạc là người giả hình, ưa bề ngoài,
trọng hình thức, khoái lễ nghi,... vì “người Pharisêu vốn ham hố tiền bạc.” (Lc
16:14) Với mức độ nào đó, và dù là ai, chúng ta cũng đang có “nét” của dân
Pharisêu!
Xã hội nào cũng
có những “tay ăn chơi,” thường gọi là “dân chơi,” Tây hóa thì là Playboy. Người
giàu dư tiền bạc mới dám ăn chơi, người nghèo có muốn ăn chơi cũng chẳng có mà
dám. Nói chung, giới nào cũng có “kiểu ăn chơi” đặc thù. Phung phí khi mua một
món đồ chưa thực sự cần thiết, xài đồ xịn hoặc hàng hiệu để chứng tỏ mình có
“đẳng cấp” hoặc để lòe thiên hạ, đó cũng là một dạng “ăn chơi” vậy!
Người giàu thì
thường là “sang,” sống thoải mái, không phải “đau cái điền” (điên cái đầu) vì
phải “ăn bữa nay, lo bữa mai.” Vì sung sướng mà người ta dễ sa đà. Ngày xưa,
ngôn sứ Amốt đã cảnh cáo: “Khốn cho những
kẻ sống yên ổn tại Sion, và sống an nhiên tự tại trên núi Samari, họ
là những nhà lãnh đạo của dân đứng đầu các dân khiến nhà Ítraen phải đến cầu
cạnh.” (Am 6:1)
Tại sao? Ngôn sứ
A-mốt giải thích rạch ròi: “Chúng nằm dài
trên giường ngà, ngả ngớn trên trường kỷ mà ăn những chiên non nhất bầy, những
bê béo nhất chuồng. Chúng đàn hát nghêu ngao; như Đavít, chúng dùng nhạc cụ mà
sáng tác. Chúng uống rượu cả bầu, xức dầu thơm hảo hạng, nhưng chẳng biết đau lòng trước cảnh nhà Giuse
sụp đổ! Vì thế, giờ đây chúng sẽ bị lưu đày, dẫn đầu những kẻ bị lưu đày. Thế
là tan tác bè lũ quân phè phỡn!” (Am 6:4-7) Những từ ngữ chỉ trích rất
thẳng thắn, đau điếng, nhức buốt biết bao!
Chúng ta có “dính
líu” chút nào giống “phong cách ăn chơi” của họ? Liệu chúng ta có cho rằng “đó
là nói thiên hạ, chứ chẳng hề liên quan mình đâu!” hay chăng?
Thiên Chúa chí
thiện và chí minh, chúng ta sống sao thì Ngài xử vậy: “Chúa xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn.
Chúa giải phóng những ai tù tội, Chúa mở mắt cho kẻ mù loà. Chúa cho kẻ bị dìm
xuống đứng thẳng lên, Chúa yêu chuộng những người công chính. Chúa phù trợ
những khách ngoại kiều, Người nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn
ác nhân.” (Tv 146:7-8) Cái “nhưng” của Chúa mới đáng sợ đấy, không đùa đâu!
Tại sao? Vì “Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở và hiển trị ngàn đời.” (Tv
146:10)
Thánh Phaolô tha
thiết khuyên nhủ Thánh Timôthê: “Phần
anh, hỡi người của Thiên Chúa, hãy tránh xa những điều đó; hãy gắng trở nên
người công chính, đạo đức, giàu lòng tin và lòng mến, hãy gắng sống nhẫn nại và
hiền hoà. Anh hãy thi đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp vì đức tin, giành cho được
sự sống đời đời; chính vì sự sống ấy, anh đã được Thiên Chúa kêu gọi, và anh đã
nói lên lời tuyên xưng cao đẹp trước mặt nhiều nhân chứng.” (1 Tm 6:11-12) Những
lời khuyên như rót vào tai, nhưng không hề “đường mật.” Thánh Phaolô không chỉ
nói với Thánh Timôthê xưa kia, mà vẫn thực sự nói với mỗi chúng ta hôm nay nữa.
Thánh Phaolô nói
thêm: “Trước mặt Thiên Chúa là Đấng ban
sức sống cho mọi loài, và trước mặt Đức Kitô Giêsu là Đấng đã làm chứng trước
tòa tổng trấn Phongxiô Philatô bằng một lời tuyên xưng cao đẹp, tôi truyền cho
anh: Hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà
sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta, xuất hiện. Đấng sẽ cho Đức Kitô tỏ hiện vào đúng thời đúng buổi,
là Chúa Tể vạn phúc vô song, là Vua các vua, Chúa các chúa.” (1 Tm 6:13-15)
Qua đó, Thánh Phaolô cũng nhắc nhở chúng ta khi làm bất cứ cái gì cũng phải NHÂN
DANH ĐỨC KITÔ, làm chỉ vì Chúa mà thôi, chứ đừng ảo tưởng! Như Pythagore (triết
gia và nhà toán học, người Hy Lạp, 580-495 trước CN) nói: “Đừng thấy bóng mình to mà tưởng mình vĩ đại.” Thật là chí lý!
Quả thật, “chỉ
mình Người là Đấng trường sinh bất tử, ngự trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không
một người nào đã thấy hay có thể thấy. Kính dâng Người danh dự và uy quyền đến
muôn đời. Amen.” (1 Tm 6:16)
Dụ ngôn hôm nay (Lc
16:19-31) là dụ ngôn điển hình về chuyện giàu và nghèo, chuyện sướng và khổ: Phú hộ và Ladarô. Phú hộ là người giàu
nứt đố đổ vách. Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, người ta dùng câu “tứ đại phú
hộ” để chỉ bốn người giàu nhất Saigon, cũng như nhất miền Nam kỳ lục tỉnh và cả
Đông Dương thời đó. Để dễ nhớ, dân gian có câu Nhất Sỹ, [*] Nhì Phương,
Tam Xường, Tứ Định. Vị trí thứ tư còn được dành cho một số đại phú hộ khác
như Tứ Trạch, Tứ Hỏa hoặc Tứ Bưởi. Kiểu như Công tử Bạc
Liêu “đốt tiền nấu trứng tỏ ra mình giàu,” ngày nay gọi là “đại gia.” Còn ông
Huyện Sỹ, tuy giàu sụ nhưng ông đã biết xử lý đồng tiền theo hướng tốt lành và
hữu hiệu.
Chúa Giêsu kể dụ
ngôn về một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh
đình. Nhưng lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm
trước cổng ông nhà giàu, thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống
mà ăn cho no mà cũng chẳng được. Có mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta.
Thế rồi người nghèo này chết và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông
nhà giàu cũng chết và người ta đem chôn.
Dưới âm phủ, đang
khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên thấy tổ phụ Ápraham ở tận đàng xa, và
thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. Ông ta kêu xin: “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu
ngón tay vào nước, nhỏ trên lưỡi con cho mát; vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ
lắm!” (Lc 16:24) Ông Ápraham đáp: “Con
ơi, hãy nhớ lại: suốt đời con, con đã
nhận phần phước của con rồi; còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn
con thì phải chịu khốn khổ. Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực
thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được, mà bên đó có
qua bên chúng ta đây cũng không được.” (Lc 16:25-26) Hoàn toàn công bằng.
Thiên Chúa rất công bình và chính trực. Lẽ nào người nghèo khổ mãi chịu số phận
hẩm hiu? Nếu vậy thì hóa ra bất công!
Xin cho mình
không được, ông nhà giàu chuyển hướng: “Lạy
tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn
năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn
cực hình này!” (Lc 16:27-28) Ông Ápraham đáp: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó.” (Lc
16:29) Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Ápraham,
họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn
năn sám hối.” (Lc 16:30) Ông Ápraham đáp: “Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống
lại, họ cũng chẳng chịu tin.” (Lc 16:31) Cuộc đối thoại thật thẳng thắn,
minh bạch và rất thú vị!
Kẻ cố chấp thì
chẳng muốn nghe ai, luôn cho mình là đúng. Người ta thích những “sự lạ,” thấy
gì lạ cũng tưởng là Phép Lạ. Nhưng có thấy Phép Lạ thật thì cũng chẳng ăn thua
gì, bằng chứng là cách sống của họ không có gì thay đổi tích cực. Đó là những
người có cái tên nghe “kêu” lắm: Nguyễn Y Vân (vẫn y nguyên) và Vũ Như Cẩn (vẫn
như cũ) Họ thích GIỮ ĐẠO chứ không ham SỐNG ĐẠO, đôi khi hóa cuồng tín, mà
cuồng tín là phi tôn giáo. Hãy cẩn trọng!
Khi vui chẳng
thèm nhớ tới ai, khi nóng cứ trái tai mà sờ. Cái “trái tai” cũng khổ vì bị
chúng ta lợi dụng. Hối hận có thể đồng nghĩa với muộn màng, vì nước tới chân
thì làm sao nhảy kịp?
Chúa Giêsu bảo: “Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào
cũng có.” (Mt 26:11; Ga 12:8) Ngài “nhắc khéo” chúng ta về động thái bác ái
đích thực: Mở cả tấm lòng, mở cả đôi tay, và mở cả hầu bao. Đó là sống đạo,
sống đức ái, là chia sẻ, là cảm thông, là hiệp thông,... như Thánh Phaolô nói: “Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm
12:15)
Chúa Giêsu đã
từng bảo chúng ta “bán tài sản và đem cho người nghèo,” (Mt 19:21) khi đãi tiệc
thì “mời những người nghèo khó, tàn tật, què quật, đui mù.” (Lc 14:13) Làm vậy
để làm chứng về Thiên Chúa và được trở nên công chính. Chúa Giêsu nói đùa cho
vui chăng? Không hề, Ngài không hề nói bóng gió, mà Ngài nói rất thật, thật hơn
cả sự thật.
Mọi người như nhau, ai cũng vào thế gian với hai
bàn tay trắng, và khi rời thế gian cũng vẫn hai bàn tay trắng. Đó là điều chúng
ta PHẢI NHỚ. Nhớ không chỉ để mà nhớ như bài học thuộc lòng, mà nhớ để mà hành
động cho đúng Thánh Luật của Thiên Chúa: Mến Chúa và Yêu tha nhân.
Lạy Thiên Chúa, xin giúp cho chúng con biết chân
thành sống yêu thương và thể hiện lòng trắc ẩn để sống đức ái thực sự. Xin Ngài
điều khiển ngũ quan của chúng con để chúng con là những khí cụ hữu hiệu của
Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[*] Ông Huyện Sỹ tên thật là Philipphê Lê Phát Đạt (1841-1900), được Pháp phong Huyện hàm nên được gọi là Huyện Sỹ. Ông quê ở làng Bình Lập, tỉnh Tân An (nay là Thị xã Tân An, thuộc tỉnh Long An) Ông dành nhiều thời gian cho hoạt động phát triển nông nghiệp và truyền bá đạo Công giáo. Ông còn tài trợ xây Nhà thờ Huyện Sỹ (Chợ Đũi, quận I, Saigon) ngay trên phần đất của ông. Cháu ngoại ông là Nguyễn Hữu Thị Lan (con bà Lê Thị Bính) được gả cho vua Bảo Đại, và được gọi là Nam Phương Hoàng Hậu.
✽ Ân Hận – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/09/an-han.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment