Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2024

CẦU NGUYỆN NHƯ TLTT GABRIEL

Lần đầu tiên chúng ta tìm thấy thuật ngữ “truyền bá Phúc Âm” trong Kinh Thánh – Phúc Âm Thánh Luca, và người truyền bá Phúc Âm đầu tiên là một sứ thần đã hiện ra với Daniel trong Cựu Ước: Tổng Lãnh Sứ thần Gabriel. TLTT Gabriel xuất hiện là sứ giả của Đấng Tối Cao, đem theo Tin Mừng Cứu Rỗi trong hai cuộc truyền tin – một lần cho ông Dacaria, hoàn tất hy vọng của dân Israel, và lần thứ hai cho Trinh Nữ Maria, Mẹ của Đấng Cứu Thế, vượt quá mọi hy vọng.

TRUYỀN TIN

Trong Phúc Âm Thánh Luca, chúng ta đọc thấy rằng tư tế Dacaria được gọi đến để phục vụ theo nhiệm kỳ tại Đền Thờ Giêrusalem, và bằng cách rút thăm, ông được chọn để dâng hương tại Nơi Cực Thánh. Lúc đó, Chúa sai sứ thần đến nói chuyện với ông Dacaria để tiết lộ cho ông kế hoạch của Ngài về sự mở ra của lịch sử cứu độ và vai trò của ông trong sự xuất hiện của Đấng Mêsia.

Sứ thần Thiên Chúa xuất hiện, đứng bên phải bàn thờ. Ông Dacaria vô cùng kinh ngạc trước cảnh tượng đó, và sứ thần nói với ông, lời nói và giọng điệu của sứ thần vang vọng cả sức mạnh và lòng tốt như sứ thần đã nói với Daniel. Khi sứ thần tiếp tục sứ điệp, lời nói của sứ thần không chỉ cho thấy sự hoàn tất kế hoạch của Thiên Chúa mà còn cho thấy sự chữa lành cho gia đình nhân loại: “Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy Thánh Thần. Em sẽ đưa nhiều con cái Israel về với Đức Chúa là Thiên Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlia, em sẽ đi trước mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón Chúa.” (Lc 1:14-17)

Mặc dù có nhận ​​thức riêng và sự xuất hiện của sứ thần, ông Dacaria vẫn đầu hàng sự nghi ngờ. Câu trả lời của sứ thần không để lại nghi ngờ gì rằng đó là sứ điệp của Thiên Chúa: “Tôi là Gabriel, hằng đứng chầu trước mặt Thiên Chúa, tôi được sai đến nói với ông và loan báo tin mừng ấy cho ông. Và này đây ông sẽ bị câm, không nói được, cho đến ngày các điều ấy xảy ra, bởi vì ông đã không tin lời tôi, là những lời sẽ được ứng nghiệm đúng thời đúng buổi” (Lc 1:19-20)

Theo thông lệ, vị tư tế sẽ chúc lành cho những người đứng xem khi ra khỏi nơi thánh, nhưng ông Dacaria không thể nói được lời nào. Sứ điệp cứu độ vẫn ở trong lòng ông và chỉ tỏ ra bằng dấu hiệu thì ông mới có thể truyền đạt cho những người xung quanh biết rằng có điều gì đó kỳ lạ đã xảy ra.

Để hiểu sâu sắc hơn thông điệp mà sứ thần Gabriel đã truyền cho Mary tại Nazareth và suy ngẫm về nó trong lời cầu nguyện của chúng ta, chúng ta phải lưu ý đến sự khác biệt giữa hai lần hiện ra này, hai lần truyền tin này. Mặc dù Thánh Luca mô tả sứ thần hiện ra với Dacaria trong Đền Thờ của Thiên Chúa, nhưng mô tả của ông về cùng một sứ thần đến với Trinh Nữ Maria lại khá khác biệt. Thánh sử chỉ cho biết: “Bà Êlidabét có thai được sáu tháng thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: ‘Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà’.” (Lc 1:26-28)

Mặc dù ông Dacaria sợ hãi khi sứ thần xuất hiện, Thánh Luca nói rằng Đức Maria không sợ hãi chút nào khi sứ thần đến với bà. Tuy nhiên, Phúc Âm chỉ ra hai lần rằng Đức Maria “bối rối” bởi những lời của sứ thần khi gọi bà là “Đấng đầy ân sủng” và sau đó khi ông tiết lộ sứ mệnh mà bà đã được Thiên Chúa tuyển chọn.

CẦU NGUYỆN VỚI TLTT GABRIEL

Có một số điều chúng ta nên nghiên cứu trong câu chuyện này mà chúng ta có thể chưa để ý đến trước đây, bất kể chúng ta đã suy ngẫm về những lời này và cầu nguyện Kinh Kính Mừng và Kinh Thiên Sứ bao nhiêu lần. Việc ghi ngày tháng (ngày 24 tháng 6) có thể ám chỉ đến thời kỳ mang thai của bà Êlidabét. Tuy nhiên, một số nhà bình luận cho rằng điều này cũng có ý nghĩa tượng trưng. Tiên tri Khácgai cho biết rằng dưới triều vua Dariô, vào tháng thứ sáu, dân Israel bắt đầu xây dựng lại Đền Thờ Giêrusalem – Nhà Chúa. (Kg 1:14-15) Bấy giờ sứ thần đến thông báo rằng Chúa Tối Cao đang chuẩn bị một Hòm Bia Mới cho Giao Ước Mới.

Đức Maria không sợ trước sự xuất hiện của sứ thần. Trong Cựu Ước, khi ai đó nhìn thấy sứ thần lần đầu tiên, người đó luôn kinh ngạc và sợ hãi vì sứ thần mang trên mình thẩm quyền và vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng Đức Maria không phản ứng như vậy. Mô tả về cuộc viếng thăm của sứ thần Gabriel có vẻ rất bình thường. Sứ thần bước vào nhà – không phải là Nơi Cực Thánh thiêng liêng và bí ẩn, mà vào một ngôi nhà bình thường. Ngài bước vào như thể ngài đã quen làm vậy, cách thực hành không thường gắn liền với các sứ thần của Thiên Chúa Tối Cao.

Sứ thần nói với bà: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” (Lc 1:31-33)

Đó là sứ điệp vui nhất mà một sứ thần từng được ban cho để truyền đi. Đó là sự mặc khải về Sự Nhập Thể của Con Thiên Chúa, sự kết hợp của Đấng Tạo Hóa và thụ tạo trong sự kết hợp của thể xác, máu, linh hồn và thần tính. Nó biểu thị hôn lễ của Thiên Đàng và trái đất, bình minh của tiệc cưới vĩnh hằng. Nó đan xen bản chất của Đứa Trẻ sắp chào đời này là Đấng từ muôn đời và cách Ngài sẽ được các thế hệ chưa chào đời nhìn thấy và biết đến. Hãy đọc lại những lời này và nghĩ về cảm giác của TLTT Gabriel khi ngài nói điều đó lần đầu tiên, trong sự sáng suốt trí tuệ của ngài. Ngài chờ đợi với sự mong đợi về phản ứng của Phụ Nữ mà cả Thiên Đàng kinh ngạc.

Đức Maria không bị câm như ông Dacaria, nhưng sứ thần trả lời bà một cách ngắn gọn: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” (Lc 1:35) Sứ thần tiếp tục nói rằng người chị họ Êlidabét, vợ ông Dacaria, cũng đang mang thai, “vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” (Lc 1:36-37) Sứ thần ban cho Đức Maria một dấu hiệu mà bà đã không cầu xin và trước những lời của Ngài – hài hòa tất cả những gì bà đã hiểu về ý Chúa đối với bà và Thánh Giuse, và rất rõ ràng, rất phong phú với thẩm quyền của Thiên Chúa – Đức Maria thưa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1:38)

Trong hành động đức tin yêu thương và tin tưởng này, Giáo hội tìm thấy một lời luôn sinh hoa trái cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Dù là nam hay nữ, trẻ hay già, chúng ta phải học cách lặp lại lời đáp trả hoàn hảo của Đức Maria đối với thánh ý Chúa: “Tôi là nữ tỳ của Chúa. Xin ý Ngài được thực hiện trong tôi, qua tôi, bởi tôi, bây giờ và mãi mãi.” Hai từ ngữ Latin thường được dùng để tóm tắt lời đáp trả của Đức Mẹ Vô nhiễm và việc chúng ta “tiếp nhận” các ngài trong đời sống thiêng liêng của chính mình: Ecce (Hãy nhìn xem) và Fiat – Xin hãy thực hiện). Cùng với chữ Magnificat, cụm từ mở đầu bài thánh ca của Đức Mẹ gửi đến bà Êlidabét (“Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”), những chữ này tạo thành cấu trúc bên trong của việc chúng ta noi gương Đức Maria – vâng phục, tín thác và tạ ơn.

Khi Đức Mẹ nói những lời này, Chúa Thánh Thần thực sự đã phủ bóng lên Mẹ và Ngôi Lời đã trở thành xác phàm trong Nhà Tạm là thân xác Đức Mẹ. Vào khoảnh khắc đó, Mẹ trở thành Hòm Bia và Nhà Tạm của Giao Ước Mới, Người Mang Tình Yêu của Thiên Chúa. Ngài sẽ là Emmanuel, Thiên Chúa Ở Giữa Chúng Ta, hoàn tất dấu chỉ của Đền Thờ cổ xưa trong chính thân thể của Ngài.

Sứ thần Gabriel sấp mình xuống trước mặt Đức Maria để thờ lạy Thiên Chúa làm người. Bây giờ sứ thần thấy rõ sự ứng nghiệm của thử thách. Người ta tin rằng thử thách có liên quan sự xuất hiện của Ngôi Lời làm người – rằng các sứ thần, và thực sự toàn thể thụ tạo sẽ phải quỳ xuống để thờ phượng Thiên Chúa toàn năng, Thiên Chúa Con trong hình hài con người. Sự khiêm nhường và lòng trung thành của các sứ thần hướng đến khoảnh khắc này, và điều đó đã diễn ra, khi Ngôi Lời trở nên xác phàm trong Đức Maria – và TLTT Gabriel hạ mình trước Ngài. Do đó, TLTT Gabriel không chỉ là người loan báo đầu tiên về Tin Mừng Cứu Độ khi nói chuyện với ông Dacaria, mà giờ đây sứ thần là người đầu tiên thờ lạy Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, sống trong Đức Maria. Đó là khoảnh khắc sâu sắc, không chỉ đối với lịch sử cứu độ, mà còn đối với mỗi người chúng ta.

Thật vậy, nhiều nhà thờ Âu châu được xây dựng vào thời Trung Cổ có hình ảnh của sứ thần Gabriel và Đức Mẹ ở hai bên cửa chính. Do đó, để vào nhà thờ, bạn phải trải qua Mầu Nhiệm Nhập Thể và nhận thức về mặt tâm linh những lời của sứ thần Gabriel và sự đáp trả đầy yêu thương của Đức Maria. Bằng cách đó, bạn bước vào mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Kitô, được thể hiện một cách tượng trưng bằng chính nhà thờ, và cuối cùng đến bàn thờ của Chúa Kitô vinh quang, Đấng đang ngự trên Thiên Đàng.

Khi chúng ta nguyện Kinh Kính Mừng hoặc Kinh Truyền Tin, chúng ta không chỉ đọc lời cầu mà còn đi sâu vào Mầu Nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa cúi xuống với chúng ta qua sự khiêm nhường và lòng tin tưởng của Đức Maria, Nữ Tỳ của Thiên Chúa. Suy niệm về Cuộc Truyền Tin có thể lấp đầy trái tim chúng ta với nỗi khát vọng mãnh liệt yêu mến và phục vụ Thiên Chúa để Chúa Kitô có thể nhập thể trong chúng ta. Sự đồng hành của các thiên thần, nhất là thiên thần bản mệnh, giúp chúng ta hiểu cách Ngôi Lời nhập thể trong chúng ta.

Điều này không xảy ra qua sự nhập thể, như đã xảy ra với Đức Mẹ. Thay vào đó, mỗi người chúng ta phải học cách trao cho Chúa Kitô cuộc sống của chúng ta – cơ thể, tài năng, trí tuệ, trái tim, công việc của chúng ta,... tất cả những gì của chúng ta. Chúng ta phải trở nên giống như Đức Mẹ, Nữ Tỳ của Thiên Chúa, và hiến dâng chính mình cho Ngài. Nếu chúng ta cầu xin TLTT Gabriel, người đã đem Tin Vui đến cho Đức Mẹ, giúp đỡ chúng ta, nhất là khi chúng ta tôn thờ Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể hoặc chiêm ngưỡng các mầu nhiệm của Ngài trong Kinh Mân Côi, TLTT Gabriel có thể truyền cảm hứng cho chúng ta một số tình cảm mà ngài đã trải qua – sự ngạc nhiên và kính sợ, sự hấp dẫn và lòng tôn kính đối với kế hoạch của Thiên Chúa.

Chúng ta hãy cầu xin sứ thần ở cùng chúng ta và thực hiện trong chúng ta cùng một chức vụ mà ngài đã chỉ cho Đức Maria – để công bố ý Chúa cho chúng ta một cách rõ ràng và để loại bỏ những trở ngại có thể cản trở ý Chúa sinh hoa trái trong chúng ta. Chúng ta hãy cầu xin TLTT Gabriel dạy chúng ta cách chấp nhận các dấu chỉ tình yêu của Thiên Chúa, các dấu chỉ về quyền năng của Ngài và sự trọn vẹn của thực tại Nhập Thể của Chúa Giêsu.

LM JOHN HORGAN

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

NGHỀ và NGHIỆP

I. NGHỀ NGHIỆP CỦA 12 TÔNG ĐỒ

1. Anrê – ngư dân.
2. Batôlômêô [Nathanaen] – học giả.

3. Giacôbê Lớn [Tiền] – thương gia.
4. Giacôbê Nhỏ [Hậu] – dân trong làng.

5. Gioan – ngư dân.
6. Giuđa Ítcariốt – thủ quỹ phản bội.

7. Giuđa [Tađêô] – dân trong làng.
8. Mátthêu [Lêvi] – nhân viên thuế vụ.

9. Phêrô – ngư dân.
10. Philípphê – Nhà giảng thuyết.

11. Simon Nhiệt Thành – liên quan chính trị.
12. Thomas – dân trong làng.

II. CÁI CHẾT CỦA 12 TÔNG ĐỒ

1. Anrê – bị đóng đinh vào thập giá chữ X.
2. Batôlômêô [Nathanaen] – bị lột da.

3. Giacôbê Lớn – tử đạo tiên khởi.
4. Giacôbê Nhỏ – bị cưa nhiều khúc.

5. Gioan – chết tự nhiên tại đảo Patmos.
6. Giuđa – tự treo cổ.

7. Giuđa [Tađêô] – bị tên bắn.
8. Mátthêu [Lêvi] – tử đạo ở Ethiopia.

9. Phêrô – bị đóng đinh ngược vào thập giá.
10. Philípphê – bị treo cổ.

11. Simon Nhiệt Thành – tử đạo.
12. Thomas – bị giáo đâm.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment