Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2024

NGƯỜI NGAY MẮC OÁN

Câu thành ngữ “trung ngôn nghịch nhĩ” (Hán-Việt) bắt nguồn từ giai thoại 55 về quân sư tài ba Trương Lương (năm 262 đến năm 189 trước CN). Câu chuyện này được ghi chép trong Sử Ký Tư Mã Thiên – Bộ Sử Ký của sử gia lỗi lạc Tư Mã Thiên (năm 135 đến năm 86 trước CN) gồm hơn 130 thiên, ghi lại giai đoạn lịch sử từ năm 2600 đến năm 86 trước CN.  Câu “trung ngôn nghịch nhĩ” ý nói rằng những lời khuyên chân thành thường nghe không thuận tai và khiến người ta khó chấp nhận.

Đời nhà Hán (năm 206 trước CN đến năm 23 sau CN), Hán cao tổ Lưu Bang sống xa hoa với hàng ngàn cung phi mỹ nữ. Phàn Khoái khẩn thiết tấu trình: “Tâu bệ hạ, ngài thấy trong cung có vô số châu báu và hàng nghìn mỹ nữ. Tất cả những thứ này chính là điều đã làm nhà Tần suy vong. Thần mong bệ hạ lập tức trở về doanh trại, bệ hạ không thể ở lại trong cung.”

Tuy nhiên, Lưu Bang bỏ ngoài tai những lời can gián của Phàn Khoái. Nghe vậy, Trương Lương vẫn dám nói thẳng: “Tần vương sống xa hoa, hung bạo và hủ bại. Đó là lý do dân chúng nổi dậy lật đổ ông ta và đánh bại quân Tần. Bệ hạ vừa mới lật đổ một Tần vương hung bạo bức bách dân chúng.” May thay, Lưu Bang đã nhận ra sai lầm mà quay về doanh trại và chấn chỉnh cách sống.

“Trung ngôn nghịch nhĩ” nghĩa là lời nói ngay thẳng thì nghe chướng tai. Người ta cũng nói “thuận ngôn nghịch nhĩ,” và được Việt hóa thành “nói thật mất lòng.” Thế nhưng “thuốc đắng dã tật” (có người nói là “giã,” “đã” hoặc “đả”) là sự thật minh nhiên. Người dám nói thật là người can đảm, nhưng phải khôn ngoan để phân định nên nói lúc nào, nơi nào và với ai. Nói không đúng lúc, không đúng chỗ và không đúng người sẽ phản tác dụng. Tuy nhiên, PHẢI NÓI THẬT VÌ CÔNG ÍCH chứ không để chứng tỏ “bản lĩnh” hoặc “trình độ” của mình. Và có thể lợi bất cập hại!

Kinh Thánh nhắn nhủ: “Dù phải chết, con hãy phấn đấu cho sự thật, và Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ bênh vực con.” (Hc 4:28) Chính Chúa Giêsu đã nêu gương này, Ngài thường xuyên nói những điều thật khiến người Do Thái lùng bùng lỗ tai, nhất là các kinh sư và nhóm Biệt Phái. Và tấm gương nổi bật về việc bảo vệ sự thật là Thánh Gioan Tẩy Giả, vì ngài đã dám nói thật, dù biết mình sẽ thua thiệt, khi ngài lên tiếng ngăn cản Hêrôđê lấy vợ của người anh – tức là chị dâu của ông ta. (x. Mc 6:17-29; Mt 14:3-12)

Cả Hêrôđê và Hêrôđia không chỉ phạm tội ngoại tình mà còn phạm tội loạn luân nữa!

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment