Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

BÁNH và CÁ

Một Ít Thực Phẩm Thành Phép Lạ
Hàng Ngàn Con Người Được Ăn No

Trình thuật Ga 6:1-15 (≈ Mt 14:13-21; Mc 6:30-44; Lc 9:10-17) nói về phép lạ hóa bánh ra nhiều mà Chúa Giêsu đã làm. Trong phép lạ này có sự hiệp nhất: Đủ loại người nhưng họ đồng tâm nhất trí tụ họp bên Chúa để cùng NÊN MỘT và được nghe lời khôn ngoan của Ngài. Vì thế, Ngài chạnh lòng thương họ lắm.

Hôm đó, bên Biển Hồ Galilê – Biển Hồ Tibêria, có đông đảo dân chúng đi theo Chúa Giêsu, bởi họ từng được chứng kiến những dấu lạ Ngài làm cho những kẻ đau ốm. Thời gian đó sắp đến lễ Vượt Qua, đại lễ của người Do Thái. Ngài lên núi và ngồi với các môn đệ. Ngước mắt lên, Ngài nhìn thấy đông đảo dân chúng đến với mình, Ngài thấy thương họ, và Ngài hỏi ông Philípphê: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Ngài đã biết mình sắp làm gì nhưng Ngài nói thế là để thử ông mà thôi.

Ông Philípphê kinh ngạc: “Thưa, có mua đến hai trăm quan tiền bánh cũng chẳng đủ cho mỗi người một chút.” Hai trăm quan tiền là số tiền lớn, dù chưa bằng số tiền giá chiếc bình dầu thơm mà người phụ nữ tội lỗi xức chân Chúa Giêsu tại nhà ông Simôn Cùi ở làng Bêtania: Ba trăm quan tiền, (x. Mt 26:6-13; Mc 14:3-9; Ga 12:1-8) nhưng lại gấp nhiều lần số tiền ông Giuđa bán Thầy của mình: Ba mươi đồng. (x. Mt 26:15)

Bất ngờ ông Phêrô nhanh tay lẹ mắt nên liền thưa: “Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!” Chúa cười: “Anh em cứ bảo người ta ngồi xuống đi.” Không biết Thầy làm gì nhưng các ông vẫn vâng lời. Họ bảo người ta ngồi xuống cỏ, nguyên số đàn ông khoảng năm ngàn, nếu tính cả phụ nữ và trẻ em có thể tới cả chục ngàn người. Sau đó, Chúa Giêsu cầm bánh và tạ ơn, rồi phân phát cho họ. Cá nhỏ cũng phân phát như vậy, ai muốn ăn bao nhiêu tùy ý.

Khi họ đã no nê rồi, Ngài bảo các môn đệ thu lại những miếng thừa kẻo phí. Chúa Giêsu rất tiết kiệm, không hề lãng phí, điều này nhắc chúng ta phải biết quý miếng ăn, biết nghĩ đến những người đang đói khổ. Các ông đi thu những miếng thừa của năm chiếc bánh lúa mạch được mười hai thúng. Phần dư còn nhiều hơn phần gốc. Quá đỗi kỳ diệu! Thế nên mọi người rỉ tai nhau: “Hẳn ông này là vị ngôn sứ, Đấng phải đến thế gian!” Chúa Giêsu biết họ sắp đến bắt mình đem đi mà tôn làm vua, nên Ngài lánh mặt và lên núi một mình. Lại một bài học đắt giá nữa: Đừng coi trọng danh vọng, đừng tự tôn, đừng thấy người ta khen mà tưởng mình hơn người khác. Quan nhất thời, dân vạn đại. Tất cả sẽ qua đi, ngay cả những gì mình sở hữu cũng không thuộc về mình. Cuộc đời cũng chỉ còn lại tình yêu, lòng thương xót, ba nhân đức đối thần rồi cũng chỉ còn Đức Mến mà thôi.

Phép lạ hóa bánh ra nhiều là “dấu chỉ” báo trước về Bí tích Thánh Thể, và cho chúng ta biết rằng nhu cầu ăn uống liên quan chuyện sinh tồn – cả thể lý và tâm linh. Biết chăm lo cho mình thì cũng phải biết chăm lo cho người khác: Yêu người như yêu mình. Chúa Giêsu dạy phải biết chạnh lòng thương mà quan tâm nhu cầu thiết yếu của người khác. Quả thật là “có thực mới vực được đạo.” Thể lý yếu đuối có thể ảnh hưởng tinh thần, trí tuệ và tâm linh. Thể xác cần ăn uống để sống khỏe mạnh thì linh hồn cũng cần nuôi dưỡng để sinh tồn. Chúa Giêsu đã xác định: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra.” (Mt 4:4; Lc 4:4; Đnl 8:3)

Một trong những điều thiết yếu trong lời cầu mà chính Chúa Giêsu đã dạy qua Kinh Lạy Cha: “Xin Cha cho chúng con hôm nay LƯƠNG THỰC hằng ngày…” (Mt 6:9-13; Lc 11:2-4) Chuyện ăn uống là điều cần thiết và cơ bản nhất để con người khả dĩ duy trì sự sống. Trước tiên, người ta cần ăn no và mặc ấm; sau đó mới có thể phấn đấu để ăn ngon và mặc đẹp. Vả lại, chuyện ăn uống được người ta coi là “đệ nhất khoái” trong “tứ khoái” của con người bình thường, và là thứ cần phải học đầu tiên trong bốn thứ cần học khi vào đời: Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Chúa Giêsu rất thực tế. Ngài chăm lo những gì cần thiết nhất: Ăn uống. Ngài luôn quan tâm người nghèo, tại nhà ông Simôn ở Bêtania, khi có một phụ nữ xức dầu chân Ngài bằng dầu thơm cam tùng hảo hạng, Ngài đã xác định: “Người nghèo thì bên cạnh anh em lúc nào cũng có.” (Ga 12:8; Mt 26:11; Mc 14:7) Thánh Giacôbê cũng khuyên chúng ta “phải kính trọng người nghèo.” (Gc 2:1-13)

Người khổ không hẳn là người nghèo, nhưng người nghèo thì chắc chắn khổ – thậm chí còn khốn đốn vì luôn bị khinh miệt, bị xa lánh, bị ghét bỏ. Vả lại, đáng quan ngại là vì “lý lẽ của người nghèo không được ai nghe thấy.” (Thomas Fuller) Có lẽ vì vậy mà người Việt thường “ghép đôi” hai tình trạng này thành một: Nghèo khổ. Mahatma Gandhi nói: “Sự nghèo đói là hình thức bạo lực tồi tệ nhất.”

Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi người nghèo, vì thế họ luôn tin tưởng và nhủ thầm: “Có Thiên Chúa phù trì, thân con đây, Chúa hằng nâng đỡ.” (Tv 54:6) Và họ luôn tâm niệm: “Con tự nguyện dâng Ngài lễ tế, lạy Chúa, con xưng tụng danh Ngài, thật danh Ngài thiện hảo, vì Chúa giải thoát con khỏi mọi gian nguy, và con đã dám nghênh bọn địch thù.” (Tv 54:8-9)

Chuyện ăn uống rất bình thường mà lại quan trọng. Thật vậy, chuyện ăn uống còn liên quan vấn đề kinh tế và chính trị, đồng thời cũng là vấn đề cơ bản trong Giáo huấn Xã hội của Giáo hội Công giáo. Hiền triết Trang Tử nhận định: “Cản trở con người sống vui vẻ, tước đoạt khả năng dệt vải, may mặc, cày cấy, ăn uống, mà lại tô vẽ nó như là nhân nghĩa, đó là tội ác của thánh nhân.” Đó là dạng giả nhân giả nghĩa mà Chúa Giêsu rất ghét, Ngài đã 8 lần nguyền rủa họ là “đồ khốn,” (Mt 23:13-29) và gọi họ là “đồ ngu si mù quáng.”

Trình thuật 2 V 4:42-44 đề cập “nồi cháo độc.” Đã đói meo mà lại gặp loại cháo này thì… chết sớm, chẳng khác gì bị đầu độc bằng độc tố Xyanua! Kinh Thánh cho biết: Khi ông Êlisa trở về Ghingan, nạn đói đang xảy ra trong xứ. Lúc anh em ngôn sứ đang ngồi trước mặt ông, ông nói với tiểu đồng bắc nồi lớn lên bếp và nấu cháo cho anh em ngôn sứ. Một người trong nhóm ra đồng hái rau, tìm thấy một thứ cây giống như nho dại thì hái trái dưa đắng ấy đầy một vạt áo, rồi về nhà, thái nhỏ ra, bỏ vào nồi nấu cháo, vì họ không biết đó là thứ gì. Sau đó, họ múc ra cho mọi người ăn. Vừa ăn chút cháo, họ kêu lên: “Người của Thiên Chúa ơi, thần chết ở trong nồi!” Thế là họ không thể ăn được nữa. Nhưng ông Êlisa bảo cứ đem bột đến. Ông bỏ bột vào và bảo múc ra cho mọi người ăn. Lạ thay, trong nồi không còn chất độc nữa. Phép lạ nhãn tiền!

Tiếp theo là “bánh hóa nhiều.” Có một người từ Baan Salisa đến, đem bánh đầu mùa biếu người của Thiên Chúa 20 chiếc bánh lúa mạch và cốm đựng trong bị. Ông Êlisa bảo đem phát cho người ta ăn. Tiểu đồng nói chỉ có chừng nấy thì không thể đủ cho cả trăm người ăn được. Nhưng ông bảo cứ phát cho người ta ăn, vì Đức Chúa đã phán: “Họ sẽ ăn, mà vẫn còn dư.” Tiểu đồng vâng lời đem phân phát, người ta ăn no mà vẫn còn dư. Lại một phép lạ nhãn tiền nữa, đúng như lời Đức Chúa đã phán.

Thiên Chúa có thể biến những hòn đá trở nên con cháu ông Ápraham (Mt 3:9) thì “không gì là không thể.” (Lc 1:37) Tất cả chỉ là “chuyện nhỏ” đối với Thiên Chúa. Thánh Vịnh gia tin nhận như vậy nên đã xưng tụng: “Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng.” (Tv 145:10-11)

Thiên Chúa biết rõ phàm nhân cần có cái ăn để duy trì sự sống, thế nên Ngài luôn tạo cơ hội làm việc để con người mưu sinh. Chắc chắn rằng không có Ngài thì chúng ta chẳng làm được gì. (Ga 15:5) Với kinh nghiệm sống, Thánh Vịnh gia chia sẻ qua lời cầu nguyện chân thành: “Lạy Chúa, muôn loài ngước mắt trông lên Chúa, và chính Ngài đúng bữa cho ăn. Khi Ngài rộng mở tay ban, là bao sinh vật muôn vàn thỏa thuê. Chúa công minh trong mọi đường lối Chúa, đầy yêu thương trong mọi việc Người làm. Chúa gần gũi tất cả những ai cầu khẩn Chúa, mọi kẻ thành tâm cầu khẩn Người.” (Tv 145:15-18) Thiên Chúa chẳng chấp lách những cái đầu nhỏ mọn, thiển cận và nông cạn của phàm nhân chúng ta, Ngài chỉ muốn chúng ta biết khiêm nhường và chân thành cầu xin thì mọi sự đều đâu vào đó. Làm vậy cũng chỉ lợi ích cho chính chúng ta chứ chẳng thêm gì cho Ngài.

Với kinh nghiệm “xương máu,” Thánh Phaolô nói: “Tôi là người đang bị tù vì Chúa, tôi khuyên nhủ anh em hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau.” (Ep 4:1-2) Những lời lẽ rất chân thành, nhưng NGHE là một chuyện, BIẾT là một chuyện, LÀM lại là chuyện khác. Khoảng cách rất gần mà rất xa giữa 3 động từ đó!

Thánh Phaolô động viên: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có MỘT thân thể, MỘT Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có MỘT Chúa, MỘT niềm tin, MỘT phép rửa. Chỉ có MỘT Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.” (Ep 4:3-6) Những cái “một” kỳ diệu và đòi buộc chúng ta phải NÊN MỘT, vì thế mà không thể ba bè, năm nhóm hoặc bảy phe, không thể tiêu cực như chúng ta vẫn có “xu hướng” ngay trong gia đình, hội đoàn, cộng đoàn, giáo xứ,… Các kiểu phe nhóm như vậy là đối lập với Thiên Chúa, bởi vì chúng ta CÙNG ĂN MỘT TẤM BÁNH – Thánh Thể của Đức Kitô Giêsu.

Bánh và cá là món ăn phổ biến của người Do Thái. Họ để ý việc ăn uống nên rất kỹ tính, tuyệt đối không ăn các loài có vỏ như tôm, cua, nghêu, sò, ốc, hến… Chỉ được ăn các loài cá có vây và vảy, cấm ăn các loài cá không vảy (như lươn, trê, chình), không ăn các động vật không xương sống, không ăn vừa thịt vừa cá trong cùng một bữa ăn. Có 7 loại thực phẩm được mô tả trong Kinh Thánh Do Thái được dùng rất phổ biến trong bữa ăn hằng ngày: lúa mì, lúa mạch, nho, vả, lựu, ôliu và chà là.

Luật Kashrut – tiếng Do Thái nghĩa là “hợp nghi lễ” – đề cập luật ăn kiêng của người Do Thái. Luật này quy định cách chuẩn bị, bảo quản và ăn uống cũng như cách giết mổ động vật được phép tiêu thụ. Thực phẩm được phép ăn theo Luật Kashrut gọi là Kosher, thực phẩm khác gọi là Treyf. Luật Kashrut cấm ăn các loài chim săn mồi, chỉ ăn gia cầm quen thuộc như gà, ngan, ngỗng, vịt, gà tây, và cấm ăn các loại quả có múi như cam, quýt, bưởi… nếu những cây này trồng chưa được 3 năm.

Thật phức tạp, thảo nào Luật Do Thái có 613 điều, gồm 365 điều CẤM làm và 248 điều PHẢI LÀM. Có lẽ vì thế mà các kinh sư, nhóm Biệt Phái và Sađốc chăm chú rình người khác để bắt lỗi – chẳng hạn các môn đệ bứt lúa mì để ăn khi đói (Mt 12:1-8; Mc 2:23 -28; Lc 6:1-5) hoặc không rửa tay trước khi ăn. (Mt 23:1-36; Mc 12:38 -40; Lc 11:37-44) Than ôi!

Lạy Thiên Chúa nhân hậu, xin ban thêm can đảm để chúng con mau mắn thi hành Thánh Ý Ngài. Xin ban cho mọi người có được những gì cần thiết nhất cho cuộc sống hằng ngày để có thể sống xứng đáng là con người. Xin hoán cải chúng con để chúng con xứng đáng lãnh nhận Thánh Thể mỗi ngày. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 Nhận & Cho – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/08/nhan-va-cho.html
 Một Miếng & Một Gói – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/07/mot-mieng-va-mot-goi.html

THỎA THUÊ
[Niệm khúc Tv 145:15-18; Ep 4:1-6; Ga 6:1-15]

Muôn loài ngước mắt trông lên
Chúa thương lo liệu cho ăn đúng giờ
Khi Ngài rộng lượng ban cho
Mọi sinh vật được thoả thuê muôn vàn
Lối đường Thiên Chúa chí nhân
Mọi việc Người làm đầy ắp yêu thương
Những ai đau khổ đoạn trường
Chúa luôn gần gũi đỡ nâng đêm ngày
Kiên tâm cầu khẩn Chúa hoài
Ngài không nỡ để lạc loài mãi đâu
Hãy luôn khiêm tốn trước, sau
Hiền từ, nhẫn nại, thương yêu hết lòng
Quyết tâm chịu đựng, chờ mong
Sẽ được no lòng, thỏa khát tâm linh
Hằng ngày có Bánh Ân Tình
Thánh Thể tốt lành, đừng có quên ăn!
Chúa Giê-su vẫn ân cần
Muốn cho ai cũng được luôn no lòng

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment