Chủ Nhật, 30 tháng 6, 2024

AI Ở TRONG HỎA NGỤC?

Kinh Thánh không cho chúng ta biết tên của bất kỳ cá nhân cụ thể nào đang ở trong Hỏa Ngục, nhưng liên tục xác định rằng Hỏa Ngục có thật và người ta đến đó. Chẳng hạn, Cv 24:15 nhắc nhở chúng ta rằng “sẽ có sự sống lại của người lành và kẻ dữ.”

Trong 2 Tx 1:9, Thánh Phaolô cảnh báo về những người “sẽ lãnh án diệt vong muôn đời, xa thánh nhan Chúa và quyền năng vinh hiển của Ngài.” Ở đây Thánh Phaolô trình bày tình trạng này như một thực tế trong tương lai, chứ không chỉ là điều có thể. Tương tự, với viễn cảnh khải huyền về tương lai, Kh 20:15 mô tả: “Ai không có tên ghi trong Sổ Trường Sinh thì bị quăng vào hồ lửa.”

Tuy nhiên, có lẽ câu chói tai nhất đến từ thư của Thánh Giuđa với lời xác định được thần linh soi dẫn: “Sôđôm, Gômôra và các thành lân cận làm chuyện gian dâm như họ và chạy theo những thú vui xác thịt trái tự nhiên, thì đã phải chịu lửa đời đời làm hình phạt để nêu gương.” (Gđ 1:7) Ở đây chúng ta tìm thấy sự xác nhận rõ ràng rằng ngay cả bây giờ vẫn có những linh hồn phải chịu hình phạt của Hỏa Ngục.

Đủ để nói rằng Cựu Ước và Tân Ước đều xác định thực tại của Hỏa Ngục, và Chúa Giêsu nhấn mạnh sự nguy hiểm của nó trong cả bốn Tin Mừng. Trong nhiều trường hợp, Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta rằng nếu không thay đổi đường lối, chúng ta sẽ bị hủy diệt về tâm linh. Giáo Lý Công Giáo nhắc nhở: “Những lời xác định của Kinh Thánh và những giáo huấn của Giáo Hội về chủ đề Hỏa Ngục là lời kêu gọi con người có trách nhiệm sử dụng quyền tự do của mình trước vận mệnh đời đời của mình. Đồng thời, đó là lời kêu gọi hoán cải khẩn cấp.” (§1036)

Giáo Lý Công Giáo tiếp tục trích dẫn lời cảnh báo ảm đạm: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy.” (Mt 7:13-14)

Ngày nay, nhiều tín hữu, thậm chí nhiều thần học gia và giám mục, đang đấu tranh với ý tưởng về Hỏa Ngục vĩnh cửu. Đôi khi chính những người đó sẽ cố gắng diễn giải lại Kinh Thánh theo những quan niệm đã có sẵn của họ về những gì Kinh Thánh nên nói hoặc không nên nói. Đó là con đường nguy hiểm. Mặc dù học thuyết về Hỏa Ngục có người ở có thể không phải là học thuyết mà chúng ta tự nghĩ ra, nhưng đó là học thuyết mà chúng ta phải chấp nhận dựa trên thẩm quyền của mặc khải, và nó được chứng thực nhiều lần bởi các vị thánh, các học giả vĩ đại nhất trong lịch sử, các nhà thần bí và những cuộc hiện ra.

Nếu chúng ta muốn trung thành với Chúa Kitô, thần học của chúng ta phải là thần học không phải là của Babel, nơi con người làm việc theo kế hoạch của riêng mình, mà phải là thần học của Lễ Ngũ Tuần, nơi chúng ta làm việc trên cơ sở những gì đã được trao cho chúng ta từ trên cao. Thần học của chúng ta phải luôn là nền thần học được đón nhận, nền thần học được xây dựng trên tính ưu việt của Sách Thánh như được giải thích qua Truyền Thống sống động của Mẹ Giáo Hội.

Điều quan trọng cần nhớ là việc xác định sự tồn tại của Hỏa Ngục phải xuất phát từ vị trí của tình yêu thương. Nói chính xác, vì đùa giỡn với lửa Hỏa Ngục là việc làm nguy hiểm nên chúng ta đã gây bất lợi sâu sắc cho hàng xóm của mình khi thuyết phục họ rằng sự đọa đày vĩnh viễn là điều không có thật. Đồng thời, là Kitô hữu có nghĩa là cùng với Thiên Chúa mong muốn mọi người được ơn cứu độ, (x. 1 Tm 2:4) vì vậy chúng ta nên cùng với Giáo Hội cầu nguyện cho ý hướng đó. (x. GLCG §1058)

Phải chăng điều này có nghĩa là lời cầu nguyện đó sẽ được thực hiện trong mọi trường hợp? Đáng buồn thay, dựa trên Kinh Thánh và lời chứng của các thánh, chúng ta biết rằng câu trả lời là KHÔNG. Tuy nhiên, chúng ta không được phép biết chính xác ai sẽ được cứu hay không, hoặc với số lượng bao nhiêu. Vì lý do đó, chúng ta được lệnh phải cầu nguyện cho tất cả mọi người, không trừ một ai, và nhớ lại thân phận của mình là “kẻ đứng đầu trong số những kẻ tội lỗi.” (1 Tm 1:15)

CLEMENT HARROLD

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ StPaulCenter.com)

 Giàu Có Khó Vào Trời – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/06/giau-co-kho-vao-troi.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment