Hosanna là lời tung hô vang lên trong các nhà thờ, đặc biệt là Chúa Nhật Lễ Lá, khởi đầu Tuần Thánh. Đám đông người Do Thái và những người khác tụ tập khi Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, họ đã hô vang: “Hosanna.”
Nhưng ngày nay ít người biết nguồn gốc của chữ
“hosanna” – cách người Do Thái dùng trong Cựu Ước, hoặc tại sao ý nghĩa của nó
thay đổi trong Tân Ước. Nhiều tín nhân cho rằng “hosanna” luôn là từ ngữ Do
Thái ca ngợi Chúa, nhưng trong Cựu Ước (Tv 118:25) nguồn gốc chữ đó như một lời
kêu cứu khẩn thiết, trong bối cảnh đó, sẽ dẫn đến sự thịnh vượng của đất nước
chứ không bị phá hủy. Từ điển Phúc Âm của Baker cho biết: “Ban đầu nó là lời kêu gọi giải thoát, nó được sử dụng trong phụng vụ
để bày tỏ niềm vui và ca ngợi về sự giải thoát được biết trước hoặc được thực
hiện. Khi Chúa Giêsu xuất hiện tại Giêrusalem lần cuối cùng đối với dân Israel,
lời này được thốt ra từ miệng đám đông tham dự Lễ Vượt Qua.”
Từ ngữ mà tín nhân sử dụng ngày nay là sự
sáng tạo của người Hy Lạp. Họ sử dụng các chữ cái Hy Lạp để tạo ra cách phát âm
của một cụm từ tiếng Do Thái: “hoshiya na” có nghĩa là “xin cứu thoát!” Một số
nguồn cũng gọi cụm từ này là “yasha” (cứu) cộng với “anna” hoặc “na” (xin),
nhưng ý nghĩa vẫn tương tự: “Xin cứu
chúng tôi!”
Theo một nghĩa nào đó thì đó là tiếng kêu
tuyệt vọng – giống như một người chết đuối hét lên kêu cứu. Nhưng còn hơn thế
nữa, đó là lời cầu xin tự do của những người bị áp bức. Hãy khám phá từ ngữ “hosanna”
phát triển như thế nào từ tiếng kêu cứu đến tiếng reo hò chúc tụng.
DÂN TỘC BỊ ÁP BỨC
Người Do Thái đang tìm kiếm Đấng Mêsia của họ,
nhưng kỳ vọng của họ sai lệch. Khi Chúa Giêsu đến, họ hiểu lầm sứ vụ Chúa Cha
giao cho Ngài. Họ chờ đợi một Đấng giải cứu hùng mạnh có thể giải phóng họ khỏi
sự kiểm soát của La Mã. Họ không hiểu những lời tiên tri rằng Đấng Mêsia, niềm
hy vọng của dân Israel, trước tiên sẽ đến như một đầy tớ đau khổ trước khi Ngài
đến như một vị Vua chinh phục.
Khi Chúa Giêsu đến Giêrusalem vào Chúa Nhật
Lễ Lá, họ mong đợi Đức Kitô chiến thắng sẽ khôi phục quyền lực chính trị cho
dân Do Thái và thiết lập vương quốc của Ngài. Họ nghĩ vương quốc đang đến, sự
phán xét đang đến. Họ nghĩ họ sẽ đội vương miện cho Ngài, và Ngài biết họ sẽ
giết Ngài.
Người Do Thái không hiểu Cựu Ước của họ chỉ
ra Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Tiên Tri, Thượng Tế và Quốc Vương. Về cơ bản,
Chúa Giêsu đã làm dân Ngài ngạc nhiên. Thay vì tấn công người La Mã đáng ghét,
Ngài tấn công người Pharisêu và người Sađốc. Ngài chỉ ra tình trạng bội giáo
trong nước.
Ngay cả ngay sau cái chết và sự sống lại của
Chúa Giêsu, các môn đệ vẫn thắc mắc về thời điểm của Nước Trời. Ông Phêrô hỏi
Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, có phải bây giờ
là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1:6) Ngài đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn
Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh
Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy
tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái
đất.” (Cv 1:7-8)
THAY ĐỔI Ý NGHĨA VÀ CÁCH DÙNG HOSANNA
Thánh Vịnh gợi ý tại sao ý nghĩa của
“hosanna” lại thay đổi: “Nguyện xin Chúa
tuôn đổ phúc lành cho người tiến vào đây nhân danh Chúa.” (Tv 118:26) Thánh
Vịnh gia biết Chúa sẽ đáp lại lời kêu cứu của ông và dân Israel.
Sự chuyển đổi từ cầu xin giúp đỡ sang nhận
biết Chúa sẽ giúp đỡ, chữ “hosanna” có nghĩa là “hoan hô vì sự cứu rỗi đang đến.”
Đó là lời đầy vui mừng, tin tưởng vào Chúa và ca ngợi sự quan phòng của Ngài.
Tôi phải cười, vì rất nhiều cách diễn tả “hosanna”
trong Kinh Thánh đều có dấu chấm than ở cuối. Thực sự đó là lời tuyên bố nhấn
mạnh. Mặc dù “hosanna” không giống “hallelujah” nhưng cả hai chữ đều đề cập sự
đáp lại bằng lời ca ngợi vui mừng, và dành cho người theo Đức Kitô.
Những người thốt lên lời “hosanna” hôm đó
dường như đã nhìn Chúa Giêsu như Đấng được Thiên Chúa xức dầu từ dòng dõi Đavít
mà các tiên tri đã nói đến, và qua Ngài mà họ hy vọng rằng mọi kỳ vọng về Đấng
Cứu Thế mà họ mong đợi sẽ được thực hiện. Cho dù những kỳ vọng cụ thể của họ có
thể bị sai lầm đến đâu, hành động của họ vẫn nhấn mạnh chủ đề Tin Mừng rằng
Chúa Giêsu thực sự là Người Con đã được hứa của Đavít, qua đó ơn cứu chuộc đã
được các tiên tri của Thiên Chúa công bố, và Ngài đã đến. Nơi Ngài, tiếng kêu
“Lạy Chúa, xin cứu chúng con” đã trở thành lời chúc tụng vui mừng “hosanna – hoan
hô,” tương đương với câu: “Chúng ta được
cứu độ, hãy ngợi khen Chúa và Đấng Mêsia.”
CHÚA GIÊSU ĐƯỢC CHÚC TỤNG
Đấng Mêsia đến Giêrusalem trên một con lừa
khiêm tốn, không phải trên một con chiến mã thanh nhã. Ngài biết tương lai. Ngài
sẽ ngồi trên ngai trên trời. Nhưng Ngài cũng biết thời của Ngài chưa đến. Tv
118 mô tả một người chinh phục. Đó là thánh vịnh được người Do Thái đọc vào Lễ
Vượt Qua, họ mong đợi Đấng Mêsia, và sự cứu chuộc sẽ đến.
Chúng ta có thể thắc mắc rằng liệu người ta
có hiểu ý nghĩa của việc Đấng Mêsia khiêm nhường đến Giêrusalem hay không.
Con lừa mà Ngài cưỡi đã được tiên tri trong
sách Dacaria. Chúng ta thấy có manh mối về ý nghĩa của những chiếc áo trải đường
cho Chúa Giêsu. (x. 2 V 9:13) Khi Chúa Giêsu được tuyên bố là vua, dân chúng
cởi áo ngoài và đặt dưới chân Ngài, họ công nhận Chúa Giêsu là Vua.
Ga 12:13 cho biết rằng người ta cũng đặt
những cành cọ trên đường Chúa Giêsu đi qua. Cành cọ luôn gắn liền với các lễ kỷ
niệm trong Cựu Ước. Chúa Giêsu xứng đáng được ca tụng, tôn vinh và tôn thờ. Lễ
Lá đầu tiên ngày xưa là đăng quang của Chúa Giêsu, Quốc Vương hiển hách, và
Ngài không từ chối lời hoan hô của mọi người.
LỐI VÀO ĐẦY NƯỚC MẮT
Giữa những tiếng hoan hô là cõi lòng trĩu nặng
của Chúa Giêsu. Dân chúng vui mừng sự trở lại khải hoàn đầy kịch tính của Đấng
Mêsia có lẽ đã bỏ qua những giọt nước mắt của Ngài. Nếu đám đông nhìn thấy
những giọt nước mắt của Ngài, liệu họ có hỏi Chúa Giêsu “tại sao Thầy khóc” hay
không?
Chúa Giêsu nhìn ra Giêrusalem và không bị
cuốn vào những lời tung hô. Ngài đã nhìn thấy điều gì đó trong tương lai, và
điều đó khiến trái tim Ngài tan nát. Dân Israel bội giáo và bị xét xử vào năm 70
bởi “bàn tay sắt” của quân La Mã đàn áp. Ngài biết tình thế tuyệt vọng như thế
nào đối với dân Ngài – những người Do Thái.
Ngài cũng biết đó là một phần lý do Ngài đến
để chịu chết – để giải thoát họ. Ngôn sứ Đanien cho biết rằng không chỉ Giêrusalem
phải đối mặt với sự hủy diệt, mà có điều gì đó sẽ xảy ra với Đấng Mêsia: Ngài
sẽ bị xử tử và bị loại khỏi dân Ngài.
Nhiều giọng nói giống nhau đã hô vang
“hosanna” rồi sẽ sớm hét lên: “Đem đi!
Đem nó đi! Đóng đinh nó vào thập giá!” (Ga 19:15a) Họ chỉ quan tâm sự giải thoát
về chính trị chứ không phải về tinh thần. Họ muốn một vị vua giải cứu họ khỏi người
La Mã, chứ không phải một vị vua sẽ cai trị họ và bắt họ phải chịu trách nhiệm.
Khi Chúa Giêsu bị xét xử, Philatô hỏi người Do Thái: “Chẳng lẽ ta lại đóng đinh vua các người sao?” (Ga 19:15b) Họ giận
dữ hét lên: “Chúng tôi không có vua nào
cả, ngoài Xêda.” (Ga 19:15c)
BẮT ĐẦU HIỂU BIẾT
Mt 21:9 viết: “Hoan hô Con vua Đavít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan
hô trên các tầng trời.” Sự cứu rỗi của những người Do Thái có đức tin, dân
được Chúa chọn – và dân ngoại được tháp nhập – đến trong Chúa Giêsu Kitô, Con
vua Đavít.
Dần dần, các môn đệ của Chúa Giêsu bắt đầu
hiểu được sự xuất hiện gồm hai phần của Đức Vua – Đấng Mêsia. Trong Cv 1, họ
thắc mắc khi nào vương quốc sẽ đến, còn trong Cv 2, khi Chúa Thánh Thần hiện xuống,
họ hiểu biết hơn về sứ vụ của Chúa Giêsu. Bài giảng của Phêrô vào Lễ Ngũ Tuần
cho thấy rõ ràng Chúa đang mở lòng và tâm trí họ để họ đón nhận sự thật.
Thiên Chúa đã nghe lời cầu xin tuyệt vọng của
dân Ngài, tiếng kêu “hosanna” của họ, và đã ban Đấng Cứu Độ cho họ. Trong cõi
vĩnh hằng, chúng ta sẽ ca tụng Ngài với lòng biết ơn và niềm vui. Đức Vua sắp chịu
chết, nhưng đến Chúa Nhật thì Ngài ra khỏi mồ. Vạn tuế Đức Vua! Hoan hô Chúa
trên các tầng trời!
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ www.crosswalk.com)
Khởi
đầu Tuần Thánh – 2024
✽ Hướng Về Tuần Thánh – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/huong-ve-tuan-thanh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment