Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

THÁNH ĐỊA KHÔNG XA

Không phải ai cũng có thể hành hương đến Thánh Địa. Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn tỏ mình ra ở đây và bây giờ với mỗi người chúng ta là những ai lắng nghe Ngài.

Văn học Kitô giáo có đầy những bản văn tuyệt vời và soi sáng về mầu nhiệm Thiên Chúa, bắt đầu từ kiệt tác “Tự Thú” (Confessions) của Thánh Augustinô, giám mục thành Hippo. Trong đó, ngài mô tả kinh nghiệm khám phá Thiên Chúa và tóm tắt như sau:

“Con yêu Chúa muộn màng, ôi vẻ đẹp xưa nay vẫn mới! Con yêu Chúa muộn màng! Ngài ở trong con, nhưng con ở bên ngoài. Ở đó, con tìm kiếm Ngài khi con lao đi giữa những vật đẹp đẽ mà Ngài đã tạo ra. Ngài ở bên con, nhưng con không ở bên Ngài. Những điều xinh đẹp của thế giới này đã khiến con xa Ngài. Ngài gọi. Ngài khóc. Ngài phá vỡ sự điếc của con. Ngài phá tan sự mù quáng của con. Con hít thở hương thơm của Ngài, và bây giờ con khao khát Ngài. Con đã nếm trải Ngài và con đói khát Ngài. Ngài chạm vào con, và con cháy bỏng với mong muốn sự bình an của Ngài.”

Đó là lời cầu nguyện tuyệt vời tiết lộ khám phá chính yếu của vị tiến sĩ thánh thiện của Giáo Hội. Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta và tỏ mình ra cho chúng ta trong cuộc sống cụ thể của chúng ta: ở những nơi chúng ta thường lui tới, ở những người chúng ta gặp gỡ, trong thiên nhiên mà chúng ta ngưỡng mộ, trong ý thức mà chúng ta khám phá. Và quan trọng nhất là trong Bí tích Thánh Thể, nơi Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong bánh và rượu đã được truyền phép.

Cũng như nhiều Kitô hữu, Thánh Augustinô chưa bao giờ đến Thánh Địa, nhưng điều đó không ngăn cản ngài tận hưởng sự hiện diện của Chúa Kitô. Chắc chắn, đi bộ trong sa mạc Giuđê, chiêm ngưỡng Hồ Tibêria và di tích thành phố Caphácnaum, cầu nguyện tại Thánh Mộ của Con Thiên Chúa – tất cả những điều này đều tốt lành và kích thích đức tin. Trên hết, nó cho phép chúng ta chạm tới sự thật rằng Thiên Chúa hiện diện như một con người hữu hình ở một nơi và vào một thời điểm cụ thể.

Tính hợp lý của sự nhập thể có giá trị đối với chúng ta, ngay cả khi sự hiện diện của Chúa Giêsu không giống như ở Giêrusalem vào thế kỷ I. Một số vị thánh, dù ban đầu háo hức sống gần các nơi thánh, nhưng họ đã từ bỏ để phục vụ Chúa ở nơi khác. Thánh Inhaxiô đã viếng thăm Giêrusalem, nhưng được các tu sĩ dòng Phanxicô gửi trở lại Âu châu do những nguy hiểm mà những người hành hương phải đối mặt vào thời điểm đó. Thánh Charles de Foucauld sống một thời gian ở Nadarét rồi sống ẩn dật ở Argelia.

Thánh Địa, nơi tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ ngày nay, chính là môi trường của mỗi người. Lịch sử cứu độ, câu chuyện về sự tương tác của Thiên Chúa với các thụ tạo của Ngài, đang được thêu dệt với mỗi người chúng ta trong các biến cố của cuộc đời mình. Ở đây và bây giờ, Đấng Tạo Hóa có thể tiếp cận được với những ai mở lòng ra với Ngài. Ngay cả trong nhà bếp, như Thánh Têrêsa Avila đã nhắc nhở chúng ta vào giữa thế kỷ 16: “Khi sự tuân phục khiến bạn bận tâm với những thứ bên ngoài, đừng lo lắng. Nếu bạn phải vào bếp, hãy hiểu rằng Chúa ở đó, giữa những chiếc nồi và chảo, giúp đỡ bạn từ trong ra ngoài.”

Tuy nhiên, những điều kỳ diệu của công nghệ hiện đại có thể đem những địa điểm của Thánh Địa đến rất gần chúng ta qua Internet. Bạn có thể xem xét một khóa tĩnh tâm trên không gian ảo trong Mùa Chay này.

VALDEMAR DE VAUX

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)

Mùa Chay – 2024

Thập Giá – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/03/thap-gia.html
Thánh Giá – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/04/thanh-gia.html
Thánh Tích Thánh Giá – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/thanh-tich-thanh-gia.html
Sức Mạnh Thập Giá – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/04/suc-manh-cua-thap-gia.html
Sự Khôn Ngoan & Sức Mạnh Thập Giá
     https://tramthienthu.blogspot.com/2018/09/su-khon-ngoan-va-suc-manh-cua-thap-gia.html
 Yêu Mến Thánh Giá – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/03/yeu-men-thanh-gia.html
Vết Lăn Cũ – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/02/vet-lan-cu.html
Vết Thương – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/02/vet-thuong.html
Khát! – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/khat.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment