Mọi sự trên thế gian này đều hữu hạn, chỉ một thời mà thôi. (Gv 3:1-8) Mọi sự Thiên Chúa làm thì “không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người. Điều gì đang có, xưa kia đã có, điều gì sẽ có, xưa đã có rồi.” (Gv 3:14-15)
Thời
gian cuộc sống này sẽ kết thúc, đó là “ngày tận thế.” Điều đó được đề cập trong
trình thuật Mc 1:14-20, nói về sự ngoan ngoãn của hai cặp môn đệ đầu tiên được
Chúa Giêsu mời gọi đi theo Ngài, đồng thời nhắc nhở chúng ta đừng bướng bỉnh,
mà hãy ngoan ngoãn.
Ông
Gioan đã bị bắt, Chúa Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa: “THỜI KỲ ĐÃ MÃN, và Triều Đại Thiên Chúa đã
đến gần. Anh em hãy SÁM HỐI và TIN VÀO TIN MỪNG.” (Mc 1:15) Chúa Giêsu đã xác
định, chắc chắn thời đại chúng ta đang sống là “thời cuối cùng,” chẳng bao giờ
có chuyện “đầu thai” hoặc kiếp luân hồi. Chỉ có hai kiếp: Kiếp này và kiếp sau.
Kiếp này mau qua, kiếp sau vĩnh hằng, nhưng có hai dạng: Hạnh phúc đời đời hoặc
khốn nạn đời đời.
Đi
dọc biển hồ Galilê, Chúa Giêsu thấy hai anh em ngư dân là Simôn và Anrê đang thả
lưới. Ngài bảo họ theo Ngài để lưới người như lưới cá. Lập tức hai ông bỏ chài
lưới mà đi theo Ngài. Hai anh em ngư dân này không hề lưỡng lự hoặc tính toán
chi cả. Đi là đi ngay, dù đang phải lo kế sinh nhai. Động thái đó chứng tỏ họ
ngoan ngoãn chứ không bướng bỉnh như ông Giôna xưa.
Đi
xa hơn một chút, Ngài thấy hai anh em ngư dân khác là Giacôbê và Gioan, hai người
con của ông Dêbêđê, đang vá lưới ở trên thuyền. Ngài gọi họ, và họ bỏ cha mình
ở lại trên thuyền với những người làm công, rồi đi theo Ngài. Hai anh em này
cũng sẵn sàng đi ngay, rất dứt khoát.
Con
người có hai loại: kẻ bướng bỉnh và người ngoan ngoãn. Hai động thái đó trái
ngược nhau, nhưng lại “liên quan” lẫn nhau – bướng bỉnh trở thành ngoan ngoãn
hoặc ngược lại. Trong “khoảng giữa” đó phải có sự dứt khoát, phải mạnh mẽ để
khả dĩ vượt qua chính mình. Cần có sự dứt khoát mới có thể hành động. Dứt khoát
là không đắn đo, cân nhắc hoặc lưỡng lự. Động thái này không dễ thể hiện, vì
phải mau chóng phân định và quyết tâm. Người làm được như vậy là người có tâm
lý mạnh mẽ và thể hiện tính cương trực, như nói theo kiểu Philatô: “Điều gì đã quyết là đã quyết.” Một là
một, nói hai là hai, không “oong đơ” (un, deux) gì hết.
Có
thể có chút gì đó trong sự dứt khoát bị người ta cho là tính bướng bỉnh, ngang
tàng hoặc “gàn bát sách,” nhưng đó là sự bướng bỉnh cần thiết. Con ngựa chứng
là con ngựa giỏi, vì không điều khiển được nó nên người ta cho là “chứng” và
ghét nó. Cũng tương tự như vậy khi con người đối xử với nhau: Vì không bằng người
ta, thua kém người ta cho nên “không thích” họ.
Thuở
xưa, Thiên Chúa sai ông Giôna đi lần thứ nhất: “Hãy đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết
rằng sự gian ác của chúng đã lên thấu tới Ta.” (Gn 1:1) Ông vội đứng dậy
nhưng không đi theo lệnh mà lại trốn đi Tácsít, tránh mặt Thiên Chúa. Thật bướng
bỉnh và ngang ngược! Nhưng kể ra ông cũng “can đảm” vì dám cãi Thiên Lệnh. Ông
đã thể hiện tính dứt khoát. Tàu chạy, bỗng dưng sóng gió ầm ầm, người ta gieo
quẻ xem rơi trúng ai thì đó là kẻ gây tai họa, và quẻ rơi trúng Giôna. Ông tá
hỏa tam tinh, cảm thấy mình sai nên hối hận và bảo người ta ném ông xuống biển.
Con cá lớn nuốt ông trong bụng ba ngày rồi nhả ông lên bờ. Kỳ lạ!
Thiên
Chúa sai ông Giôna đi lần thứ hai: “Hãy
đứng dậy, đi đến Ninivê, thành phố lớn, và hô cho dân thành biết lời tuyên cáo
Ta sẽ truyền cho ngươi.” (Gn 3:2) Lần này ông không dám bất tuân nên đứng
dậy và đi Ninivê theo lệnh Chúa. Kinh Thánh cho biết Ninivê là một thành phố rộng
lớn, đi ngang qua phải mất ba ngày đường. Ông Giôna bắt đầu vào thành, đi một
ngày đường và công bố: “Còn bốn mươi ngày
nữa, Ninivê sẽ bị phá đổ.” (Gn 3:4) Dân Ninivê tin vào Thiên Chúa, họ công
bố lệnh ăn chay và mặc áo vải thô, từ người lớn đến trẻ nhỏ, kể cả động vật.
Dân Ninivê thật ngoan ngoãn, biết phục thiện và biết bảo nhau. Đó là đại phúc!
Thiên
Chúa không muốn ai phải hư mất, luôn kiên nhẫn chờ đợi các tội nhân hoán cải, luôn
thương xót. Ngài thấy việc họ làm, biết bỏ đường gian ác mà trở lại, Ngài hối
tiếc về tai họa sẽ giáng trên họ, Ngài không giáng xuống nữa. (Gn 3:10) Đó là
niềm hy vọng cho mỗi chúng ta, dẫu có tội lỗi tới mức nào thì cũng cứ tin
tưởng, đừng tuyệt vọng! Thiên Chúa chỉ cần chúng ta chân thành sám hối, rồi mọi
thứ sẽ ổn, Ngài sẵn sàng tha thứ hết.
Đó
là điều chắc chắn, vì chính Chúa Giêsu đã xác định với Thánh Faustina: “Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn cả tội lỗi
của con và cả nhân loại.” (Nhật Ký, số 1485) Biết như vậy không phải để ỷ
lại, mà để cố gắng củng cố đức tin yếu mềm của chúng ta. Nhưng nói tin thì dễ, mà
rất khó thể hiện và sống đức tin. Phàm nhân là thế, chẳng nói hay được. Thánh
Vịnh gia vẫn luôn phải cầu xin: “Lạy
Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con.
Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là
Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái.” (Tv
25:4-5)
Thời
trẻ, mấy ai không từng sa ngã, mấy ai không phải khốn đốn đôi lần, chính nhờ
kinh nghiệm “xương máu” đó mà người ta nên khôn: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ
muôn thuở muôn đời. Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến,
nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng.” (Tv 25:6-7) Ngựa non háu
đá, người trẻ háo thắng, đó là chuyện thường tình. Thiên Chúa không chấp chúng
ta, nếu Ngài chấp tội thì chẳng ai được cứu rỗi, (Tv 130:3) nhưng Ngài muốn
chúng ta thật lòng sám hối và sửa mình, vì Ngài là Thiên Chúa của tình yêu, của
lòng thương xót: “Chúa là Đấng nhân từ
chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính,
dạy cho biết đường lối của Người.” (Tv 25:8-9) Sám hối luôn cấp bách, hành
động luôn cần thiết – không chỉ trong Mùa Vọng, Mùa Chay, dịp tĩnh tâm,... mà hằng
ngày, suốt đời.
Thánh
Phaolô nói: “Thưa anh em, tôi xin nói với
anh em điều này: THỜI GIAN CHẲNG CÒN BAO LÂU. Vậy từ nay những người có vợ hãy
sống như không có; ai khóc lóc, hãy làm như không khóc; ai vui mừng, như chẳng
mừng vui; ai mua sắm, hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời
này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi.” (1 Cr
7:29-31) Thời gian là của Chúa, dù trẻ hay già thì cũng chẳng ai biết cuộc đời
mình còn bao lâu. Có người còn trẻ và đang khỏe mạnh bình thường, thế mà bất
ngờ nghe tin người đó từ trần. Thật vậy, giữa tháng 1-2024, tại Gx Đất Đỏ, GP Bà
Rịa, một người chuẩn bị đọc sách thánh thì ho một tiếng, rồi xụi lơ luôn. (xem video bên dưới) Vì thế
mà phải tỉnh thức và sẵn sàng, không bao giờ chủ quan.
Lằn
ranh sinh – tử rất mong manh, không thể đoán định. Thánh Phaolô khuyên chúng ta
sống mà đừng “chia trí” hoặc “nặng lòng” với những gì ở thế gian này. Sống như
vậy không có nghĩa là hững hờ, vô tâm, vô cảm, bất cần đời hoặc “dở hơi,” mà là
ngoan ngoãn vâng phục Ý Chúa. Đó là cách sống của người khôn ngoan: Khôn ngoan
để không bướng bỉnh, khôn ngoan để tỉnh thức chờ Chúa đến – chính xác nhất là
lúc Ngài đến với cuộc đời riêng, lúc “tận thế” của cuộc đời mình.
Lạy Thiên
Chúa, xin thêm sức mạnh để chúng con có thể buông bỏ mọi thứ trần tục, được thanh
thản giữa cuộc đời đầy biến động, không nặng lòng với bất cứ thứ gì để có thể vui
sống theo Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy
nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM
THIÊN THU
“Sự Cố” tại GX Đất Đỏ
HÃY SẴN SÀNG, VÌ CHÍNH GIỜ PHÚT ANH EM KHÔNG NGỜ THÌ CON NGƯỜI SẼ
ĐẾN. (Mt 24:44; Lc 12:40)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment