Thứ Bảy, 18 tháng 11, 2023

THẤT BẠI DẪN TỚI HY VỌNG

Một trong những thách thức lớn đối với chúng ta với tư cách Kitô hữu là không để tâm lý thống trị trong nền văn hóa của chúng ta cho rằng mọi thứ phải dễ dàng và thành công trên thế gian mới là điều quan trọng. Điều này đặc biệt khó khăn đối với những người lớn lên trong môi trường tương đối thoải mái ở Tây phương. Ngay cả trong Giáo Hội vẫn có quan điểm phổ biến là Thiên Chúa muốn chúng ta hạnh phúc, do đó chúng ta nên tận hưởng tất cả những thành công và tiện nghi của cuộc sống này, vì đó là điều Ngài muốn dành cho chúng ta.

Vấn đề với thái độ này là nó đi ngược lại với Tin Mừng, nó ngăn cản chúng ta lớn lên và trưởng thành trong sự thánh thiện. Nó cũng có thể mau chóng khiến một tín nhân chưa trưởng thành rơi vào tình trạng tuyệt vọng khi có những khó khăn không thể tránh khỏi. Các thử thách này nhằm giúp chúng ta nuôi dưỡng niềm hy vọng vào chỉ một mình Chúa Kitô, chứ không phải gục ngã trong nỗi chán chường. Nếu hy vọng của chúng ta là những thành công trần tục thì chúng ta đã đặt một thần tượng giả trước mặt Chúa và Ngài sẽ làm mọi điều cần thiết để tiêu diệt thần tượng đó.

Chúa ban rất nhiều vì vinh quang của Vương Quốc Ngài, nhưng Ngài cũng cắt tỉa chúng ta để chúng ta có thể lớn lên trong sự kết hiệp với Ngài. Sẽ có những giai đoạn trong gia đình, sứ vụ, sự nghiệp và các khía cạnh khác trong cuộc sống của chúng ta diễn ra tốt đẹp. Chúa đổ tràn những an ủi và quà tặng, nhưng rồi điều đó dừng lại và mọi thứ bắt đầu tan vỡ. Trong những giai đoạn đó, chúng ta tiến bộ rất ít về mặt tâm linh. Chúng ta gặp rào cản từ những người khác hoặc hoàn cảnh. Chúng ta bị bách hại bởi những người khác trong và ngoài Giáo Hội. Vấn đề sức khỏe phát sinh. Mọi thứ trở nên rất khó khăn.

Tại sao Chúa cho phép điều này xảy ra trong cuộc sống của chúng ta? Có rất nhiều lý do, nhưng một trong số đó là vì Chúa muốn chúng ta trưởng thành và lớn lên trong đức cậy siêu nhiên. Khi mọi việc diễn ra tốt đẹp và dễ dàng, chúng ta có xu hướng rất mau chóng rơi vào tình trạng tự lực cánh sinh. Chúng ta bắt đầu tin tưởng một cách sai lầm rằng những việc tốt mà chúng ta thực hiện là của riêng chúng ta chứ không phải của Chúa. Sự tự lực này cũng khiến chúng ta mất đi sự kết hiệp sâu sắc với Thiên Chúa Ba Ngôi trong lời cầu nguyện. Thật vậy, đời sống cầu nguyện của chúng ta có thể trở nên hời hợt nếu chúng ta không cẩn thận.

Khó khăn là cách Chúa giúp chúng ta lớn lên trong niềm hy vọng và tín thác vào Ngài. Ngài cho phép công việc của chúng ta thất bại để kéo chúng ta đến gần Ngài và hoàn toàn phụ thuộc vào Ngài. Chúng ta đừng nghĩ rằng thành tựu của chúng ta là do chính chúng ta tạo ra, mà thay vào đó, hãy hướng về Ngài bằng cả tấm lòng. Điều này khiến chúng ta hy vọng rằng Chúa yêu thương chúng ta, Ngài sẽ đưa chúng ta vượt qua bất kỳ thời kỳ tăm tối hay sự cắt tỉa nào. Điều đó dẫn chúng ta tới nền tảng của niềm hy vọng Kitô giáo. Trong tác phẩm kinh điển “Divine Intimacy” (Sự Mật Thiết Thiêng Liêng), Lm. Gabriel giải thích:

Nền tảng của niềm hy vọng tông đồ là sự chiến thắng của Chúa Kitô và sự trợ giúp liên tục của Ngài. Đúng vậy, Ngài ở với chúng ta mọi ngày, kể cả trong những ngày đen tối, khi chân trời tối đen không một tia sáng, khi kẻ thù chiến thắng, khi bạn bè bỏ rơi chúng ta, và khi không thấy bất kỳ khả năng nào có thể thành công. Nếu chúng ta phải dựa vào nguồn lực, khả năng, công việc của mình, chúng ta sẽ có mọi lý do để bỏ cuộc trong sự tuyệt vọng. Tuy nhiên, đó không phải là trường hợp này. Chúng ta hy vọng và tin chắc vào niềm hy vọng của mình, vì Thiên Chúa toàn năng, vì Ngài muốn mọi người được cứu độ, vì Chúa Kitô đã cứu chuộc chúng ta bằng Máu Châu Báu Ngài, và vì Ngài đã chết cho chúng ta và đã sống lại. Cuối cùng, vì những lời hứa của Ngài, những lời hứa của Thiên Chúa, không thể sai: “Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu.” (Mt 24:35; Mc 13:31; Lc 21:33)

Cuối cùng, niềm hy vọng của chúng ta không dựa vào sự thành công trần tục, ngay cả trong Giáo Hội. Đặt hy vọng vào người và vật ở đời này là quay lưng lại với Chúa, là đặt hy vọng vào những điều mong manh của cuộc sống này. Thường thì Chúa phải loại bỏ sự lệ thuộc của chúng ta vào người khác cũng như sự quý trọng và tình yêu thương mà chúng ta hy vọng có được từ họ để khiến chúng ta quay về với chính Ngài. Chúng ta được tạo dựng để kết hiệp hoàn toàn với Ngài, càng kết hiệp chặt chẽ với Ngài thì chúng ta càng phải thanh lọc sự tự lực và những ham muốn trần tục để chỉ hy vọng vào Ngài.

Chúa cũng muốn cho chúng ta thấy rằng những thành công trần thế của chúng ta, ngay cả trong chức vụ, cuối cùng cũng sẽ qua đi. Sẽ có những giai đoạn thất bại hoàn toàn, bị từ chối và bị bỏ rơi. Nếu mọi thứ liên tục diễn ra tốt đẹp với chúng ta thì chúng ta nên nghiêm túc tự hỏi bản thân xem cuối cùng chúng ta thuộc về ai. Sứ vụ công khai của Chúa kết thúc dường như là sự thất bại hoàn toàn trên Thập Giá. Chính nhờ Thập Giá mà Ngài đến với vinh quang phục sinh, Ngài không thể hoàn thành chiến thắng đó nếu không có Thập Giá. Chính qua thập giá của cuộc đời này mà chúng ta học cách hy vọng trọn vẹn vào Chúa Kitô.

Lm. Gabriel cho biết: Nói một cách nhân đạo, người ta có thể nói rõ ràng rằng công việc tông đồ của Chúa Giêsu đã kết thúc trong sự thất bại tuyệt đối, với cái chết của Ngài như một kẻ phạm tội. Tất cả những điều này phải in sâu vào tâm trí người tông đồ, để không bị vấp phạm nếu điều tương tự xảy ra trong đời sống: “Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (Ga 15:20)

Qua các cuộc bách hại, nhục nhã và thất bại, người tông đồ sẽ học cách không tin tưởng vào sức mạnh của mình, sẽ coi mình là một đầy tớ vô dụng ngay cả khi đã lao động nhiều, sẽ bị thuyết phục về sự thiếu sót của chính mình và sự thiếu sót của mọi phương tiện. Do đó, người tông đồ sẽ đặt tất cả hy vọng vào Chúa, sẽ học cách làm việc chỉ vì yêu mến Chúa mà không tìm kiếm sự an ủi nào khi thành công, từ bỏ ngay cả sự thỏa mãn chính đáng khi nhìn thấy kết quả làm việc của mình.

Tiến bộ trong sự thánh thiện và trưởng thành đức cậy siêu nhiên có nghĩa là từ bỏ những mong muốn và ước muốn của chúng ta để làm theo những gì Thiên Chúa muốn cho chúng ta. Điều này có nghĩa là quy phục Ngài khi mọi việc đang diễn ra tốt đẹp và khi mọi việc đang tan vỡ. Niềm hy vọng và sự trông cậy của chúng ta vào Chúa sẽ trở nên nông cạn – và có thể tàn lụi – nếu mọi việc trong cuộc sống của chúng ta lúc nào cũng diễn ra tốt đẹp. Chúng ta không thể mang theo bất cứ thứ gì ở đời này vào Thiên Đàng, nên Chúa cắt tỉa để làm cho chúng ta phó thác cả đời mình cho Ngài, và chỉ hy vọng vào một mình Ngài mà thôi.

Nếu bạn đang gặp trở ngại hoặc dường như luôn phải chiến đấu với sự thất bại và khó khăn khi phục vụ Chúa, đó là Ngài đang dẫn dắt bạn hy vọng vào Ngài nhiều hơn nữa. Ngài đang cùng bạn bước đi qua những đêm tối và những vùng biển giông bão để củng cố niềm tin cậy của bạn nơi Ngài. Ngài muốn mỗi chúng ta nên thánh và thuộc về một mình Ngài. Hãy loại bỏ những lời dối trá của nền văn hóa và của một số người trong Giáo Hội nói rằng Chúa chỉ muốn sự an ủi và dễ chịu cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta hy vọng vào Ngài chứ không phải những điều sẽ qua đi trên thế gian này. Nếu mọi thứ sụp đổ, hy vọng của chúng ta vẫn còn ở một mình Đức Kitô mà thôi.

CONSTANCE T. HULL

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment