Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

CẢM NGHĨ TỪ NHÀ THỜ

Có một thời gian tôi thường tham dự Thánh Lễ chiều tại một nhà thờ nhỏ ở quận Bình Thạnh, thuộc giáo hạt Gia Định, TGP Saigon. Nhà thờ không có gì đặc biệt, rất đơn giản. Những ngày lễ trọng và Chúa nhật thì giáo dân tham dự Thánh Lễ đông, đầy cả hai bên ngoài và sân nhà thờ. Nhưng Thánh Lễ chiều ngày thường chỉ có khỏang 50-70 người, có khi chỉ khoảng 30 người.

Anh và tôi hay ngồi chung ghế, hoặc có lúc kẻ trước người sau. Một hôm, khi cùng nhau lấy xe về sau Thánh Lễ, tôi thực sự giật mình khi anh nhìn tôi, cười và nói: “Anh chịu khó đi lễ quá ha.” Tôi nói ngay: “Thật ra mình chẳng đạo đức hay thánh thiện gì, tôi rảnh giờ này, không biết làm gì thì đi lễ thôi, cũng chỉ là thời gian thừa dành cho Chúa.” Anh nói: “Nhưng chịu đi lễ cũng tốt rồi, hiếm người chịu đi, nhiều người rảnh cũng chẳng đi lễ.” Tôi phân bua: “Tôi đi lễ vì thấy mình tội lỗi hơn người khác. Bệnh nhân mới cần bác sĩ, người khỏe không cần bác sĩ.” Chính Chúa Giêsu đã xác định tình trạng “bệnh tật” hoặc “khỏe mạnh” của linh hồn. (x. Lc 5:31)

Anh lại cười. Anh và tôi lên xe, mỗi người đi một hướng…

Những ngày đi lễ, tôi chú ý thấy 3 nhân vật “đặc biệt” – ít là đối với tôi.

Người thứ nhất là một bà cụ tuổi ngoài lục tuần. Bà còng lưng, mỗi bước đi bà phải chống tay vào gối để di chuyển. Bà hằng ngày đẩy chiếc xe thùng đi lượm ve chai. Có những lúc về tối, khoảng 21 giờ, tôi vẫn thấy bà còng lưng đẩy xe đi lượm phế liệu. Cuộc đời cũng… lạ, đồ bỏ của người này lại là đồ nuôi sống người khác. Nghe đâu bà còn phải nuôi một người con bị tâm thần. Thật đáng thương, vì tuổi bà đáng lẽ phải được ngơi nghỉ. Nhưng “số phận” không cho bà được thảnh thơi! Tuy vậy, ngày nào cũng thấy bà đi lễ. Cứ bắt đầu chuông nhà thờ đổ vang là bà đẩy xe vào một góc sân, ra lu nước rửa mặt và vào nhà thờ. Bà rước lễ hằng ngày và đọc kinh lớn. Nét mặt bà tươi tỉnh, không thấy chút gì buồn bã hoặc mệt mỏi. Chắc hẳn Chúa rất vui và được an ủi vì bà.

Người thứ nhì là một thanh niên tuổi đôi mươi. Cậu này bị khuyết tật là tay phải nhỏ yếu, không tự cử động. Cậu phải làm dấu Thánh giá bằng tay trái. Nhưng cậu tham gia ca đoàn, đọc sách thánh và hăng say sinh hoạt với nhóm bạn trẻ trong xứ. Ở tuổi cậu không nhiều em có tâm huyết như vậy.

Người thứ ba là một thanh niên khoảng 30 tuổi. Trong Thánh Lễ, người ta đứng nhưng anh vẫn ngồi. Anh ngồi trước mặt tôi nên tôi chợt nhận ra anh bị khuyết tật. Người anh có vóc dáng to cao và điển trai nhưng anh bị yếu 2 chân. Lễ xong, tôi thấy anh đi xe máy 3 bánh, có đôi nạng để bên xe.

Những tâm hồn này thật cao đẹp. Thiên Chúa hẳn là rất vui khi được ở giữa Dân Ngài.

Nhà thờ nhỏ, linh mục (LM) xứ ngoài 60, những bài giảng của ngài ngắn gọn, không văn hoa nhưng có chiều sâu và thực tế về cách sống đạo tích cực. Đặc biệt ngài thường đưa mình ra tự trào, chứ nhiều LM có lẽ không bao giờ dám “chê” mình, mà chỉ “chê” người này, người nọ.

Phần chúc bình an, ngài không theo công thức một cách “máy móc” mà nói: “Chúng ta hãy chúc bình an cho nhau,” rồi ngài cúi đầu chúc mọi người. Nhiều LM thường nói: “Anh chị em hãy chúc bình an cho nhau,” còn mình thì đứng yên, nếu có LM đồng tế thì họ chúc nhau chứ không chúc giáo dân. Dù là nghi thức bên đạo, nhưng thiết nghĩ đây cũng là phép lịch sự thông thường vậy.

Cả tuần qua, LM xứ đi vắng, đến dâng Thánh Lễ chiều là một LM dòng Thánh Thể, khoảng độ tuổi 60. Tôi thực sự ngạc nhiên khi thấy cách xưng hô của LM này khi ngài giới thiệu: “Kính thưa quý ông bà, anh chị em. CON là Trần Anh Dũng, thuộc dòng Thánh Thể. Cha xứ đi vắng và nhờ CON đến dâng lễ từ nay tới thứ Bảy. CON phụ trách Huynh đoàn Thánh Thể hoặc Dòng ba Thánh Thể, cũng gọi là Hiệp hội Thánh Thể, toàn quốc. Cha xứ muốn có Huynh đoàn Thánh Thể tại giáo xứ này nên nhờ CON nói lại với quý ông bà, anh chị em. Ai có thể thì xin ghi danh. CON xin cảm ơn.”

Tại giáo phận Xuân Lộc có một dòng nam. Sau bài giảng, các LM dòng này nói: “Xin cảm ơn anh chị em.” Những lần tham dự Đại hội Thánh nhạc Toàn quốc tại Trung tâm Công giáo hoặc Trung tâm Mục vụ TGP Saigon, tôi thấy GM Tri Bửu Thiên và GM Nguyễn Văn Khảm khi nói trước anh chị em Nhạc sĩ (cả LM, tu sĩ và giáo dân), các ngài đều dùng đại từ ngôi thứ nhất số ít là CON. Dĩ nhiên các ngài không xưng là CON đối với người bằng tuổi và nhỏ tuổi hơn mình, mà vì trong số người nghe có những vị cao niên hơn các ngài. Đại từ Việt ngữ tế nhị nhưng phức tạp chứ không đơn giản.

Tôi tham dự Thánh Lễ ở nhiều giáo xứ, cả thôn quê lẫn thị thành, nhiều LM xứ luôn xưng mình là TÔI dù trong xứ có rất những vị cao niên hơn mình nhiều! Khi giảng thì “chỉ trích” nhiều hơn “khuyên bảo,” trong Thánh Lễ lại nói nhiều lần và nói dai, thiếu chiều sâu, không bao giờ biết nói tiếng “cảm ơn”!

Một thoáng nghĩ về những gì nghe, nhìn và thấy từ nhà thờ… Khó thật!

Lạy Thiên Chúa, Abba, xin tha thứ, thương xót và thánh hóa chúng con...

TRẦM THIÊN THU

 Nợ Đời – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/06/no-oi.html
 Tại Sao Chúa Không Dùng Người Nổi Tiếng
     https://tramthienthu.blogspot.com/2023/03/tai-sao-chua-khong-dung-nguoi-noi-tieng.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment