Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

Ý NGHĨA LỄ NGŨ TUẦN ĐỐI VỚI KITÔ GIÁO

Lễ Ngũ Tuần – Shavuot (שבועות) – là l kéo dài bn ngày, còn được gi là L Các Tuần,” và diễn ra 50 ngày sau Lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua và Lễ Ngũ Tuần có mối liên hệ mật thiết với nhau và có ý nghĩa sâu sắc.

Kinh Thánh chứa đầy những cụm từ có ý nghĩa sâu sắc mà có thể chúng ta không chú ý. Hãy đọc bài đọc thứ nhất trong Lễ Hiện Xuống. Câu đầu tiên của chương 2 sách Công Vụ ghi: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi.” Kitô hữu chúng ta đôi khi có thể quên bối cảnh của đoạn văn này. Lễ Ngũ Tuần được đề cập ở đây không phải là ngày lễ của Kitô giáo, mà là lễ của người Do Thái. Thật vậy, Ngày Thánh của chúng ta lấy tên từ ngày lễ của người Do Thái.

Lễ Vượt Qua gợi nhớ lại bệnh dịch lần thứ 10 đối với người Ai Cập, sau đó Pharaô đã giải phóng dân Israel khỏi chế độ nô lệ. Lễ Ngũ Tuần kỷ niệm sự kết thúc của giai đoạn đầu trong cuộc hành trình ra khỏi Ai Cập của dân Israel, khi Môsê đưa họ đến Núi Sinai và ban Lề Luật cho dân chúng để họ sống theo luật đó. Lễ Vượt Qua kỷ niệm sự tự do của họ thoát khỏi ách nô lệ, trong khi Lễ Ngũ Tuần kỷ niệm Giao Ước Mới được hình thành giữa Thiên Chúa và Israel. Đó là lời nhắc nhở rằng họ đã được tự do vì một điều gì đó: trở thành Dân Thánh của Thiên Chúa, tư tế vương giả, ánh sáng cho các quốc gia.

Bối cảnh này giúp chúng ta hiểu ý nghĩa sâu xa hơn của Lễ Ngũ Tuần. Sách Công Vụ nói rằng sự kiện này diễn ra “khi thời gian cho Lễ Ngũ Tuần đã được ứng nghiệm.” Điều này có nghĩa là thời điểm kết thúc những ngày thánh của Lễ Ngũ Tuần – 50 ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại. Nhưng cụm từ này không chỉ có nghĩa là Chúa Thánh Thần đến vào cuối Lễ Ngũ Tuần. Nếu Lễ Ngũ Tuần kỷ niệm việc ban hành Lề Luật thì chúng ta có thể hiểu cụm từ này có ý nghĩa sâu sắc hơn: chính lề luật, mục đích của lề luật, đã được thực hiện.

Trong Bài Giảng Trên Núi, Chúa Giêsu nói với đám đông: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành.” (Mt 5:17-18)

Chúa Giêsu làm trọn Lề Luật như thế nào? Bởi sự chết và sống lại của Ngài. Thánh Gioan Tẩy Giả đã xác định Chúa Giêsu là Chiên Thiên Chúa. (Ga 1:29) Cái chết của Chúa Giêsu trên Thập Giá diễn ra ngay trước khi bắt đầu Lễ Vượt Qua, lúc những con chiên bị giết. Khi bị đóng đinh, Chúa Giêsu vừa là nạn nhân vừa là tư tế, dâng chính Ngài để chuộc tội cho chúng ta. Mục đích chính của Luật Môsê là cung cấp cho dân Israel những cách đền bù tội lỗi của họ, thông qua các hy lễ khác nhau theo quy định của luật.

Tuy nhiên, như Thánh Phaolô đã chỉ ra trong thư gửi tín hữu Rôma, những hy sinh của Lề Luật không thể biện minh cho chúng ta. Tuy nhiên, sự tự hiến của Chúa Giêsu vô cùng hoàn hảo. Chúa Giêsu làm trọn lề luật bằng cách dâng chính Ngài làm của lễ tinh tuyền để lập giao ước mới và vĩnh cửu (Gr 31:31, 32:40) giữa nhân loại và Thiên Chúa. Giao Ước Mới này được đóng ấn không chỉ với sự chết của Chúa Giêsu mà còn với sự phục sinh của Ngài, điều này cho thấy rằng tội lỗi và sự chết đã chiến bại, và sự sống đời đời được ban cho chúng ta.

Vì vậy, 50 ngày sau khi Chúa Giêsu sống lại, Thiên Chúa cho các tông đồ thấy rằng “thời điểm Lễ Ngũ Tuần đã trọn” – nghĩa là Luật Môsê đã được ứng nghiệm. Giờ đây, các tông đồ và những người theo họ sẽ sống theo “luật của Thần Khí ban sự sống trong Đức Kitô Giêsu,” (Rm 8:2) bởi “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Ngài ban cho chúng ta.” (Rm 5:5)

Việc Chúa Thánh Thần hiện xuống trong Lễ Ngũ Tuần là dấu chỉ hoàn tất Luật Môsê, và khởi đầu Luật của Chúa Thánh Thần, Đấng đang sống trong lòng Giáo Hội.

Vì vậy, chúng ta có thể coi Lễ Ngũ Tuần trọng đại này như một lời nhắc nhở rằng Đức Kitô đã giữ lời hứa. Lời hứa của Ngài sẽ làm trọn Lề Luật, lời hứa của Ngài sẽ sai Đấng Bảo Trợ, lời hứa của Ngài luôn ở với dân Ngài – tất cả những điều này đều thỏa mãn với sự hiện xuống của Chúa Thánh Thần vào cuối Lễ Ngũ Tuần. Lễ này được biến đổi từ việc tưởng niệm Luật Môsê sang sinh nhật Giáo Hội, khi cơ hội thuộc về dân Chúa mở rộng không chỉ cho dân Israel, mà cho tất cả mọi người.

NICHOLAS SENZ

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)

Lễ Ngũ Tuần – 2023

 Truyền Đạt Đức Tin – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/12/truyen-at-uc-tin.html
 Nguyên Nhân Làm Đức Tin Chết Nghẹt
     https://tramthienthu.blogspot.com/2014/09/nguyen-nhan-lam-uc-tin-chet-nghet.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment