Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

TRUYỀN ĐẠT ĐỨC TIN

Chúa Giêsu dạy: “CHO thì có phúc hơn là NHẬN.” (Cv 20:35) Nhưng muốn CHO thì phải CÓ, không ai có thể CHO cái mà mình KHÔNG CÓ. Về tâm linh – cụ thể là đức tin – cũng vậy, muốn truyền đạt đức tin thì trước tiên, người truyền đạt PHẢI CÓ đức tin, chứ không thể truyền đạt điều mà mình không có.
Những người có đức tin, gọi là tín hữu hoặc tín nhân, là ai? Thánh Phaolô cho biết: “Những ai dựa vào đức tin, những người ấy là con cái ông Ápraham.” (Gl 3:6) Chính đức tin làm cho người ta nên công chính (x. Rm 5:1; Rm 9:30; Rm 9:32; Rm 10:6) và không phải chết: “Người công chính nhờ đức tin sẽ được sống.” (Gl 3:11) Thật tuyệt vời biết bao!
Người ta nói: “Vô tri bất mộ.” Có biết mới tin, có tin rồi mới yêu, và yêu rồi thì sẵn sàng trao tặng. Người được yêu là mọi người, là bất cứ ai. Cựu Ước nói cụ thể với lời lẽ giản dị: Kẻ thù con có đói, hãy CHO nó bánh ăn, nó có khát, hãy CHO nước uống. (Cn 25:21) Đối với Thiên Chúa, chúng ta phải “yêu mến hết lòng, hết linh hồn, và hết trí khôn,” đối với tha nhân, chúng ta phải “yêu họ như chính mình.” (Mt 22:37-39; Mc 12:30-31; Lc 10:27) Thánh Phaolô cho biết: “Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.” (1 Cr 13:13)
Chính Chúa Giêsu cũng dạy “yêu kẻ thù, cầu nguyện cho kẻ ngược đãi mình, làm ơn cho kẻ ghét mình.” (Mt 5:44; Lc 6:27 và 35) Hành động như vậy cũng là một cách cho, một cách cách truyền đạt đức tin – qua nghĩa cử yêu thương chân thành. Tin và yêu luôn hòa quyện.
Đức tin “sống” nhờ hành động cụ thể chứ không nhờ lời nói suông, những ý tưởng thâm thúy, hoặc những câu chữ văn vẻ bóng bẩy: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết. Thật thế, một thân xác không hơi thở là một xác chết, cũng vậy, đức tin không có hành động là đức tin chết.” (Gc 2:17 và 26) Như vậy, chúng ta phải nỗ lực nuôi dưỡng đức tin, duy trì sự sống cho đức tin, nhờ đó mới có đức tin để trao tặng cho người khác.
1. NUÔI DƯỠNG ĐỨC TIN
Tin là chấp nhận hoặc từ chối. Rất đơn giản mà cũng lắm nhiêu khê. Thầy dạy đức tin chính là Đại Sư Phụ Giêsu. Chúng ta có đức tin là nhờ Ngài mặc khải. Vì thế, chúng ta sống đức tin là minh chứng Thiên Chúa, tất nhiên không được phép giữ đức tin cho riêng mình mà phải truyền đạt đức tin đó cho người khác. Đó là nhiệm vụ chung. Truyền đạt đức tin sang người khác cũng là một cách truyền giáo mới trong thế giới ngày nay, vì người ta càng ngày càng có chiều hướng suy giảm đức tin, không muốn sống đức tin nữa, bởi vì chủ nghĩa duy vật và vô thần lây lan khắp nơi. Thật thú vị với câu nói của Thánh nữ Bernadette: “Đối với người tin thì không cần giải thích, đối với người không tin thì giải thích cũng vô ích.”
Ma quỷ không bao giờ ngủ hoặc nghỉ ngơi, nó luôn thức và đi quấy phá khắp mọi ngõ ngách. Thế nên truyền đạt đức tin là nhiệm vụ chung và cấp bách của mọi Kitô hữu, nhưng những người được tuyển trạch để lãnh nhận chức tư tế thừa tác thì trách nhiệm càng nặng nề hơn. Thánh Phaolô cho biết: “Thượng tế nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho loài người, trong các mối tương quan với Thiên Chúa, để dâng lễ phẩm cũng như tế vật đền tội.” (Dt 5:1)
Đúng như vậy, trước khi là tư tế thì cũng vẫn phải là con người, với mọi thứ của một con người bình thường. Người đó phải “có khả năng cảm thông với những kẻ ngu muội và những kẻ lầm lạc, bởi vì chính người cũng đầy yếu đuối; mà vì yếu đuối, nên người phải dâng lễ đền tội cho dân thế nào, thì cũng phải dâng lễ đền tội cho chính mình như vậy.” (Dt 5:2-3) Và vì thế, “không ai tự gán cho mình vinh dự ấy, nhưng phải được Thiên Chúa gọi, như ông Aharon đã được gọi.” (Dt 5:4)
Thế nhưng trong thực tế lại khác, đúng như người Việt thường nói: “Cờ đến tay ai người đó phất.” Câu nói giản dị và nhẹ nhàng nhưng vô cùng thâm thúy! Nhưng thật buồn bởi vì có khi người ta sống ngược với lời Đức Kitô dạy: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28) Thực hành đúng ý Chúa thì luôn phải nỗ lực rất nhiều, không thể cứ tà tà hoặc cứ khơi khơi mà được. Nghĩa là không chỉ nuôi dưỡng đức tin mà còn phải đạt mức cao hơn, đó là trưởng thành đức tin.
2. TRƯỞNG THÀNH ĐỨC TIN
Thời gian luôn cần thiết để trưởng thành – cả thể lý và tâm linh, giống như một đứa trẻ sinh ra rồi chập chững bước đi, sau đó mới có thể vững bước và chạy được. Thánh Phaolô nói: “Tôi đã cho anh em uống sữa chứ không cho dùng thức ăn, vì anh em chưa chịu nổi. Nhưng bây giờ anh em cũng vẫn còn không chịu nổi, vì anh em còn là những con người sống theo tính xác thịt. Bao lâu giữa anh em có sự ghen tương và cãi cọ, anh em chẳng phải là những con người sống theo tính xác thịt và theo thói người phàm sao?” (1 Cr 3:2-3)
Bạn đã bao giờ thắc mắc mình đang uống sữa trên hành trình tâm linh hoặc đang dùng đồ ăn hay không? Có nhiều dấu hiệu cho thấy sự trưởng thành tâm linh? Làm sao trưởng thành tâm linh? Làm sao biết mình tiến bộ đủ đối với sự sống đời đời để có thể thôi uống sữa mà dùng thức ăn?
Có một câu hỏi không dễ trả lời: “Tôi thực sự trưởng thành trong đức tin chưa?” Trước tiên, chúng ta phải sẵn sàng chấp nhận mình chưa thực sự trưởng thành tâm linh, nhờ đó mới có thể đi đúng phương hướng. Hãy bắt đầu tự hỏi xem mình đang ở đâu trong hành trình tâm linh. Nhờ vậy chúng ta khả dĩ nhận biết các tình huống, và có thể gọi đó là dạng “siêu nhận thức.”
Tiếp theo, giai đoạn tiến tới sự trưởng thành tâm linh là cách chúng ta nhìn vào cuộc sống của mình. Không dễ gì để loại bỏ những thói xấu, nhưng như vậy không có nghĩa là chúng ta rất kiên nhẫn mà là mất kiên nhẫn, bởi vì lương tâm chúng ta luôn bị giằng co. Chúng ta cố gắng “xem xét” tình huống để có thể nhận ra gốc rễ của nó và đánh bật gốc nó ra khỏi cuộc đời mình. Đó là một hành trình dài nên phải sẵn sàng và cương quyết đấu tranh, đừng nản chí hoặc bỏ cuộc!
Cuối cùng, giai đoạn tiến tới sự trưởng thành tâm linh là gánh nặng chúng ta bắt đầu phải gánh vác vì muốn triệt tiêu những gì làm chúng ta xa cách Chúa. Thật vậy, trong hành trình tâm linh, chúng ta có thể cảm thấy khó khăn và cực khổ khi “tự giải thoát” khỏi những thứ vướng mắc. Chúng ta cảm thấy có thêm nhiều loại thập giá bởi vì chúng ta nhìn mọi thứ theo sự ảnh hưởng của mối quan hệ giữa Thiên Chúa với chúng ta. Thật là không dễ chút nào, và có vẻ càng khó khăn hơn.
Đến lúc này, chúng ta thực sự cần Thiên Chúa, nghĩa là phải gia tăng cầu nguyện. Hãy cố gắng dành thời gian để cầu nguyện, tìm hiểu Lời Chúa, và đào sâu về đức tin. Mỗi điều mặc khải mới sẽ làm cho chúng ta cảm thấy khao khát Thiên Chúa nhiều hơn. Thật vậy, Thánh Augustinô đã cảm nghiệm: “Lòng con còn bồn chồn lo lắng cho đến khi nào được nghỉ ngơi trong Chúa Giêsu.” Tuy nhiên, đó không là sự áy náy gây rung động của thế giới, mà là sự mong mỏi, sự ao ước, sự khao khát đến gần Đức Kitô hơn.
Khi trưởng thành tâm linh là lúc đạt tới đỉnh cao – mặc dù không vĩnh viễn, không như kiểu tĩnh điện, và là lúc chúng ta kết hợp ý muốn của mình với ý Chúa. Chúng ta có thể đạt tới cao trào nhiều lần trong hành trình tâm linh khi chúng ta cảm thấy gần gũi Chúa hơn, vẫn có cơ hội sống đức tin sâu xa hơn và mạnh mẽ hơn.
Khi trưởng thành tâm linh, chúng ta có thể cảm thấy thỏa mãn một chút, nhưng không bao giờ thỏa mãn mãi mãi. Chúng ta muốn Chúa đưa chúng ta vào nơi nghỉ ngơi tĩnh lặng của Ngài, và rồi chúng ta lại khởi đầu hành trình với mức độ mới.
Tất cả chúng ta đều được mời gọi đạt tới sự trưởng thành tâm linh, lời mời gọi đó luôn có trên hành trình mỗi ngày cho tới khi nào kết thúc hành trình cuối cùng – khi bước vào đời sau, về Quê Trời đích thực. Nhưng luôn phải cảnh giác, đừng “ngủ quên trong chiến thắng,” bởi vì ma quỷ rất mưu mô và tinh ranh hơn chúng ta tưởng. Cảnh giác duy trì sự sống của đức tin, không để cho đức tin suy yếu hoặc ngột ngạt.
3. CHẾT NGHẸT ĐỨC TIN
Chắc chắn rằng không có đức tin thì không ai khả dĩ nhận biết Thiên Chúa. Lý do hoặc nguyên nhân có thể đưa chúng ta đi rất xa, nhưng chỉ có đức tin là “người thầy” dạy chúng ta biết tín thác vào Thiên Chúa, tin tưởng ngay cả khi cuộc đời chúng ta bị xáo trộn, tưởng chừng như ở đường cùng – chịu “bó tay” hoặc thua trắng.
Nếu vậy thì phải làm sao xoay xở đây? Với kinh nghiệm bản thân, Thánh Vịnh gia chân thành chia sẻ: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay.” (Tv 37:5) Thật vậy, tác giả sách Châm Ngôn cũng có ý tương tự và nói mạnh mẽ: “Hãy ký thác việc bạn làm cho Đức Chúa, dự tính của bạn ắt sẽ thành công.” (Cn 16:3)
Có nhiều lý do làm cho đức tin bị ngột ngạt hoặc chết nghẹt, dưới đây là 7 lý do mà chúng ta phải coi chừng, cố gắng tỉnh thức, can đảm đứng dậy và bước đi trong đức tin Kitô giáo, nhờ đó chúng ta có thể duy trì đức tin. Hãy ghi nhớ lời minh định của Thánh Phaolô: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu.” (Rm 8:39) Có thể xác định tình yêu như vậy thì cũng là cách xác định đức tin của mình.
1. CHAO ĐẢO – Hoàn cảnh thay đổi có thể khiến chúng ta bị “sốc,” bị chao đảo, nhưng nó có làm bạn gục ngã? Chiến đấu và chiến thắng là một phần tất yếu của cuộc sống. Hãy cố gắng đứng vững, cắm chặt “chiếc neo đức tin” nơi Bến Yêu Thương của Thiên Chúa, và tự nhủ: “Dù ai nói ngả nói nghiêng, đức tin vẫn vững như kiềng ba chân.”
2. CĂNG THẲNG – Có lý do rất chính đáng nên Kinh Thánh mới khuyên phó thác mọi sự cho Thiên Chúa. Trong cuộc sống, chúng ta phải giải quyết nhiều vấn đề, đôi khi rất “hóc búa,” khó xử lý, mà chúng ta chẳng làm được gì. Lo cứ lo, nhưng chúng ta không thể chủ động trong vấn đề thành công hoặc thất bại. Làm sao thoát khỏi? Hãy tín thác vào Thiên Chúa hết linh hồn, hết sức và hết trí khôn, nhất là những lúc cuộc sống của chúng ta có vẻ như bị bế tắc, không lối thoát.
3. THẤT VỌNG – Đó là mưu mô dối trá của kẻ thù, của ma quỷ. Nó ranh mãnh tìm mọi cách để chúng ta mất niềm tin vào Đức Kitô, nó dụ ngon dỗ ngọt để chúng ta cảm thấy cô đơn và tuyệt vọng, thế là mắc bẫy nó giăng. Hãy cố gắng bám chặt vào áo Đức Kitô bằng cách cầu nguyện liên lỉ, còn tha thiết cầu nguyện là dấu chắc chắn vẫn được Chúa thương, còn cầu nguyện là còn hy vọng, còn hy vọng là còn trông cậy, còn trông cậy là còn yêu mến, còn yêu mến là còn niềm tin. Ngược lại, tình trạng không-muốn-cầu-nguyện là “cờ đỏ” cảnh báo “biển đời” của chúng ta đang động mạnh, rất nguy hiểm!
4. ĐA NGHI – Con người là phàm phu tục tử, vốn dĩ yếu đuối và thích phóng khoáng, đa nghi nên có nhiều lý do để biện hộ: Vì, tại, bởi, nếu, giá mà, phải chi, ước gì,... Lời Chúa là sự thật, luôn chứa đầy “nhiên liệu” đức tin, bởi vì Chúa Giêsu đã xác định: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy.” (Ga 14:6) Hãy cố gắng trang bị cuộc đời mình bằng Lời Chúa, loại siêu vũ khí này cần thiết để chúng ta chiến đấu trên suốt chặng đường lữ hành trần gian này.
5. BẤT MÃN – Bất mãn có nhiều dạng. Có thể là cảm thấy mình bất tài, bất lực, vô duyên, vô dụng,... Nói chung là cảm thấy “lép vế” hơn người khác. Thậm chí có thể chúng ta không muốn tin rằng Chúa vẫn hiện diện và đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố cuộc đời. Và rồi đôi khi chúng ta còn bị mọi người xa lánh, chê trách, chỉ trích đủ thứ. Chúng ta làm gì cũng không được người khác chấp nhận. Hãy cứ bình tĩnh! Này nhé, có ai hoàn thiện như Chúa Giêsu? Vậy mà sao Ngài vẫn bị chê, bị ghét, thậm chí là bị giết chết nhục nhã bằng loại hình tồi tệ nhất? Chính Ngài đã biết tất cả và động viên: “Nếu thế gian ghét anh em, anh em hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước.” (Ga 15:18)
6. CAY CÚ – Vì cay cú mà người ta khó có thể tha thứ. Cảm thấy cay cú vì chúng ta cứ so sánh mình với người khác và cho rằng điều mình mơ ước là chính đáng. Thế nhưng thực tế chẳng mấy khi ước mơ thành hiện thực! Vì không thỏa mãn ước nguyện nên chúng ta càng thấy cay cú – cay cú với chính mình và cay cú với người khác (ganh tỵ mà không ganh đua). Chính các lý do chúng ta đưa ra để tự biện hộ lại có thể là cái bẫy khiến chúng ta “vào tròng” của ma quỷ. Lý do dẫn đến kết luận, kết luận dựa trên thực tế. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã thẳng thắn xác định: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta.” (Is 55:8)
7. NGHIỆN TÌM HIỂU – Có một số vấn đề mà chúng ta không bao giờ hiểu nổi, nhưng lý lẽ của con người không chấp nhận như vậy. Do đó, người ta muốn chứng tỏ “bản lĩnh” của mình và muốn tự xử lý mọi thứ, cứ tưởng mình là “cái rốn” của vũ trụ. Càng muốn hiểu rõ Thiên Chúa thì càng bất lợi cho chúng ta. Đó là một dạng “nghiện tìm hiểu” (khác với “muốn tìm hiểu” để thấu tình đạt lý). Tốt nhất là nên nhìn nhận mình tài hèn trí mọn, đầu óc còn tệ hơn bã đậu, nhờ vậy mà khả dĩ phát triển đức tin. Và rồi chính Thiên Chúa sẽ bù đắp cho chúng ta.
Thật vậy, Thánh Linh mục Tiến sĩ Thomas Aquinas, người viết tác phẩm đồ sộ và vô giá là bộ Tổng Luận Thần Học (Summa Theologiæ), thế mà khi được hỏi, ngài xác nhận: “Đó chỉ là rơm rác.” Khi cầu nguyện, ngài thưa với Chúa rất giản dị: “Con chỉ muốn được yêu mến Chúa mà thôi.” Còn Thánh Giám mục Tiến sĩ Augustinô cảm thấy hối tiếc và thân thưa: “Con yêu Chúa quá muộn màng. Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con.” Tâm tình thánh đức biết bao!
4. PHỤC HỒI ĐỨC TIN
Người bệnh thì phải chữa, vật hư thì phải sửa, điều sai thì phải chấn chỉnh. Tương tự, đức tin yếu đuối thì phải gia tăng, chết nghẹt thì phải phục hồi. Thông thường thì thế!
Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta phải đối đầu với những tình huống khó khăn, tưởng như tuyệt vọng, thậm chí có nguy cơ mất cả đức tin. Lúc đó, chúng ta cảm thấy như Chúa không còn lắng nghe mình, hoặc Ngài như làm ngơ, bỏ mặc chúng ta. Tuy nhiên, hãy nhớ kỹ rằng niềm tin cần phải nhờ hy vọng mới có được, dù chúng ta không thể chứng minh.
Thực sự quan trọng để chúng ta nhớ rằng có sức mạnh nào đó đang hành động vì chúng ta, ngay cả khi chúng ta không hề hay biết. Nhưng khi chúng ta biết tin tưởng, bất cứ trong tình huống nào, chúng ta sẽ nhận ra rằng niềm tin vẫn nguyên vẹn. Chúng ta phải cố gắng kiên trì, và phải quyết tâm tin tưởng.
Khi cảm thấy đức tin bị lung lay hoặc giảm sút, hãy thử áp dụng 5 cách này để phục hồi đức tin – đừng so đo, lưỡng lự, thực hiện càng sớm càng tốt:
1. CẦU NGUYỆN – Cầu nguyện là chìa khóa vạn năng để mở Thiên Môn. Hãy dành thời gian cho Thiên Chúa, tin vào những điều chúng ta đang cầu xin, và tin điều đó sẽ xảy ra. Không chỉ cầu xin cho mình, mà còn phải cầu xin cho gia đình, cộng đồng (tu trì, giáo xứ, hội đoàn), thân nhân, bạn bè, láng giềng, người quen, kẻ lạ,...
2. BIẾT ƠN – Hãy nhìn vào mọi người trong cộng đồng. Trông lên thấy chẳng bằng ai, nhưng trông xuống thì thấy mình chưa “đến nỗi nào,” có nhiều người vẫn phải chịu thiếu thốn những điều cơ bản nhất – những điều cần thiết cho sự sống như nước uống, thực phẩm, chỗ ở, việc làm, tài chính,... Những người vô gia cư không bằng một nửa may mắn của bạn đấy. Những người tha phương cầu thực, ăn nhờ, ở trọ, họ chỉ mong được một phần cuộc sống của bạn mà không được. Vậy hãy đánh giá cao những ơn lành nhỏ bé hằng ngày để duy trì đức tin, và cố gắng làm cho đức tin luôn sống động.
3. ĐỐI THOẠI – Hãy tâm sự chia sẻ với người đồng cảnh ngộ, tức là những người đang bị khủng hoảng đức tin như bạn. Điều này có thể giúp bạn nhận thức về tình trạng của mình. Họ có thể giúp bạn tái xây dựng niềm tin bằng cách đưa ra những lời khuyên hữu ích. Người ngoài cuộc luôn sáng suốt hơn người trong cuộc. Đừng tự khép mình trong vỏ ốc cô độc!
4. HỒI TƯỞNG – Hãy nghĩ lại những lúc mà bạn đã gặp khó khăn và tự vấn: “Tôi đã thoát khỏi tình trạng đó bằng cách nào?” Bạn cần niềm tin và bạn đã dùng chính niềm tin để vượt qua. Đó là lòng tự tin, dù bạn nhận ra hay không nhận ra điều đó. Cần có niềm tin để có thể tự tin và đi tới đức tin.
5. MẠNH MẼ – Hãy nhìn vào những gì chúng ta đang có. Hằng ngày vẫn có niềm hy vọng và sự hứa hẹn. Hãy tin rằng mọi thứ đang tác động với nhau để chúng ta có được điều tốt lành. Hãy tin tưởng vào chính mình và nhận biết rằng chúng ta có thể làm mọi thứ. Hãy vững tin: “Cái gì không phá vỡ tôi thì nó sẽ tạo nên tôi.” Đó là niềm hy vọng, niềm tin, đức tin. Hãy can đảm và mạnh mẽ lên!
Theo Thánh nữ Hoa Hồng Nhỏ Teresa, người ta phải “đi qua hầm tối để hiểu được bóng tối”. Đức tin không là một cảm giác, dù là cảm giác đạo đức hoặc nhiệt tâm, mà thường là cảm giác trống rỗng, khô khan, giày vò, vô định, thậm chí là không có cảm giác. Đức tin là tái định hướng bình an và hướng về tình yêu – không thể nhìn thấy. Đức tin phải được thử thách để xác định về sự thật và tính vững bền. Có vậy mới biết đức tin như thế nào.
Thánh Phaolô khuyên: “Hãy mang toàn bộ binh giáp vũ khí của Thiên Chúa, để có thể đứng vững trước những mưu chước của ma quỷ. Vì chúng ta chiến đấu không phải với phàm nhân, nhưng là với những quyền lực thần thiêng, với những bậc thống trị thế giới tối tăm này, với những thần linh quái ác chốn trời cao.” (Ep 6:11-12)
Cuối cùng, luôn phải tự nhủ: Mỗi khi gặp thử thách về đức tin, hãy nhớ rằng đó là lúc Thiên Chúa đang ở gần chúng ta nhất, và Ngài đang lôi kéo chúng ta đến gần Ngài hơn. Và đừng quên chân thành cầu nguyện: “Xin thêm lòng tin cho chúng con.” (Lc 17:5)
TRẦM THIÊN THU
[Bài chủ đề báo ĐMHCG số 388, tháng 12-2018, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment