Chúng ta có thể nói về sự cứu độ theo hai cách: khách quan và chủ quan. Về mặt khách quan, sự cứu độ của chúng ta là công việc của một mình Đức Kitô. Chỉ có Chúa Giêsu, Thiên-Chúa-Con-Người, mới có thể dâng lên Chúa Cha của lễ hy sinh không tì vết về tình yêu vâng lời và chuộc tội cho loài người sa ngã chúng ta.
Sự cứu độ chủ quan – hay cách thức công việc cứu
độ của Đức Kitô được áp dụng cho mỗi linh hồn – là công việc của cả Đức Kitô và
Giáo hội. Nghe có vẻ khó tin, nhưng đó thực sự là sự thật Phúc Âm. Chúa Giêsu
đã ủy thác việc loan báo Tin Mừng cho chúng ta, Giáo hội của Ngài, khi Ngài truyền
lệnh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên
hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được
cứu độ; còn ai không tin thì sẽ bị kết án.” (Mc 16:15-16) Và Ngài nói: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy
anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Mt 9:37-38)
Sự thật này khiến Phaolô phải kêu lên: “Làm sao họ kêu cầu Đấng họ không tin? Làm
sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà nghe, nếu không có ai rao giảng?”
(Rm 10:14) Chúa Giêsu thực hiện công cuộc cứu độ chủ quan qua công việc tông đồ
của Giáo Hội. Trong tay Ngài, chúng ta là khí cụ cứu độ cho người khác. (1 Cr
7:13-16; 1 Pr 3:1-2; 2 Cr 5:20; 1 Tm 4:16; Gđ 22-23) [1] Thậm chí có lẽ khó tin
hơn cả sự thật là Chúa Giêsu sử dụng đau khổ của chúng ta để thực hiện điều
này. Đó là một thực tại siêu nhiên được gọi là đau khổ cứu độ, và khi thấy cuộc
khổ nạn của Chúa Kitô liên quan việc Ngài nhập thể làm người nơi cung lòng Đức
Trinh Nữ Maria, chúng ta hiểu sâu hơn về sự thật đó.
Ngay từ khi bắt đầu làm mẹ, Đức Maria đã hiểu
rằng những đau khổ của Chúa Kitô cũng sẽ là của Mẹ. Khi Chúa Giêsu mới được 40
ngày, Mẹ đã nghe ông Simêôn tiên tri rằng Chúa Giêsu sẽ là một dấu hiệu của sự
mâu thuẫn – và tâm hồn Mẹ bị gươm đâm thâu – để những suy nghĩ trong lòng nhiều
người sẽ được tiết lộ. (Lc 2:34-35) Sự đau khổ ập đến với Đức Mẹ và Chúa Giêsu mau
chóng khi phải chạy trốn sang Ai Cập. (Mt 2:13-15) Đau khổ cứ thăng trầm trong
suốt 30 năm tiếp theo cho đến khi đạt đến đỉnh cao tại Thập Giá. Kinh Thánh nói
rằng Chúa Giêsu “đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng
phục,” (Dt 5:8) và điều tương tự cũng được nói về Đức Mẹ. [2] Đức Mẹ nhìn Chúa
Giêsu khi Ngài bị treo trên Thánh Giá để hiến thân cho Chúa Cha bằng thịt và
máu mà Ngài đã nhận từ Mẹ. Một lần nữa, trái tim Mẹ tuân phục Thánh Ý. (Lc
1:28) Trái Tim Đức Kitô bị đâm thâu cũng là Trái Tim của Mẹ Maria, cái chết của
Ngài cũng là cái chết của Mẹ.
Đức Mẹ đã dâng mình cho Chúa Cha qua Con Mẹ,
với Ngài và trong Ngài, và không ai chân thành dâng lễ vật cho Thiên Chúa mà
Ngài không đáp lại bằng sự tuôn đổ dồi dào ân sủng của Ngài. Giống như ông Simon
ở Cyrênê, chúng ta có thể cảm thấy bị thúc ép phải phụng sự. Nhưng hãy nhớ lại
rằng Chúa đã dùng việc vác Thánh Giá của ông Simon để hoán cải ông – và đến
lượt các con của ông. (Mc 15:21; Rm 16:13)
Thánh Phaolô chia sẻ: “Để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận
được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Satan được sai
đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại.” (2 Cr 12:7) Thánh Phaolô cầu
xin Chúa cất cái dằm đi – không phải một lần mà ba lần. Giống như ba lời cầu
xin của Chúa Giêsu, lời cầu xin của Thánh Phaolô không phải bằng cách xoa dịu
nỗi đau mà truyền thêm sức mạnh cho ông. Chúa nói với ông: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn
trong sự yếu đuối.” Sau mặc khải này, Thánh Phaolô có thể nói: “Tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu
đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy
vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì
Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2 Cr 12:9-10)
Đau khổ có nhiều nguyên nhân khác nhau – kỷ
luật của Chúa Cha, sự bách hại vì Đức Kitô, cuộc sống trong một thế giới sa
ngã. Thánh Phaolô đã trải qua đầy đủ các nước cờ: bị đánh đòn, bị cầm tù, bị
đắm tàu, bị nguy hiểm vì thời tiết, bị đói kéo dài, bị ném đá, bị đánh đòn và
cuối cùng bị chặt đầu. (2 Cr 11:23-27; Gl 4:13; 2 Tm 4:10-16) Thánh Phaolô viết
cho dân Côrintô: “Cũng như chúng ta chia
sẻ muôn vàn nỗi khổ đau của Đức Kitô, thì nhờ Người, chúng ta cũng được chứa
chan niềm an ủi.” (2 Cr 1:5) và khi ông nói với các môn đệ ở Châu Á: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được
vào Nước Thiên Chúa.” (Cv 14:22) Ông ví sự đau khổ và sự tuẫn đạo sắp xảy
ra của mình như của lễ đổ ra trên bàn thờ tại đền thờ. (Xh 29:40-41; Ds 28:7; Pl
2:17; 2 Tm 4:6)
Qua tất cả những điều đó, Chúa Thánh Thần đã
dạy Thánh Phaolô về vai trò mà sự đau khổ của ông thể hiện, không phải trong sự
cứu độ khách quan mà Đức Kitô đạt được, mà là sự cứu độ chủ quan của ân sủng Đức
Kitô được áp dụng cho từng linh hồn. Trong thư gửi tín hữu Côlôxê, Thánh Phaolô
viết: “Giờ đây, tôi vui mừng được chịu
đau khổ vì anh em. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi xin
mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh.”
(Cl 1:24) Chịu đau khổ vì Chúa Kitô cũng là chịu khổ vì Nhiệm Thể Ngài. Chúa
Kitô và Thập Giá của Ngài thánh hóa và truyền đạt giá trị siêu nhiên cho các lễ
dâng của chúng ta. (Mt 23:19; Dt 13:10:15-16) Thật vậy, “nếu sự vâng lời của Đức
Kitô trong cuộc khổ nạn xứng đáng để cứu độ loài người chúng ta thì sự chịu khổ
của Ngài trong chúng ta – sự tín phục đối với Chúa Cha mà Ngài tạo ra trong
linh hồn chúng ta – có thể đáng áp dụng các ân sủng cứu độ cho anh chị em của
chúng ta. Đấng Cứu Độ làm cho những đau khổ của các chi thể của Ngài được cứu
độ.” [3]
Như Chúa Giêsu đã mặc lấy máu thịt Mẹ Maria
và hiến thân để cứu độ thế giới, giờ đây Ngài cũng mặc lấy máu thịt chúng ta và
dâng những đau khổ của chúng ta lên Chúa Cha. Khi chúng ta kết hợp những đau
khổ của chúng ta với đau khổ của Chúa Kitô, những thử thách và phiền não của
chúng ta trở nên có tính cứu độ, bởi vì Thiên Chúa đáp lại việc chúng ta từ bỏ
ý muốn của Ngài bằng ân sủng dồi dào – dồi dào đến nỗi nó “chảy tràn” từ linh
hồn của chúng ta sang linh hồn của anh chị em của chúng ta. Cũng như với Mẹ
Maria, Chúa muốn sử dụng lòng trung thành của chúng ta giữa đau khổ, để “những
ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” (Lc 2:35) Những người đó là gia đình
và bạn bè của chúng ta, và họ được lôi kéo đến với Đấng chịu đóng đinh vì họ.
SHANE KAPLER
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Chiều
Thứ Bảy Tuần Thánh – 2023
[2] Raniero Cantalamessa, Mary: Mirror of the Church (Collegeville, MN: The Liturgical Press, 1992), 82.
[3] Shane Kapler, James: Jewish Roots, Catholic Fruits (Kettering, OH: Angelico Press), 64.
✠ Đức Mẹ Lộ Đức – https://youtu.be/SSyfT1gVFn4
✠ Đức Mẹ Banneux – https://youtu.be/DG7y43nBILY
✠ Đức Mẹ Beauraing – https://youtu.be/gjteUVm_40I
✠ Đức Mẹ Champion – https://youtu.be/69KkEMDIQ6g
✠ Đức Mẹ Coromoto – https://youtu.be/LcX2FR9Dsd8
✠ Đức Mẹ Guadalupe – https://youtu.be/dZsgkyQcmXk
✠ Đức Mẹ La Vang – https://youtu.be/LDj7wex9eaM
✠ Đức Mẹ Trà Kiệu – https://youtu.be/znOgW-XLEV8
✠ Đức Mẹ Pontmain – https://youtu.be/rwPQn6Vz44c
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment