Đã đến giờ học mà cô bé vẫn biệt tăm. Cả tuần
nay như vậy. Có lẽ cô bé không học nữa. Nghĩ vậy, và dĩ nhiên có giờ rảnh nên
tôi ngồi viết lại những bài nhạc đã soạn xong.
Trời lất phất mưa. Lãng mạn lan tỏa. Đốt một điếu thước, hít sâu, tôi mơ màng thả hồn bồng bềnh trong khói thuốc bay quyện vào bụi mưa bên cửa sổ… Những nốt nhạc vẫn bất động trên bản thảo. Ôi chao “linh hồn” của người viết nhạc!
– Cậu.
Tôi quay lại. Cô bé xuất hiện. Tôi nói trong
khói thuốc:
– Chắc cô bé thích truyện cổ tích lắm hả?
Cô bé tròn mắt:
– Cậu nói gì c.. on… con kh… khô… ông hiểu?
Cô bé vẫn xưng hô rất tự nhiên như vậy. Cô bé
có cái tên khá… dễ thương: Ái Khanh. Khanh hay sang chơi với bé Mariya (Mariya không
hề “tây” chút nào, chẳng qua là “Mày Rán Nha.” Thế thôi!). Khanh hay sang chơi
với bé Bảo Châu, mặc dù nó học lớp 11, còn Khanh đã là một cô nữ sinh năm cuối.
Khanh học đàn với tôi mới 4 tháng nay. Với mái tóc đen mượt chấm vai (không là
“tóc thề” đâu nha), Ái Khanh càng duyên hơn với lúm đồng tiền trên má. Một chút
lanh chanh, đôi khi Ái Khanh dễ thương đến… “bực mình.” Thông minh cộng thêm
chút bướng bỉnh. Bài khó, đàn không được, có khi cô bé khóc hồn nhiên như trẻ
thơ vậy. Con gái thường dùng nước mắt để “qua mặt.” Tôi không có kinh nghiệm để
khả dĩ hiểu được những hợp-âm-nghịch-đầy-vẻ-con-gái hoặc loại
nghịch-phách-phụ-nữ như vậy. Tôi cười:
– Tưởng cô bé chán học đàn rồi?
Ái Khanh nũng nịu:
– Tại cậu đó!
– Chúa ơi! Sao kỳ vậy?
– Cậu khó quá hà!
– Bài khó chứ đâu phải ai khó cả.
– Hổng phải!
Ui da! Giọng Nam nghe sao nó “dẻo quẹo” như…
kẹo kéo vậy! Tôi người Bắc, thành thử trong đối thoại nghe chừng… “việt vị.”
Tôi tỉnh hơn ruồi:
– Sao không phải?
– Đàn dzậy mà cậu hổng cho qua bài mới. Tập
lâu quá. Hổng phải cậu khó tính hả?
– Phải khó chứ. Đánh đúng nốt, đúng ngón, có
thể mới là… đúng, nhưng chưa hẳn có hồn, chưa hẳn hay. Khó nhất là đúng nhịp
phách. Đánh sao cho “ngọt” kìa. Bài cũ chưa xuôi sao qua bài mới được. Tập đúng
phương pháp thì khó thật, nhưng tập được thì sau sẽ dễ. Quen cái sai rồi khó
sửa lắm. Cần phải khó với chính mình. Thiên tài là sự cố gắng không ngừng. Tùy
Ái Khanh đó!
Ái Khanh im lặng ngồi vô ghế đàn. Tôi nói
thêm:
– Kiên nhẫn một chút. Đánh được “Love Is
Blue” chưa?
– Dạ, tạm được. Cậu cho đánh bài “Cô Bé Dỗi
Hờn” đi.
Tôi gật đầu:
– Trả bài cũ đã.
Lạ quá! Ái Khanh đàn “có hồn” hơn mọi bữa.
Ngón đàn và điệu bộ biểu diễn cũng ra vẻ “nghệ sĩ” hơn. Tôi chợt để ý đến đôi
tay Ái Khanh. Dài và thon giống… tôi. Đôi tay này mà điều khiển hợp xướng thì…
“hết biết”! Vừa dứt đàn, Ái Khanh đã vội nhắc:
– Tập bài mới được chưa cậu?
– Được.
Tôi thong thả lật xấp nhạc trên bàn, rút một
bản cho Ái Khanh và vừa cười vừa nói:
– Nè, đồng ý chưa, cô bé dỗi hờn? Trò mà ra
điều kiện cho thầy. Có lẽ cô bé có kỷ niệm như vậy hả?
Ái Khanh đưa tay vén mái tóc, hạ giọng nhõng nhẽo:
– Dạ, hổng dám đâu!
Tôi nhại giọng cô bé:
– Hổng dám hổng có đâu!
Ái Khanh cười khúc khích rồi bắt đầu đàn. Tôi
lại đốt thuốc theo thói quen, theo kiểu “điếu này vừa hạ rộng, điếu kia đã động
quan.” Một thói quen đáng ghét mà tôi chưa thể bỏ được, nhất là những lúc nghe
nhạc, đặc biệt là khi tìm tứ thơ và ý nhạc. Đó là nhược điểm dù đôi khi tôi vẫn
tự “biện hộ” đủ cách cho mình. Thật tồi tệ! Vì biết là hay mà tôi không theo,
biết là dở mà tôi không sửa. Quả thật, tôi quá yếu đuối, cả nghĩa đen và nghĩa
bóng. Tôi chợt nhớ lời Thánh Phaolô: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều
tôi không muốn thì tôi lại làm.” (Rm 7:19)
Tiếng đàn lạc phách. Không nhìn tôi cũng biết
tay cô bé đang nhảy trên những phím đen. [*] Đó là “thói quen” của cô bé mỗi
khi không đàn được những chỗ khó. Giọng tôi trầm và đều:
– Cổ tích và dân ca rất gần nhau. Cô bé thích
cổ tích nên cũng ưa dân ca.
– Nghĩa là sao, cậu?
– Cô bé không biết mình vừa đánh ngũ cung
sao?
Ái Khanh thích chí như vừa có được một phát
minh mới, reo lên:
– Dzậy hả cậu?
– Chịu khó tập đi. Chịu khó chứ đừng khó
chịu. Càng khó càng tập nhiều. Không thể đốt giai đoạn. Đừng có đánh khúc “dân
ca dỗi hờn” nữa.
“Bể mánh.” Ái Khanh cúi đầu, mặt ửng hồng như
như thoa chút phấn làm duyên.
Ái Khanh vẫn sang học đều. Chiều chiều, tiếng
đàn dỗi hờn của cô bé lại vang lên, và tất nhiên là những “cung dỗi hờn” đó bay
vô tai tôi. Cô bé lại dỗi hờn với chính mình: Khó vậy sao Ái Khanh?
Chiều. Mưa lãng đãng như những nốt nhạc dỗi
hờn của cô bé. Tôi mở đĩa nhạc vừa đủ nghe. Và dĩ nhiên, tôi vẫn có một điếu
thuốc tỏa khói theo thói quen.
…Em ghét anh gọi em cô bé! …Trông rất tội nghiệp… Đáng đời anh chưa?...
Cô bé bước ra từ cổ tích tự bao giờ rồi!
– Chào thầy!
Cô bé vẫn gọi tôi là “cậu” kia mà? Tôi diễu:
– Phải gọi là “bệ hạ” chứ?
– Sao lại bệ hạ? – Giọng cô bé “nhựa” hẳn ra.
– Cô bé là Ái Khanh thì tất nhiên tôi là “bệ
hạ.”
– Hổng biết đâu! Em bắt đến đó!
Chúa ơi! Dám xưng là “em.” May mà nhà đi vắng
hết. Chứ “kiểu” này… “nguy” quá! Tôi tỉnh queo:
– Bắt đền cái gì?
– Ai biết!
– Dzậy cũng nói. Được rồi. Đợi Bảo Châu về
đã.
– Có ai bắt đền Bảo Châu đâu?
Tôi cười:
– Đàn đi! Trẫm sẽ “bắt đền” cho “ái khanh”
(không viết hoa đâu nha!)
Cô bé nhìn tôi hóm hỉnh.” Đôi mắt đen láy ấy
“lì” hơn mọi ngày. Tôi lấy bản nhạc chép tay đưa cho Ái Khanh.
– Nè, bắt đền đó. Được chưa?
– Bài chi vậy thầy?
– Cô-Bé-Dỗi-Hờn. – Tôi nhấn mạnh từng chữ rõ
ràng và chính xác.
– Em có rồi.
Tôi vẫn thản nhiên:
– Đây là bài chép tay. “Cô bé dỗi hờn” này đẹp
và dễ thương hơn “cô bé dỗi hờn” kia chứ? Đàn trả bài đi rồi đưa “cô bé” này về
cho có bạn.
Ái Khanh quay phắt đi, không cầm. Im lặng một
lúc lâu. Tay cô bé lại nhảy trên các phím đen, phong cách thể hiện sự dỗi hờn
“dễ cảm” của Ái Khanh. Rồi Ái Khanh chợt chuyển qua bài “Ca Khúc Trầm Hương”
của nhạc sĩ linh mục Dao Kim: “Lời con
như trầm hương bay lên tới Thiên Đường, bay lên tới Thiên Đường cho lung linh
ánh nhiệm mầu… Khấn cầu là Chúa hãy dủ thương ban muôn Hồng Ân.” Có lẽ bài
này có “hơi” ngũ cung ở chữ “Hồng” được viết ở Si giáng, không thấp bằng Si
giáng mà cũng không cao bằng Si bình, cao độ ở giữa Si giáng và Si bình, nghĩa
là theo thang âm ngũ cung. Khi dỗi hờn thì Ái Khanh luôn cho tay nhảy trên các
phím đen dương cầm như một phản xạ tự nhiên vậy. Một “nét riêng” đầy nữ tính!
Cứ dỗi hờn nữa đi để tiếng đàn mãi vút cao,
thanh thoát, trong sáng, cô bé nhé!
TRẦM THIÊN THU
[*] Các phím đen trên Dương Cầm (Piano) rất
giống ngũ cung Việt Nam.
✽ Một Con Đường – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/06/mot-con-uong.html
✽ Mối Tình Đầu – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/05/moi-tinh-au.html
✽ Thiên Chúa Phối Hợp – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/06/thien-chua-phoi-hop.html
✽ Vùng Cấm Địa – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/02/vung-cam-ia.html
✽ Ký Ức Về Thầy – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/ky-uc-ve-thay.html
✽ Lồng Đèn Yêu Thương – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/09/long-en-yeu-thuong.html
✽ Thằng Bo – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/12/thang-bo.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment