Văn sĩ triết gia Denis Diderot (1713-1784, Pháp) xác định: “Il n'y a qu'une seule passion, la passion pour le bonheur.” – Chỉ có một khát khao, khát khao hạnh phúc. Chỉ những người sống mới có khát khao đó. Thiên Chúa tạo dựng con người vì Ngài muốn họ sống hạnh phúc mãi mãi, thậm chí hạnh phúc ngay ở thế gian này. Khát vọng sống – cả thể lý và tinh thần – là khát vọng chính đáng, vừa mạnh mẽ vừa sống động.
Cuộc sống có nhiều khát vọng liên quan tinh
thần và thể lý. Về tâm linh, Thánh LM TS Thomas Aquinas (1225-1274) soạn kinh
nguyện chuẩn bị Thánh Lễ thế này: “Con bệnh tật tìm đến Bác Sĩ Sự Sống, con không tinh tuyền tìm đến Giếng Nước
Lòng Thương Xót, con mù lòa tìm đến
Ánh Sáng chói lọi đời đời, con nghèo nàn
và thiếu thốn tìm đến Chúa Tể Càn
Khôn.” Ước gì chúng ta cũng có “cơn khát” như thánh nhân!
Trình thuật Ga 4:5-42 nói về cuộc gặp gỡ giữa
Chúa Giêsu và một phụ nữ Samari bên giếng nước. Chị khát khao được sống thật và
được Ngài ban cho loại nước trường sinh bất tử, uống vô hết khát liền. Thánh sử
Gioan kể: Một hôm, Chúa Giêsu đến thành Xykha thuộc xứ Samari, gần thửa đất ông
Giacóp đã cho con là ông Giuse và có giếng của ông Giacóp. Ngài đi đường mỏi
mệt nên ngồi ngay xuống bờ giếng, còn các môn đệ vào thành mua thức ăn, vả lại
lúc đó khoảng mười hai giờ trưa, nắng như lửa thiêu. Lúc đó có một người phụ nữ
Samari đến lấy nước. Đức Giêsu xin chị chút nước uống. Chị ngạc nhiên: “Ông là người Do Thái, mà lại xin tôi, một
phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?”
Chị rất ngạc nhiên vì thời đó người Do Thái
không được giao thiệp với người Samari. Nhưng Chúa Giêsu vẫn giao tiếp và nói: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và
ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’ thì hẳn chị ĐÃ xin, và người
ấy ĐÃ ban cho chị nước hằng sống.” Chúa Giêsu dùng thì quá khứ trong khi
Ngài nói là hiện tại. Điều đó cho thấy rằng những gì Ngài nói đều là sự thật,
như Ngài xác định với tổng trấn Philatô: “Tôi
đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT.”
(Ga 18:38)
Phụ nữ Samari vô danh thắc mắc rằng Chúa
Giêsu không có gầu, giếng lại sâu, làm gì có được nước hằng sống mà cho. Chị
không hiểu ý Ngài. Chị còn chứng minh rằng tổ phụ Giacóp với cả con cháu và đàn
gia súc cũng xài nước giếng này. Chúa Giêsu lại cười hiền và nói: “Này chị Hai, ai uống nước này sẽ lại khát.
Còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Nước tôi cho sẽ trở thành
nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời đấy.” Có lẽ lúc
đó chị gãi đầu thầm nghĩ: “Lạ dữ nghen!”
Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, nhưng chắc hẳn chị cảm thấy tin tưởng
“Anh Chàng” này nói thật, vì thấy có gì đó rất kỳ lạ. Thế là chị nói ngay: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để
tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.”
Chẳng nói có cho hay không, nhưng Ngài bảo
chị gọi chồng ra. Chị bảo rằng chị chỉ có một mình thôi, không chồng con chi
cả. Ngài bảo chị nói đúng. Ngài nói thẳng rằng chị đã có năm đời chồng, ngay cả
người hiện đang sống với chị cũng không phải là chồng. Chắc đó là dạng “sống
thử” hoặc “nửa nhân ngãi, nửa vợ chồng” đây. Chị hết hồn hết vía vì thấy Chúa
Giêsu không phải thầy bói mà nói trúng phoóc. Ngại thì ngại nhưng chị cũng phải
công nhận ngay trước mặt Ngài: “Ông ơi,
tôi thấy ông thật là một ngôn sứ.” Ngài còn bảo không được thờ phượng Thiên
Chúa trên núi nữa, mà Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.
Kể ra chị Hai ngoại giáo này cũng dễ tiếp thu “cái mới” đấy. Thật tuyệt vời!
Vào thẳng vấn đề, Chúa Giêsu nói: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người
sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người
thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu
độ phát xuất từ dân Do Thái. Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ
những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự
thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là
thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự
thật.” Chị Hai này hay thiệt, xem chừng giỏi Kinh Thánh nữa, vì chị nghe Chúa
Giêsu nói vậy mà không thắc mắc mà còn xác định: “Tôi biết Đấng Mêsia, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ
loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Đúng vậy. Giỏi thật. Chúa Giêsu không từ
chối: “Đấng ấy chính là tôi, người đang
nói với chị đây.” Chị thật diễm phúc vì được gặp và nói chuyện với chính
Đức Giêsu Kitô, Đấng phải đến thế gian.
Ngay lúc đó, các môn đệ đi mua đồ ăn về. Các
ông ngạc nhiên vì thấy Thầy nói chuyện với một phụ nữ nhưng không ai dám hỏi gì.
Sau đó, người phụ nữ phấn khởi đến nỗi bỏ vò nước lại, chạy vào thành và bảo
người ta đến xem một “Người Lạ” rất giống Đấng Kitô. Chị này tự nguyện làm nhân
chứng sống. Thế là dân thành tuôn ra như trẩy hội. Được tận mắt thấy một “Dị
Nhân” độc nhất vô nhị là cơ hội ngàn vàng. Vừa lạ lùng vừa thú vị. Chắc là ai
cũng rất phấn khởi vì thỏa mãn niềm khát khao lâu nay.
Chắc là ai cũng đói vì trời đã quá trưa, các
môn đệ thưa: “Thưa Thầy, xin mời Thầy
dùng bữa.” Nhưng Ngài “bóng gió” với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết.” Các môn
đệ lại gãi đầu và ngơ ngác nhìn nhau: “Đã
có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?” Có thể họ tưởng Thầy ăn rồi.
Các ông không biết Thầy nói về siêu lương thực là “thi hành ý Chúa Cha và hoàn
tất công trình cứu độ.” Phải vậy thôi, trò Kitô hữu hơn thầy, bằng thầy cũng
khá lắm rồi. (x. Mt 10:24-25)
Thánh sử Gioan cho biết rằng, hôm đó có nhiều
người Samari trong thành đã tin vào Đức Giêsu, vì lời chứng của chị Hai Samari:
“ÔNG ẤY NÓI VỚI TÔI MỌI VIỆC TÔI ĐÃ LÀM.”
Và lời chứng đó đã có hiệu quả ngay lập tức: nhiều người tìm đến với Ngài. Quả
thật, chỉ Thiên Chúa mới có thể THẤU SUỐT MỌI SỰ (1 Sb 28:9; Gđt 8:14; Et 5:1;
2 Mcb 7:35; 2 Mcb 9:5; 2 Mcb 12:22; 2 Mcb 15:2; G 28:27; Tv 139:2; Cn 16:2; Cn
21:2; Cn 24:12; Kn 1:6; Kn 7:23; Hc 23:19; Hc 42:20; Gr 11:20; Gr 20:12; 1 Cr
12:4-6) nên Ngài biết trước mọi sự.
Hôm đó, dân Samari xin Ngài ở lại với họ,
chắc hẳn Ngài rất vui nên đã ở lại đó hai ngày. Số người tin lời Ngài gia tăng
nhiều. Họ bảo chị Hai ngoại giáo: “Không
còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và
biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.” Không sao, chị Hai không hề
buồn, chị chỉ muốn người ta cũng tin như chị vậy. Chúng ta là những người được
Chúa tuyển chọn, cách này hay cách khác – giáo sĩ, tu sĩ, hội viên các hội
đoàn,… Liệu chúng ta có cảm thấy tự thẹn với chính mình? Thiên Chúa đã chọn chị
Hai ngoại giáo làm chứng cho Ngài.
Có nhiều dạng khát – cả thể lý và tinh thần, với
mức độ khác nhau. Cơn khát nào cũng cần được giải khát. Khát là trạng thái
thiếu nước, phải có nước để giải khát. Đồ uống cần gấp hơn đồ ăn, vì người ta
có thể nhịn đói lâu hơn nhịn khát. Chúa Giêsu đã nói: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy thì Thầy bảo
thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.” (Mt 10:42) Điều nhỏ mà
lợi to.
Rất cấp bách đối với cơn khát thể lý, nhưng còn
cấp bách và mãnh liệt hơn nhiều đối với cơn khát tâm linh.
1. THÂN XÁC KHÁT
Trình thuật Xh 17:3-7 cho biết hành trình về Đất
Hứa. Suốt 40 năm đi qua hoang địa, dân khát nước nên đã kêu trách ông Môsê: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai Cập để làm gì?
Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị
chết khát hay không?” Nắng đồng bằng đã khó chịu rồi, nắng cao nguyên cũng
ghê gớm lắm, nắng sa mạc thì hẳn là như lửa. Chịu không nổi cái nắng nóng nên
dân muốn nổi loạn, ông Môsê cũng “ngán” lắm nên kêu xin Đức Chúa: “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ
một chút nữa là họ ném đá con!”
Không cần biết phải trái thế nào, dễ bị ném đá
chết như chơi, vì đá luôn có sẵn, muốn “chơi” thì cứ lấy đá chọi thẳng tay ngay.
Đáng quan ngại lắm. Nghe ông Môsê kêu cầu, Đức Chúa phán: “Ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Israel; cầm
lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin, và đi đi. Còn Ta, Ta sẽ đứng ở
đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khôrếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá.
Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống.” Thế thì còn gì bằng! Ông Môsê nghe
vậy và làm ngay trước mắt các kỳ mục Israel. Điều kỳ diệu đã xảy ra. Ông đặt
tên cho nơi ấy là Maxa và Mơriva, nghĩa là THỬ THÁCH và GÂY SỰ, vì con cái Israel
đã dám gây sự và thử thách Đức Chúa mà nói: “Có
Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?” Đó là nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên
Chúa. Chúng ta cũng đã có lúc “đặt vấn đề” về đức tin như vậy, mặc dù chúng ta không
nói ra.
Có phải dân Israel “uống thuốc liều” quá chỉ
định nên dám gây sự và thử thách Chúa, kiểu “bán trời không cần văn tự” chăng? Chúng
ta cũng chẳng hơn gì, có khi còn “liều” hơn họ. Thật vậy, khi gặp gian nan thử
thách theo kiểu “mắc nối tiếp” như các bóng điện nối nhau, dạng “họa vô đơn chí,”
chắc là cũng đã có những lần chúng ta nghi ngờ về Thiên Chúa: “Thực sự có Thiên Chúa hay không?” Có
những người còn liều hơn – kể cả người Công giáo, đã từng dám thốt lên: “Trời không có mắt, trời mù!” Đúng là người
ta “liều” hơn dân Israel xưa!
Mùa nào cũng là mùa sám hối, ngày nào cũng là
Mùa Chay, khi nào cũng là lúc tĩnh tâm, không trong Mùa Chay, Mùa Vọng, hoặc dịp
đặc biệt. Đó là sẵn sàng dầu đèn như 10 cô trinh nữ khôn ngoan đi đón chàng rể.
(x. Mt 25:1-13) Giáo Hội ấn định Mùa Chay như tiếng chuông cảnh báo để “đánh
động” mạnh hơn, nhất là đối với ai còn “ngủ mê,” do đó mà có nghiêm luật: Xưng
tội mỗi năm ít là một lần và rước lễ trong Mùa Phục Sinh.
Khi nhìn vào thiên nhiên, người ta khả dĩ nhận
biết Thiên Chúa. Đơn giản nhất là không khí. Không có không khí thì không gì có
thể sống được. Cái cực tiểu nhưng lại là cực đại. Không có ánh nắng thì ai cũng
như mù vậy. Vì thế, hãy nghe lời Thánh Vịnh gia mời gọi: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta,
vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn.”
(Tv 95:1-2) Thánh Vịnh gia nói thêm: “Hãy
vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi
chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên
tay Người dẫn dắt.” (Tv 95:6-7a)
Trong Mùa Chay, chúng ta thường xuyên được
nhắc nhở câu này: “Ngày hôm nay, ước gì
anh em nghe tiếng Chúa phán: Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơriva, như ngày ở
Maxa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta,
dù đã thấy những việc Ta làm.” (Tv 95:7b-9) Thánh Phaolô cũng đã xác định: “Đây thời kỳ Chúa thi ân, Thời gian cứu độ
dành phần cho ta.” (2 Cr 6:2) Khi đề cập Mơriva và Maxa tức là nhắc nhở
chúng ta “đừng gây sự và thử thách Thiên Chúa.”
2. TÂM HỒN KHÁT
Có vẻ đơn giản mà phức tạp: Tin là chấp nhận
hay từ chối. Đức tin là một trong các “mối phúc ngoại lệ,” [*] và có thể làm
người ta nên công chính. Thánh Phaolô cho biết: “Một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với
Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu
đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được
hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của
Thiên Chúa.” (Rm 5:1-2)
Thánh Phaolô giải thích rất dễ hiểu: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải
thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần
mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì
còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta.
Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người
lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã
chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng
chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5:8) Điều gì cũng được diễn tả rất
chi tiết và mạch lạc khi đọc các thư của Thánh Phaolô.
Quả thật, tình yêu của Thiên Chúa quá vĩ đại,
quá cao thượng, và đó là Lòng Thương Xót. Cũng đã có lần Chúa Giêsu minh định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình
thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Tha
thứ đã khó rồi chứ nói chi chết thay ai đó. Đó là dạng khát “không giống ai,”
rất khác lạ. Sẵn sàng tha thứ là làm thánh. Thế nhưng đâu mấy ai làm được. Phàm
nhân thật yếu đuối!
Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta còn nghe văng
vẳng tiếng kêu thảm thiết của Chúa Giêsu từ trên Thập Giá trên Đồi Sọ năm xưa: “Tôi khát!” (Ga 19:28) Cơn khát của Chúa
Giêsu liên quan cả thể lý lẫn tinh thần, đặc biệt là “khát tình.” Ngài khát yêu
thương, muốn thương xót mọi người, nhưng người ta làm ngơ. Ngài còn có cái khát
khác thường là “khát đau khổ,” Ngài bằng lòng uống “chén đắng,” uống vui vẻ và uống
say sưa. Thế mà chúng ta lại nhẫn tâm đối xử tệ bạc với Ngài, chẳng khác bọn
thủ ác cho Ngài nếm giấm chua, (Ga 19:29) và ứng nghiệm lời Thánh Vịnh: “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con
khát nước, lại cho uống giấm chua.” (Tv 69:22)
Trong Mùa Chay, ước gì mỗi người đều biết
thực sự khát khao điều công chính, luôn tin kính Đức Kitô y như chị Hai Samari và
dân thành Xykha, đồng thời luôn xác tín: “Linh
hồn con khao khát Chúa Trời hằng sống.” (Tv 42:3) Chị Hai Samari và dân
thành Xykha đã tin vào “Người Lạ” là điều hợp lý và đúng ý Chúa. Chúng ta đều
là tội nhân bất xứng, không đáng tiếp cận Ngài, nhưng Ngài vẫn đại lượng: “Nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững
được chăng?” (Tv 130:3) Tất nhiên chúng ta cũng phải “hỷ xả” với bất kỳ ai.
Một trong những điều liên quan khát vọng sống
là ước mơ. Văn thi sĩ Kahlil Gibran (1883-1931, Liban) nói: “Hãy tin tưởng vào những ước mơ, vì bên
trong chúng ẩn chứa cánh cổng vào cõi vĩnh hằng.”
Lạy Thiên Chúa, xin Ngài là tất cả của đời chúng
con, xin cho chúng con luôn biết khát khao sống – sống tạm đời này và nhất là SỐNG
VĨNH HẰNG bên Ngài, sẵn sàng đập bỏ chiếc bình tội lỗi bên giếng đời, dám đốt
chiếc áo tội lỗi để mặc chiếc tinh tuyền, xin Thần Khí Ngài tác động để chúng con
mau mắn đáp lại lời kêu khát của Chúa Giêsu hiện thân nơi những con người bé
nhỏ trên đường lữ hành. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng
Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
[*] Ngoài Tám Mối Phúc “nòng cốt” (Mt 5:3-11;
Lc 6:20-23) còn nhiều các “mối phúc” khác được đề cập trong Kinh Thánh: Lc
7:22-23; Lc 11:28; Lc 14:15; Ga 20:29; Rm 4:7-8; Rm 14:22; Tv 1:1-2; Tv 33:12; Tv
112:5-6; Tv 106:3; Tv 119:1-2; Tv 144:15; Tv 146:5; Cn 3:13; Cn 8:32; Cn 8:34; Hc
28:19; G 5:17; Is 56:2; Gr 17:7; Gc 1:12; Gc 5:11; Kh 1:3; Kh 19:9; Kh 20:6.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment