Khi tường thuật về những cơn cám dỗ của Chúa, Thánh Mátthêu dùng ba từ khác nhau để chỉ ma quỷ. (Mt 4:1-11) Ngoài chữ Ma Quỷ, ngài còn dùng Tên Cám Dỗ và Satan. Mỗi tên gọi biểu lộ một điều gì đó khác nhau về cách ma quỷ tấn công chúng ta và – quan trọng hơn – cách chúng ta để mình bị dẫn dắt vào tội lỗi.
Chữ Hy Lạp DIABOLOS (ma quỷ) có nghĩa là kẻ vu
khống hoặc tố cáo sai sự thật. Nó xuất phát từ chữ DIA-BALLEIN, có nghĩa là ném
ra xa. Xét cho cùng, kẻ vu khống là người làm rối tung mọi việc, khiến họ bối
rối và dẫn đến những lời kết tội sai lầm. Diabolos là người đem đến sự rối loạn
và chia rẽ – đó là cách mô tả chính xác về công việc của ma quỷ. Thật vậy, đó
là bản tóm tắt công bằng không chỉ về tất cả những gì nó làm mà còn về tất cả
những gì nó có thể làm.
Ma quỷ ném mọi thứ đi. Lời mời gọi của nó là
sự chia rẽ. Nơi nó tìm thấy sự thống nhất và hài hòa, nó tạo ra sự mất đoàn kết
và bất hòa. Động thái đầu tiên của nó là giới thiệu sự chia rẽ nghi ngờ. Nó thì
thầm với người phụ nữ: “Có thật Thiên
Chúa bảo: ‘Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không’?” (St
3:1) Sự nghi ngờ này dẫn đến tội lỗi đầu tiên, tội lỗi mở ra mọi cách chia rẽ
và tha hóa khác: con người với Thiên Chúa, đàn ông và đàn bà với nhau, mỗi
người với chính mình.
Nó tìm cách đưa vào tâm trí chúng ta sự phân
chia nghi ngờ tương tự: “Chúa có thực sự
nói với bạn...? Chúa có thể tin được không?” Sự chia rẽ ban đầu đó là hệ
điều hành cho tất cả những thứ khác. Người hay nghi ngờ rút lui khỏi Thiên Chúa,
rồi chẳng bao lâu thấy mình xa cách người khác và thậm chí xa lạ với chính
mình. Sự chia rẽ dẫn đến việc nói xấu, gièm pha, ngồi lê đôi mách, bêu xấu, ham
muốn, đố kỵ và bạo lực, như chúng ta thấy trong sách Sáng Thế.
Tiếp theo, Thánh Mátthêu ám chỉ ma quỷ là kẻ
cám dỗ. Lúc này cám dỗ là cách khác để gây chia rẽ. Nó có nghĩa là thu hút hoặc
lôi kéo ai đó tránh xa điều tốt. Hãy lưu ý cách kẻ cám dỗ bắt đầu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…” Hắn đặt tính
đồng nhất đó để thử thách, để kéo Chúa Giêsu ra khỏi đó. Như đã từng cám dỗ
người phụ nữ từ bỏ niềm tin vào Thiên Chúa, giờ đây nó cũng tìm cách lôi kéo
Chúa Giêsu ra khỏi địa vị làm Con Thiên Chúa. Với mỗi lần cám dỗ, nó gợi ý với
Chúa Giêsu rằng hãy chấp nhận một số kế hoạch khác với kế hoạch của Chúa Cha, hãy
tin tưởng vào điều gì đó khác hơn là Chúa Cha.
Đó cũng là điều mà kẻ cám dỗ làm với chúng
ta. Nói một cách thẳng thắn, nó hỏi: “Thiên
Chúa có thực sự là Cha của bạn hay không? Ngài có thực sự mong muốn điều tốt của
bạn hay không?” Mỗi cám dỗ chúng ta trải qua là một bài kiểm tra lòng tin
của chúng ta vào Chúa Cha. Kẻ cám dỗ gợi ý rằng chúng ta tin cậy vào một điều
gì đó – niềm vui, giàu có, quyền lực – ngoài Chúa Cha. Nó phủ bóng lên lòng tốt
của Chúa Cha, để gợi ý rằng Ngài không đứng về phía chúng ta mà Ngài đang cạnh
tranh, rằng chúng ta không thực sự là con cái mà là thần dân.
Cuối cùng chính Chúa chúng ta đã nói: “Satan kia, xéo đi!” (Mt 4:10) Chữ Satan
trong tiếng Do Thái không chỉ là cách mô tả hoặc tiêu đề, mà là tên riêng của ma
quỷ, xác định nó là người tố cáo. Đó là cách nó được biết đến trong sách Gióp.
Tương tự trong sách Dacaria, kẻ tố cáo đôi khi được dịch là kẻ thù. Satan là cố
vấn chống đối, là công tố viên, buộc tội chúng ta trước mặt Thiên Chúa. (x. Dcr
3:1-2)
Nó buộc tội chúng ta về điều gì? Bản chất trường
hợp của công tố viên này là gì? Đó có thể là một tội mà chúng ta đã phạm phải
hoặc một tật xấu ngoan cố nào đó đang hành hạ chúng ta. Có thể đó không phải là
điều chúng ta đã làm, mà là điều gì đó đã xảy ra với chúng ta. Dù thế nào đi
nữa, kẻ tố cáo vẫn luôn tìm cách làm nghiêm trọng thêm sự xấu hổ của chúng ta.
Chúng ta thấy điều này với Ađam và Êva. Những lời hứa mà nó đưa ra trước đó mau
chóng biến thành lời kết tội. Sự xấu hổ khiến họ trốn tránh Thiên Chúa. Và kẻ
tố cáo đã thắng.
Tương tự, nó buộc tội chúng ta đã gây ra điều
xấu hổ khiến chúng ta trốn tránh Thiên Chúa. Nó thì thầm: “Mi không xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa. Tội của mi quá lớn,
vết thương của mi quá sâu… Nếu những người khác biết thì họ sẽ từ chối mi… Mi
không xứng đáng…” Nó định dựng lên một câu chuyện mới, để làm cho chúng ta
quên rằng chúng ta được tạo nên từ tình yêu, quên rằng chúng ta xứng đáng với
cái chết của Con Thiên Chúa, quên rằng Chúa Giêsu tha thứ tội lỗi và chữa lành
vết thương của chúng ta. Nhưng dù cảm thấy xấu hổ đến đâu, chúng ta cũng không được
che giấu. Thật vậy, chúng ta chỉ nhận được Ơn Cứu Độ khi chúng ta để cho Ngài
tìm thấy chúng ta.
Điều quan trọng là Chúa chúng ta sử dụng danh
xưng này để từ chối sự cám dỗ thờ phượng ma quỷ. Kẻ kết tội thích nhắc nhở
chúng ta về những lần chúng ta đã làm điều đó – khi chúng ta thích thế giới sa
ngã hơn là Thiên Đàng, tạo ra những vật cho Tạo Hóa và biến mình thành nô lệ
cho tội lỗi. Ngôn sứ Giêrêmia gọi thần Baal của người Canaan là “điều xấu hổ” hoặc
“thần xấu hổ,” vì con quỷ đó đã làm cho họ thêm xấu hổ và khiến họ làm những
điều đáng xấu hổ. (x. Gr 3:24) Ronald Knox diễn đạt nó một cách thích hợp là “sự
tôn thờ xấu hổ,” vì đó chính xác là những gì chúng ta làm khi chấp nhận những
lời dối trá mà nó kể về chúng ta.
Chúa vạch trần ba bộ mặt của ma quỷ. Ngài
giải thoát chúng ta khỏi sự nghi ngờ, không tin tưởng và xấu hổ. Bằng cách dâng
chính mình cho Chúa Cha, Ngài chữa lành sự chia rẽ sâu xa nhất và sự xa cách
của chúng ta với Chúa Cha. Ngài hòa giải chúng ta với Chúa Cha và với nhau.
Bằng sự từ bỏ của Ngài đối với Chúa Cha – “không theo ý Con, mà theo ý Cha” –
Ngài đem lại cho chúng ta ơn tín thác ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn
nhất. Bằng cái chết nhục nhã, Ngài tiết lộ giá trị thực sự của chúng ta và giải
thoát chúng ta khỏi sự xấu hổ.
LM. PAUL D. SCALIA
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ TheCatholicThing.org)
Mùa
Chay – 2023
✽ Bảo Vệ Đôi Tai, Bảo Vệ Linh Hồn
✽ Con Lừa & Con Người – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/08/con-lua.html
✽ Thừa Tự – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/03/thua-tu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment