Thứ Tư, 7 tháng 12, 2022

NGHỆ THUẬT MÙA VỌNG

Nhìn ngắm và suy ngẫm nghệ thuật thánh đem đến cho các tín hữu cách chuẩn bị cho sự ra đời của Chúa Chí Thánh vào Lễ Giáng Sinh. Mỗi tác phẩm nghệ thuật cho phép chúng ta suy ngẫm sâu sắc về kế hoạch của Thiên Chúa dành cho cuộc sống của chúng ta và chuẩn bị cho Lễ Giáng Sinh.

Trình thuật Mt 3:1-12 giới thiệu về Gioan Tẩy Giả, cho biết chi tiết về y phục, chế độ ăn uống và sứ vụ của ông tại sông Giođan, tất cả những điều đó nhằm gợi nhớ sứ vụ của Êlia trong Cựu Ước. Chúng ta nghe ông khuyến khích những người Pharisêu và Sađốc “sinh quả tốt” qua sự ăn năn, và lời cảnh báo của ông nếu không làm như vậy. Cuối cùng, chúng ta nghe phần mô tả đầu tiên về Đấng đến sau sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Đấng quyền năng này đến sau Gioan sẽ ra lệnh ăn năn, Ngài sẽ chặt những cây xấu tận gốc rễ, sẽ cho lúa tốt vào kho lẫm và ném lúa xấu vào “lửa không hề tắt.” Toàn bộ viễn cảnh này khiến chúng ta nhận ra rằng Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài không phải là những thực tại rụt rè, nhưng đòi hỏi quyết định và hành động dứt khoát.

Tình tiết hấp dẫn này được ghi lại trong bức họa “St. John the Baptist Preaching” (Gioan Tẩy Giả Rao Giảng) do Mattia Preti vẽ hồi thập niên 1660. Ông đưa vào các yếu tố được rút ra từ Phúc Âm, những chi tiết kêu gọi mọi người đi vào sứ vụ và thông điệp của tiếng “kêu trong sa mạc.” Rõ ràng trong bức tranh này, Gioan Tẩy Giả đưa ra quyết định và hành động căn bản đối với một môn đệ của Chúa Giêsu, và ông nhiệt tình kêu gọi những người khác làm như vậy. Do đó, trong Mùa Vọng, bức tranh này đem đến cơ hội tuyệt vời để suy ngẫm về những quyết định quan trọng trong đời sống thiêng liêng của chúng ta.

Thoạt nhìn, chúng ta thấy bầu trời đen tối báo điềm gở ở cảnh nền. Một mặt, điều này biểu thị sự căng thẳng tồn tại giữa Gioan và giới tôn giáo, và ông gọi họ là “bầy rắn độc.” Mặt khác, nó tượng trưng cho sự phán xét sắp xảy ra đối với những người không chú ý đến sứ điệp ăn năn. Cả hai khía cạnh này đều tốt để suy ngẫm trong Mùa Vọng. Tôi có rơi vào khuôn mẫu tự mãn và tự phụ như người Pharisêu và người Sađốc? Tôi có cởi mở để sám hối và hoán cải? Tôi có sẵn sàng và sinh “trái tốt” làm bằng chứng cho sự ăn năn của tôi?

Tiếp theo, chúng ta thấy một luồng ánh sáng xuyên qua bóng tối. Điều này nhằm khiến người xem nhớ lại lời Thánh Gioan Tông Đồ: “Ánh sáng chiếu soi trong bóng tối, và bóng tối đã không diệt được ánh sáng.” (Ga 1:5) Ngay cả bàn tay của Gioan Tẩy Giả cũng hướng lên ánh sáng và được nó chiếu sáng. Chi tiết này minh họa điểm rất đơn giản trong sứ điệp của Gioan Tẩy Giả: Ánh Sáng Thế Gian đã xuyên qua bóng tối tội lỗi, sa ngã của chúng ta và cho chúng ta cơ hội trở lại mối quan hệ đúng đắn với Thiên Chúa là Cha. Mùa Vọng cho chúng ta thời gian để chuẩn bị tâm hồn đón nhận thực tại đó một cách trọn vẹn, và cho chúng ta cơ hội thay đổi nếu cần biến đổi.

Sự tương phản giữa ánh sáng và bóng tối lan tỏa vào trung tâm của bức tranh và khiến chúng ta tập trung vào Gioan Tẩy Giả. Câu hỏi Mùa Vọng dành cho mỗi chúng ta là liệu chúng ta có sẵn sàng và có khả năng hướng về ánh sáng mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta một cách trọn vẹn hơn hay không? Đó là Ánh Sáng Thế Gian mà ông Gioan đã chỉ cho chúng ta. Chính ý tưởng này càng trở nên sâu sắc hơn khi chúng ta chú ý đến cái nhìn của Gioan. Ông nhìn chằm chằm về phía người ta, vượt ra ngoài phạm vi của bức tranh này. Có vẻ như ông Gioan đang hỏi người ta liệu có sẵn sàng lắng nghe lời tuyên bố của ông, có chú ý lời kêu gọi ăn năn hoán cải hay không. Mùa Vọng này, tôi có chú ý đến tiếng gọi của Gioan? Liệu tôi có từ chối nhận mình là đúng? Liệu tôi có sinh hoa trái tốt lành của công lý, lòng thương xót và đức tin? Liệu tôi có nhận ra rằng Vương Quốc Thiên Đàng đang ở gần?

Ngay phía trên vai trái của John, từ góc trên bên phải của bức tranh, một Thiên Thần đang nhìn chằm chằm vào người ta. Có lẽ Thiên Thần được đưa vào vì Phúc Âm theo Thánh Luca có sự kiện này, cho chúng ta biết rằng “lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa.” (Lc 3:2) Tước hiệu “thiên thần” có nghĩa đen là “sứ giả của Thiên Chúa,” vì vậy lời Chúa đến với Gioan trong hoang địa hẳn là do một thiên thần đem đến. Bằng cách nhìn của mình, thiên thần này cũng mời gọi chúng ta lắng nghe sứ điệp của Gioan Tẩy Giả.

Thánh Gioan Tẩy Giả được Preti mô tả là một đàn ông vạm vỡ mặc trang phục đỏ. Sức khỏe thể lý của Thánh Gioan chắc chắn là kết quả của chế độ ăn uống và điều kiện khắc khổ của ông, và trang phục đỏ biểu thị sự tử đạo sắp xảy ra. Cả hai chi tiết này đều có thể giúp chúng ta suy niệm trong Mùa Vọng. Chúng ta nên nhớ rằng mọi môn đệ của Chúa Giêsu Kitô đều được kêu gọi sống khổ hạnh, sự khổ hạnh sẽ giúp chúng ta mạnh mẽ về mặt đạo đức và tinh thần, ngay cả khi không được như vậy về thể lý. Chiếc áo choàng đỏ của Gioan khiến chúng ta nhớ rằng các tiên tri đích thực luôn phải chịu một dạng tử đạo nào đó, về thể lý hoặc xã hội. Trong Mùa Vọng, đức tin Công giáo của chúng ta đưa ra cuộc đời và sứ vụ của Gioan Tẩy Giả vì chúng ta cần chuẩn bị thể lý, tâm trí và tinh thần để trở nên ngôn sứ trong thời đại này, mặc dù sự tử đạo chắc chắn sẽ đến với chúng ta.

Thánh Gioan Tẩy Giả chỉ ra điều gì hoặc người nào trong sứ vụ của mình? Tôi sẽ chỉ vào cái gì hoặc người nào? Câu trả lời đã rõ ràng trong bức tranh. Gioan cầm một cây gậy, điều này gợi lên uy quyền của các ngôn sứ vĩ đại đầu tiên của Israel là Êlia và Êlisa. Cây gậy hình thập giá và có biểu ngữ với dòng chữ “Ecce Agnus Dei” – Đây là Chiên Thiên Chúa. Ngoài hai chi tiết đó, Preti đã đặt vương quyền trên quỹ đạo tuyến tính với ánh sáng phát ra từ Thiên Quốc, và nó kết thúc chính xác nơi con chiên ở cuối bức tranh. Dĩ nhiên, tất cả những điều này hướng chúng ta đến Chúa Giêsu, “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian.” (Ga 1:29)

Có lẽ chi tiết hấp dẫn nhất dễ bị bỏ sót nếu chúng ta không nhìn kỹ. Tấm áo đỏ của Gioan bao phủ gốc cây, một cây đã chịu nhiều nhát rìu. Chắc chắn điều này có ý nghĩa quan trọng đối với “mọi cây không sinh trái tốt” mà Gioan đã tiên báo về số phận của chúng. Trong Mùa Vọng, mỗi chúng ta nên đặt câu hỏi: Liệu số phận của cây sẽ là của chúng ta hay chúng ta đã sẵn sàng quay về với Chúa một cách trọn vẹn hơn và sinh hoa trái tốt lành của sự ăn năn chưa?

Cuối cùng, ở một phần ba dưới cùng của bức tranh, nhiều người ngước nhìn nhà thuyết giáo. Một số người trong số họ đang ở những vị trí khó hiểu trong khi ít nhất một người trông có vẻ sợ hãi. Một trong những nhân vật đứng trong tư thế kinh ngạc, tay chống mặt. Có vẻ như đàn ông này đang cầu nguyện, khao khát thực tế mà Thánh Gioan đã chỉ ra. Khi nhìn vào bức tranh, người ta có thể nghĩ mình là khán giả này. Tôi phải hỏi ai trong số những người này đại diện cho tôi? Tôi có bối rối trước Tin Mừng và những đòi hỏi của Tin Mừng đối với cuộc sống của tôi? Tôi có sẵn sàng cầu nguyện để đón nhận sứ điệp của Thánh Gioan Tẩy Giả?

Vì vậy, bức tranh mang tính biểu tượng của Preti đem đến cho chúng ta cơ hội trong Mùa Vọng này, cho mỗi chúng ta có cơ hội đáp lại Thánh Gioan Tẩy Giả, người muốn hướng chúng ta trực tiếp đến Chúa Giêsu Kitô, cho chúng ta có cơ hội để toàn tâm toàn ý dấn thân vào đời sống môn đệ, một đời sống đòi hỏi lựa chọn và hành động dứt khoát. Quan trọng nhất, điều đó giúp chúng ta nhìn thấy Chiên Con của Thiên Chúa và đi vào mối quan hệ sâu sắc hơn với Ngài.

DEREK ROTTY

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)

Mùa Vọng – 2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment