Thứ Hai, 7 tháng 11, 2022

THỜI CUỘC

Thời cuộc là cục diện hiện tại, thường liên quan tình hình chung về xã hội và chính trị trong một thời gian cụ thể nào đó. Nghe có vẻ quan trọng hoặc xa lạ, nhưng thật ra thời cuộc là những gì xảy ra xung quanh chúng ta hằng ngày, thuộc mọi lĩnh vực. Người ta gọi đó là “vấn đề thời sự.”

Trong khoảng thời gian này, năm 2021, vấn đề thời sự nóng bỏng là dịch covid; năm nay, thời sự “nóng nảy” là xăng dầu. Vấn đề có vẻ bình thường mà bất thường, nhất là vào thời gian cuối năm có nhiều thứ người ta phải lo toan. Cuộc sống không lúc nào bình lặng, con người luôn lo lắng nhiều thứ, cứ “tĩnh” cái này thì “động” cái kia. Chuyện đời này đã vậy, chuyện đời sau cũng luôn khiến người ta bồn chồn, quan ngại. Và đời này có liên quan đời sau.

Có những chuyện bình thường đời này vẫn khả dĩ có giá trị nếu biết kết hợp với Đức Giêsu Kitô. Giữa cuộc sống nhiêu khê, con người luôn phải tỉnh thức mọi lúc, như Chúa Giêsu đã khuyến cáo: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến.” (Mt 24:42 và 44)

Khoảnh khắc “không ngờ” thật đáng sợ. Qua trình thuật Lc 21:5-19, Thánh Luca cho biết về sự sụp đổ của thành Giêrusalem. Nhân có mấy người nói về Đền Thờ được trang hoàng bằng những viên đá đẹp và những đồ dâng cúng, Đức Giêsu bảo: “Những gì anh em đang chiêm ngưỡng đó sẽ có ngày bị tàn phá hết, không còn tảng đá nào trên tảng đá nào.” Họ hỏi Ngài: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, có điềm gì báo trước?” Ngài đáp: “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ CÓ NHIỀU NGƯỜI MẠO DANH THẦY đến nói rằng ‘Chính ta đây’ và ‘Thời kỳ đã đến gần,’ anh em CHỚ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì ĐỪNG SỢ HÃI. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu.”

Điều tiên báo của Chúa Giêsu đã ứng nghiệm. Thật vậy, thành Giêrusalem đã bị san thành bình địa, và ngày nay cũng thấy có nhiều tiên tri giả xuất hiện đấy đó, có những người nhẹ dạ mà tin theo những kẻ “mạo danh” Đức Kitô. Kinh Thánh phân biệt: Sứ giả gian manh chỉ gây nên tai họa, sứ giả trung tín là phương thuốc chữa lành.” (Cn 13:17) Thánh Phaolô nói: “Lạ gì đâu! Vì chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng!” (2 Cr 11:14)

Rất khôn khéo và tinh ranh, thế nên ma quỷ cũng có những cách dụ rất tinh vi, khó phân biệt. Chúng ta không khó nhận ra chước cám dỗ khi nó lôi kéo chúng ta xa cách Đức Kitô, nhưng lại rất khó nhận ra khi nó dụ chúng ta làm những việc tốt chỉ vì tiếng khen. Khi đó, người ta càng ngày càng ảo tưởng và tự mãn, thế là bị sập bẫy của nó. Kiêu ngạo như một que diêm nhỏ nhưng có thể thiêu rụi cả cánh rừng đức tính đã dày công khổ luyện lâu năm. Xôi hỏng, bỏng không!

Rồi Chúa Giêsu tiếp tục cho biết: “Dân này sẽ nổi dậy chống dân kia, nước này chống nước nọ. Sẽ có những trận động đất lớn, và nhiều nơi sẽ có ôn dịch và đói kém; sẽ có những hiện tượng kinh khủng và điềm lạ lớn lao từ trời xuất hiện.” Ngày nay đã thấy có những điều tương tự như vậy, ngay ở Việt Nam chứ chẳng đâu xa. Và Ngài nói về những điều xảy ra trước, giống như “cơn chuyển dạ” của thai phụ trước khi khai hoa nở nhụy: “Trước khi tất cả các sự ấy xảy ra thì người ta sẽ tra tay bắt và ngược đãi anh em, nộp anh em cho các hội đường và bỏ tù, điệu anh em đến trước mặt vua chúa quan quyền vì danh Thầy. Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy. Vậy anh em hãy ghi lòng tạc dạ điều này, là anh em đừng lo nghĩ phải bào chữa cách nào. Vì chính Thầy sẽ cho anh em ăn nói thật khôn ngoan, khiến tất cả địch thủ của anh em không tài nào chống chọi hay cãi lại được. Anh em sẽ bị chính cha mẹ, anh chị em, bà con và bạn hữu bắt nộp. Họ sẽ giết một số người trong anh em. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng dù một sợi tóc trên đầu anh em cũng không bị mất đâu. Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình.”

Chắc chắn những ai quan tâm sẽ ghi nhớ và suy tư, còn những ai nhẹ dạ cả tin thì dễ mắc mưu ma quỷ! Thật vậy, Thánh Phêrô đã cảnh báo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé.” (1 Pr 5:8) Ma quỷ như sư tử đói, nó rình mò suốt ngày thâu đêm, lơ là một chút là “chết” với nó ngay. Phàm nhân chúng ta là sinh vật cao cấp, nhưng cũng nhiêu khê và yếu đuối lắm. Nên thực hiện mấy điều này: Lắng Nghe trước khi Trả Lời, Suy Nghĩ trước khi Hành Động, Đồng Cảm trước khi Chê Trách, Tha Thứ trước khi Cầu Nguyện. Nếu chưa thành công, hãy tiếp tục “Thử Làm Lại trước khi Bỏ Cuộc.” Bởi vì Chúa Giêsu đã quả quyết: “Ơn của Ta đã đủ cho con.” (2 Cr 12:9)

Thánh Vịnh gia nói: “Chẳng ai trông cậy Chúa, mà lại phải nhục nhằn tủi hổ, chỉ người nào tự dưng phản phúc mới nhục nhằn tủi hổ mà thôi.” (Tv 25:3) Và dù có thế nào thì cũng đừng quên thú nhận: “Lạy Chúa, tội con thật nặng nề, vì danh Ngài, xin lượng thứ cho con.” (Tv 25:11) Hãy tín thác vào Thiên Chúa, và chỉ tin yêu Ngài mà thôi: “Hãy hết lòng tin tưởng vào Đức Chúa, chớ hề cậy dựa vào hiểu biết của con. Hãy nhận biết Người trong mọi đường đi nước bước, Người sẽ san bằng đường nẻo con đi. Đừng tự coi mình là khôn ngoan, hãy kính sợ Đức Chúa và tránh xa sự dữ.” (Cn 3:5-7)

Danh họa Leonardo da Vinci nhận định: “Một chút tri thức ít ỏi khiến người ta kiêu ngạo, kiến thức phong phú khiến người ta khiêm tốn. Do đó, những bông lúa lép thường cao ngạo mà chĩa thẳng đầu lên trời, còn những bông lúa chắc hạt thường cúi đầu xuống đất.” Nhân sao, vật vậy. Nước càng sâu chảy càng chậm; người càng trí tuệ, tâm càng tĩnh. Động – tĩnh, nhanh – chậm, đó là lý lẽ của sự tương sinh tương khắc. Cái gì “động” và “nhanh” thì mau qua, cái gì “tĩnh” và “chậm” thì bền lâu. Phàm nhân chẳng có gì mà tự hào, nhưng chúng ta có quyền “tự hào vì Danh Thánh Chúa,” (Tv 105:3) và chính nhờ Danh Thánh Ngài mà chúng ta được sống.

Thánh Phaolô khuyên: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha.” (Ep 5:20) Trong cuộc sống, có những người hành động nhân danh điều tốt lành, thiện hảo; nhưng cũng có những người hành động nhân danh điều xấu xa, độc ác. Ngày xưa, nhóm Pharisêu cũng đã từng dám lấy danh nghĩa của luật Môsê mà hành động ngang ngược theo ý họ, và họ đã bị Chúa Giêsu có những lời chê trách nặng nề nhất: “Khốn cho các người…!” (Mt 23:13-32)

Chính Chúa các đạo binh tuyên phán: “Vì này Ngày Ấy đến, đốt cháy như hỏa lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào. Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh. Các ngươi sẽ đi ra và nhảy chồm lên như bê xổng chuồng.” (Ml 3:19-20) Chỉ hai câu ngắn gọn nhưng vẫn chuyển tải nhiều vấn đề. Từ xưa tới nay, Thiện – Ác là vấn đề muôn thuở, luôn mang tính thời sự, và còn kéo dài đến tận thế. Chắc chắn ai làm điều tốt sẽ được thưởng, ai làm điều xấu sẽ bị phạt. Đó là tất yếu và là công lý của Thiên Chúa.

Mang danh Kitô hữu là mang danh con cái của Thiên Chúa, đó là niềm hạnh phúc vô cùng lớn lao, niềm vui sướng khôn tả, Thánh Vịnh gia mời gọi chúng ta thể hiện niềm vui mừng đó: “Đàn lên mừng Chúa khúc hạc cầm dìu dặt, nương khúc hạc cầm réo rắt giọng ca. Kèn thổi vang xen tiếng tù và, tung hô mừng Chúa, vị Quân Vương!” (Tv 98:5-6) Muôn loài khác cũng là thụ tạo của Thiên Chúa, Thánh Vịnh gia mời gọi chúng thể hiện niềm vui được hiện hữu trên đời này: “Gầm vang lên, hỡi biển cả cùng muôn hải vật, địa cầu với toàn thể dân cư! Sông lạch ơi, vỗ tay đi nào, đồi núi hỡi, reo mừng trước tôn nhan Chúa. Vì Người ngự đến xét xử trần gian, Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo lẽ công bình.” (Tv 98:7-9)

Con người quá yếu đuối mà cuộc sống luôn phức tạp. Vì thế, những tấm gương tốt lành và sống động luôn cần thiết để làm động lực thúc đẩy. Thánh Phaolô nói: “Chính anh em thừa biết là anh em phải bắt chước chúng tôi thế nào. Khi ở giữa anh em, chúng tôi đã không sống vô kỷ luật. Chúng tôi đã chẳng ăn bám ai, trái lại đêm ngày đã làm lụng khó nhọc vất vả, để khỏi nên gánh nặng cho người nào trong anh em. Không phải là vì chúng tôi không có quyền hưởng sự giúp đỡ, nhưng là để nêu gương cho anh em bắt chước.” (2 Tx 3:7-9)

Nhân danh Thiên Chúa, Thánh Phaolô nói với giáo đoàn: “Thật vậy, khi còn ở với anh em, chúng tôi đã chỉ thị cho anh em: ai không chịu làm thì cũng đừng ăn! Thế mà chúng tôi nghe nói: trong anh em có một số người sống vô kỷ luật, chẳng làm việc gì, mà việc gì cũng xen vào. Nhân danh Chúa Giêsu Kitô, chúng tôi truyền dạy và khuyên nhủ những người ấy hãy ở yên mà làm việc, để có của nuôi thân.” (2 Tx 3:10-12)

Chúng ta không thể dửng dưng với thời cuộc, đặc biệt là vận mệnh đất nước. Nhận biết thời cuộc để biết mình phải làm gì, đó là lợi thế, như Kinh Thánh cho biết: “Trong số con cháu ông Ítxakha am hiểu thời cuộc để biết Israel phải làm gì: hai trăm thủ lãnh và tất cả anh em đồng tộc dưới quyền họ.” (1 Sb 12:33) Và Kinh Thánh khuyên: Hãy để ý tới thời cuộclo tránh điều xấu, và đừng chuốc lấy nhục vào thân. Vì có cái nhục đưa đến tội lỗi, và cũng có cái nhục là vinh quang và ân sủng.” (Hc 4:20-21)

Lạy Thiên Chúa, xin ban ơn khôn ngoan và hiểu biết cho chúng con, nhất là trong xã hội nhiễu nhương ngày nay. Xin giúp chúng con phân định và hành động đúng theo Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 Dấu Chỉ Thời Cuối – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/10/dau-chi-thoi-cuoi.html
 Dấu Chỉ Cánh Chung – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/07/6-dau-chi-thoi-canh-chung.html
 Bao Giờ Chúa Đến? – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/11/bao-gio-chua-en.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment