Kinh Thánh cho biết lời Chúa Giêsu căn dặn: CANH THỨC và SẴN SÀNG. Hai động thái vô cùng quan trọng được Thánh Mátthêu đề cập trong trình thuật Mt 24:37-44 (≈ Mc 13:32-37; Lc 17:26-30, 35-36). Có canh thức thì mới có thể sẵn sàng. Người “ngái ngủ” chắc chắn không thể mau mắn được!
Chính Chúa Giêsu cho
biết: “Thời ông Nôê thế nào thì ngày Con
Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên
hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nôê vào tàu. Họ không
hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thủy ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người
quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng thì một
người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay thì
một người được đem đi, một người bị bỏ lại.” Rất thẳng thắn và rõ ràng,
không hề úp mở, và cũng không khó hiểu. Lời Ngài vừa tiên báo vừa cảnh báo.
Như chúng ta đã
biết, xưa nay vẫn có những kiểu đưa tin “giật gân” như chuyện tối tăm ba ngày
ba đêm, người ta muốn “đánh” vào tính hiếu kỳ của con người. Không chỉ những
chuyện về thiên nhiên, về vật lạ, thú lạ, cây lạ,… mà còn có cả những chuyện
người ta cho là “phép lạ.” Chắc là Chúa cũng “mệt mỏi” đối với loài thụ tạo của
Ngài vì thấy chúng quá nhiều chuyện. Những điều đáng phải tin thì người ta không
quan tâm, chỉ thích những chuyện “lạ mắt lạ tai,” xong rồi thôi. Kiểu sống như vậy là hâm hẩm, nửa vời, kiểu mà Thiên
Chúa rất ghét. Ngài nói thẳng: “Vì ngươi
hâm hẩm, chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta.” (Kh
3:16)
Ngài đã từng nhắc
nhở chúng ta chớ nhẹ dạ cả tin đối với những tin đồn nhảm nhí, hôm nay Ngài
tiếp tục cảnh báo: “Anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào
Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ
trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh
em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì
chính giờ phút anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến.” Đầy tớ nào sẵn sàng
thì không sợ chủ về bất ngờ, còn đầy tớ nào ỷ lại thì sẽ không kịp xoay sở trong
tình huống bất ngờ. Mọi sự sẽ được phơi bày, hai năm rõ mười. Cuộc sống đời
thường hay tâm linh cũng vậy thôi.
Khi chiến đấu, người
ta phải tỉnh thức và cảnh giác cao độ, vì địch quân có thể bất ngờ tấn công mọi
nơi và mọi lúc, dù ngày hay đêm. Chúng bắn tỉa hoặc pháo kích thì chúng ta khó có
thể biết từ hướng nào, thậm chí địch có thể ở sát bên chúng ta. Ai sống trong
thời chiến ngày xưa thì biết rõ điều đó.
Quả thật, cuộc
sống luôn có những điều bất ngờ. Điều bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào,
ngày nay có vẻ còn dễ xảy ra bất trắc hơn, thế nên tỉnh thức và đề phòng càng
phải ở mức cao độ. Đơn giản và minh nhiên như việc lắp đặt các camera ở các con
hẻm. Trước đây không cần. Điều đó chứng tỏ mức an toàn kém hơn ngày xưa, do đó
mà cần phải cảnh giác cao độ. Mới đây, một phụ nữ đứng trước nhà mình, cứ tưởng
an toàn, nhưng bất ngờ tên trộm giật túi xách của chị và rú ga chạy mất. Quá
bất ngờ nên chị chẳng kịp kêu, và tất cả đã muộn!
Đời sống tâm linh
càng phải cảnh giác nhiều hơn nữa. Ngày nay ma quỷ cũng tinh ranh hơn ngày xưa,
nó ẩn hiện ngay trên internet – nhất là các mạng xã hội như Facebook hoặc
Twitter, chẳng biết đâu mà tránh, chẳng biết ai thật hay giả. Những cái
nickname với hình ảnh tỏ ra “ngoan đạo” lắm, nhưng đâu ngờ chỉ là mạo danh,
chúng còn nguy hiểm hơn Pharisêu và Sađốc, chớ khinh suất!
Kể cũng lạ, thời
gian chầm chậm trôi mà vụt qua mau chóng, chớp mắt vài cái là hết năm – cả năm
thường và năm phụng vụ. Cuối năm rồi đầu năm. Và Năm Phụng Vụ lại bắt đầu chu
kỳ mới khi Mùa Vọng đến, nhắc nhở chúng ta kỷ niệm việc mong chờ Con Thiên Chúa
nhập thể làm người để cứu độ chúng ta, nhưng có điều quan trọng hơn: mong chờ
Chúa Giêsu tái lâm – nghĩa là Tận Thế.
Nền hòa bình vĩnh
cửu được đề cập trong trình thuật Is 2:1-5. Thế gian không thể có loại hòa bình
này, và chỉ có thể đến từ Thiên Chúa. Hòa bình trần gian luôn bị đe dọa vì
người ta có loại chiến tranh tinh vi: chiến tranh khủng bố. Do đó, mức cảnh
giác luôn ở dạng “báo động đỏ.” Việt Nam cũng đã từng chịu đựng chiến tranh một
thời gian dài, gần nửa thế kỷ qua gọi là hòa bình, nhưng chỉ là hòa bình ảo, vì
người ta chưa được bình an đích thực – cả tinh thần và thể lý.
Từ xưa, Kinh
Thánh đã cho biết: “Đây là điều mà ông
Isaia, con ông Amốc, đã được thấy về Giuđa và Giêrusalem. Trong tương lai, núi
Nhà Đức Chúa đứng kiên cường vượt đỉnh các non cao, vươn mình trên hết mọi ngọn
đồi. Dân dân lũ lượt đưa nhau tới, nước nước dập dìu kéo nhau đi.” Đi đâu?
Vì sao? Di tản vì tai họa hay chiến tranh? Điều quan trọng nhất vẫn là vì tự
do. Không có tự do nên người ta phải đi tìm bằng mọi giá.
Chắc chắn dân
Việt nghe đến di tản là khiếp lắm rồi, vì chỉ trong vòng vài chục năm thôi mà
dân ta bao lần phải di tản, phải bỏ quê hương, phải rời nơi chôn nhau cắt rốn.
Buồn lắm, đau lắm, nhưng cũng đành lòng thôi. Nhưng ở đây, muôn dân nước rủ
nhau đi không vì đau khổ mà vì niềm vui. Họ hân hoan đi đến Miền Hạnh Phúc.
Kinh Thánh cho biết: “Đến đây, ta cùng
lên núi Đức Chúa, lên Nhà Thiên Chúa của Giacóp, để Người dạy ta biết lối của
Người, và để ta bước theo đường Người chỉ vẽ. Vì từ Sion, thánh luật ban xuống,
từ Giêrusalem, lời Đức Chúa phán truyền.”
Di tản như vậy thật
là diễm phúc, có bất ngờ nhưng là điều bất ngờ sung sướng, không thể trì hoãn. Miền
Hạnh Phúc là Cõi Bình An, Vùng Tự Do, Khu Thanh Thản, nghĩa là không cần đến
bất cứ loại vũ khí nào, chỉ cần một loại vũ khí đặc biệt duy nhất là Vũ Khí Yêu
Thương: “Người sẽ đứng làm trọng tài giữa
các quốc gia và phân xử cho muôn dân tộc. Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành
cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh
nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến. Hãy đến đây, nhà Giacóp hỡi, ta
cùng đi, nhờ ánh sáng Đức Chúa soi đường!” Để minh chứng được hưởng sự tự
do đích thực, người ta không thể im lặng mà phải bày tỏ niềm vui: “Miệng
tôi nói lời hay lẽ phải, lòng gẫm suy câu khéo điều khôn, tai lắng nghe nhịp
câu ngạn ngữ, mượn phím đàn giải nghĩa nhiệm mầu.” (Tv 49:4-5) Nói chưa thỏa nên phải mượn âm nhạc
để thể hiện. Thật hạnh phúc, thật tuyệt vời!
Vì thế, Thánh
Vịnh gia đã phải thốt lên: “Vui dường nào
khi thiên hạ bảo tôi: Ta cùng trẩy lên đền thánh Chúa!” (Tv 122:1) Và niềm
vui mừng đó có thật, rất cụ thể, tuy không thể sờ được nhưng vẫn khả dĩ cảm
nhận: “Giờ đây, Giêrusalem, cửa nội
thành, ta đã dừng chân.” (Tv 122:2) Niềm vui sướng tột cùng đó được Thánh
Vịnh gia mô tả và cụ thể hóa theo từng chi tiết của Đền Thờ Giêrusalem, tòa nhà
hữu hình, hiện thân của Tòa Nhà Thiên Quốc: “Giêrusalem
khác nào đô thị được xây nên một khối vẹn toàn. Từng chi tộc, chi tộc của Chúa,
trẩy hội lên đền ở nơi đây, để danh Chúa, họ cùng xưng tụng, như lệnh đã truyền
cho Israel. Cũng nơi đó, đặt ngai xét xử, ngai vàng của vương triều Đavít.” (Tv
122:3-5)
Chưa trọn vẹn nếu
niềm vui cứ giấu kín trong lòng, chia sẻ niềm vui sẽ có hạnh phúc nhân đôi: “Hãy nguyện chúc Giêrusalem được thái bình,
rằng: ‘Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,’ tường trong lũy ngoài hằng yên
ổn, lâu đài dinh thự mãi an ninh. Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu, tôi nói
rằng: ‘Chúc thành đô an lạc.’ Nghĩ
tới đền thánh Chúa, Thiên Chúa chúng ta thờ, tôi ước mong thành được hạnh phúc,
hỡi thành đô!” (Tv 122:6-9) Điều này gợi nhớ đến lúc chúc bình an trong
Thánh Lễ. Sự bình an thực sự luôn cần thiết, cả thể lý và tinh thần.
Tất cả các Kitô
hữu được gọi là “con cái của ánh sáng” – tức là con cái của Thiên Chúa, Đấng là
Nguồn Ánh Sáng. Chắc chắn họ phải có cách sống khác với những người vô thần
hoặc những người chưa chân nhận Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa. Phải sống thế
nào? Thánh Phaolô cho biết: “Anh em đừng
mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người, thì đã chu
toàn Lề Luật.” (Rm 13:8)
Thật vậy, Thánh
Phaolô quả quyết: “Phải như thế, vì anh
em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã đến lúc anh em PHẢI THỨC DẬY, vì
hiện nay ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới
tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy LOẠI BỎ những việc làm đen tối, và CẦM LẤY vũ khí của sự sáng để chiến đấu.” (Rm
13:11-12) Đó là hai công việc cần phải làm, bởi vì mỗi chúng ta đều là chiến
binh của Thiên Chúa, nghĩa là luôn phải chiến đấu với ba thù để bảo vệ Tổ Quốc
Thiêng Liêng của chúng ta: Nước Trời.
Có “Luật Ba Không”
cần phải áp dụng trong cuộc sống – đặc biệt là trong Mùa Vọng này: “Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người
đang sống giữa ban ngày: KHÔNG chè chén say sưa, KHÔNG chơi bời dâm đãng, cũng KHÔNG
cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và ĐỪNG chiều theo
tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng.” (Rm 13:13-14) Đó là binh pháp để
chúng ta chiến đấu, đồng thời luôn khấn nguyện: “Lạy Chúa, xin tỏ lòng từ bi Chúa cho chúng con, và ban ơn cứu rỗi cho
chúng con.” (Tv 84:8)
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con luôn canh thức
và sẵn sàng suốt ngày đêm, sống đúng ý Ngài mọi lúc mọi nơi, dù làm bất cứ việc
gì, tinh thần hoặc thể lý – kể cả ăn uống và nghỉ ngơi. Chúng con cầu xin nhân
danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Cách Sống Thánh Mùa Vọng
✽ Cần Thinh Lặng Trong Mùa Vọng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment