Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2022

TỘI LỖI và ĐẠO ĐỨC

[Niệm ý Lc 10:13-16 ≈ Mt 11:21-24]

Có những người tội lỗi
Nhưng được xử khoan hồng
Có những người đạo đức
Lại là kẻ đi hoang

Tội nhân được tha thứ
Vì sám hối, ăn năn
Hiền nhân bị xét xử
Vì ỷ lại, kiêu căng

Người thời nay vẫn vậy
Chẳng khác gì người xưa
Nghe xong rồi để đấy
Thi hành chẳng được chi!

Không cứ gì ai nói
Miễn là lời nói hay
Học khôn để bớt dại
Vào Nước Trời ngày mai

TRẦM THIÊN THU

MÙ LÒA
[Bi khúc Lc 10:13-16 ≈ Mt 11:21-24]

Kho-ra-din, Bết-xai-đa
Khốn thay vì đã hóa mù đức tin
Bởi vì mắt đã rõ nhìn
Nhưng lòng ngoan cố, tội thêm nặng nề
Ỷ quyền, cậy thế, theo phe
Khinh người, ảo giác, giả mù sa mưa
Khốn mà cứ tưởng hay ho
Bụng dạ gian tà mà tưởng mình ngon
Khốn thay Ca-phác-na-um
Chớ nên ảo tưởng mình lên tới trời
Tưởng cao phải xuống thấp thôi
Trong ngày phán xét rạch ròi thấp – cao
Ngày nay có khác gì đâu
Mặt mày vênh váo, cái đầu lắc lư
Chỉ vì chảnh, liếc người ta
Quên mình còn lắm thói hư hơn nhiều
Đúng là sống ảo, sống liều
Lời thiêng ý thánh tin điều nào chưa?
Chữa ngay chứng bệnh mù lòa
Nếu không sám hối, đừng mơ Nước Trời!
Đời con, Chúa biết mười mươi
Xin Ngài dò xét mà coi thế nào
Nếu con gian ác, tào lao
Xin dẫn con vào chính lộ, Chúa ơi! [*]

TRẦM THIÊN THU

[*] Tv 139:24 – “Xin Ngài xem con có lạc vào đường gian ác thì dẫn con theo chính lộ ngàn đời.”

MỘNG DU BAN NGÀY
[Niệm ý Lc 10:13-16 ≈ Mt 11:21-24]

Chắc rằng khốn bởi chẳng khôn
Nhưng không phải tại ùng, miền khốn đâu
Mà vì lòng nặng tự kiêu
Hợm mình, ỷ lại, chẳng theo Luật Trời
Tội nhân mà được xét soi
Vì ăn năn những tội đời lâu nay
Còn hơn kẻ tưởng mình hay
Trách chê người khác, loay hoay ù lì
Nơi này, chỗ nọ, chốn kia
Ở đâu cũng có mộng du ban ngày
Xin thương lạy Chúa, lạy Thầy!
Cứu nguy gấp kẻo đọa đày đời con
Biết yêu Lời Chúa truyền ban
Lắng nghe nghiêm túc, hân hoan thi hành
Tránh điều dữ, chọn điều lành
Mới hy vọng được nhận tình xót thương

TRẦM THIÊN THU

ÂM KHỜ
[Niệm ý Lc 10:13-16 ≈ Mt 11:21-24]

Không khôn có thể là dại
Kẻ dại cũng là kẻ khờ
Nói cái này tưởng cái nọ
Như kẻ chiêm bao, mộng du

Không khôn có thể hóa khốn
Giống như thành Kho-ra-din
Cả Bết-xai-đa cũng thế
Bởi vì không muốn nên khôn

Tội lỗi ai ai cũng có
Khác nhau mức độ thôi mà
Tội nhiều mà biết sám hối
Còn hơn tội ít mà lì

Tia và Xi-đôn tội lắm
Nhưng sẽ được xử khoan hồng
Vì biết sai, họ hối hận
Vết chàm cũng hóa trắng trong

Ca-phác-na-um ảo tưởng
Nghĩ mình sẽ được nâng lên
Nào ngờ nhào xuống âm phủ
Kiêu căng tệ hại vô ngần

Âm khờ là âm dễ đọc
Phát âm chuẩn chẳng dễ đâu
Có âm trúc tra trúc trắc
Vậy mà nghe vẫn trong veo

TRẦM THIÊN THU

SẮC XẢO ĐẢO ĐIÊN
[Niệm ý Lc 10:13-16 ≈ Mt 11:21-24]

Chữ Khôn thêm dấu sắc
Nghĩa là quá khôn ranh
Thì hóa ra độc ác
Chẳng còn chi tốt lành

Cái gì sắc xảo quá
Tốt cũng thành xấu xa
Con người hóa điên đảo
Vì theo thói quỷ ma

Kho-ra-din hóa khốn
Bết-xai-đa kém khôn
Đã thấy các phép lạ
Mà cứng lòng, chẳng tin

Xưa sao, nay vẫn thế
Con người vẫn hoang đàng
Tham lam và ích kỷ
Chỉ vì thói kiêu căng

Dịch bệnh gây khốn đốn
Rình rập bao hiểm nguy
Nếu mà cứ ảo tưởng
Khó thoát khỏi âm ty

Có rất nhiều gương sáng
Có rất nhiều lời hay
Cứ cố chấp, từ khước
Là chối Chúa, bỏ Ngài

TRẦM THIÊN THU

THÁNH TỔ DỊCH GIẢ

Thánh Giê-rô-ni-mô
Một người có công lớn
Giúp mọi người biết đến
Lời của Đức Ki-tô

Thánh Giê-rô-ni-mô
Một học giả chân chính
Đã dịch bộ Kinh Thánh
Di sản quý biết bao!

Thánh Giê-rô-ni-mô
Người đặc biệt của Chúa
Bổn mạng các dịch giả
Cách riêng là tín nhân

Xin thánh nhân đỡ nâng
Những gì con muốn viết
Đôi khi con “mắc dịch”
Xin ngài cũng sáng soi

TRẦM THIÊN THU

 Thánh Giêrônimô & Hòn Đá – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/09/thanh-gieronimo-va-hon-a.html

SƠ LƯỢC TIỂU SỬ THÁNH LM TS GIÊRÔNIMÔ (345-420)

Thánh Giêrônimô có tính “rất xấu” là viết gay gắt, nhưng ngài rất yêu mến Chúa. Ngài còn hơn một học giả Kinh Thánh, dịch hầu hết các sách Cựu Ước từ tiếng Hêbrơ (cổ ngữ Do Thái). Ngài còn viết những bài phê bình được cảm hứng từ Kinh Thánh mà chúng ta có ngày nay. Ngài tư vấn cho tu sĩ, giám mục và giáo hoàng. Thánh Augustinô nói về ngài: “Những gì Thánh Giêrônimô không biết thì không quan trọng.”

Thánh Giêrônimô rất quan trọng đối với bản dịch Kinh Thánh Vulgata (bản phổ thông). Đó không là bản dịch chính thức, nhưng được Giáo Hội chấp nhận. Công đồng Trentô mời gọi bản dịch mới và chỉnh sửa từ bản Vulgata – Bản Phổ Thông, và tuyên bố là bản chính thức của Giáo Hội.

Để làm được như vậy, Thánh Giêrônimô đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Ngài giỏi tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, tiếng Hêbrơ và tiếng Chaldaic. Ngài bắt đầu học từ sinh quán của ngài ở Stridon thuộc Dalmatia (trước là Yugoslavia). Sau đó ngài học ở Rôma, trung tâm học tập thời đó, và rồi tới Trier, Đức quốc, nơi có nhiều chứng cớ. Mỗi nơi ngài ở vài năm, luôn cố tìm thầy giỏi nhất để thụ giáo.

Sau đó ngài tới Palestine. Ngài là nhà thần bí sống ở sa mạc Chalcis 5 năm để cầu nguyện, đền tội và nghiên cứu. Cuối cùng ngài tới Belem, nơi sinh của Chúa Giêsu. Ngày 30-9-420, ngài qua đời tại Belem. Hiện nay hài cốt ngài được đặt tại Đền Thờ Đức Bà Cả ở Rôma.

Thánh Giêrônimô là bổn mạng các dịch giả, và ngài nói một câu rất nổi tiếng: “Không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô.”

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment