Trong cách so sánh có dạng nhất, hơn – kém,
và bằng. Nói văn vẻ, đó là so sánh cực cấp, tương đối và đồng đẳng.
Trong câu chuyện về hai chị em Mácta và Maria (Lc 10:38-42), Chúa Giêsu đã nói về cô em Maria: “Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Maria đã CHỌN PHẦN TỐT NHẤT và sẽ không bị lấy đi.” Chúa Giêsu xác định việc lắng nghe lời Ngài là PHẦN TỐT NHẤT. So sánh cực cấp nghĩa là tuyệt đối, không gì hơn nữa. Dĩ nhiên Ngài không có ý chê Mácta, chê cách hoạt động.
Mỗi hoa mỗi vẻ, mỗi người mỗi tính. Hai chị
em gái là hai con người, với hai động thái, hai phong cách phục vụ. Cả hai
người đều là phụ nữ, phải chăng Thiên Chúa đã tiền định tinh thần phục vụ nơi
phụ nữ? Rất có thể, nhưng chúng ta lại có xu hướng coi thường phụ nữ, coi
thường những người phục vụ. Nếu vậy thì trái ngược với ý Chúa. Cách nào cũng
cần, nhưng vấn đề là lúc nào nên áp dụng cách nào.
Thánh Luca cho biết rằng Chúa Giêsu vào làng
kia – tức là làng Bêtania. Ngài vào nhà người thân quen, nhà này có ba chị em
là Mácta, Maria và Ladarô. Cô Mácta đón Ngài vào nhà. Sau đó, cô em Maria cứ ngồi
bên chân Chúa mà nghe Ngài dạy bảo. Không biết hôm đó cậu Ladarô đi đâu mà
không thấy xuất hiện. Cô Mácta tất bật lo việc phục vụ, nấu nướng.
Có lẽ làm một mình cũng mệt, thế nên cô nói
với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, em con để
mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một
tay!” Nhưng Ngài nói ngay: “Mácta ơi!
Cô băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi.
Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” Chắc hẳn Chúa Giêsu
không có ý chê những người lo việc bếp núc, lo phục vụ ở “hậu trường,” mà Ngài
chỉ nhắc khéo là “đừng thái quá.” Nếu quá chú trọng cái phụ thì sẽ xao lãng cái
chính, cái cần hơn.
Trong cuộc sống, chúng ta thấy rằng nếu không
có những người dựng cảnh sân khấu thì vở diễn không thể ra mắt công chúng,
không có người lồng tiếng thì bộ phim không thể trình chiếu, không có người nấu
nướng thì không thể có bữa tiệc ngon,… Có rất nhiều dạng khác cũng vậy. Công
việc phụ mà thực sự quan trọng. Đặc biệt về tâm linh, phục vụ là một ơn gọi.
Bất cứ ai cũng có ơn gọi này. Chúa Giêsu luôn đề cao tinh thần phục vụ: “Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm
người phục vụ anh em.” (Mt 20:26; Mc 10:43)
Nói chung, Chúa Giêsu muốn mọi người “phục vụ
chứ KHÔNG hưởng thụ.” (Mt 20:28; Mc 10:45) Nhưng cũng phải lưu ý đến tinh thần
phục vụ: Tận tâm vì Chúa chứ không vì thứ gì khác. Vả lại, tín nhân không thuộc
về thế gian này, mà thuộc về “cõi trên” – Thiên Đàng, Nước Trời. Cuộc đời này
chỉ là cõi tạm, là hành trình quá độ, là “ngưỡng vượt qua” để vào cõi vĩnh hằng,
về quê hương đích thực.
Cha sinh con, trời sinh tính. Chẳng ai giống
ai, ngay cả anh chị em trong một gia đình cũng mỗi người một tính nết, thậm chí
phong cách còn trái ngược nhau. Nhà giáo dục William Arthur Ward (1921-1994,
Hoa Kỳ) nhận định: “Chúng ta phải im lặng
trước khi có thể lắng nghe. Chúng ta phải lắng nghe trước khi có thể học hỏi.
Chúng ta phải học hỏi trước khi có thể chuẩn bị. Chúng ta phải chuẩn bị trước
khi có thể phụng sự. Chúng ta phải phụng sự trước khi có thể dẫn đường.”
Thiên tài đa năng Johann Wolfgang von Goethe (1749-1832,
người Đức) nói: “Đời tôi chẳng là gì nếu
tôi không còn hữu ích cho người khác.” Sống hữu ích cho người khác là sẵn
sàng giúp người khác khi cần, tức là phục vụ. Phụng sự là phục vụ hết lòng:
phụng sự Thiên Chúa, phụng sự nhân loại, phụng sự tổ quốc, phụng sự lý
tưởng,... Đó là dạng phục vụ “cao cấp,” phải có lòng khiêm nhường mới khả dĩ
phục vụ vô điều kiện.
Tinh thần phục vụ của Tổ phụ Ápraham dành cho
khách đến nhà được kể lại trong trình thuật St 18:1-10 rõ ràng: Đức Chúa hiện
ra với ông Ápraham tại cụm sồi Mamrê, khi ông đang ngồi ở cửa lều, vào lúc nóng
nực nhất trong ngày. Ông ngước mắt lên thì thấy có ba người đứng gần ông. Vừa
thấy, ông liền từ cửa lều chạy ra đón khách, sụp xuống đất lạy và nói: “Thưa Ngài, nếu tôi được đẹp lòng Ngài, xin
Ngài đừng đi qua mà không ghé thăm tôi tớ Ngài. Để tôi cho lấy chút nước, mời
các ngài rửa chân rồi nằm nghỉ dưới gốc cây. Tôi xin đi lấy ít bánh, để các
ngài dùng cho chắc dạ, trước khi tiếp tục đi, vì các ngài đã ghé thăm tôi tớ
các ngài đây!” Khách trả lời: “Xin cứ
làm như ông vừa nói!”
Theo phong tục của người Do Thái, chủ nhà rửa
chân cho khách khi họ tới nhà. Chúa Giêsu đã dùng phong tục này để dạy chúng ta
bài học yêu thương và phục vụ trong khi Ngài cùng ăn mừng Lễ Vượt Qua với các
môn đệ, và đó là Bữa Tiệc Ly.
Không dễ thực hiện việc rửa chân mặc dù đó là
điều bình thường. Quả thật, những gì xem chừng là đơn giản nhất thì lại phức
tạp nhất. Những chuỗi DNA rất đơn giản mà lại liên kết thành sự sống kỳ diệu,
con người không thể làm được, có sẵn đó mà tìm hiểu cũng chỉ hiểu phần nào, không
thể thấu suốt. Thế mà vẫn có những người không muốn tin vào Thiên Chúa. Kỳ quặc
hay cố chấp?
Với lòng hiếu khách, ông Ápraham vội vã vào
lều tìm bà Sara, bảo bà lấy ba thúng tinh bột làm bánh đãi khách. Còn ông đi
bắt một con bê mềm và ngon, giao cho người đầy tớ làm thịt. Ông còn lấy sữa chua,
sữa tươi và thịt bê đã làm mà đãi khách. Ông đứng hầu dưới gốc cây khi khách
dùng bữa. Phong cách phục vụ của ông Ápraham vừa chu đáo vừa khiêm tốn. Thật
đáng noi gương ông!
Khi khách hỏi về bà Sara, ông nói rằng bà xã ở
trong lều. Khách cho biết điều quan trọng: “Sang
năm, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai.”
Vô cùng kỳ lạ, bởi vì lúc này ông Ápraham đã 75 tuổi và bà Sara đã 70 tuổi. Hai
vợ chồng già còn son này cũng vẫn cầu xin có con từ lâu lắm rồi. Lời hứa kia là
điều quá lạ lùng đối với phàm nhân, nhưng đối với Thiên Chúa thì chẳng lạ lùng
gì, bình thường mà thôi.
Thánh Vịnh gia nói: “Van nài liền được cứu nguy, đã không thất vọng mỗi khi cậy Ngài.”
(Tv 22:6) Bởi vì “Chúa gần gũi những tấm lòng tan vỡ, cứu những tâm thần thất
vọng ê chề.” (Tv 34:19) Vợ chồng ông Ápraham luôn tín thác vào lòng Chúa thương
xót, và họ đã được mãn nguyện nhờ họ tin cậy vững lòng.
Ai là người được vào ngụ trong nhà Chúa và
được ở trên núi thánh của Ngài? Thánh Vịnh gia cho biết: “Là kẻ sống vẹn toàn, luôn làm điều ngay thẳng, bụng nghĩ sao nói vậy,
miệng lưỡi chẳng vu oan, không làm hại người nào, chẳng làm ai nhục nhã.”
(Tv 15:2-3) Những người ăn ngay nói thật thì không dám mon men tới đường lối
xấu xa. Chắc chắn như vậy. Họ “coi khinh phường gian ác, trọng ai kính Chúa
Trời, lỡ thề mà bị thiệt, thì cũng chẳng rút lời, cho vay không đặt lãi, chẳng
nhận quà hối lộ mà hại đến người ngay.” (Tv 15:4-5a) Người Việt rất thực tế khi
ví von: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào.”
Những người công chính là những người của
Chân Lý, Công Lý, và Bát Phúc. Họ luôn hết lòng phụng sự Thiên Chúa, với tư
cách là con cái của Ngài, chắc chắn rằng họ “không hề nao núng, chẳng hề chuyển
lay bao giờ.” (Tv 15:5b) Điều quan trọng và diễm phúc là họ đã có “thẻ xanh” và
sẽ chính thức trở nên Công Dân Nước Trời khi hoàn tất hành trình trần thế.
Là người đã có kinh nghiệm, Thánh Phaolô chân
thành chia sẻ: “Giờ đây, TÔI VUI MỪNG
ĐƯỢC CHỊU ĐAU KHỔ VÌ ANH EM. Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu,
tôi XIN MANG LẤY VÀO THÂN CHO ĐỦ MỨC, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội
Thánh. Tôi đã trở nên người PHỤC VỤ Hội Thánh, theo KẾ HOẠCH Thiên Chúa đã uỷ
thác cho tôi, liên quan đến anh em: đó là tôi PHẢI RAO GIẢNG lời của Người cho
trọn vẹn, rao giảng mầu nhiệm đã được giữ kín từ bao thời đại và qua bao thế
hệ, nhưng nay đã được tỏ ra cho dân thánh của Thiên Chúa.” (Cl 1:24-26)
Phụng sự Thiên Chúa là như vậy, phụng sự Ngài
qua việc phục vụ Giáo hội và phục vụ tha nhân. Mục đích phục vụ được Thánh
Phaolô giải thích: “Người đã muốn cho họ
được biết mầu nhiệm này phong phú và hiển hách biết bao giữa các dân ngoại: đó
là chính Đức Kitô đang ở giữa anh em, Đấng ban cho chúng ta niềm hy vọng đạt
tới vinh quang. Chính Người là Đấng chúng tôi rao giảng, khi khuyên bảo mỗi
người và dạy dỗ mỗi người với tất cả sự khôn ngoan, để giúp mỗi người nên hoàn
thiện trong Đức Kitô.” (Cl 1:27-28)
Hoàn thiện để nên thánh. Nhưng nên thánh một
mình là ích kỷ, Ngài muốn chúng ta phải cùng dìu nhau lên Đỉnh Tình Yêu – cả
Tabor và Canvê. Tương lai là Công Dân Nước Trời thì phải như vậy. Ước gì mỗi
chúng ta đủ mạnh dạn và hãnh diện nói được như Thánh Phaolô: “Chính vì mục đích ấy mà tôi phải VẤT VẢ
CHIẾN ĐẤU, nhờ sức lực của Người hoạt động mạnh mẽ trong tôi.” (Cl 1:29) Đó
là phong cách phục vụ lẫn nhau, phục vụ vì Thiên Chúa chứ không vì bất cừ điều
gì khác.
Phục vụ có nhiều dạng, quan trọng là cách
phục vụ. Nhiệt thành và tự nguyện chứ không miễn cưỡng. Tài năng là món quà đi
kèm với bổn phận phụng sự thế giới, đặc biệt là vinh danh Chúa chứ không vinh
danh mình, bởi vì tài năng không phải tự mình có được, mà do Thiên Chúa trao ban.
Nếu không được Thiên Chúa tác động, hướng dẫn và trợ giúp, không ai có thể làm
được gì. Thật vậy, chính Chúa Giêsu xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5)
Lạy
Thiên Chúa, xin ban ơn khôn ngoan và giúp chúng con phân định theo ý Ngài, biết
chọn điều tốt nhất, hành động theo khả năng Ngài trao ban. Chúng con cầu xin
nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Bài Học Từ Mácta – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/07/bai-hoc-tu-thanh-mac-ta.html
✽ Bài Học Kinh Nghiệm – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/12/bai-hoc-kinh-nghiem.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment