✽ Tháng 7 – Kính Mình Máu Thánh Chúa
https://tramthienthu.blogspot.com/2022/06/thang-7-kinh-minh-mau-thanh-chua.html
✽ Hạnh Các Thánh 365 Ngày – https://www.thanhlinh.net/node/32803
1/7 – CHÂN PHƯỚC GIUNIPERÔ SERRA, Linh mục (1713-1784)
Năm 1776, khi cuộc Cách Mạng Hoa
Kỳ bắt đầu ở miền Đông, một vùng khác của Hoa Kỳ sau đó cũng được khai sinh tại
California. Năm đó, một tu sĩ Dòng Phanxicô thành lập Hội Truyền Giáo Thánh
Gioan Capistranô (Mission San Juan Capistrano). Đó là Hội Truyền Giáo thứ 7
trong 9 Hội Truyền Giáo được thành lập theo hướng dẫn của người Tây Ban Nha với
tinh thần bất khuất.
Sinh tại đảo Mallorca, thuộc Tây
Ban Nha, Serra vào Dòng Phanxicô, lấy tên theo người bạn của Thánh Phanxicô là
Giuniperô. Tới lúc 35 tuổi, ngài dành nhiều thời gian học tập – đầu tiên học
thần học rồi làm giáo sư. Ngài cũng nổi tiếng về giảng thuyết. Bất ngờ ngài bỏ
hết mọi sự khi nghe nói về việc truyền giáo của Thánh Phanxicô Sôlanô ở Nam Mỹ.
Ngài ước mong hoán cải dân bản xứ ở Tân Thế Giới (Mỹ châu).
Đến Vera Cruz, thuộc Mexico, ngài
và một người bạn đi bộ 250 dặm tới thành phố Mexico. Trên đường đi, chân trái
ngài bị nhiễm trùng do bị côn trùng cắn và đôi khi đe dọa tính mạng trong suốt
phần đời còn lại của ngài. Suốt 18 năm, ngài làm trưởng nhóm truyền giáo ở miền
Trung Mexico và bán đảo Baja.
Hứa ở lại với dân địa phương,
ngài và một tu sĩ nữa bắt đầu làm tuần cửu nhật chuẩn bị lễ Đức Thánh Phu Quân
Giuse (19 tháng 3). Sau đó có thêm các Hội Truyền Giáo khác là Hội Truyền Giáo
Monterey-Carmêlô (1770); Hội Truyền Giáo Thánh Antôniô và Thánh Gabriel (1771);
Hội Truyền Giáo Thánh Luís Obispo (1772); Hội Truyền Giáo Thánh Phanxicô và
Thánh Gioan Capistranô (1776); Hội Truyền giáo Thánh Clara (1777); Hội Truyền
Giáo Thánh Bônaventura (1782). Sau khi ngài qua đời, có thêm 12 nhóm truyền
giáo khác được thành lập.
Đời sống truyền giáo của ngài là
cuộc chiến với cái lạnh và cái đói, với quân đội không thông cảm và với cả cái
chết rình rập vì dân bản xứ. Nhưng hằng đêm ngài vẫn say sưa cầu nguyện, thường
là từ nửa đêm tới sáng. Ngài rửa tội cho hơn 6.000 người và thêm sức cho 5.000.
Hầu như ngài đi vòng quanh trái đất. Ngài đem lại cho người Mỹ bản xứ không chỉ
đức tin Công giáo mà còn cả tiêu chuẩn sống nên được họ rất quý mến. Sau khi
qua đời, ngài được an táng tại Dòng Truyền Giáo San Carlo Borromeo-Carmel, và
được ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong chân phước năm 1988.
2/7 – THÁNH OLIVER PLUNKETT, Giám mục Tử đạo (1629-1681)
Thánh Oliver Plunkett tử đạo vì
bảo vệ đức tin ở Ai-len trong thời bách hại dữ dội. Ngài sinh tại County Meath
năm 1629, học ở Rôma và thụ phong linh mục năm 1654. Sau vài năm dạy học và
phục vụ người nghèo ở Rôma, ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục GP Armagh ở
Ai-len. Năm 1673, một làn sống chống Công giáo nổi lên, buộc ngài phải làm mục
vụ bí mật và sống lén lút. Trong khi đó, nhiều linh mục bị đi đày, các trường
học bị đóng cửa, Thánh lễ phải cử hành bí mật, các dòng tu và chủng viện bị hạn
chế.
Là Tổng giám mục, ngài phải chịu
trách nhiệm về mọi cuộc nổi loạn hoặc hoạt động chính trị trong các giáo dân.
Ngài bị bắt tù ở Dublin Castle năm 1679, nhưng bị xử tại London. Sau 15 phút
nghị án, thẩm phán kết án ngài phạm tội xúi giục nổi loạn. Ngài bị treo cổ, bị
kéo lê và bị phanh thây làm tư vào tháng 7-1681. ĐGH Phaolô VI tuyên thánh cho
ngài năm 1975.
3/7 – THÁNH TÔMA, Tông đồ
Tội nghiệp Thánh Tôma, vì bị gắn
mác là “Tôma đa nghi.” Nếu ngài không nghi ngờ thì ngài cũng tin. Ngài nói một
câu minh nhiên nhất trong Tân Ước: “Lạy
Chúa, lạy Thiên Chúa của con!” (x. Ga 20:24-28) Đó là câu tuyên xưng đức
tin đã cho các tín hữu một lời cầu nguyện mãi mãi cho đến tận thế. Ngài cũng
gợi ra một lời khen mà Chúa Giêsu dành cho các tín hữu: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29)
Thánh Tôma có tiếng là can đảm.
Có thể điều ngài nói là mạnh mẽ – vì ngài cũng chạy trốn như những người khác
khi bị thử thách, có thể ngài không thành thật khi bày tỏ quyết tâm sẵn sàng
chết với Chúa Giêsu. Cơ hội là khi Chúa Giêsu đề nghị đi tới Bêtania, sau khi
Ladarô chết. Vì Bêtania gần Giêrusalem, nghĩa là đi bộ ngay giữa lòng quân thù,
hầu như là chết chắc! Nhận ra điều này, Thánh Tôma đã can đảm nói với các tông
đồ: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để
cùng chết với Thầy!” (Ga 11:16b)
✽ LCTX & Thánh Thomas TĐ
4/7 – THÁNH ELIZABETH, người Bồ Đào Nha (1271-1336)
Elizabeth thường được mô tả trong
trang phục hoàng gia với con chim bồ câu hoặc cành lá ôliu. Bà sinh năm 1271,
cha bà là Pedro III, vua tương lai của Aragon, hòa giải với ông nội bà là
James, nhà vua đương vị. Vì ảnh hưởng sức khỏe trong những năm đầu đời, bà biết
sống có kỷ luật cần thiết cho tâm linh.
Lúc 12 tuổi, bà được hứa hôn với
Denis, vua Bồ Đào Nha. Nhưng bà tự phát triển cách sống trong tình yêu Thiên
Chúa, không chỉ bằng lòng yêu thương và qua Thánh lễ hàng ngày, mà còn qua việc
thực hành bác ái, nhờ đó bà có thể thân thiện và sẵn sàng giúp đỡ khách hành
hương, người lạ, bệnh nhân, và người nghèo. Bà tận tụy với chồng, nhưng chồng
bà không chung thủy và tạo ảnh hưởng xấu tới vương quốc.
Bà tìm sự bình an cho chồng nơi
Thiên Chúa. Cuối cùng bà được ơn Chúa là chồng bà bỏ đàng tội lỗi. Bà cố gắng
kiến tạo hòa bình giữa Ferdinand, vua của Aragon, và người anh em của vua
Ferdinand là James, vì James muốn tiếm ngôi. Sau khi chồng mất, bà vào Dòng
Thánh Clara.
5/7 – THÁNH ANTÔN DACARIA, Linh mục (1502-1539)
Lúc Martin Luther công kích các
sự lạm dụng trong Giáo hội, một cuộc cải cách Giáo hội đã nảy sinh. Một trong
số người chống cải cách là Antôn Dacaria. Mẹ ngài góa bụa lúc mới 18 tuổi và
dành hết thời gian để giáo dục tâm linh cho con trai. Lúc 22 tuổi, ngài nhận
bằng tiến sĩ y khoa, ngài hoạt động giúp dân nghèo bản xứ Cremona, và rồi bị
thu hút vào hoạt động tông đồ.
Ngài thụ phong linh mục lúc 26
tuổi, được sai đi Milan vài năm, và lập 3 dòng – một cho nam, một cho nữ, và
một cho giáo dân. Tên dòng là Barnabites. Ba dòng này họp định kỳ và khuyến
khích nhau hoạt động tông đồ bằng nhiều cách. Mục đích của dòng là cải cách xã
hội suy đồi thời đó, bắt đầu từ giáo sĩ và tu sĩ.
Được linh hứng nhờ Thánh Phaolô,
ngài giảng đạo bằng sự nhiệt thành cả trong nhà thờ và ngoài đường phố. Ngài
khuyến khích canh tân và hợp tác làm việc tông đồ, năng rước lễ, lòng sùng kính
suốt 24 giờ và giật chuông nhà thờ lúc 3 giờ chiều các ngày thứ Sáu.
Sự thánh thiện của ngài đã lay
động nhiều người canh tân đời sống, nhưng cũng có nhiều người chống đối ngài.
Ngài bị bệnh nặng và được đưa về nhà thăm hiền mẫu. Ngài qua đời tại Cremona
lúc 36 tuổi.
6/7 – THÁNH MARIA GORETTI, Đồng trinh Tử đạo (1890-1902)
Có đến 250.000 người tham dự lễ
phong thánh cho “cô bé” Maria Goretti.
Maria Goretti là con một tá điền
người Ý nghèo nàn, không được đi học nên không biết đọc biết viết. Maria
Goretti được rước lễ lần đầu không được bao lâu thì qua đời lúc mới 12 tuổi.
Vào một buổi chiều tháng Bảy nóng
bức, Maria Goretti ngồi trên đầu cầu thang trong nhà để sửa áo, chưa đầy 12
tuổi nhưng cơ thể đã nảy nở như con gái.
Một chiếc xe bò dừng lại bên
ngoài, một người hàng xóm là Alessandro Serenelli, 18 tuổi, chạy lên cầu thang.
Hắn chộp lấy Maria Goretti và đưa vào giường. Maria Goretti chống cự dữ dội và
kêu cứu, rồi hắn định tự sát chứ không chịu bị bắt, nhưng Maria Goretti nói: “Không, Chúa không muốn vậy. Đó là tội. Anh
sẽ sa hỏa ngục vì tội tự tử.” Alessandro bắt đầu chĩa dao và đâm Maria
Goretti.
Maria Goretti được đưa tới bệnh
viện. Giây phút cuối, Maria Goretti lo không biết mẹ có ngủ được hay không, và
sẵn sàng tha thứ cho kẻ giết mình. Maria Goretti trút hơi thở cuối cùng sau 24
giờ bị đâm.
Kẻ sát nhân bị kết án 30 năm tù.
Một thời gian lâu sau mà hắn vẫn không hối hận. Có một đêm hắn chiêm bao thấy
Maria Goretti hái những bông hoa trao cho hắn. Từ đó hắn thay đổi cuộc sống.
Sau 27 năm tù, Alessandro được tha, hành động đầu tiên là anh ta đến xin lỗi mẹ
của Maria Goretti.
Lòng sùng kính vị thánh trẻ tử
đạo này lan nhanh, các phép lạ xuất hiện, Maria Goretti được phong thánh sau
khi qua đời gần 50 năm. Năm 1947, tại lễ phong chân phước cho Maria Goretti,
người mẹ (lúc đó 82 tuổi), 2 em gái và 1 em trai đã hiện diện cùng với ĐGH Piô
XII trên lan can Đền Thờ Thánh Phêrô. Ba năm sau, tại lễ phong thánh cho Maria
Goretti, Alessandro Serenelli (lúc đó đã 66 tuổi) đã quỳ giữa hàng trăm người
và bật khóc.
7/7 – CHÂN PHƯỚC LM EMMANUEL RUIZ và CÁC BẠN TỬ ĐẠO (1804-1860)
Không biết nhiều về cuộc đời hồi
trẻ của CP Emmanuel Ruiz, nhưng chúng ta biết chi tiết về cái chết anh dũng của
ngài vì bảo vệ Đức Tin Công giáo.
CP Emmanuel Ruiz sinh trong một
gia đình khiêm nhường ở Santander, Tây Ban Nha. Ngài tu Dòng Phanxicô, thụ
phong linh mục và đi truyền giáo ở Damascus. Lúc đó Công giáo bị chống đối
khiến cả Syria rung chuyển, có hàng ngàn người bị sát hại, trong số đó có CP
Emmanuel Ruiz, Bề trên Dòng Phanxicô, 7 tu sĩ và 3 giáo dân. Khi đám đông đến
lục soát, họ cương quyết bảo vệ đức tin và không chịu theo Hồi giáo. Họ bị hành
hạ dã man cho đến chết. CP Emmanuel Ruiz cùng các tu sĩ và các giáo dân được
ĐGH Piô XI tôn phong chân phước năm 1926.
8/7 – THÁNH GM GREGORIÔ GRASSI và CÁC BẠN TỬ ĐẠO (1900-1901)
Các nhà truyền giáo thường bị bắt
phải chống lại quốc gia mình. Khi chính phủ Anh, Đức, Nga và Pháp phải nhượng
bộ người Trung quốc (TQ) năm 1898, tinh thần bài ngoại gia tăng cao ở người TQ.
Thánh Gregory Grassi sinh tại Ý
năm 1833, thụ phong linh mục năm 1856 và được sai tới TQ năm 1861. Sau đó ngài
được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Bắc Sơn Tây (North Shanxi). Với 14 nhà
truyền giáo khác người Âu châu và 14 tu sĩ người TQ, ngài chịu tử đạo trong
thời Nghĩa Hòa Đoàn (Boxer Uprising) ở Trung quốc (1900-1901).
Có 26 vị tử đạo bị bắt theo lệnh
của Yu Hsien, thống đốc tỉnh Sơn Tây. Họ bị đánh chết ngày 9-7-1900. Trong đó
có 5 tu sĩ Dòng Phanxicô và 7 tu sĩ Dòng Phanxicô Truyền giáo Đức Mẹ, 7 chủng
sinh người TQ, 4 giáo dân người TQ Dòng Ba Phanxicô, 3 vị khác là giáo dân bị
giết ở Sơn Tây chỉ vì làm việc cho Dòng Phanxicô. Có 3 tu sĩ Dòng Phanxicô
người Ý bị giết cùng tuần đó ở tỉnh Hồ Nam (Hunan). Đó là những vị tử đạo đầu
tiên của Dòng, và được tôn phong chân phước năm 1946.
9/7 – THÁNH AUGUSTINÔ ZHAO RONG và CÁC BẠN TỬ ĐẠO (tk 17-20)
Kitô giáo đến Trung quốc (TQ) qua
lối Syria vào những năm 600. Tùy thuộc mối quan hệ của TQ với thế giới bên
ngoài, Kitô giáo qua các thế kỷ đã được tự do hoặc phải hoạt động bí mật.
Có 120 vị tử đạo bị giết từ năm
1648 tới 1930. Trong số đó có 87 vị sinh tại TQ, là trẻ em, người lớn, giáo lý
viên hoặc dân lao động, độ tuổi từ 9 tới 72. Trong đó có 4 linh mục triều người
TQ.
Có 33 vị tử đạo người ngoại quốc,
đa số là linh mục và nữ tu, thuộc Dòng Đa Minh, Hội Thừa sai Balê, Dòng
Phanxicô, Dòng Tên, Dòng Salêdiêng và Dòng Phanxicô Truyền giáo Đức Mẹ.
Thánh Augustinô Zhao Rong là một
binh sĩ người TQ đi theo ĐGM Gioan Gabriel Taurin Dufresse (Hội Thừa sai Balê)
tới nơi tử hình ở Bắc Kinh. Thánh Augustinô Boxer Uprising được rửa tội và
không lâu sau được thụ phong linh mục, rồi chịu tử đạo năm 1815. Được phong
chân phước nhiều đợt, nhưng cả 120 vị tử đạo này được phong thánh tại Rôma ngày
1-10-2000.
10/7 – THÁNH VERONICA
GIULIANI (1660-1727)
Thánh Veronica Giuliani muốn nên
giống Chúa Kitô bị đóng đinh và đã được Chúa cho chịu Dấu Thánh. Bà sinh tại
Mercatelli. Người ta nói rằng khi mẹ bà là Benedetta hấp hối đã gọi 5 cô con
gái tới bên giường và trao cho mỗi người con một Dấu Thánh của Chúa Giêsu.
Veronica được trao Vết Thương của Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Lúc 17 tuổi, Veronica vào Dòng
Thánh Clara Khó Nghèo, được các tu sĩ Dòng Phanxicô hướng dẫn. Người cha muốn
con gái mình kết hôn, nhưng Veronica thuyết phục để được đi tu. Trong những năm
đầu ở tu viện, bà làm việc trong nhà bếp, nhà bệnh nhân, phòng thánh và giữ
cổng. Lúc 34 tuổi, bà được bầu làm giáo tập. Lúc 37 tuổi, bà được nhận Dấu
Thánh.
Tòa Thánh muốn kiểm tra tính chính
xác nên mở cuộc điều tra. Bà phải tạm thời nghỉ làm giáo tập và không được dự
Thánh lễ hằng ngày, trừ Chúa Nhật và Lễ Trọng. Sau một thời gian, bà được phục
chức giáo tập và giữ chức vụ này suốt 22 năm.
Lúc 56 tuổi, bà được bầu làm Mẹ
bề trên, thời gian là 11 năm đến khi bà qua đời. Bà rất sùng kính Thánh Thể và
Thánh Tâm Chúa. Bà được phong thánh năm 1839.
11/7 – THÁNH BÊNÊĐICTÔ, Viện phụ (480?-543)
Không có tiểu sử về Thánh
Bênêđictô (Việt ngữ là Biển Đức, chữ “benedictus” là ân phúc), nhưng ngài là người
đã ảnh hưởng nhiều đến đời sống đan tu ở Tây phương. Ngài được nhận biết trong
cuốn “Những Cuộc Đối Thoại” (Dialogues) của Thánh Grêgôriô, nhưng có những bản
cho thấy những điều kỳ lạ trong cuộc đời ngài.
Ngài sinh tưởng trong một gia
đình gia giáo ở Trung Ý, học tập ở Rôma. Ngay hồi còn trẻ ngài đã bị thu hút
vào đời đan tu. Mới đầu ngài sống ẩn tu, xa lánh thế giới – quân đội ngoại giáo
hoành hành, Giáo hội bị phân tán vì ly giáo, con người khổ sở vì chiến tranh,
luân lý suy đồi.
Ngài sớm nhận ra mình không thể
sống ẩn dật trong một thành phố nhỏ, thế nên ngài thu mình vào một hang động
trên núi cao trong 3 năm. Một số tu sĩ chọn ngài làm lãnh đạo một thời gian,
nhưng họ thấy sự nghiêm khắc của ngài không hợp với họ. Ngài có ý định thu nhập
các tu sĩ ở các dòng thành một “Đại Tu Viện” để họ có lợi về tình đoàn kết,
tình huynh đệ, và phụng sự Chúa mãi mãi trong một ngôi nhà. Cuối cùng ngài xây
dựng một nhà mà sẽ nổi tiếng nhất thế giới là Tu viện Monte Cassino, nơi đây có
3 thung lũng hẹp chạy về phía núi.
Tu luật dần dần phát triển quy
định đời sống cầu nguyện bằng phụng vụ, học tập, lao động chân tay và sống đời
cộng đoàn dưới quyền một vị cha chung là Viện phụ. Đời khổ tu của Dòng Biển Đức
có tiếng về sự tiết độ, đức bác ái của dòng luôn tỏ ra quan tâm những người
xung quanh. Thời Trung cổ, đời sống tu trì ở Tây phương đều dần dần theo tu
luật Biển Đức. Ngày nay, gia đình Biển Đức có 2 chi nhánh: Biển Đức
(Benedictus) và Xitô (Cîteaux).
✽ Cầu Nguyện & Lao Động – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/07/cau-nguyen-va-lao-ong.html
12/7 – CÁC THÁNH GIOAN JONES và GIOAN WALL, Linh mục Tử đạo (+ khoảng
1530-1598; 1620-1679)
Hai thánh này tử đạo ở Anh hồi
thế kỷ XVI và XVII vì không chịu từ bỏ đức tin. Thánh Gioan Jones là người xứ
Wales (Anh), là linh mục triều, bị tù 2 lần vì cử hành các bí tích trước khi
rời khỏi Anh quốc năm 1590. Ngài vào Dòng Phanxicô lúc 60 tuổi và trở về Anh 3
năm sau, khi nữ hoàng Elizabeth I lên ngôi. Ngài chăm sóc người Công giáo ở
vùng quê nước Anh đến khi vô tù năm 1596. Ngài bị treo cổ, kéo lê và phanh thây
làm tư ngày 12-7-1598.
Thánh Gioan Wall cũng sinh trưởng
ở Anh nhưng học ở ĐH Anh quốc Douai tại Bỉ. Ngài thụ phong linh mục ở Rôma năm
1648, rồi gia nhập Dòng Phanxicô ở Douai vài năm sau. Năm 1656, ngài trở lại
làm việc bí mật tại Anh quốc.
Năm 1678, Titus Oates bắt nhiều
người Anh lao động cực khổ tại đất nước này. Từ đó, người Công giáo không được
tham gia vào Quốc hội, mãi đến năm 1829 luật này mới được bãi bỏ. Thánh Gioan
Wall phải vô tù năm 1678 và bị xử tử vào năm sau. Các ngài được phong thánh năm
1970.
13/7 – THÁNH HENRY, Hoàng đế (972-1024)
Với cương vị là vua nước Đức và
hoàng đế Rôma, vua Thánh Henry là con người của công việc. Ngài mạnh mẽ trong
việc củng cố quy luật, dẹp quân phiến loạn và các mối thù hận. Về các phương
diện, ngài phải xử lý các vụ tranh giành để bảo vệ biên giới. Điều này khiến
ngài có liên quan một số trận mạc, nhất là ở Nam Ý. Ngài cũng giúp ĐGH
Bênêđictô VIII dẹp yên phiến loạn ở Rôma. Mục đích tối hậu của ngài luôn là ổn
định hòa bình ở Âu châu.
Theo thói quen hồi thế kỷ XI,
Thánh Henry dùng vị thế của mình mà bổ nhiệm những người trung thành với ngài
làm giám mục. Tuy nhiên, ngài tránh nguy hiểm của việc này và thực sự muốn cải
cách đời sống giáo sĩ và tu sĩ.
14/7 – CHÂN PHƯỚC KATERI TEKAKWITHA (1656-1680)
Chín năm sau khi các tu sĩ Dòng
Tên là Isaac Jogues và John de Brébeuf bị Huron và Iroquois Indians tra tấn tới
chết, một bé gái tên Kateri Tekakwitha sinh ra tại Auriesville, New York, gần
nơi hai vị tử đạo kia. Kateri Tekakwitha là chân phước đầu tiên của Bắc Phi.
Người mẹ theo Kitô giáo, bị
Iroquois bắt và cống làm vợ của trưởng tộc Mohawk, một con người trơ tráo nhất
và hung dữ nhất trong Ngũ Quốc (Five Nations, 5 nước). Tekakwitha là con thứ
tư, cha mẹ và em trai mất vì bị bệnh đậu mùa. Dịch bệnh này còn khiến mặt bà
biến dạng và gần như bị mù. Bà được người chú bác nuôi dưỡng. Người chú bác này
thay cha bà làm trưởng tộc, ông ghét sự xuất hiện của những “người áo chùng
đen” (tức là các nhà truyền giáo), nhưng ông không thể làm gì vì hiệp ước hòa
bình đã ký với Pháp quốc buộc cho các nhà truyền giáo có mặt ở các làng mạc có
người Công giáo bị bắt giữ. Bà được đánh động bởi lời của 3 nhà truyền giáo ở
với người chú bác của bà, nhưng bà sợ người chú bác ngăn cấm. Bà cương quyết
không chịu kết hôn với Mohawk, và lúc 19 tuổi, bà can đảm gia nhập Công giáo.
Bà được rửa tội vào lễ Phục Sinh với tên thánh là Kateri (Catarina).
Bà bị coi như nô lệ. Vì không
chịu làm việc ngày Chúa Nhật nên hôm đó bà không được nhận khẩu phần ăn. Bà
tiến bộ nhanh trên đường nhân đức. Bà nói với một nhà truyền giáo rằng bà
thường suy niệm về chân giá trị của người được rửa tội. Bà được đánh động bởi
tình yêu Thiên Chúa đối với con người và thấy được nhân phẩm của người khác. Bà
luôn gặp nguy hiểm vì bà gia nhập đạo, chính đời sống thánh thiện của bà khiến
nhiều người chống đối. Nhờ lời khuyên của một linh mục, bà trốn đi và phải đi
bộ suốt 200 dặm (hơn 300 km) để đến một làng Công giáo của người Ấn Độ ở St.
Louis, gần Montréal.
Trong vòng 3 năm, bà tiến bộ trên
đường nhân đức theo sự linh hướng của một linh mục và một phụ nữ lớn tuổi người
Iroquois, hoàn toàn tận hiến cho Chúa trong những giờ cầu nguyện lâu, trong
việc bác ái và chuyên cần ăn năn đền tội. Lúc 23 tuổi, bà khấn giữ mình đồng
trinh, một hành động chưa từng có hồi đó. Bà thường vô rừng cầu nguyện mỗi ngày
một giờ, thế nên bà bị người ta cho là bí mật đi hẹn trai!
Bà qua đời vào chiều thứ Tư Tuần
Thánh. Các nhân chứng nói rằng khuôn mặt hốc hác của bà bỗng biến sắc và nhìn
như người khỏe mạnh. Những vết nhăn và cả những vết rỗ (do bệnh đậu mùa) đều
biến mất và miệng bà tươi cười. Bà được ĐGH Gioan Phaolô II tôn phong chân
phước năm 1980.
15/7 – THÁNH BÔNAVENTURA, Giám mục Tiến sĩ (1221-1274)
Thánh Bônaventura tu Dòng
Phanxicô, là thần học gia, tiến sĩ giáo hội, trí thức và thánh thiện. Vì tinh
thần và các tác phẩm của ngài, mới đầu ngài được gọi là Tiến sĩ Nhiệt thành,
nhưng từ các thế kỷ gần đây ngài được gọi là Tiến sĩ Thiên thần Seraphim
(Seraphic Doctor), danh xưng chỉ sau Giáo phụ Seraphim (Seraphic Father) là
Thánh Phanxicô, vì ngài cũng có tinh thần Thánh Phanxicô.
Ngài sinh tại Bagnoregio, một
thành phố ở Trung Ý, ngài được khỏi bệnh nặng khi còn trẻ nhờ lời cầu của Thánh
Phanxicô Assisi. Sau đó, ngài học nghệ thuật tự do ở Paris. Được gương sáng của
Thánh Phanxicô và các tu sĩ Dòng Phanxicô gợi hứng, nhất là về thần học, ngài
vào Dòng Phanxicô và trở thành giáo sư thần học dạy đại học. Năm 1257, ngài
được bầu làm Bề trên tổng quyền của Dòng. Ngài là khí cụ của Thiên Chúa trong
việc truyền bá lòng yêu thương theo cách của Thánh Phanxicô.
✽ Tập Trung Vào Chúa – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/07/tap-trung-vao-chua.html
16/7 – ĐỨC MẸ CAMÊLÔ
Các vị ẩn tu sống trên Núi Camêlô (Carmel, Cát Minh) gần Núi Elijah (Bắc Israel) hồi thế kỷ XII. Họ xây dựng một nhà nguyện dâng
kính Đức Mẹ. Thế kỷ XIII, họ được biết đến với danh xưng “Huynh đệ Đức Mẹ
Camêlô” (Brothers of Our Lady of Mount Carmel). Họ cử hành Thánh lễ và Phụng vụ
đặc biệt kính Đức Mẹ. Năm 1726, lễ này được mừng kính trong cả Giáo hội với
tước hiệu Đức Mẹ Camêlô. Qua nhiều thế kỷ, các tu sĩ Dòng Camêlô coi mình có
quan hệ đặc biệt với Đức Mẹ. Các vị thánh lớn và các thần học gia đã thúc đẩy
lòng sùng kính này và thường bênh vực tín điều Vô nhiễm Nguyên tội.
Thánh Teresa Avila gọi Dòng
Camêlô là “Dòng Đức Mẹ Đồng Trinh.” Thánh Gioan Thánh Giá tin Đức Mẹ đã cứu
ngài khỏi chết đuối khi còn là một em bé, Đức Mẹ đã dẫn ngài tới núi Camêlô và
giúp ngài thoát khỏi tù đày. Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu tin rằng Đức Mẹ đã
chữa mình khỏi bệnh. Khi rước lễ lần đầu, thánh nữ đã tận hiến cho Đức Mẹ.
Trong những ngày cuối đời, thánh nữ thường nói về Đức Mẹ.
Có một truyền thống (có thể không
mang tính lịch sử) nói rằng Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh Simon Stock, Bề trên
Dòng Camêlô, trao cho ngài Áo Đức Bà (scapular) và nói ngài truyền bá lòng sùng
kinh này. Áo Đức Bà tượng trưng sự bảo vệ đặc biệt, kêu gọi những người mang Áo
Đức Bà tận hiến cho Đức Mẹ theo cách đặc biệt này. Áo Đức Bà nhắc nhớ lời Phúc Âm
kêu gọi cầu nguyện và sám hối – lời kêu gọi mà Đức Mẹ là mẫu mực.
17/7 – THÁNH PHANXICÔ SÔLANÔ, Linh mục (1549-1610)
Thánh Phanxicô Sôlanô xuất thân
trong một gia đình có tiếng ở Andalusia, Tây Ban Nha. Có thể nhờ danh tiếng của
ngài mà ngài đã can ngăn được 2 người đấu kiếm. Ngài vào Dòng Phanxicô năm
1570, sau khi thụ phong linh mục, ngài tận tâm sống vì người khác. Ngài chăm
sóc bệnh nhân trong lúc dịch bệnh, được khâm phục đến nỗi ngài cảm thấy lúng
túng, đáng lẽ ngài được sai đi truyền giáo ở Phi châu, nhưng sau đó ngài lại
được sai tới Nam Mỹ (nay là Argentina, Bolivia và Paraguay) năm 1589.
Khi làm việc ở đó, ngài mau chóng
nói được tiếng bản xứ và được dân bản xứ đón nhận. Những lần ngài đi thăm bệnh
nhân, ngài thường cầu nguyện với cây vĩ cầm (violin).
Khoảng năm 1601, ngài được sai
tới Lima (Peru), tại đây ngài cố gắng kêu gọi thực dân Tây Ban Nha giữ tính
toàn vẹn của Bí tích Rửa tội. Ngài còn hoạt động để bảo vệ dân bản xứ khỏi bị
áp bức. Ngài qua đời tại Lima và được phong thánh năm 1726.
18/7 – CHÂN PHƯỚC ANGELINE MARSCIANÔ, Đồng trinh (1374-1435)
CP Angeline thành lập cộng đoàn
nữ tu Phanxicô đầu tiên, khác Dòng của Thánh Clara, và được Đức giáo hoàng phê
chuẩn. CP Angeline là con của Công tước Marsciano (gần Orvieto). Bà mồ côi mẹ
khi mới 12 tuổi, và khấn giữ trọn đời đồng trinh lúc 15 tuổi. Cùng năm đó, bà
phải tuân lệnh cha để kết hôn với Công tước Civitella. May thay, người chồng
tôn trọng lời khấn đồng trinh của bà.
Hai năm sau, chồng bà qua đời, bà
vào Dòng Phanxicô và cùng vài phụ nữ khác tự nguyện chăm sóc bệnh nhân, người
nghèo, người góa bụa và trẻ mồ côi. Khi nhiều phụ nữ khác gia nhập cộng đoàn
của CP Angeline, một số người kết án bà vi phạm ơn gọi hôn nhân. Bà đến gặp vua
Naples để trả lời về lời kết tội kia, bà đã giấu than hồng trong áo. Khi bà nói
mình vô tội và cho nhà vua thấy than hồng trong áo mà bà không bị làm sao, và
nhà vua bỏ qua vụ này.
Sau đó, bà và các bạn tới
Foligno, nơi có cộng đoàn nữ Dòng Ba Phanxicô đã được giáo hoàng phê chuẩn năm
1397. Bà còn thành lập 15 cộng đoàn nữ khác tại các thành phố ở Ý. Bà qua đời
ngày 14-7-1435, được phong chân phước năm 1825.
19/7 – TÔI TỚ CHÚA PHANXICÔ GAXÊ, Linh mục, và CÁC BẠN TỬ ĐẠO
(1738-1781)
Việc chính phủ xen vào việc
truyền giáo và chiếm đất đai xảy ra ở Ý khiến các tu sĩ này phải thiệt mạng.
Phanxicô Gaxê (Francisco
Hermenegildo Tomás Garcés) sinh năm 1738 tại Tây Ban Nha, và rồi ngài vào Dòng
Phanxicô. Ngài thụ phong linh mục năm 1763 và được sai tới Mexico. Năm năm sau,
ngài được sai tới San Xavier del Bac, gần Tucson, một trong số các đoàn truyền
giáo của Dòng Tên được thành lập ở Arizona và New Mexico. Năm 1767, họ bị nhà
vua (người Công giáo) của Tây Ban Nha trục xuất khỏi lãnh thổ. Tại Arizona,
ngài làm việc giữa những người Papago, Yuma, Pima và bộ lạc Apache ở Mỹ. Ngài
còn đi truyền giáo ở Grand Canyon và California.
Tu sĩ Phanxicô Palou, một người
đương thời, viết rằng Lm Garcés được dân bản xứ rất yêu mến, có những người
trong số họ sống bình an một thời gian dài. Họ thường cho ngài đồ ăn và nhắc
đến ngài với cách nói “Vạn tuế Chúa Giêsu” – Viva Jesus.
Vì muốn hoán cải người bản xứ,
các nhà truyền giáo Tây Ban Nha muốn tổ chức ổn định cho họ tránh thực dân và
quân đội Tây Ban Nha. Như một tư lệnh ở Mexico khăng khăng cho rằng hai đoàn
truyền giáo mới ở sông Colorado, Misión San Pedro y San Pablo và Misión La
Purísima Concepción, đã được hòa nhập.
Cuộc nổi dậy của người Yumas
chống lại người Tây Ban Nha đã khiến các tu sĩ Juan Diaz và Matias Moreno thiệt
mạng ở Misión San Pedro y San Pablo. Các tu sĩ Phanxicô Gaxê và Gioan
Barreneche bị giết tại Misión La Purísima Concepción (nơi đồn Yuma).
20/7 – THÁNH APOLLINARIS, Giám mục Tử đạo (thế kỷ I)
Theo truyền thống, Thánh Phêrô
gởi Apollinaris tới Ravenna, Ý, với cương vị giám mục tiên khởi. Ngài rất thành
công trong việc rao truyền Tin Mừng đến nỗi dân ngoại ở đó đánh đập ngài và lôi
ngài ra khỏi thành phố. Tuy nhiên, ngài vẫn quay lại, và ngài lại bị trục xuất
lần nữa. Sau khi giảng đạo ở quanh vùng Ravenna, ngài lại vào thành phố. Sau
khi bị hành hạ dã man, ngài bị đưa lên tàu chở tới Hy Lạp. Dân ngoại ở đó lại
trục xuất ngài sang Ý, từ đây ngài lại đi Ravenna lần thứ tư. Ngài qua đời vì
bị thương do bị đánh đập ở Classis, ngoại ô Ravenna. Một đại giáo đường được
xây dựng dâng kính ngài ở đó từ thế kỷ VI.
21/7 – THÁNH LAWRENCE BRINDISI, Linh mục Tiến sĩ (1559-1619)
Thánh Lawrence Brindisi có thiên
tài về ngôn ngữ. Ngoài ngôn ngữ bản xứ là tiếng Ý, ngài còn nói và đọc được
tiếng Latin, Do Thái, Hy Lạp, Đức, Bohemia, Pháp và Tây Ban Nha.
Ngài sinh ngày 22-7-1559. Cha mẹ
ngài là ông William và bà Elizabeth Russo đặt tên cho ngài theo tên của Julius
Caesar (tiếng Ý là Caesare). Cha mẹ ngài mất sớm, ngài được người thúc bá cho
theo học ở ĐH Thánh Maccô ở Venice. Lúc 16 tuổi, ngài vào Dòng Phanxicô ở
Venice và lấy tên dòng là Lawrence. Ngài hoàn tất chương trình triết học và
thần học tại ĐH Padua và thụ phong linh mục lúc 23 tuổi.
Với khả năng xuất sắc về ngôn
ngữ, ngài học Kinh Thánh bằng văn bản gốc. Theo yêu cầu của ĐGH Clêmentô VIII,
ngài dành nhiều thời gian giảng đạo cho người Do Thái ở Ý. Kiến thức về tiếng
Do Thái của ngài rất xuất sắc đến nỗi các luật sĩ Do Thái cứ tưởng ngài là
người Do Thái trở lại Kitô giáo. Năm 1956, các tu sĩ Phanxicô xuất bản bộ sách
15 cuốn của ngài. Có 11 cuốn trong 15 cuốn gồm các bài giảng của ngài, mỗi cuốn
chủ yếu trích dẫn Kinh Thánh để minh chứng những lời ngài giảng.
Ngài rất nhạy cảm với nhu cầu của
người khác – một tính chất có thể gây bất ngờ ở các học giả biệt tài như vậy.
Ngài được bầu làm Giám tỉnh Dòng Phanxicô ở Tuscany khi ngài mới 31 tuổi. Ngài
vừa thông minh, vừa thương người và vừa có tài quản lý khi làm nhiệm vụ. Năm
1602, ngài được bầu làm Bề trên tổng quyền Dòng Phanxicô. Ở cương vị này, ngài
có trách nhiệm làm phát triển và mở rộng địa lý của dòng.
Ngài được bổ nhiệm làm Phái viên
Tòa thánh (papal emissary) và Sứ giả Hòa bình (peacemaker), một nhiệm vụ khiến
ngài phải đi nhiều nước. Cố gắng đạt được hòa bình ở Naples khiến ngài phải đi
Lisbon tiếp kiến vua Tây Ban Nha. Tại Lisbon, ngài bị bệnh nặng và qua đời đúng
ngày sinh nhật thứ 60 của ngài năm 1619.
22/7 – THÁNH MARIA MAĐALÊNA (Maria Mácđala)
Ngoài Đức Maria, chỉ vài phụ nữ
được tôn kính trong Kinh Thánh nhiều hơn Maria Mađalêna. Bà có thể là bổn mạng
của những người bị vu khống, vì có một truyền thuyết lâu đời trong Giáo hội nói
rằng bà là người phụ nữ tội lỗi vô danh đã xức dầu chân Chúa Giêsu được thuật
lại trong Lc 7:36-50.
Đa số các học giả Kinh Thánh ngày
nay đều chứng tỏ rằng không có nền tảng Kinh Thánh nào để lẫn lộn hai phụ nữ
này. Maria Mađalêna, nghĩa là Maria ở Mađalêna, là người mà Chúa Giêsu đã đuổi
“bảy quỷ.” (x. Lc 8:2)
Lm W.J. Harrington, Dòng Đa Minh,
viết trong cuốn “Chú Giải Công Giáo Mới” (New Catholic Commentary): “Bị bảy quỷ ám không có nghĩa là Thánh Maria
Mađalêna đã sống cuộc đời vô luân, một kết luận chỉ có được vì lầm lẫn với phụ
nữ vô danh trong Lc 7:36.” Lm Edward Mally, Dòng Tên, viết trong cuốn “Chú
Giải Kinh Thánh Của Thánh Giêrônimô” (Jerome Biblical Commentary): “Bà [Maria
Mađalêna] không là phụ nữ tội lỗi trong Lc 7:37, mặc dù có truyền thống lãng
mạn Tây phương nói về bà như vậy.”
Maria Mađalêna là một trong những
người “giúp Chúa Giêsu và Nhóm Mười Hai.” Bà là một trong những người đứng bên
Thánh Giá với Đức Mẹ, khi Chúa Giêsu chịu khổ nạn. Bà còn người là người đầu
tiên được gặp Chúa Giêsu sống lại và là nhân chứng thứ nhất của Tin Mừng Phục
Sinh.
✽ Chân Dung Thánh Maria Mađalêna
https://tramthienthu.blogspot.com/2013/07/chan-dung-thanh-maria-maalena.html
✽ Người Phụ Nữ Tội Lỗi Là Ai
https://tramthienthu.blogspot.com/2014/07/nguoi-phu-nu-toi-loi-la-ai.html
23/7 – THÁNH BRIGHITA (1303?-1373)
Từ lúc 7 tuổi, Brighita được thị
kiến Đức Kitô bị đóng đinh. Thị kiến đó đã làm nền tảng cho các hoạt động của
bà, và bà luôn chú trọng bác ái hơn là ủng hộ tinh thần.
Bà là hoàng hậu của vua Magnus
II, vua Thụy Điển. Bà là mẹ của 8 người con (con thứ hai của bà là Thánh Catarina
Thụy Điển). Sau khi chồng mất, bà sống ăn chay hãm mình nghiêm ngặt. Bà luôn cố
gắng tạo ảnh hưởng tốt đối với vua Magnus, chính nhà vua đã cho bà đất đai và
nhà cửa để thành lập các tu viện nam và nữ. Các nhóm tu trì này phát triển
thành Dòng Thánh Brighita (Bridgetines) mà ngày nay vẫn còn.
Năm Thánh 1350, bà khuyến khích
người Âu châu đi hành hương Rôma. Những năm bà sống ở Rôma không thoải mái, bị
nợ nần và bị chống đối vì bà phản đối việc lạm dụng của Giáo hội. Đoàn hành
hương cuối cùng đến Thánh Địa, bị đắm tàu và con trai bà là Charles chết, cuối
cùng bà mất năm 1373. Năm 1999, bà cùng với Thánh Catarina Siena và Thánh Edith
Stein được tôn vinh là các thánh bổn mạng của Âu châu.
24/7 – THÁNH SHARBEL MAKHLOUF, Linh mục (1828-1898)
Giuse Zaroun Maklouf sinh tại
làng Beka-Kafra, Lebanon, được người thúc bá nuôi vì ngài mồ côi cha mẹ từ lúc
3 tuổi. Lúc 23 tuổi, ngài vào Tu viện Thánh Maron ở Annaya, Lebanon, và lấy tên
là Sharbel – một vị tử đạo hồi thế kỷ II. Ngài khấn trọn năm 1853 và thụ phong
linh mục 6 năm sau.
Noi gương Thánh Maron (thế kỷ V),
ngài sống ẩn dật từ năm 1875 cho đến chết. Gương thánh thiện của ngài làm cho
nhiều người đến xin phúc lành và xin cầu nguyện. Ngài ăn chay nghiêm ngặt và
rất sùng kính Thánh Thể. Thi thoảng bề trên sai ngài đi ban các bí tích cho các
làng lân cận, ngài luôn vui vẻ vâng lời.
Ngài qua đời vào chiều tối ngày
24-12-1898. Mộ ngài được cả người giáo lẫn người lương đến cầu nguyện và xin ơn
chữa lành. Ngài được ĐGH Phaolô VI phong chân phước năm 1965, và được phong
thánh năm 1977.
25/7 – THÁNH GIACÔBÊ, Tông đồ
Thánh Giacôbê là anh của Thánh
Gioan thánh sử. Hai anh em được Chúa Giêsu kêu gọi khi họ đang làm việc với
người cha trên ngư thuyền ở Biển Galilê: “Đi
xa hơn một chút, Người thấy ông Giacôbê, con ông Dêbêđê, và người em là ông
Gioan. Hai ông này đang vá lưới ở trong thuyền. Người liền gọi các ông. Và các
ông bỏ cha mình là ông Dêbêđê ở lại trên thuyền với những người làm công, mà đi
theo Người.” (Mc 1:19-20) Chúa Giêsu còn kêu gọi hai anh em khác là Thánh
Phêrô và Thánh Anrê.
Thánh Giacôbê là một trong ba
người được chứng kiến Chúa biến hình trên núi Tabor, cho con gái ông Giairô
sống lại và lúc Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Gếtsimani.
Thánh Mátthêu kể chuyện người mẹ
đến xin cho hai con của bà được ngồi bên tả và bên hữu trong Nước Chúa: “Các người không biết các người xin gì! Các
người có uống nổi chén Thầy sắp uống không?” Họ đáp: “Thưa uống nổi.” Đức Giêsu bảo: “Chén của Thầy, các người sẽ uống; còn việc ngồi bên hữu hay bên tả
Thầy, thì Thầy không có quyền cho, nhưng Cha Thầy đã chuẩn bị cho ai, thì kẻ ấy
mới được.” (Mt 20:22-23) Nghe vậy, các môn đệ đã tức tối vì tham vọng của
Giacôbê và Gioan. Và Chúa Giêsu dạy họ về bài học khiêm nhường: Mục đích của
quyền hành là để phục vụ.
Giacôbê và Gioan được Chúa Giêsu
đặt cho biệt danh là “con của sấm sét.” Một dịp khác, Chúa Giêsu muốn đi
Giêrusalem, Ngài sai mấy sứ giả đi trước nhưng không được người Samari đón
tiếp: “Thấy vậy, hai môn đệ Người là ông
Giacôbê và ông Gioan nói rằng: ‘Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ
trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?’ nhưng Đức Giêsu quay lại quở mắng các
ông.” (Lc 9:54-55)
Thánh Giacôbê là người tử đạo đầu
tiên trong các tông đồ: “Thời kỳ ấy, vua
Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu
ông Giacôbê là anh ông Gioan. Thấy việc đó làm vừa lòng người Do Thái, nhà vua
lại cho bắt cả ông Phêrô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ Bánh Không Men.” (Cv
12:1-3)
Đừng lầm lẫn Thánh Giacôbê Tông
đồ với tác giả Thư của Thánh Giacôbê, người lãnh đạo giáo đoàn Giêrusalem.
26/7 – THÁNH GIOAKIM và ANNA, Song Thân Đức Mẹ
Trong Kinh Thánh, Thánh sử
Mátthêu và Luca cung cấp gia phả của Chúa Giêsu, cho thấy rằng Chúa Giêsu là
đỉnh cao của những lời hứa. Chúng ta không biết gì nhiều, ngay cả ông bà
Gioakim và Anna cũng chỉ được viết sau khi Chúa Giêsu chịu chết được hơn 100
năm.
Đức anh hùng và sự thánh thiện
của các ngài được suy ra từ bầu khí của gia đình xung quanh Đức Maria trong
Kinh Thánh. Chúng ta dựa vào các truyền thuyết về thời thơ ấu của Đức Maria
hoặc suy đoán từ thông tin trong Kinh Thánh, chúng ta thấy sự viên mãn của
nhiều thế hệ những con người cầu nguyện ở nơi Đức Mẹ, chính Đức Mẹ đã say đắm
trong truyền thống tôn giáo.
Tính cách mạnh mẽ của Đức Maria
khi quyết định, liên lỉ cầu nguyện, tuân thủ luật đức tin, sự vững vàng của Đức
Mẹ khi gặp khủng hoảng, và tận tụy với những người thân. Tất cả cho thấy gia
đình gắn bó yêu thương, trông mong thế hệ kế tiếp duy trì những điều tốt đẹp
nhất của quá khứ.
Ông bà Gioakim và Anna (không
biết có phải tên thật của các ngài hay không) biểu hiện các thế hệ khá lặng lẽ
khi trung thành thực hiện trách nhiệm, giữ đức tin và thiết lập môi trường cho
Đấng Thiên Sai tới, nhưng vẫn chưa rõ ràng.
https://tramthienthu.blogspot.com/2020/07/uc-tin-cua-ong-ba-ngoai_11.html
✽ Song Thân Đức Mẹ – https://tramthienthu.blogspot.com/2013/07/song-than-uc-me.html
✽ Thánh Tích Song Thân Đức Mẹ
https://tramthienthu.blogspot.com/2020/07/thanh-tich-song-than-uc-me_15.html
27/7 – CHÂN PHƯỚC ANTÔNIÔ LUCCI, Giám mục (1682-1752)
CP Antôniô Lucci là bạn học với
Thánh Francesco Antonio Fasani. Sau khi CP Antonio Lucci qua đời, Thánh
Francesco Antonio Fasani đã làm chứng về cuộc sống thánh thiện của ngài.
CP Antonio Lucci sinh tại Agnone,
Nam Ý, một thành phố nổi tiếng về đúc chuông đồng và đồ thủ công bằng đồng, tên
rửa tội của ngài là Angelo. Ngài học trường của các tu sĩ Dòng Phanxicô và vào
tu dòng này lúc 16 tuổi. Ngài học xong và thụ phong linh mục tại Assisi năm
1705. Ngài học thêm và có bằng tiến sĩ thần học, được bổ nhiệm dạy học ở
Agnone, Ravello.và Naples.
Ngài được bầu làm giám tỉnh năm
1718, năm sau ngài được chọn làm giáo sư tại Đại học Thánh Bonaventure ở Rôma.
Rồi ngài được ĐGH Bênêđictô XIII bổ nhiệm làm giám mục GP Bovino (gần Foggia)
năm 1729. ĐGH Bênêđictô XIII giải thích: “Tôi
chọn giám mục giáo phận Bovino là một thần học gia xuất sắc và là vị đại
thánh.”
Trong 23 năm làm giám mục, ngài
kinh lý các giáo xứ và canh tân Phúc Âm sống động trong giáo dân của giáo phận.
Ngài dành thời gian để giáo huấn và bác ái. Theo sự thúc giục của bề trên tổng
quyền Dòng Phanxicô, ngài viết một cuốn sách về các thánh và các chân phước
trong 200 năm đầu của Dòng Phanxicô. Ngài được phong chân phước năm 1989. Năm
1992, bạn ngài là CP Francesco Antonio Fasani được phong hiển thánh.
28/7 – THÁNH LEOPOLD MANDIC, Linh mục (1887-1942)
Các Kitô hữu Tây phương cố gắng
đối thoại nhiều hơn với các Kitô hữu Chính thống giáo có thể thu hoạch hoa trái
nhờ lời cầu nguyện của Lm Leopold Mandic. Ngài là người Croatia, vào Dòng
Phanxicô và thụ phong linh mục vài năm sau dù ngài có vài vấn đề về sức khỏe –
chẳng hạn, ngài Không thể nói to để giảng. Suốt nhiều năm ngài chịu đựng chứng
viêm khớp nặng, mắt kém và đau bao tử.
Ngài dạy về các Giáo phụ cho các
giáo sĩ trong vài năm, nhưng ngài nổi tiếng về giải tội, có những ngày ngài
giải tội 13–15 giờ. Vài vị giám mục tìm đến ngài để được tư vấn tâm linh. Ước
mong của ngài là đến với các Kitô hữu Chính thống giáo và vận động đoàn kết
giữa Chính thống giáo và Công giáo La mã, nhưng sức khỏe không cho phép ngài
làm được điều đó. Ngài thường xuyên nhắc lại lời khấn đến với các Kitô hữu Đông
phương, và ngài luôn cầu nguyện cho sự hiệp nhất.
Khi ĐGH Piô XII nói rằng TỘI LỖI
LỚN NHẤT CỦA THỜI ĐẠI CHÚNG TA LÀ “MẤT CẢM GIÁC VỀ TỘI.” Thánh Leopold đã cảm
nhận sâu sắc về tội lỗi và vững tin vào Ơn Chúa luôn chờ đợi sự hợp tác của con
người. Ngài sống nhiều ở Padua, qua đời ngày 30-7-1942 và được phong thánh năm
1982.
29/7 – THÁNH MÁCTA
Mácta, Maria và Ladarô là các bạn
thân của Chúa Giêsu. Ngài tới nhà họ với tư cách là khách hơn là người hoán cải
các tội nhân như Dakêu hoặc được một người Pharisêu khả nghi tiếp đón không câu
nệ hay khách sáo gì. Hai chị em không ngại mời Chúa Giêsu đến khi em trai họ
qua đời, mặc dù trở lại Giuđê vào thời điểm đó hầu như là đã chết chắc.
Không nghi ngờ, Mácta là người
năng động. Một lần nọ, (x. Lc 10:38-42) bà chuẩn bị bữa ăn cho Chúa Giêsu và bà
không ngại buông lời trách em gái.
Nhưng các dịp khác, Chúa nhấn
mạnh về tính ưu việt của tâm linh: “Vì
vậy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng
lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể
chẳng trọng hơn áo mặc sao?... Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức
công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt
6:25, 33) Hoặc: “Người ta sống không chỉ
nhờ cơm bánh.” (Lc 4:4) Hoặc: “Phúc
thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa
lòng.” (Mt 5:6)
Vinh dự lớn lao của Mácta là câu
tuyên xưng đức tin đơn giản mà mạnh mẽ sau cái chết của em trai. Khi Đức Giêsu
nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết,
cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có
tin thế không?” Mácta đáp ngày: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô,
Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.” (Ga 11:25-27)
✽ Bài Học Từ Thánh Mácta – https://tramthienthu.blogspot.com/2015/07/bai-hoc-tu-thanh-mac-ta.html
30/7 – THÁNH PHÊRÔ CHRYSÔLÔGÔ, Giám mục Tiến sĩ (406-450?)
Ngài thường được gọi là Phêrô Kim
Ngôn hoặc Kim Khẩu. Ngài là người hăng hái theo đuổi một mục đích có thể sinh
kết quả hơn cả mong đợi. Ngài làm giám mục GP Ravenna khi còn trẻ tuổi.
Thời đó có những sự lạm dụng và
vết tích của chủ nghĩa ngoại giáo ở giáo phận của ngài, và ngài quyết định đấu
tranh. Vũ khí chính của ngài là những bài giảng ngắn gọn, nhiều bài còn lưu
truyền tới ngày nay. Các bài giảng đó không chứa đựng tư tưởng cao siêu, nhưng
chứa đầy cách áp dụng luân lý, giáo lý và quan trọng về lịch sử. Các bài giảng
của ngài có mức chính xác đến nỗi khoảng 13 thế kỷ sau, ngài được ĐGH Bênêđictô
XXIII tôn vinh là Tiến sĩ Hội thánh.
Ngài nổi bật về lòng trung thành
với Giáo hội, không chỉ trong những bài giáo huấn mà còn cả trong quyền hành.
Một thời gian trước khi qua đời, ngài trở lại Imola, nơi ngài sinh, và cũng là
nơi ngài qua đời.
31/7 – THÁNH INHAXIÔ LÔYÔLA (1491-1556)
Thánh Inhaxiô là vị sáng lập Dòng
Tên. Ngài là một quân nhân và bị trái pháo làm bị thương ở chân. Khi nằm điều
trị, không có sách nào hay để đọc, ngài “giết thời gian” bằng cách đọc sách về
cuộc đời Chúa Kitô và hạnh các thánh. Ngài được đánh động sâu sắc bởi câu: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt
mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống
mình?” (Mt 16:26; Mc 8:34; Lc 9:22)
Thấy Đức Mẹ trong một thị kiến,
ngài quyết định hành hương tới đền Đức Mẹ ở Montserrat (gần Barcelona). Ngài ở
Manresa gần một năm, và thường vào hang động để cầu nguyện. Sau một thời gian
lắng đọng tâm hồn, ngài cân nhắc cuộc đời. Làm thế nào cũng không thấy lòng
bình an. Một thời gian dài sau ngài mới lấy lại được quân bình. Khi đó ngài bắt
đầu viết kiệt tác “Linh Thao” (Spiritual Exercises).
Ngài sống 11 năm ở các trường đại
học Âu châu, ngài học rất khó khăn, bắt đầu như một đứa trẻ. Hai lần ngài bị
nghi ngờ và hai lần bị tù một thời gian ngắn.
Năm 1534, khi 43 tuổi, ngài và 6
anh em khác (trong đó có Thánh Phanxicô Xaviê) khấn sống khó nghèo và khiết
tịnh, và cùng tới Thánh Địa. Bốn năm sau, Thánh Inhaxiô lập Dòng Tên và được
ĐGH Phaolô III phê chuẩn, chính Thánh Inhaxiô được bầu làm Bề trên tổng quyền
đầu tiên. Ngài còn thành lập trường ĐH Rôma, kiểu mẫu của các Đại học khác.
Ngài thực sự là nhà thần bí. Ngài
tập trung đời sống tâm linh vào các nền tảng chính của Kitô giáo – Chúa Ba
Ngôi, Đức Kitô, và Thánh Thể. Tinh thần của ngài được diễn tả bằng câu châm
ngôn của Dòng Tên: “Ad majorem Dei
gloriam.” – Để Vinh Danh Thiên Chúa. Theo khái niệm của ngài, vâng lời là
nhân đức nổi trội, bảo đảm hiệu quả và tính di động của các tu sĩ. Mọi hoạt
động được hướng dẫn bằng lòng yêu thực sự dành cho Giáo hội và vâng lời Đức
giáo hoàng vô điều kiện, do đó mà các tu sĩ Dòng Tên có lời khấn thứ tư là đến
bất cứ nơi nào Đức giáo hoàng sai đi để cứu các linh hồn.
TRẦM THIÊN THU
(chuyển ngữ từ BeliefNet.com, Saints.sqpn.com, AmericanCatholic.org, Catholic.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment