Thứ Hai, 23 tháng 5, 2022

ĐẤT NƯỚC CHÙA THÁP CAMBODIA

Trung tuần tháng 3-2013, tôi có dịp đến đất nước chùa tháp Cambodia – cũng gọi là Campuchia (Kampuchea).

Khởi hành từ 5 giờ sáng, gần trưa tôi đến cửa khẩu Mộc Bài. Rất tiếc là làm thủ tục qua cửa khẩu mất thời gian quá nhiều, khẩu hiệu “chung tay cải tổ thủ tục hành chính” vẫn chưa được thể hiện đúng mức. Thời gian “xuất-nhập” ở phía Việt Nam lâu hơn nhiều so với ở phía Cambodia. Và rồi tôi cũng đến đất nước Cambodia!

Xin chào đất nước Cambodia!

Cambodia có tên chính thức là Vương quốc Campuchia (tiếng Khmer là Preăh Réachéanachâk Kâmpŭchéa), tên cổ là Kambuja – xưa còn gọi là Chân Lạp hoặc Cao Miên, thủ đô là Phnom Penh, ngôn ngữ chính là tiếng Khmer (thuộc nhóm Môn-Khmer trong hệ Nam Á), diện tích 181.035 km2, quốc hiệu của Cambodia là “Dân tộc, Tôn giáo, Quốc vương,” quốc huy là biểu tượng Hoàng gia, quốc kỳ có hình Angkor Wat trên phần nền đỏ và hai bên là phần nền xanh đậm, quốc ca là Nokor Reach (Vương quốc Oai hùng).

Dân số Cambodia có khoảng 15 triệu, 95% theo Phật giáo Theravada. Các dân tộc sống tại Cambodia gồm người Việt, người Hoa, người Chàm và 30 dân tộc thiểu số sơn cước. Dân chúng còn nghèo và lạc hậu. Đó là hậu quả của chiến tranh, lòng ghen ghét và sự thù hận, nhất là vì cuộc diệt chủng của tên khát máu Pol Pot, cầm đầu Khmer Đỏ!

Chân Lạp là phiên âm chữ Chenlap. Triều đại cầm quyền của Chân Lạp có nguồn gốc từ nhân vật thần thoại Campu, lấy nàng Naga (con gái Thủy Thần, biến từ rắn thành thiếu nữ). Tên gọi Campuchia xuất hiện vào khoảng thế kỷ 10, gắn liền với tên nhân vật này.

Sau năm 707, Chân Lạp tách thành hai quốc gia Lục Chân Lạp và Thủy Chân Lạp. Ngày 9-11-1953, Cambodia tuyên bố độc lập và trở thành một vương quốc, thể chế chính trị là quân chủ lập hiến. Năm 1960, Thái tử Norodom Sihanouk lên làm Quốc trưởng chứ không làm vua sau khi vua cha mất, gọi là Hoàng thân Norodom Sihanouk. Ông cho thi hành chính sách trung lập. Đến cuối tháng 10-2004, Norodom Sihanouk truyền ngôi lại cho Thái tử Norodom Sihamoni.

Về tôn giáo, tỷ lệ Công giáo rất ít, Cambodia chỉ có 3 giáo phận: Phnom Penh, Battambang, và kompong Cham. GP Phnom Penh rộng 31.946 km², cai quản GP Phnom Penh hiện nay là ĐGM Oliver Michel Marie Schmitthaeusler, người Pháp. Thời Khmer Đỏ nắm quyền (1963-1981), mọi hoạt động tôn giáo đều bị cấm, nhiều người Công giáo bị bách hại, nhất là các linh mục và các chức sắc. Người Việt Nam chiếm đa số tín hữu Công giáo tại Cambodia, trong đó có nhiều người bị bách hại và bị trục xuất, đa số các nhà thờ và đền đài đều bị phá hủy. Lúc đó, số người Công giáo giảm mạnh, từ 30.000 người xuống chỉ còn chưa đầy 10.000 người. Năm 1990, hiến pháp mới của Cambodia mới cho tôn giáo hoạt động lại.

Năm 1975, Khmer Đỏ do Pol Pot lãnh đạo đã áp dụng chính sách tàn ác và phạm tội diệt chủng. Pol Pot tên thật là Saloth Sar, sinh ngày 19-5-1925. Năm 1935, Sar đi học trường École Miche, một trường Công giáo tại Phnom Penh. Hắn sống chung nhà với Meak, một cô em họ là vũ nữ ba-lê của hoàng gia. Năm 1926, Meak sinh con trai, tức là hoàng tử vua Monivong, và được nhận danh hiệu chính thức là Khun Preah Moneang Bopha Norleak Meak. Sar ở tại nhà của Meak tới năm 1942. Roeung, em gái của Sar, là ái phi của vua Monivong, thế nên nhờ 2 phụ nữ này, Sar thường có dịp thăm viếng hoàng gia. Năm 1947, hắn được vào học trường Lycée Sisowath, một trường đặc quyền, nhưng học hành không đến nơi đến chốn. Pol Pot là người tàn ác, giết người không gớm tay. Tuy nhiên, sau khi Đảng Cộng sản Cambodia tan rã, hắn đã phải trốn vào rừng, cuối cùng hắn bị bắt và chết ngày 15-4-1998.

Sau khi cuộc Tổng tuyển cử tự do được Liên Hợp Quốc đứng ra tổ chức vào tháng 5-1993, Cambodia mới ổn định. Cambodia đã tham gia WTO (Tổ chức Thương Mại Quốc tế), tổng GDP 3.677 triệu USD và GDP bình quân đầu người là 280 USD (năm 2003), nhưng hơn 30% dân chúng vẫn lạc hậu và sống dưới mức nghèo khổ. Đảng cầm quyền hiện nay là Đảng Nhân Dân Cambodia (CPP – Cambodia People’s Party), thủ tướng đương nhiệm là Hun Sen.

Dọc đường, tôi thấy đa số dân còn nghèo, nhà làm theo kiểu nhà sàn, nhưng dù bằng chất liệu gì cũng có “nét” giống nhau, hai mái cho nửa nhà phía trước và hai mái cho nửa nhà phía sau, với những hoa văn theo văn hóa Khmer. Đám cưới dựng rạp mái vòm và các cột được cuộn những dải vải màu sắc rực rỡ. Đám tang cũng làm rạp mái vòm, nhưng có vải màu đen với viền hoa văn màu trắng, có cờ rũ màu đen, đặc biệt thấy có “biển báo” màu đen trên cửa rạp cho biết đám tang của người quá cố. Một nét “lạ” so với người Việt.

Qua hai chiếc phà, tôi đặt chân lên thủ đô Phnom Penh. Người dân có vẻ hiếu khách, chân chất, giản dị, và hay cười. Họ có cách chào đặc biệt là chắp hai tay trước ngực và cúi xuống, miệng tươi cười. Các em bé bán hàng rong cũng có thể trao đổi bằng tiếng Anh, hồn nhiên và chân thật, đặc biệt là chúng có những đôi mắt to tròn và đen láy, trông rất dễ thương. Những người lớn tuổi có thể giao tiếp bằng tiếng Pháp, và họ thường quấn saron.

Tôi ghé thăm 4 nhà thờ: Hố Gai, Hố Lương, Bãi Cải, và Cù Lao Kết. Nhà thờ Hố Gai có một số trẻ mồ côi do các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách. Đây là những những giáo họ thuộc GP Phnom Penh, mỗi giáo họ trung bình khoảng 100 tới 150 gia đình Công giáo người Việt, sống giữa những gia đình Phật giáo. Tuy là người Việt, nhưng đa số người Việt nhìn có nét rất giống người Cambodia. Đặc biệt nhà thờ Bãi Cải (tức là Nhà thờ Nữ Vương Hòa Bình, thôn Arey Ksath, xã Arey Ksath, huyện Love Em, tỉnh Kandal) là nơi có đặt hai bức tượng Đức Mẹ được vớt lên từ đáy dòng sông Mekong. Một tượng Đức Mẹ Lộ Đức (cao 1,5m) được vớt lên ngày 16-4-2008, một tượng Đức Mẹ bồng Chúa Giêsu (cao 2,3m) được vớt lên ngày 19-11-2012, đúng ngày Hội nghị Asean được tổ chức tại Campuchia. Từ đó, người ta gọi là Đức Mẹ Mekong.

Lịch sử cho biết rằng trong thời Pol Pot, các tượng này bị người ta lấy trộm vì tưởng bằng vàng hoặc đồng, nhưng họ cưa một đường ở tay trái Đức Mẹ và phát hiện chỉ là gang nên họ ném Đức Mẹ xuống sông Mekong. Một người ngoại giáo được báo mộng nên người ta thuê người lặn xuống vớt tượng Đức Mẹ lên. Khi ở Nhà thờ Bãi Cải, tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi với ông Sáu Hú (Phan Văn Hú, sinh 1953), người ngoại giáo đã chiêm bao về tượng Đức Mẹ. Ông cho biết trước đó vợ ông bị nhiều chứng bệnh, cũng đã nhiều lần đi chữa trị tại các bệnh viện Việt Nam, ông kêu xin và đã được Đức Mẹ nhận lời.

Sáng Chúa nhật, tôi ghé thăm Tòa giám mục Phnom Penh, rất tiếc là ĐGM Oliver Michel Marie Schmitthaeusler đi vắng nên tôi không gặp được. Sau đó, tôi tham dự Thánh lễ tại Nhà thờ Chính tòa Phnom Penh, dâng lễ là linh mục Bruno Cosme (51 tuổi, người Pháp).

Các nhà thờ ở Cambodia đều giản dị, không cầu kỳ, không rườm rà, không lộng lẫy như các nhà thờ ở Việt Nam. Ngay cả nhà thờ chính tòa Phnom Penh cũng rất giản dị. Tại đây, các hình của 14 chặng đàng Thánh Giá được vẽ theo nét hội họa Campuchia, minh họa phong cách người Cambodia.

Một phong cách đặc trưng văn hóa của người Cambodia là ngồi và phủ phục. Trong Thánh lễ, cả chủ tế và giáo dân đều ngồi từ đầu tới cuối. Chủ tế ngồi trên ghế, phía trước là chiếc bàn thờ nhỏ bé, người giúp lễ quỳ ngồi trên đôi chân, giáo dân ngồi xếp bằng trên chiếu. Mọi người tỏ ra rất nghiêm túc và thành kính khi tham dự nghi lễ tôn giáo. Cảm giác thật nghiêm trang, thánh thiện, lâng lâng… Khi chúc bình an (và khi gặp chào nhau), người Cambodia chắp tay trước ngực và cúi đầu, một cách chào đầy thân thiện và khiêm nhường.

Vũ điệu nổi tiếng của Cambodia là Apsara, tên một vũ nữ dân gian có thân hình cân đối và uyển chuyển. Công trình nổi tiếng là ngôi đền Bayon với 200 gương mặt của thần Avalokitesvara (dạng như Quan Âm Bồ Tát). Kiến trúc của Cambodia cũng có ảnh hưởng lớn đến kiến trúc của Thái Lan và người Chăm của Việt Nam. Phật giáo chiếm 95%, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống thế tục, quy định các tiêu chuẩn đạo đức trong nhân dân.

Angkor Wat là một ngôi đền lớn và quan trọng của Phật giáo. Angkor: Kinh đô, Wat: Đền; gọi chung khu đền này là Đế Thiên Đế Thích, cách thủ đô Phnôm Pênh 320 km về hướng Bắc, được xây dựng dưới thời vua Suriya-warman II (1113-1150). Mới đầu Angkor Wat để thờ thần Viśnu của Ấn Độ giáo, khi vương triều Khmer theo Phật giáo, Angkor Wat trở thành linh đền thờ Phật. Sau khi kinh đô của đế quốc Khmer bị người Xiêm phá hủy và các nhà vua Khmer bỏ về Phnom Penh trong thế kỷ 15, Angkor Wat rơi vào quên lãng, bị rừng già vây phủ và được khám phá lại vào năm 1860 bởi Herri Mouhot.

Cambodia có khá nhiều casino, chia thành từng khu vực. Các chùa chiền, đền đài và tháp đều xây dựng theo lối kiến trúc Khmer với các hoa văn độc đáo đầy màu sắc. Nổi bật là khu Hoàng Cung, Chùa Vàng, Chùa Bạc,…

Được biết, xe cộ ở Cambodia không phải chịu thuế nhập khẩu. Có lẽ vì vậy mà xe hơi nhiều hơn xe máy, phố nào cũng thấy xe hơi đậu dầy đặc. Việc di chuyển có loại xe gọi là “túc túc,” giống như xe lôi, nhưng phần “lôi” phía sau lại na ná xe Lam của Việt Nam ngày xưa. Phần “lôi” phía sau được gắn vào chiếc xe máy, chứ không phải xe “túc túc” là loại xe được chế tạo nguyên vẹn. Phí xe cũng không mắc, nếu đi 5 hoặc 6 người rất tiện lợi.

Sinh hoạt của dân chúng lặng lẽ, không ồn ào náo nhiệt. Ngay cả khu chợ Phnom Penh cũng không ồn ào. Người đi lại ít, và họ có vẻ thanh thản, không mấy vội vã.

Ban ngày đã vậy, ban đêm càng tĩnh mịch hơn, các cửa tiệm đóng cửa khá sớm. Các tiệm quán không mở nhạc xập xình, ngay cả tiệm cà-phê cũng vậy, khách chỉ ngồi trò chuyện nhỏ với nhau. Một phong cách rất “lạ” trong sinh hoạt của người dân Cambodia.

Chia tay Cambodia khi hoàng hôn buông dần, đất trời chìm dần vào bóng đêm tĩnh lặng…

Ô-kun Campuchia! Cảm ơn Campuchia!

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment