Có những dạng giống như đối lập mà không là đối lập, đó là dạng “khác nhau” – nghĩa là không hợp “gu” nhau. Ví dụ người nói nhiều khó hài hòa với người trầm lặng, người lao động chân tay khó nói chuyện với người lao động trí óc, người giản dị khó dung hòa với người thích phô trương, hoặc đơn giản như người giàu và người nghèo. Và còn vô số các dạng như vậy… Họ không đối lập nhau nhưng khó hài hòa.
Có thể đối lập là xấu nhưng cũng có thể là không xấu, nhưng thường là xấu. Lourence Shames nói: “Thành công và thất bại, chúng ta nghĩ chúng đối lập nhau nhưng thật ra không phải thế, chúng song hành cùng nhau – như người hùng và cộng sự.”
Cuộc đời bình thường, gọi là đời thường, mà
lại không bình thường. Trong xã hội loài người có nhiều thứ đối lập, trái
ngược, cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: Sáng – tối, trắng – đen, cao – thấp, đẹp
– xấu, tốt – xấu, giỏi – dốt, yêu – ghét, mập – gầy, tròn – vuông, hiền – dữ,… Có
những thứ khả dĩ chấp nhận nhau, nhưng có những thứ không thể chấp nhận nhau – nếu
có cái này thì không thể có cái kia.
Bởi “cái tôi” mà sinh ra đối lập, xung khắc. Einstein
nói: “Cái tôi và sự hiểu biết tỉ lệ
nghịch với nhau. Hiểu biết càng nhiều, cái tôi càng giảm bớt; hiểu biết càng ít,
cái tôi càng gia tăng.” Vì thế mà người ta cần cố gắng đè bẹp “cái tôi” để
có thể khiêm tốn mà hòa giải, có thể sống chung như lúa và cỏ lùng trong một
ruộng lúa.
Denis Diderot nhận định: “Có những điều tôi không thể ép buộc. Tôi phải thích ứng. Có những lúc
sự thay đổi lớn nhất cần đến là sự thay đổi góc nhìn.” Chắc chắn không gì
tốt hơn là thay đổi chính mình.
I.
TAM ĐỐI LẬP
Có ba nhân vật trong dụ ngôn Người Cha Nhân
Hậu hoặc Người Con Hoang Đàng, (Lc 15:11-32) và là dụ ngôn “độc quyền” trong
Phúc Âm theo Thánh Luca. Cả ba nhân vật đều quan trọng, và có nhiều loại người
trong xã hội. Ngày xưa thằng em được chú ý nhiều nên quen gọi là dụ ngôn Đứa
Con Hoang Đàng, ngày nay có người cha được chú ý nhiều nên gọi là dụ ngôn Người
Cha Nhân Hậu. Còn thằng anh không là gì sao?
1. NGƯỜI CHA
Người cha nhân hậu là điều hiển nhiên, nước
mắt bao giờ cũng chảy xuống, con cái có hư đốn thế nào thì cũng vẫn là con
mình. Con dại, cái mang. Người cha này chia gia tài theo ý muốn của thằng em,
không phải là ông nhu nhược, mà ông yêu thương và làm đúng trách nhiệm của mình.
Có lẽ ông cũng đã khuyên nhủ và giải thích cặn kẽ nhưng nó không nghe, thế nên
ông đành lòng chiều theo ý nó. Ông biết “cá không ăn muối cá ươn,” rồi nó sẽ phải
quay về, và ông không ngừng chờ đợi ngày nó tỉnh ngộ mà nhận ra sai lầm “chết
người” của nó. Điều đó đã xảy ra đúng như ông dự đoán.
Tình Phụ Tử tuyệt vời. Người cha này không
chỉ tha thứ cho thằng em hư đốn, mà ông còn cảm thông với thằng anh – dù nó
cũng chẳng tốt lành gì. Ông nhân hậu với cả hai đứa con, mặc dù ông đau lòng
lắm. Ông chấp nhận đau khổ vì yêu thương chúng. Nhân hậu thì phải tha thứ, tha
thứ rồi thôi, ông không đay nghiến, chì chiết, hoặc nhắc lại lỗi lầm của chúng,
cho chúng cơ hội làm lại cuộc đời.
Rất nhiều lần Thiên Chúa cho chúng ta cơ hội
làm lại cuộc đời, mở đường sống cho chúng ta. Nếu Ngài chấp tội, không cho
chúng ta cơ hội thì chúng ta không còn thở bây giờ, và cũng hết hy vọng về Trời
mai sau. Thánh Vịnh gia đã tự nhủ: “Chúc
tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người. Chúa tha cho
ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi.” (Tv 103:2-3)
Tình Phụ Tử mầu nhiệm biết bao!
2. THẰNG EM
Tội của thằng em là tội công khai, ai cũng
biết nên coi nó là nghịch tử. Không sai. Chính xác. Thế nhưng nó biết mình ngu
dại, sai lầm, nên nó can đảm đứng dậy, trở về, thú tội và viết lại trang đời
mới. Ngã rồi mau mắn đứng dậy chứ không nằm lì ra đó mà ăn vạ. Nó hơn người là
vậy. Đó là điều cần thiết cho tội nhân, và cũng là điều Thiên Chúa mong muốn.
Nó biết mình quá bất xứng, không dám hy vọng
người cha đại lượng mà tha thứ, chỉ dám hy vọng mong manh rằng cha cho nó ở lại
trong nhà và chỉ cần cha coi nó như người làm công. Ở bước đường cùng, nó không
thể làm gì hơn, bởi vì không còn con đường nào khác – dù chỉ là con đường nhỏ thôi.
Thế nhưng ngoài sức tưởng tượng của nó, người
cha đã vui mừng đích thân ra đón nó, không hề trách móc, giận dữ, thử thách,...
Con về là vui rồi, hạnh phúc của cha đơn giản thế thôi. Ngược lại, niềm vui của
ông lớn lắm, bởi vì đứa con coi như mất mà vẫn còn, coi như đã chết mà lại hồi
sinh, rõ ràng bằng xương bằng thịt chứ chẳng là chiêm bao, mộng mị. Không thể
trì hoãn sự sung sướng, ông sai gia nhân làm tiệc ngay lập tức, dù cho lúc đó thằng
anh không có ở nhà.
3. THẰNG ANH
Tội của thằng anh là tội thầm kín, không ai
biết nên vẫn coi nó là hiếu tử. Nó có vẻ ngoan ngoãn, không hoang đàng chi địa,
không cãi lời cha, chăm chỉ làm việc. Nó sống như vậy thì đúng là hiếu tử, có
trách nhiệm và biết điều, thật đáng học hỏi lắm. Thế nhưng không phải vậy! Đó
chỉ là bề ngoài của nó thôi. Nó không đua đòi, đàn đúm, cờ bạc, rượu chè, hút
sách,… nhưng nó có cách hoang đàng tinh vi lắm, bởi vì nó đi hoang ngay trong nhà
khi sống với người cha. Không ai có thể phát hiện nó hư đốn thế nào!
Bất ngờ chiếc mặt nạ hiếu tử của nó rơi xuống
mà không kịp giữ lại. Đó là lúc nó biết người cha mở tiệc mừng thằng em hoang
đàng vừa trở về, nó khó chịu ra mặt, so đo chi ly với người cha và ghen tức với
thằng em ruột.
Mệnh danh là Kitô hữu chính hiệu, chúng ta
giữ đầy đủ luật Chúa, luật Giáo Hội, hoặc luật dòng tu,… nhưng đó mới chỉ là
hình thức. Như thế cũng là tốt rồi, nhưng như vậy mới ở mức tiêu cực chứ chưa
tích cực. Nếu giữ luật chỉ vì luật – luật vị luật, thế thì cũng chỉ như thằng
anh trong dụ ngôn này, sống ở nhà mình với con tim rỗng tuếch chứ chưa thật
lòng yêu mến. Đó là tính toán, đòi hỏi, vị kỷ,... Người cha chỉ là “cái bóng”
đối với thằng anh mà thôi. Với thằng em là máu mủ ruột rà mà nó cũng kèn cựa
chi li. Làm anh mà không xứng đáng, trưởng nam mà hèn hạ, làm lớn mà làm láo.
Chúng ta cũng có những lúc là “thằng anh” như vậy!
May thay, thằng anh “hạ hỏa” và nghe lời
khuyên nhủ và phân tích vừa chí lý vừa chí tình của người cha, để rồi nhận ra
sai lầm nghiêm trọng của mình và tha thứ cho thằng em. Thiên Chúa là Người Cha
nhân hậu, Ngài cũng chẳng đòi hỏi chi nhiều, chỉ cần chúng ta biết điều như vậy
thôi.
Thực sự mỗi chúng ta đều quan trọng đối với
Thiên Chúa. Ngài hằng nghe lời cầu khẩn, dù thân chúng ta mang đầy tội lỗi, với
bao tội ác đè bẹp, nhưng Ngài vẫn tha thứ hết. (x. Tv 65:3-4)
II.
NHỊ ĐỐI LẬP
Một dạng đối lập khác có trong trình thuật Lc
18:10-14. Đây là dạng đối lập đặc biệt, dạng không thể chấp nhận nhau: Công
Chính và Tội Lỗi. Chúa Giêsu kể dụ ngôn này để “nhắc nhở” chúng ta về thái độ
“chảnh” đối với tha nhân, cũng có nghĩa là ảo tưởng về chính mình.
Thánh sử Luca cho biết: Có hai người lên đền
thờ cầu nguyện, một người Biệt Phái và một ngừi thu thuế. Người Biệt Phái đứng
thẳng, nguyện thầm: “Lạy Thiên Chúa, xin
tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc
như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần
mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế đứng đằng xa, chẳng dám ngước lên
trời, vừa đấm ngực vừa thưa: “Lạy Thiên
Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Và Chúa Giêsu xác nhận: “Người thu thuế, khi trở xuống mà về nhà,
thì đã được nên công chính rồi; còn người Biệt Phái thì không. Vì phàm ai tôn
mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”
Có vẻ “xa lạ” với người Việt khi chúng ta cứ
nói người Biệt Phái và người thu thuế, nhưng có nghĩa là “người đạo đức” và
“người tội lỗi.” Một hôm, họ cùng cầu nguyện trong một nhà thờ nào đó...
Chẳng lạ gì về hai nhân vật điển hình được
Chúa Giêsu đề cập, vì hằng ngày chúng ta vẫn “gặp” họ: Có người ngồi trong nhà
thờ, miệng vẫn đọc kinh hoặc đang dâng lễ mà mắt cứ đảo qua đảo lại; có người
rước lễ xuống mà mắt ngó tới ngó lui, nhất là những người có ngoại hình “coi
được” một chút. Làm vậy để làm gì? Phải chăng vì muốn ngó chừng xem có ai “chú
ý” mình hay không? Thế nhưng có người tỏ ra rất khép nép, có người chỉ dám đứng
ở góc nhà thờ (trong hoặc ngoài) với dáng vẻ thành tâm lắm, có người chỉ lặng
lẽ nghiêm quỳ với đôi mắt nhắm lại. Ở đây không có ý nói những người giữ “đạo
gốc cây” hoặc “đạo qua loa” (ngồi ngoài nghe qua chiếc loa), mà chỉ muốn nói
những con người cảm thấy mình thực sự “bé nhỏ” so với những người khác. Thấy cung
cách của họ mà “giật mình” và lấy tay… sờ gáy mình!
Người đạo đức là ai? Đó là những người luôn
hãnh diện vì mình hiền từ, nhân hậu, tốt lành, không bê tha, sống nghiêm túc,
luôn đàng hoàng, rất đứng đắn trong mọi động thái. Đó là nói chung, mơ hồ, vòng
vo quá! Cần nói rõ đó là những người ưa nổi bật, thích bề ngoài, muốn được
người khác chú ý và khen ngợi khi họ tham gia sinh hoạt các hội đoàn, giúp việc
cho nhà thờ, đi làm từ thiện, khuyên người này, răn người nọ, phổ biến đủ loại
tài liệu đạo đức,…
Chắc hẳn chẳng ai dám chê những người thành
tâm, cố gắng và hy sinh thời gian để tham gia các giờ kinh – nhất là vào những
giờ “trái khoáy” như 4 giờ sáng, 9 giờ sáng, 12 giờ trưa, hoặc 3 giờ chiều. Thật
đáng khâm phục! Vấn đề đáng lưu ý và muốn đề cập ở đây là những người CHỈ LÀM
VÌ GIẢ HÌNH, làm ra vẻ để người khác “nể mặt,” được nổi trội, sáng danh mình hơn
sáng danh Chúa, tức là những người có “máu” Biệt Phái. Không ai nói ra, nhưng
phong cách đã tố cáo điều gì đó khó nói. Khắp nơi có hai loại người như vậy, đủ
mọi tầng lớp trong xã hội và Giáo Hội.
Thánh Giacôbê phân tích: “Ai tuân giữ tất cả Lề Luật, mà chỉ sa ngã về một điểm thôi thì cũng
thành người có tội về hết mọi điểm. Thật vậy, Đấng đã phán: Ngươi không được
ngoại tình, cũng đã phán: Ngươi không được giết người. Vậy nếu bạn không ngoại
tình, nhưng lại giết người thì bạn cũng thành kẻ vi phạm Lề Luật. Anh em hãy
nói năng và hành động như những người sẽ bị xét xử theo luật tự do. Vì Thiên
Chúa không thương xót khi xét xử kẻ không biết thương xót. Còn ai thương xót
thì chẳng quan tâm đến việc xét xử.” (Gc 2:10-13) Đọc mà thấy sợ!
Nhưng còn người tội lỗi? Họ là ai? Đó là
những người… có tội. Có ai vô tội chăng? Chẳng nói ra thì ai cũng “rành sáu câu,”
quá rõ rồi. Nhưng chính xác thực tế của thế kỷ 21 này, đó là những người bất
cần đời, cứ xả láng, mê cờ bạc, say đề đóm, ghiền hút sách, ham cá độ, thích
rượu chè, khoái chơi “hai ngón,” ưa “cầm nhầm,” sẵn sàng bóc lột, không ngại áp
bức, lăng nhăng, khoái xem hoặc đọc những thứ “vô bổ,” khỏi cần tránh bất cứ thứ
gì,… Thời @ còn nguy hiểm hơn nhiều với các “dịch vụ” trên các website!
Chính Chúa Giêsu xác định: “Không có ai nhân lành cả, trừ một mình
Thiên Chúa.” (Mc 10:18) Vì thế, chẳng ai dám cầm cục đá mà ném người phụ nữ
ngoại tình. (x. Ga 8:2-11) Lý do rất đơn giản là chẳng ai thấy mình công chính
hoặc vô tội, nhưng nhìn ai cũng thấy họ xấu xa và tội lỗi ngập đầu. Càng lớn tuổi
càng nhiều tội, càng sống lâu càng đáng quan ngại!
Ước gì chúng ta nhận diện được chính mình để
có thể nói như Giáo hoàng Phêrô: “Lạy
Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” (Lc 5:8) Và chúng ta dám thú
nhận như người thu thuế: “Lạy Thiên Chúa,
xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” (Lc 18:13)
Dù là ai thì chắc hẳn cũng chỉ còn biết cúi
đầu trước Thiên Chúa. Với lòng khiêm nhường và sám hối, hãy noi gương Thánh Inhaxiô
Loyola mà cầu nguyện chân thành: “Lạy
Chúa, xin hãy nhận lấy tất cả tự do, trí khôn và cả ý chí của con. Tất cả những
gì con có và đang làm chủ, Chúa đã ban cho con, nay con xin dâng lại Chúa, vì
tất cả là của Chúa. Xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa. Lạy Chúa, xin ban
cho con tình yêu và ân sủng Chúa. Đối với con, thế là đủ.”
Cuối cùng, ước gì mỗi chúng ta cũng biết mong
muốn như Thánh Augustinô: “Xin cho con
biết Chúa, xin cho con biết con.” Và khát khao như Thánh Tôma Aquinô: “Lạy Chúa, con chỉ muốn Ngài mà thôi.”
TRẦM THIÊN THU
✽ Cơn Khát – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/03/con-khat_13.html
✽ Suy Gẫm về Cơn Khát của Chúa Giêsu
✽ Bên Giếng Nước – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/03/suy-tu-ben-gieng-nuoc.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment