Tuần Thánh không chỉ đặc biệt vì là đỉnh cao
Phụng Vụ, mà còn là tuần lễ rất lạ. Có lẽ những người có vẻ “khô khan nhất”
cũng cảm thấy sự khác thường từ trong tâm khảm.
Thật vậy, niềm vui mau qua và cũng mau quên, còn nỗi buồn cứ “đeo bám” mãi, muốn quên mà chẳng quên được. Nỗi buồn sầu hoặc đau khổ khiến người ta thương nhau và nhớ nhau nhiều hơn. Chính sự đau buồn khiến người ta trưởng thành hơn, còn niềm vui chỉ khiến người ta hư hỏng mà thôi.
Tuần Thánh đặc biệt về nhiều thứ – cách riêng
là Tam Nhật Vượt Qua, rõ nét với ba sắc màu: Vàng – Vui, Tím – Buồn, Trắng –
Mừng. Đặc biệt không chỉ về nghi lễ mà còn là cảm xúc từ trong tâm trí với niềm
tin vào Thiên Chúa.
1. NIỀM VUI
Kinh Thánh cho biết rằng Lễ Vượt Qua hay Lễ Quá
Hải (Passover) là lễ quan trọng nhất của người Do Thái, kéo dài một tuần. Chiều
ngày 14 tháng Ni-xan (khoảng tháng Ba, tháng Tư dương lịch), người ta sát tế
chiên tại đền thờ, rồi tư tế lấy máu chiên mà đổ dưới chân bàn thờ. Khi đêm
xuống, người ta sẽ ăn tiệc Chiên Vượt Qua theo gia đình hay theo nhóm, rồi lấy
máu chiên bôi lên cửa nhà làm “dấu riêng” của người giữ Luật Chúa.
Lễ Vượt Qua được cử hành như một cuộc tưởng
niệm nhằm giúp mỗi người sống lại kinh nghiệm của cha ông họ được giải phóng
khỏi ách nô lệ Ai Cập xưa kia. Trong bữa tiệc, người ta ăn thịt chiên với bánh
không men và rau đắng, (Xh 12:14) ngoài ra, họ cũng uống với nhau BỐN CHÉN RƯỢU
đã được vị chủ tọa bữa tiệc chúc lành để kỷ niệm BỐN LỜI HỨA của Thiên Chúa với
dân Do Thái: [1] Ta sẽ đem các ngươi ra từ ách của Ai Cập; [2] Ta sẽ giải thoát
các ngươi khỏi cảnh làm tôi mọi chúng; [3] Ta sẽ giương cánh tay mà chuộc lấy
các ngươi; [4] Ta sẽ lấy các ngươi làm dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các
ngươi. Cuối bữa tiệc này, mọi người cùng hát Thánh Vịnh.
Chúa Giêsu ăn mừng Lễ Vượt Qua với các môn
đệ. Trong bữa tiệc này, Ngài làm hai điều quan trọng và kỳ lạ: thiết lập Bí
Tích Thánh Thể và Ngài đích thân rửa chân cho các môn đệ. Cả hai hành động đó
là dấu chỉ của yêu thương, của lòng thương xót.
Cách ăn mừng Lễ Vượt Qua cũng có luật: lưng
thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Cách ăn “lạ” nhất là “phải ăn vội vã,” vì
đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa. Đêm ấy Thiên Chúa rảo khắp đất Ai Cập, sát hại
các con đầu lòng trong đất Ai Cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ
trị tội chư thần Ai Cập. Nghe vậy chúng ta cảm thấy Chúa “dữ tợn” quá. Nhưng
không, luật cũ là luật tự nhiên, những gì là “đầu tiên” được dành ưu tiên cho
Thiên Chúa, gọi là “của lễ đầu mùa,” kể cả con đầu lòng. Ngày nay, một số dân
tộc vẫn có cách mừng thu hoạch như lễ mừng lúa mới, lễ mừng thu hoạch,…
Thể hiện cách “giữ luật” và chứng tỏ “dấu chỉ
tình yêu” là lấy máu chiên bôi trên nhà. Đó cũng là dấu hiệu vâng phục. Những người
trong nhà đó sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Thiên Chúa giáng hoạ trên đất
Ai Cập. Ngày đó được chọn làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Đó là
luật quy định cho đến muôn đời. Luật đó là hồng ân Chúa ban. Ngài ban đủ thứ ân
sủng để con người đủ sức “vượt qua” biển đời.
Đức Giêsu biết rõ Giuđa nghĩ gì, tính toán ra
sao, và sắp làm gì. Nhưng Thánh Ý Chúa Cha nhiệm mầu. Thế nhưng, có người lập
luận rằng “quỷ sứ không được cứu độ.” Giuđa bị gọi là quỷ sứ, Phêrô bị gọi là
satan, mà quỷ sứ và satan có khác nhau? Sao satan được cứu độ mà quỷ sứ lại
không được? Có gì lấn cấn? Thật ra chẳng ai dám phán xét, cũng chằng ai xứng
đáng mà có quyền kết án ông Giuđa. Đừng chỉ “săm soi” một vài khía cạnh nào đó
rồi quyết đoán. Tại sao Tội Nguyên Tổ lại được Giáo hội gọi là Tội Hồng Phúc? Thật
là mầu nhiệm!
Chúa Giêsu bởi Thiên Chúa mà đến, và Ngài sắp
phải trở về cùng Thiên Chúa. Đang khi ăn, Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo
ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Ngài đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân
cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau. Khi Ngài đến chỗ ông Simôn Phêrô,
ông liền thưa: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” (Ga 13:6) Không
hề có bề trên nào dám làm chuyện “ngược đời” và “động trời” như vậy. Nghe Phêrô
nói, Đức Giêsu trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này
anh sẽ hiểu.” (Ga 13:7) Ông Phêrô chưa thể hiểu nên lại thưa: “Thầy mà
rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!” (Ga 13:8a) Đức Giêsu đáp: “Nếu
Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.” (Ga 13:8b) Nghe
Thầy nói “không được chung phần” thì ông Phêrô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy,
xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.” (Ga 13:9) Nhưng
Đức Giêsu bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân
người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”
(Ga 13:10) Ý CHÚA HOÀN TOÀN KHÁC HẲN Ý LOÀI NGƯỜI, và Ngài rất thâm ý: “Không
phải tất cả anh em đều sạch.”
Sau đó, Ngài mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh
em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không?” (Ga 13:11) Thấy thế, Chúa
Giêsu nói luôn: “Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa, điều đó phải lắm, vì quả
thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân
cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh
em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13:13-15) Thầy mà
còn rửa chân cho đệ tử, chủ mà rửa chân cho đầy tớ, thế thì chắc chắn đệ tử hoặc
đầy tớ cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho đệ tử, để đệ tử cũng
làm như Thầy đã làm cho đệ tử. Luật nhẹ nhàng mà KHÔNG DỄ thực hiện, lời giản
dị mà thâm thúy!
Xin Thầy Giêsu chí
thánh biến tất cả chúng ta nên giống Ngài thực sự!
2. NỖI SẦU
Bất cứ cuộc chia ly nào cũng bịn rịn, lưu luyến, đau khổ và đẫm đầy nước mắt, nhất là cảnh biệt ly khi người thân về bên kia thế giới, âm – dương cách biệt!
Giấy phút hấp hối là “phút cuối” của
một con người, lúc xúc động nhất đời người – dù người đó đáng yêu hay đáng
ghét. Càng xúc động hơn khi thấy người hấp hối chịu đau nhức quằn quại từng
cơn, có những người toát mồ hôi hột nhưng âm thầm chịu đựng, có những người
phải la hét dữ dội. Giây phút biệt ly thường là khoảnh khắc ngắn ngủi, chỉ
trong chốc lát, nhưng lại nặng nề trôi… ngỡ như thăm thẳm. Và đó cũng là lúc
người ta nói thật nhất.
Với hai bản tính: Thần Tính và Nhân
Tính, Chúa Giêsu cũng rất đau đớn về nhân tính, bởi vì Ngài kiệt sức do đòn roi
suốt đêm, vác Thập Giá lên đồi cao theo con đường gập ghềnh, ngoằn ngoèo, chịu
đói khát vì mất máu nhiều, Ngài còn bị những gai nhọn đâm thấu đầu, tiếp theo
lại bị đinh ghim chặt chân tay, và cuối cùng bị lưỡi đòng đâm thâu tim. Rất đau
đớn. Rất nhức buốt. Chúng ta không thể tưởng tượng nổi!
Qua ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã minh
định: “Người tôi trung của Ta sẽ thành
đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng” dù cho “tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra
người, không còn dáng vẻ người ta nữa.” (Is 52:13-14) Nhưng mọi người đều
phải sửng sốt khi thế cờ đảo ngược hoàn toàn. Người tôi trung đó làm cho “muôn
dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng.” (Is 52:15) Người tôi trung đó là
Đức Kitô, cũng chính là Người-Tôi-Tớ-Đau-Khổ, Người-Tôi-Trung-Đau-Khổ, “như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm
nín khi bị xén lông, Ngài chẳng mở miệng kêu ca.” (Is 53:6; Cv 8:32)
Chúng ta thấy mình quá tệ qua những
lời này: “Chính người đã bị đâm vì chúng
ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng
ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành. Bị ngược
đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt,
như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng. Người đã bị ức hiếp,
buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị
khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt. Người đã
bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi
tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa.” (Is 53:5, 7-9)
Đó là Thánh Ý nhiệm mầu của Thiên
Chúa, để nhờ Người Ấy mà Ý Chúa được nên trọn. Trong “núi tội lỗi” và “biển lầm
lạc” đó có rất nhiều tội lỗi của mỗi chúng ta!
Bài Thương Khó là trường ca đau khổ,
là tấn bi kịch trầm hùng, là bộ phim dài sầu thảm, thuật lại đầy đủ cuộc khổ
nạn của Chúa Giêsu. Bi kịch thảm thiết như vậy mà lại gọi là Phúc Âm, là Tin
Mừng. Thật kỳ diệu biết bao!
Người ta đã tìm mọi cách gài bẫy, lục
soát, và đi bắt Chúa Giêsu như một tên côn đồ. Họ ghen tị và sợ Ngài tiếm ngôi,
giành quyền lực, lấy mất “chiếc ghế quyền lực,” thế nên họ làm mọi cách hạ nhục
Ngài đủ mưu đủ chước. Hàng ngày Ngài thường tụ họp với các môn đệ công khai mà
họ không bắt, thế mà họ lại cấu kết với đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm
Pharisêu để đi tìm bắt Ngài trong đêm tối, dùng vũ khí để đối với một người tay
không và thân cô thế cô – vì các môn đệ bỏ trốn hết!
Khi Ngài hỏi họ tìm ai, họ ngang nhiên
đáp: “Tìm Giêsu Nadarét.” Ngài vừa
nói “chính tôi đây” thì họ lùi lại và ngã liền. Ấy thế mà họ vẫn cố chấp, cố ý
nhắm mắt chứ không chịu mở mắt. Có lẽ lúc này Giuđa là người đắc chí nhất, vì
có thể ông cũng rất tin rằng Thầy mình “ngon” lắm, quyền phép đầy mình, chúng
chẳng làm gì được, mà ông lại có tiền tiêu xài – tức là bọn thủ ác bị mắc lừa.
Thế nhưng Ngài không dùng thần quyền của Ngài vào chuyện không cần thiết. Đó là
“cách lạ” của Ngài. Trí óc phàm nhân chúng ta không thể nào hiểu nổi!
Ngài lại hỏi và họ vẫn cương quyết: “Tìm Giêsu Nadarét.” Ngài thản nhiên: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy,
nếu các anh tìm bắt tôi thì hãy để cho những người này đi.” (Ga 18:8) Ngài
không muốn bất kỳ ai phải liên lụy vì Ngài. Nhưng điều đó ứng nghiệm lời Ngài
đã nói: “Những người Cha đã ban cho con,
con không để mất một ai.” (Ga 18:9) Tính nóng hơn Trương Phi, ông Simôn
Phêrô bèn tuốt gươm ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế mà “chơi” một phát đứt
tai phải của Man-khô. Thấy vậy, Đức Giêsu bảo ông Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào bao. Chén mà Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy
chẳng uống?” (Ga 18:11)
Họ bắt trói Ngài rồi điệu Ngài đến ông
Kha-nan, nhạc phụ ông Cai-pha. Chính Cai-pha đề nghị với người Do Thái: “Nên để một người chết thay cho dân thì
hơn.” (Ga 18:14) Nghe chừng nhân đạo nhưng lại vô cùng thâm độc. Lúc đó có
ông Simôn Phêrô và ông Gioan đi theo Đức Giêsu. Ông Gioan quen biết vị thượng
tế nên được vào sân trong của tư dinh của thượng tế. Còn ông Phêrô phải đứng ở
phía ngoài, gần cổng. Gioan ra nói với người giữ cổng và dẫn ông Phêrô vào.
Vấn đề là người tớ gái giữ cổng nhận
ra ông Phêrô “thuộc nhóm của Chúa Giêsu” nên ông chối ngay: “Đâu phải.” Và ông chối phắt bất kỳ ai
nhận ra ông, tổng công 3 lần trước khi gà gáy. Với bản tính nhân loại nên ông
rất sợ, sợ đến nỗi phát run ngay cả với mấy phụ nữ chân yếu tay mềm. Tội
nghiệp! Ông Phêrô nóng tính, thẳng như ruột ngựa, nhưng cũng rất yếu đuối. Và
chúng ta cũng vậy thôi, mạnh miệng mà nhát hơn cáy!
Khi họ tra hỏi về các môn đệ và giáo
huấn, Chúa Giêsu nói rõ: “Tôi đã nói công
khai trước mặt thiên hạ; tôi hằng giảng dạy trong hội đường và tại Đền Thờ, nơi
mọi người Do Thái tụ họp. TÔI KHÔNG HỀ NÓI ĐIỀU GÌ LÉN LÚT. Sao ông lại hỏi
tôi? Điều tôi đã nói, xin cứ hỏi những người đã nghe tôi. Chính họ biết tôi đã
nói gì.” (Ga 18:19-21) Ngài vừa dứt lời thì một tên trong nhóm thuộc hạ vả
vào mặt Ngài: “Anh trả lời vị thượng tế
như thế ư?” (Ga 18:22)
Lúc trời vừa sáng. Họ không vào dinh vì
sợ bị nhiễm uế mà không ăn lễ Vượt Qua được. Họ chỉ lo giữ bề ngoài mà không
chú trọng bề trong. Tổng trấn Philatô ra ngoài gặp họ và hỏi xem họ tố cáo Chúa
Giêsu về tội gì, nhưng họ đáp: “Nếu ông
này không làm điều ác, thì chúng tôi đã chẳng đem nộp cho quan.” (Ga 18:30)
Họ cố chấp và cố tình không thèm nhận những hành động tốt của Chúa Giêsu. Trước
áp lực của dân, ông Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Ông
có phải là vua dân Do Thái không?” Đức Giêsu không nhận và nói: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu
Nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị
nộp cho người Do Thái. Nhưng thật ra Nước tôi không thuộc chốn này.” (Ga 18:36) Vậy mà ông Philatô vẫn
không hiểu nên hỏi: “Vậy ông là vua sao?”
Đức Giêsu đáp: “Chính ngài nói rằng tôi
là vua. Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích là LÀM CHỨNG CHO SỰ
THẬT. Ai đứng về phía sự thật thì nghe tiếng tôi.” (Ga 18:37) Ông Philatô hỏi:
“Sự thật là gì?” (Ga 18:38) Quá ngớ
ngẩn hay giả nai?
Vào mỗi dịp Lễ Vượt Qua, họ thường phóng
thích cho một tội nhân theo tục lệ của người Do Thái. Ông Philatô hỏi họ muốn
tha Chúa Giêsu hay không, họ la to: “Đừng
tha nó, nhưng xin tha Baraba!” (Ga
18:40) Baraba là một tên cướp khét tiếng, vậy mà họ còn thương mến và yêu
quý hơn là Chúa Giêsu.
Philatô truyền đem Đức Giêsu đi mà
đánh đòn. Họ chụp lên đầu Ngài một vòng gai và khoác cho Người một áo choàng
đỏ, rồi mỉa mai: “Kính chào Vua dân Do
Thái!” và vả vào mặt Ngài. Như vậy, nhân
vị của Ngài đã bị khinh miệt, nhân phẩm của Ngài bị chà đạp, và nhân quyền của
Ngài cũng bị tước đoạt. Ông Philatô dẫn Chúa Giêsu ra ngoài để đám đông
thấy Ngài không còn hình tượng một con người mà thương. Nhưng vừa thấy Ngài,
các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: “Đóng đinh nó vào thập giá!” (Ga 19:6) Một lần nữa, ông Philatô lại
khiếp nhược nên bảo họ: “Các người cứ đem
ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để
kết tội ông ấy.” (Ga 19:6)
Nắm quyền sinh sát trong tay và biết
rõ bị cáo không có tội mà vẫn không dám tha, Philatô là bất tài, vô dụng, ích
kỷ, chỉ lo giữ “cái ghế” của mình, chỉ muốn lợi cho mình mà chà đạp người khác.
Đó là một dạng bóc lột, không tôn trọng công lý. Kẻ đó không đáng được tôn
trọng. Kẻ có quyền lực mà không tôn trọng nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền,
không lấy dân làm gốc, dân chúng không thể an cư lạc nghiệp!
Bị cáo nào cũng có quyền kháng cáo,
nhưng “bị cáo” Giêsu lại không có quyền tối thiểu đó. Nhân quyền của Ngài hoàn
toàn bị tước đoạt! Và Chúa Giêsu nói với ông Philatô: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài. Vì
thế, kẻ nộp tôi cho ngài thì mắc tội nặng hơn.” (Ga 19:11) Nghe vậy, ông
Philatô cũng thấy “nổi gai óc” nên tìm cách tha Ngài, nhưng ông vẫn không dám
quyết định theo quyền hạn của mình vì áp lực dân chúng. Cách xử sự hèn nhát của
Philatô cũng chính là động thái hèn hạ của chúng ta ngày nay đối với tha nhân.
Cuối cùng, ông Philatô cũng đành cho
thi hành án tử đối với “tử tội công chính” là Chúa Giêsu. Họ bắt Ngài tự vác
Thập Giá lên đồi Gôngôtha – nghĩa là Cái Sọ, nơi xử tử các tội nhân. Đồng án tử
với Ngài có hai người khác nữa, hai người hai bên Chúa Giêsu. Tấm bảng ghi “Giêsu Nadarét, Vua dân Do Thái” treo
phía trên đầu Ngài, được viết bằng 3 ngôn ngữ: Hípri, La Tinh và Hy Lạp. Các
thượng tế không đồng ý gọi Chúa Giêsu là “Vua dân Do Thái,” nhưng ông Philatô nói:
“Ta viết sao, cứ để vậy!” (Ga 19:22) Philatô
chỉ lăm le với người dưới quyền chứ không dám “nói mạnh” với đám đông nổi loạn,
dù họ chỉ là đám dân đen!
Chúa Giêsu bắt đầu kiệt sức. Ngài trối
Đức Mẹ cho Gioan và trao Gioan cho Đức Mẹ. Đức Giêsu biết là mọi sự đã hoàn
tất. Mất máu nhiều nên Ngài nói: “Tôi
khát!” (Ga 19:28) Nhưng người ta lại nỡ lấy miếng bọt biển thấm giấm chua
mà cho Ngài giải khát. Nhắp xong, Đức Giêsu nói: “Thế là đã hoàn tất!” (Ga 19:32) Rồi Ngài gục đầu xuống và dâng
trao Thần Khí.
Tình Giêsu là “tình cho không biếu
không,” nhưng chúng ta thường có khuynh hướng “tội nghiệp” Chúa Giêsu hơn là
tội nghiệp chính mình. Khi Chúa Giêsu thấy có nhiều phụ nữ, vừa đấm ngực vừa
than khóc, trong đám đông đi xem Ngài lên đồi chịu xử tử, nên Ngài đã quay lại
và nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem,
đừng khóc thương tôi làm gì. Có khóc thì KHÓC CHO PHẬN MÌNH VÀ CHO CON CHÁU.” (Lc
23:28) Và Giờ Thương Xót đã điểm. Người được lãnh Hồng Ân Thương Xót đầu tiên
là tướng cướp Dismas, tử tội cùng bị đóng đinh với Chúa Giêsu: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên
Đàng.” (Lc 23:43) Ơn Cứu Độ thật tuyệt
vời: Máu Chúa đỏ tươi đã tẩy rửa tội nhân chúng ta nên trắng ngần.
Xin trọn đời tạ ơn Lòng Chúa
Thương Xót. Xin chân thành thú
nhận tội lỗi, thành tâm xin lỗi Chúa và tha nhân. Xin Chúa thương xót chúng con!
3. ĐIỀU MỪNG
Không vòng gai, không vương miện. Có đau khổ mới có vinh quang. Sau cơn
mưa, trời lại sáng. Bóng tối biến tan vì ánh sáng tràn ngập. Tội lỗi đỏ như son
và thẫm
tựa vải điều chợt hóa trắng như bông. (Is 1:18) Bất công phải khuất phục vì
công minh chính trực. Sự ác phải thoái lui khi sự thật trị vì. Tử thần chiến bại
trong tủi nhục khi Đức Kitô sống lại trong vinh quang y như lời Ngài đã nói trước.
Phục Sinh ngập tràn Ánh Sáng, Cõi Sống chan chứa Hồng Ân.
Ngày xưa, dân Israel hành trình đằng đẵng suốt 40 năm, chặng cuối cùng
là vượt qua Biển Đỏ. Nước rẽ ra cho dân đi qua, khi người Ai Cập đuổi theo thì
nước ập lại, họ hoảng hồn mà không kịp chạy thoát. Tất cả chúng ta cũng đang
trên đường lữ hành trần gian, tức là chúng ta cũng đang làm một cuộc xuất hành,
một hành trính tiến về Đất Hứa, không là Đất Hứa bình thường ở thế gian này mà
là về Thiên Quốc – Đất Hứa Vĩnh Sinh. Theo lẽ thường, hành trình nào cũng lắm
gian nan, đầy vất vả, cam go vô cùng – dù đó là hành trình dài hay ngắn. Nhưng
thật hạnh phúc vì Thiên Chúa luôn độ trì, Ngài không bỏ mặc chúng ta một giây
phút nào.
Bất cứ một tù nhân nào cũng vô cùng hạnh phúc khi được phóng thích, ngỡ
như vừa từ Hỏa Ngục được vào Thiên đàng vậy. Ai đã từng vào tù rồi mới khả dĩ
cảm nhận được niềm vui sướng khi đuộc ra khỏi nhà tù. Bệnh nhân rất hạnh phúc
khi được phục hồi. Người đang khát rất hạnh phúc khi được giải khát. Người mong
chờ rất hạnh phúc khi được mãn nguyện. Và còn nhiều dạng hạnh phúc khác khi
chúng ta được như ý. Nhưng chắc chắn không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc
được “cải tử hoàn sinh.”
Các Kitô hữu và những người Công giáo luôn có một niềm hạnh phúc khác
nữa là CHÚA GIÊSU THỰC SỰ PHỤC SINH, đúng như lời Ngài đã nói trước: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ
sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” (Mc
9:31) Nỗi lo, nỗi
buồn, nỗi sợ, nỗi khổ,... chồng chất chật cả Tuần Thánh, nhất là “miền” Tam
Nhật Vượt Qua, nhưng đêm nay niềm vui nối tiếp nỗi mừng. Cho nên trong bài
Exultet – Công Bố Tin Mừng Phục Sinh, Giáo Hội nhiều lần mời gọi mọi người
“mừng vui lên!” vì Đức Kitô “đã thay thế chúng ta trả nợ của Adam với Chúa Cha
muôn thuở, và đã lấy máu hồng quý giá rửa sạch án tổ tông xưa,” và “vì đây là
lễ vượt qua, lễ mà Chiên thật bị sát tế, trong máu Chiên môi miệng tín hữu được
thánh hiến đêm nay.”
Thật kỳ diệu đối với phàm nhân: “Ôi nhiệm mầu thay! Lòng Yêu Thương của Chúa
không ai hiểu thấu!” Niềm vui đêm nay được nhân lên vì “tội Adam đã được
tẩy xóa chính nhờ sự chết Chúa Kitô!” Niềm vui tột đỉnh nên Giáo hội gọi Tội
Nguyên Tổ là “tội hồng phúc,” chính tội-hồng-phúc đó “đã ban cho chúng ta Đấng
cứu chuộc rất cao sang,” và Giáo hội gọi đêm nay là “đêm hồng phúc,” vì đêm nay
là “đêm nối kết trời đất.”
Thánh Phaolô nói: “Anh em không
biết rằng khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu,
là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Ngài sao? Được dìm vào trong cái chết
của Ngài là chúng ta đã cùng được mai táng với Ngài. Bởi thế, cũng như Ngài đã
được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta
cũng được sống một đời sống mới.” (Rm 6:3-4) “Được dìm vào cái chết của Đức
Kitô” lại chính là niềm hạnh phúc của chúng ta. Đó là cả chuỗi kỳ diệu của cuộc
đời người Công giáo.
Đức Giêsu đã sống lại thật, Ngài sống cho Thiên Chúa, và chắc chắn
chúng ta cũng cùng sống lại với Ngài. Còn hạnh phúc nào hơn? Đó là điều “trên
cả tuyệt vời.” Nhưng không thể cứ “khơi khơi,” không thể cứ “thấy sang bắt
quàng làm họ,” hoặc “cục muối cắn đôi, còn cục đường ăn cả,” mà phải có điều
kiện “ắt có và đủ,” nghĩa là ai đã thực sự sống Mùa Chay thì mới có thể cảm
nhận niềm vui phục sinh, và ai đã “dám chết cho tội” thì mới xứng đáng cùng
phục sinh với Đức Kitô: “Hãy coi mình như
đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu.”
(Rm 6:11)
Thánh sử Luca tường thuật ngắn gọn nhưng rõ ràng và chính xác: Ngày thứ
nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mộ, mang theo dầu thơm đã chuẩn bị
sẵn. Họ thấy tảng đá đã lăn ra khỏi mộ. Nhưng khi bước vào, họ không thấy thi
hài Chúa Giêsu đâu cả. Họ còn đang phân vân, thì bỗng có hai người đàn ông y
phục sáng chói, đứng bên họ. Đang lúc các bà sợ hãi, cúi gầm xuống đất, thì hai
người kia nói: “Sao các bà lại tìm Người
Sống ở giữa kẻ chết? Người không còn đây nữa, nhưng đã trỗi dậy rồi. Hãy nhớ
lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê, là Con Người phải bị nộp vào
tay phường tội lỗi, và bị đóng đinh vào thập giá, rồi ngày thứ ba sống lại.” (Lc
24:5-7)
Các bà đến mộ nhưng vẫn rất sợ người Do Thái làm khó dễ, khi đến nơi
lại chẳng thấy thi hài Thầy Giêsu đâu, họ càng hoang mang hơn. Thiên thần phải
nhắc họ nhớ lại những điều Đức Giêsu đã nói. Khi từ mộ trở về, các bà kể cho
Nhóm Mười Một và mọi người khác biết tất cả những sự việc ấy, nhưng các ông bán
tín bán nghi. Nhưng ông Phêrô liền đứng lên chạy ra mộ, cúi nhìn vào hầm mộ thì
chỉ thấy khăn liệm. Ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự việc đã xảy ra.
Chúa Giêsu đã sống lại
là ấn tín để chúng ta tiếp tục kiên trì trên hành trình đức tin hàng ngày, tiến
về Miền Đất Hứa Đời Đời. Chắc chắn hành trình đó luôn có nhiều gian khổ. Để tự
nhủ và động viên lẫn nhau, chúng ta cùng ghi nhớ lời Chúa Giêsu đã nói với
Thánh nữ Faustina: “Con đừng ngạc nhiên
vì đôi khi bị tố cáo bất công. Chính Ta đã từng uống chén đau khổ bất công này
trước vì yêu con.” (Nhật Ký, số 289)
Lạy Thiên Chúa
giàu lòng thương xót, tất cả là hồng ân vô biên. Chúng con thật hạnh phúc được
đắm mình trong Sông Ân Biển Tứ của Lòng Thương Xót bao la của Ngài. Cúi xin Ngài
gia ân tăng lực để chúng con sống dồi dào và làm chứng về Đức Giêsu Kitô chịu
chết và sống lại. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Đấng
Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
✽ Giờ Thương Xót – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/gio-thuong-xot.html
✽ Sợ & Mừng – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/so-va-mung.html
✽ Thắng Lý Người Vô Thần
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment