Thứ Hai, 14 tháng 3, 2022

KIÊN TRÌ YÊU THƯƠNG

Thánh Phanxicô Xaviê nhắn nhủ: Cần đốt lên lửa yêu thương, bởi vì có yêu thương thì tự nhiên sẽ đối đãi tốt với mọi người, luôn nói những lời yêu thương, tâm hồn tự nhiên thu được rất nhiều kết quả. Phải thực sự kiên trì mới có thể đốt được ngọn lửa đó. Kiên trì là một nhân đức, ai kiên trì là người có phúc. (x. Gc 1:12; 5:11) Kiên trì và kiên nhẫn có vẻ giống nhau, nhưng chúng lại khác nhau.

Kiên trì (perseverance) là bất chấp khó khăn và thất bại, người ta vẫn tiếp tục cố gắng hành động với hy vọng đạt mục đích. Có thể có những trường hợp đòi hỏi sự kiên nhẫn, nhưng không có nghĩa là người đó không cần hành động.

Kiên nhẫn (patience, constancy) – hoặc nhẫn nại – là khả năng chấp nhận sự chậm trễ hoặc sự rắc rối mà vẫn bình tĩnh. Kiên nhẫn là khi chịu đau đớn, đau khổ, bất hạnh và những tình huống khó khăn khác mà vẫn khoan dung vì yêu thương.

Tóm lại, Kiên Trì chứng tỏ quyết tâm cố gắng đạt mục đích, còn Kiên Nhẫn chứng tỏ lòng khoan dung hoặc sự bền bỉ trong lúc khó khăn.

Kiên trì cần thiết trong mọi lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tâm linh – sám hối Mùa Chay. Kiên trì vẫn cần kiên nhẫn nữa. Isaac Newton đặt vấn đề: “Nếu tôi có được khám phá giá trị nào, đó là nhờ chú ‎ý nhẫn nại hơn là bất kỳ tài năng nào tôi có.” Cato có cách so sánh cực cấp: “Nhẫn nại là đức tính lớn nhất trong mọi đức tính.” Nhẫn nại là nhẫn nhục chịu đựng khó khăn, quyết tâm kiên trì tới cùng, không bỏ cuộc, bình tĩnh chờ đợi. Nhẫn nại là thứ “cỏ quý” luôn cần đem bên mình như “thần hộ mệnh” vậy.

Chắc chắn không ai nhẫn nại bằng Thiên Chúa. Thời gian là lúc Ngài nhẫn nại chờ đợi các tội nhân chúng ta biết ăn năn sám hối. Ngài luôn mời gọi ăn năn, chúng ta sám hối và xin lỗi Ngài, nhưng rồi lại tái phạm, chúng ta lại ăn năn và Ngài lại tha thứ. Cứ thế! Đối với phàm nhân chúng ta, chỉ “quá tam ba bận” là quá rồi, nói chi “bảy mươi lần bảy.” (Mt 18:22) Vì thế mà ai cũng phải kiên trì yêu thương nhau, nhẫn nại tha thứ lẫn nhau. Đó là ơn gọi của mọi Kitô hữu, nhất là mỗi dịp Mùa Chay – vì là “cơ hội thuận tiện.” (x. 2 Cr 6:2b)

Thiên Chúa kêu gọi và trao sứ vụ cho ông Môsê. Trình thuật Xh 3:1-8a. 13-15 cho biết rằng, bấy giờ ông Môsê đang chăn chiên cho bố vợ là Gítrô, tư tế Mađian. Ông dẫn đàn chiên qua bên kia sa mạc, đến núi của Thiên Chúa, là núi Khôrếp. Ông Môsê nhìn thấy bụi cây cháy bừng, nhưng bụi cây không bị thiêu rụi. Ông tiến đến xem cảnh tượng kỳ lạ này. Từ giữa bụi cây, Thiên Chúa gọi ông và ông thưa, nhưng Ngài nói: “Chớ lại gần! Cởi dép ở chân ra, vì nơi ngươi đang đứng là ĐẤT THÁNH. Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp.” Nơi nào có Thiên Chúa, nơi đó là Thánh Địa.

Ông Môsê đến Thánh Địa nhưng ông che mặt đi vì ông sợ nhìn phải Thiên Chúa. Tại sao lại sợ nhìn thấy Thiên Chúa? Ông Môsê biết mình là phàm nhân bất xứng với Ngài. Vả lại, mắt phàm nhân không thể chịu nổi ánh sáng phát ra từ Thiên Chúa. Đèn cao áp mà mắt chúng ta nhìn còn thấy chói huống chi ánh mặt trời, mà ánh mặt trời cũng chỉ là ánh sáng của thụ tạo, chẳng đáng gì so với ánh sáng phát ra từ Thiên Chúa.

Mặc dù Ngài là Đấng chí thánh nhưng Ngài rất yêu thương các thụ tạo chúng ta, vì thế Ngài muốn ở với chúng ta, muốn cứu độ và muốn chúng ta được hưởng vinh quang với Ngài.

Các ngôn sứ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn để “nối kết” với Ngài. Một trong các vị đại diện đó là Môsê. Thiên Chúa giao sứ vụ và nói với ông: “Ta đã THẤY RÕ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã NGHE tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta BIẾT các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống GIẢI THOÁT chúng khỏi tay người Ai Cập, và ĐƯA chúng từ đất ấy lên một miền đất tốt tươi, rộng lớn, miền đất tràn trề sữa và mật.”

Ông Môsê có trách nhiệm hướng dẫn dân chúng tiến về Khu Trù Mật mà Thiên Chúa đã hứa ban. Đặc biệt chính Ngài đã mặc khải Thánh Danh Ngài là Đấng tự hữu và hằng sinh. Ông Môsê thân thưa: “Bây giờ, con đến gặp con cái Israel và nói với họ: Thiên Chúa của cha ông anh em sai tôi đến với anh em. Vậy nếu họ hỏi con: Tên Đấng ấy là gì? Thì con sẽ nói với họ làm sao?” Ngài cho biết rạch ròi: “Ta là Đấng Hiện Hữu.” Rồi Ngài bảo ông Môsê cho dân Israel biết điều này: “Đấng Hiện Hữu sai tôi đến với anh em. Đức Chúa, Thiên Chúa của cha ông anh em, Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp, sai tôi đến với anh em. Đó là danh Ta cho đến muôn thuở, đó là danh hiệu các ngươi sẽ dùng mà kêu cầu Ta từ đời nọ đến đời kia.” Rõ ràng Thiên Chúa căn dặn phàm nhân phải kêu cầu Thánh Danh của Ngài, và Ngài sẽ lo liệu cho phù hợp với mỗi người.

Đó là mầu nhiệm quan phòng và tiền định của Thiên Chúa, chúng ta không thể nào hiểu hết, và cũng không thể diễn tả đầy đủ về Ngài, bởi vì trí tuệ và phàm ngôn không thể chính xác. Nhưng Ngài vẫn luôn trao ban mọi sự – từ vật chất đến tinh thần, ngay cả đau khổ cũng là tặng phẩm, mặc dù chúng ta không thể hiểu. Tất cả là mầu nhiệm hồng ân. Là thụ tạo, chúng ta chỉ biết chúc tụng và cảm tạ Lòng Thương Xót của Ngài, như Thánh Vịnh gia tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người. Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà.” (Tv 103:1-4)

Thiên Chúa nhân lành và công bình, không thiên tư tây vị ai – kể cả tội nhân xấu xa nhất. Ngài đặc biệt chú ý những kẻ hèn mọn, thấp cổ bé miệng, bị đồng loại đối xử bất công: “Chúa phân xử công minh, bênh quyền lợi những ai bị áp bức, mặc khải cho Môsê biết đường lối của Người, cho con cái nhà Israel thấy những kỳ công Người thực hiện. Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương.” (Tv 103:6-8) Quả thật, mãi mãi chúng ta không thể hiểu nổi Lòng Thương Xót của Ngài.

Giả sử chúng ta có thể quảng diễn theo cách này hoặc cách nọ thì cũng chỉ là phần nhỏ giúp nhau hiểu, và để mà cố gắng đối xử với nhau cho hợp tình hợp lý, phần nào tương xứng với ân tình bao la khôn dò của Thiên Chúa: “Như trời xanh trổi cao hơn mặt đất, tình Chúa thương kẻ thờ Người cũng trổi cao.” (Tv 103:11) Thật là nhiệm mầu khôn ví!

Quả thật, chính Đức Maria đã hân hoan xưng tụng từ ngàn xưa: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.” (Lc 1:50) Đó là sự thật minh nhiên hơn cả sự thật. Thánh Phaolô dẫn chứng cụ thể: “Tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì về việc này: là tất cả cha ông chúng ta đều được ở dưới cột mây, tất cả đều vượt qua Biển Đỏ. Tất cả cùng được chịu phép rửa dưới đám mây và trong lòng biển, để theo ông Môsê. Tất cả CÙNG ĂN một thức ăn linh thiêng, tất cả CÙNG UỐNG một thức uống linh thiêng, vì họ cùng uống nước chảy ra từ tảng đá linh thiêng vẫn đi theo họ. Tảng đá ấy chính là Đức Kitô. Nhưng phần đông họ không đẹp lòng Thiên Chúa, bằng chứng là họ đã quỵ ngã trong sa mạc. Những sự việc ấy xảy ra để làm bài học, răn dạy chúng ta đừng chiều theo những dục vọng xấu xa như cha ông chúng ta.” (1 Cr 10:1-6)

Chắc chắn không có cách khác để chúng ta chọn lựa, bởi vì tất cả chúng ta đều như nhau thì cũng phải nên một trong Đức Kitô Giêsu. Thiên Chúa rất kiên trì và nhẫn nại vì chúng ta, vậy chúng ta cũng phải đối xử với nhau như vậy – cho nhau và vì nhau. Nếu không thì chỉ là ảo tưởng, mà ảo tưởng thì không thể tồn tại: “Anh em đừng lẩm bẩm kêu trách, như một số trong nhóm họ đã lẩm bẩm kêu trách: họ đã chết bởi tay Thần Tru Diệt. Những sự việc này xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này. Bởi vậy, ai TƯỞNG mình đang đứng vững thì HÃY COI CHỪNG kẻo ngã.” (1 Cr 10:10-12)

Kiên trì và nhẫn nại lẫn nhau là một cách sống lòng thương xót, rất đơn giản, không cầu kỳ, không xa lạ, có thể chỉ cần nhìn nhau bằng ánh mắt thân thiện là thể hiện lòng thương xót rồi, thế nhưng điều đơn giản đó lại không dễ chút nào! Nói lời ngọt ngào mà giả dối thì ích gì? Làm từ thiện khắp nơi mà không giúp đỡ người trong gia đình, không là giả hình sao? Quả thật, chúng ta phải thực sự kiên để tập sống nhẫn nại, không chỉ với người khác, mà với cả chính mình.

Mọi động thái đều cần kiên trì: sám hối, yêu thương, cảm thông, chịu đựng, tha thứ,… không thể khác đựợc. Thiên Chúa vui tính, dễ tính và thật thà, nhưng Ngài cũng rất thẳng thắn, cương trực, nghiêm túc. Điều đó được dẫn chứng qua trình thuật Lc 13:1-9.

Thánh sử Luca cho biết: Có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu nói ngay: “Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ CHẾT hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối thì các ông cũng sẽ CHẾT hết y như vậy.”

Điều kiện cách “nếu không… sẽ chết” như một điệp khúc được Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại để cảnh báo về sự ảo tưởng, mạo nhận về sự tốt lành hoặc đạo đức hơn người.

Có điều “trái khoáy” này: Khi thấy ai bị tai nạn hoặc tai ương, nếu nạn nhân là người “cùng phe” với mình thì người ta cho đó là “thánh giá Chúa gởi đến,” nhưng nếu nạn nhân “khác phe” với mình thì người ta nói đó là “quả báo” hoặc “bị Trời phạt.” Cũng một sự việc nhưng người ta nhìn bằng hai loại “kính” khác nhau.

Thật đáng sợ với kiểu nghĩ của phàm nhân! Thế mà Thiên Chúa vẫn kiên trì, vẫn nhẫn nại, tiếp tục im lặng mà không xen vào chuyện của người đời. Khi thấy người ta lý luận lươn lẹo, Chúa Giêsu kể dụ ngôn “cây vả không ra trái” để giáo huấn.

Ngài nói: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’ Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi’.” Dụ ngôn ngắn gọn nhưng súc tích, dễ hiểu, cho thấy Thiên Chúa rất yêu thương chúng ta, mặc dù chúng ta chẳng ra gì. Thế mà chúng ta vẫn chảnh và còn kiếm chuyện đủ kiểu.

Vì xót thương nên Thiên Chúa vẫn “nhẹ tay” với chúng ta. Thật vậy, Ngài “không muốn kẻ gian ác PHẢI CHẾT, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và ĐƯỢC SỐNG.” (Ed 33:11) Ngài kiên trì và nhẫn nại vì muốn chúng ta trở về với Ngài, đồng thời cũng biết nhẫn nại với nhau: “Phúc thay những kẻ có lòng kiên trì.” (Gc 5:11) Kiên trì trong mọi thứ – cả việc chung và việc riêng, kiên trì với tha nhân và với chính mình nữa – vì cũng có lúc chúng ta cảm thấy thất vọng về mình.

Nếu Thiên Chúa không kiên trì thương xót, chúng ta chết lâu rồi: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130:3) Ngài biết chúng ta là cát bụi, nhưng Ngài vẫn yêu quý vì là thụ tạo của Ngài, và “cây lau bị giập, Ngài không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi.” (Mt 12:20) Thương nhiều, xót lắm, Ngài thực sự muốn chúng ta sám hối và quay về với Ngài càng sớm càng tốt. Mùa Chay là lúc thuận tiện nhất!

Lạy Thiên Chúa nhân hậu, xin giúp chúng con nhận biết Ngài và nhận biết chính mình để chúng con trọn niềm tin yêu Ngài, ăn năn và đền tội, chứng minh lòng mến Chúa bằng cách kiên trì và nhẫn nại với mọi người. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment