Thứ Sáu, 11 tháng 2, 2022

ĐỆ NHẤT ĐẠI HỌA

Năm 412 trước công nguyên, nhà vật lý Hippocrates, người Hy Lạp và là “cha đẻ” của Y học, đã miêu tả về cúm. Đại dịch cúm lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1580, từ đó các đại dịch cúm xảy ra cứ mỗi 10 đến 30 năm.

Con người vốn dĩ xấu xa (Lc 11:13) nên ích kỷ, cái gì tốt thì vơ vào mình, cái gì xấu thì đổ cho người khác, thậm chí là đổ cho Ông Trời, thế nên người ta gọi là Thiên Tai. Tại sao không dám gọi là Nhân Tai? Tại sao phải nói Covid-19 mà không dám nói Wuhanvirus – Cúm Tàu?

Kinh Thánh xác định: “Chúa đã sắp xếp có chừng có mực, đã tính toán và cân nhắc cả rồi.” (Kn 11:20) Tác giả sách Giảng Viên nói: “Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người.” (Gv 3:12-14) Vì vốn dĩ xấu xa, con người đã và đang tàn phá thiên nhiên, công trình sáng tạo của Thiên Chúa, và chúng ta đang phải chịu hậu quả tất yếu do mình gây ra!

Đại họa do đại dịch, và ngược lại. Nhưng đại họa lớn nhất là Đại Hồng Thủy xảy ra vào ngày 17 tháng 02 năm 600. (St 7:11) Đó là ký ức buồn về “cuộc rửa đất” mà Thiên Chúa đành lòng phải làm, như Ngài đã nói với ông Nôê: “Bảy ngày nữa Ta sẽ đổ mưa xuống đất trong vòng bốn mươi ngày bốn mươi đêm, và Ta sẽ xóa bỏ khỏi mặt đất mọi loài Ta đã làm ra.” (St 7:4) Một năm sau nước đã khô ráo trên mặt đất, đó là ngày 01 tháng 01 năm 601. (St 8:13) Nhưng phải tới ngày 27 tháng 02 năm 601, đất mới thực sự khô. (St 8:14) Lúc đó, ông Nôê và gia đình mới ra khỏi tàu.

1. ĐẠI HỌA

Chương 7 của sách Sáng Thế mô tả Đại Hồng Thủy xảy ra là SỰ TRỪNG PHẠT của Thiên Chúa vì SỰ SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC của loài người. Khi ông Nôê được 600 tuổi, Thiên Chúa cho mưa tuôn suốt 40 ngày đêm, nước dâng lên ngập cả những đỉnh núi cao nhất, nước ngập suốt 150 ngày. (St 7:24) Sau Đại Hồng Thủy, chỉ có gia đình ông Nôê còn sống sót trên một con tàu lớn cùng với các loài vật – 1 con đực và 1 con cái, loài thanh sạch 7 đôi, loài không thanh sạch 1 đôi.

Đại Hồng Thủy là trận lụt toàn cầu đã được ghi chép lại và là một sự kiện lịch sử, hoặc ít ra là “huyền thoại” của nhiều dân tộc trên thế giới. Các nhà truyền giáo từ cổ chí kim đều kể lại rằng họ rất kinh ngạc khi khám phá và phát hiện nhiều dân tộc từ rất xa xưa đã truyền từ đời này sang đời khác truyền thuyết về một trận lũ lụt khủng khiếp trên quy mô toàn cầu, có rất nhiều điểm giống nhau về những gì được ghi chép trong Kinh Thánh. Ngày nay, các nhà khảo cổ đã tìm thấy con tàu Nôê. Những gì trong Kinh Thánh đều có thật, không là huyền thoại hoặc truyền thuyết. Đại Hồng Thủy là một sự thật minh nhiên!

Trong tác phẩm “Những Mặt trăng, Thần thoại và Con người,” H.S. Bellamy ước tính có gần 600 huyền thoại về Đại Hồng Thủy toàn cầu. Các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, Babylonia, Lưỡng Hà, Sumeria, Peru, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga, châu Mỹ, xứ Wales, Hawaii, Scandinavia, Sumatra, Polynesia,… Tất cả đều có các phiên bản riêng của họ về một trận Đại Hồng Thủy rất lớn toàn cầu. Kinh Thánh là tài liệu được người ta chú ý và tham khảo nhiều nhất.

2. ĐẠI DỊCH

Hơn hai năm qua, con người chao đảo vì đại dịch Covid, mọi thứ đều khủng hoảng, ảnh hưởng chồng chéo lẫn nhau. Theo thông tin quốc tế từ trang https://www.worldometers.info/coronavirus/, tính đến ngày 11-02-2022, số tử vong toàn cầu là 5.810.380 người.

Thống kê cho biết số người chết do Covid cao hơn nhiều so với số người chết vì sốt xuất huyết do virus Ebola được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1976. Đợt bùng phát dịch Ebola lớn gần nhất đã khiến gần 2.300 người chết ở Congo trong khoảng thời gian từ tháng 8-2018 đến tháng 6-2020. Các đợt bùng phát dịch Ebola đã cướp sinh mạng của khoảng 15.300 người ở Phi châu.

Số người tử vong do Covid-19, gây ra bởi virus SARS-CoV-2, vượt xa các dịch bệnh do virus khác trong thế kỷ 21. Năm 2009, dịch cúm heo – do chủng virus H1N1 – đã khiến 18.500 người chết. Sau đó tạp chí y khoa The Lancet cho biết rằng con số tử vong từ 151.700 – 575.400 người.

Năm 2002-2003, Hội chứng SARS  xuất hiện tại Trung Quốc là bệnh do coronavirus đầu tiên gây ra nỗi sợ hãi toàn cầu, nhưng chỉ khiến 774 người tử vong.

Thử nhìn lại những nỗi buồn của nhân loại trong quá khứ, với các đại dịch “to lớn” nhất, đó là:

1. ĐẬU MÙA – Đó là một trong các dịch bệnh xưa nhất và nguy hiểm nhất trong lịch sử loài người. Nó đã từng khiến dân số bản địa tại Mỹ châu từ khoảng 100 triệu chỉ còn có 5-10 triệu. Thật kinh khủng! Virus gây ra bệnh đậu mùa có tên là Variola, cứ 10 người nhiễm thì chắc chắn có 3 người tử vong. Năm 1796, các khoa học gia đã tìm ra vaccine cho bệnh đậu mùa, tuy nhiên dịch bệnh này vẫn lan rộng trên toàn thế giới. Năm 1967, một đợt dịch bùng phát đã khiến 2 triệu người tử vong, tạo nên một ác mộng đối với cả nhân loại. Ngày nay, virus đậu mùa chỉ còn tồn tại trong các phòng thí nghiệm để nghiên cứu, chúng cũng được bảo mật rất nghiêm ngặt.

2. AIDS – Xuất hiện trong những năm 1980, AIDS đã dẫn đến một đại dịch toàn cầu, với số lượng tử vong ước tính vào khoảng 25 triệu người. Các khoa học gia tin rằng HIV xuất hiện đầu tiên ở khỉ và tinh tinh, virus này bắt đầu lây lan từ khỉ sang người vào giữa thế kỷ 20.

3. DỊCH CÚM NĂM 1918 – Khi Thế Chiến I sắp kết thúc vào năm 1918, cả thế giới chưa kịp hưởng yên bình thì một dịch cúm đã bùng phát và cướp đi sinh mạng của hơn 20 triệu người trong vòng 3 tháng. Dịch này tiếp tục hoành hành trong một năm và số tử vong tới 50-100 triệu người. Nguyên nhân của dịch cúm này do một chủng virus cúm mới là A H1N1. Gọi là cúm gia cầm vì đó là một loại cúm lây từ gia cầm sang người. Dịch cúm thường có xu hướng lắng xuống sau một năm, khi virus biến đổi thành các chủng khác, ít nguy hiểm hơn. Ngày nay, hầu hết mọi người đều miễn dịch với virus cúm A H1N1.

4. DỊCH HẠCH – Dịch này được gọi là “Black Death” (cái chết đen) vào năm 1348, cướp sinh mạng của hơn một nửa dân số châu Âu, một phần cư dân Ấn Độ và Trung Quốc. Nguyên nhân gây bệnh là vi khuẩn Yerinia Pestis, bệnh chủ yếu lây qua những con bọ chét ở loài chuột.

5. SỐT RÉT – Đó cũng là một trong những dịch bệnh xưa nhất, được ghi nhận đã xuất hiện từ hơn 4.000 năm trước. Sốt rét gây ra bởi loài ký sinh trùng Plasmodium, chúng sống bám trên cả muỗi và người. Muỗi đến hút máu và truyền sốt rét vào bạn. Chỉ riêng cuộc Nội chiến Mỹ, nhiều số liệu thống kê đã ghi nhận gần 1.5 triệu ca bệnh, và hơn 10.000 ca tử vong. Trong Thế Chiến I, sốt rét đã làm tê liệt toàn bộ lực lượng của Anh, Pháp và Đức suốt gần 3 năm. Ngày nay, sốt rét vẫn là vấn đề nhức nhối của nhân loại. Mỗi năm có khoảng 350 đến 500 triệu người bị sốt rét ở Phi châu.

6. BỆNH LAO – Đó là một trong những căn bệnh nan y nhất. Khi các phương pháp chữa trị hiện đại chưa xuất hiện, những người được chuẩn đoán mắc bệnh lao hầu như nắm chắc phần chết. Chứng bệnh này do vi khuẩn Mycobacterium Tuberculosis gây ra, bệnh lây nhiễm từ người này sang người khác qua không khí. Thế kỷ 19, bệnh lao được coi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ – chiếm 10% trong tổng số.

7. SỐT VÀNG DA – Khi những người nô lệ Phi châu được đưa đến Mỹ châu, họ trở thành con đường trung chuyển của rất nhiều loại dịch bệnh, một trong số đó là bệnh sốt vàng da. Dịch này đã tiêu diệt gần như toàn bộ đội quân bất khả chiến bại của Napoléon. Khi Napoléon gửi đi một binh đoàn với quân số ước tính khoảng 33.000 người đến vùng thuộc địa ở Bắc Mỹ, chính dịch sốt vàng da đã giết chết 29.000 người trong số đó. Quá kinh hoàng, Napoléon quyết định bán lại mảnh đất này cho Hoa Kỳ. Cũng như sốt rét, sốt vàng da lây lan qua vật chủ trung gian là muỗi.

8. SỐT RICKETTSIA – Bệnh này đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, với số lượng các trận dịch đã lên tới 4 chữ số. Sự xuất hiện rất phổ biến của nó trong các doanh trại quân đội đã khiến nó có một số cái tên khác như “Sốt Doanh Trại” hoặc “Sốt Chiến Tranh.” Khi quân đội Tây Ban Nha tấn công thành Moorish của Granada năm 1480, một trận dịch sốt Rickettsia bùng phát đã nhanh chóng làm quân số của họ giảm từ 25.000 xuống còn 8.000 người trong vòng chưa đầy 1 tháng. Khi Thế Chiến I nổ ra, dịch Rickettsia cũng đã cướp đi sinh mạng của hàng triệu người trên khắp lãnh thổ của Nga, Ba Lan và Rumani.

9. SỐT BẠI LIỆT – Năm 1952, một báo cáo cho biết có khoảng 58.000 ca bệnh chỉ riêng tại Mỹ. Khoảng 1/3 trong số đó bị di chứng bại liệt, và trong số đó có 3.000 người chết. Virus gây bệnh đã được xác định, mục tiêu tấn công chủ yếu của chúng là hệ thần kinh của cơ thể. Không có phương thuốc nào có thể chữa trị được chứng bại liệt, nhưng vaccine phòng bại liệt đã có từ thập niên 1950. Hiện nay, sốt bại liệt chỉ còn tồn tại ở một số quốc gia đang phát triển ở Á châu và Phi châu.

10. DỊCH TẢ – Dịch này từng khiến người dân Ấn Độ khốn đốn từ thời cổ đại, nhưng đến thế kỷ 19 mới bùng phát toàn cầu. Hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể dễ dàng đánh bại được vi khuẩn tả. Tuy nhiên, cơ thể chúng ta không đợi được đến lúc đó do bị mất quá nhiều nước nên bị kiệt sức và tử vong. Với điều kiện sống tốt hơn, bệnh tả đã dần biến mất. Nhưng năm 1991, một đợt dịch tả bùng phát và có 300.000 người nhiễm, trong đó có 4.000 người chết.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thương xót chúng con! Chúng con cô đơn, xin đến cứu giúp chúng con. Lạy Chúa, ngoài Ngài ra, chúng con đâu còn ai nữa! (Et 4:17t) Lạy Đức Mẹ Lộ Đức, xin ban Nước Thiêng cứu giúp chúng con!

TRẦM THIÊN THU

Chiều 11-02-2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment