PHI LỘ – Nụ hôn luôn êm ái, dịu dàng và ngọt ngào, vì đó là động thái chứng tỏ mãnh lực yêu thương trong các loại tình cảm. Có nhiều dạng nụ hôn, vị trí hôn, mức độ hôn, cách hôn,... Nhưng nụ hôn luôn được coi là “biểu tượng đẹp” trong tình cảm của con người. Có lẽ người ta vẫn e ngại nhất là nụ hôn giả dối, giả hình, giả nhân, giả nghĩa.
Thưa Ông Giuđa,
Tứ thời bát tiết luân phiên thay đổi,
mùa này đi rồi mùa khác đến. Đời sống tâm linh cũng vậy, Mùa Chay đến rồi tiếp
theo là Tuần Thánh.
Sau khi Thầy Giêsu phải chịu đủ thứ
nhục hình, thân thể tàn tạ, tiều tụy, thê thảm, tang thương, tả tơi,... Ngài trăn
trối nỗi niềm cho Đức Mẹ và Thánh Gioan, rồi Ngài trút hơi thở và về Nhà Cha
lúc 15 giờ Thứ Sáu, ngày 3 tháng Tư năm 33. Bây giờ là “giờ thiêng” 3 giờ
chiều, nắng như đổ lửa, cháu nhớ Thầy Giêsu và rồi cháu cũng nhớ đến Ông. Cháu
vẫn tôn trọng Ông và gọi là Ông “viết hoa.”
Cứ mỗi dịp Mùa Chay,
nhất là trong Tuần Thánh, thiết tưởng Ông
là người khổ tâm nhất vì Ông bị mọi người chĩa đủ thứ “mũi dùi” vào một mình Ông
với những ánh mắt “sắc như dao cau” và “bén như dao mổ,” đầy căm phẫn chứ chẳng
thấy ai cảm thông chút xíu nào ráo trọi. Cái định kiến và cách nhìn đầy “ác ý” ấy của
mọi người đã và đang khiến Ông luôn bị xét đoán rất nghiêm khắc suốt 2000 năm
qua rồi, chưa cần Chúa xét xử Ông đâu. Quả thật, cháu thấy thương cảm
và tội nghiệp Ông quá, vì cháu cũng chỉ là một tội nhân khốn nạn, cũng nhẫn tâm
“nhúng tay” vào việc giết Thầy Giêsu vậy, chứ có hơn gì Ông mà dám “chảnh” đâu,
thưa Ông!
Chắc hẳn Ông cũng
bị lương tâm cắn rứt nhiều lắm. Ông ray rứt vì Ông đã dùng nụ hôn – vốn dĩ mệnh
danh là “ngôn ngữ yêu thương” – để “chỉ điểm” và bán chính Thầy mình mà có tiền
xài. Chắc hẳn “ba mươi đồng” (Mt 26:15; Mt 27:3 và 9) thời đó phải là một món
tiền hậu hĩnh lắm, dù chỉ là số tiền nhỏ so với hơn “ba trăm quan tiền” (Mc
14:5; Ga 12:5) là giá trị của chiếc bình dầu cam tùng hảo hạng mà một phụ nữ đã
xức đầu và chân Chúa Giêsu tại nhà ông Simon Cùi ở làng Bêtania. (Mt 26:6-13;
Mc 14:3-9; Ga 12:1-8) Chỉ “ba mươi đồng” mà đã là số tiền lớn, huống chi “ba
trăm quan tiền,” gấp nhiều lần lắm. Thảo nào một số người đã cho rằng cô nàng
kia làm như vậy là hoang phí. (Mt 26:8; Mc 14:4)
Đâu chỉ mình Ông ham tiền, những người
kia cũng thế, ngay cả các môn đệ khác cũng bực tức kia mà, (Mt 26:8) có hơn gì
Ông đâu! Đọc và nghe Phúc Âm rồi thôi, đọc và nghe chung chung chứ mấy ai lưu ý
chi tiết. Chính chi tiết lại là vấn đề quan trọng, chính chi tiết mới cho thấy
rõ vấn đề, cũng như chiếc chìa khóa nhỏ mà lại có thể mở cửa của tòa nhà lớn.
Nhưng hậu thế chỉ nhìn “gần,” thiển cận, lên án người khác trong khi mình chả
ra gì. Càng những người ra vẻ “ta đây” thì lại càng “vênh váo” hống hách, lên
mặt “thầy đời” đủ thứ. Dốt mà “chảnh” là thế. Thùng rỗng bao giờ cũng kêu to.
Người thời nay đâu hơn gì Ông. Ra cái
vẻ đạo đức, tham gia sinh hoạt hết hội này đến đoàn nọ, nhưng ai chạm đến chân
lông mình thì nổi tam bành, nếu có dao trong người thì dám rút ra đâm liền,
không có dao thì hậm hực, lườm nguýt, chửi rủa, bè phái, trù dập, hoặc “thượng
cẳng chân, hạ cẳng tay.” Quả thật, ngày nay người ta “bán” Chúa còn tinh vi hơn
nhiều, thế mà người ta vẫn tưởng mình chân chính, họ thường xuyên “bán rẻ” cả
anh chị em mình mà vẫn biện hộ thế này hoặc thế nọ. Thật đáng sợ!
Vâng, thưa Ông, tiền bạc có ma lực rất
mạnh, thời nào cũng thế, nó có thể khuynh đảo bất kỳ ai – dù đạo hay đời. Người
có tiền rồi lại muốn có thêm, người không có tiền thì tìm mọi cách để có nó,
thậm chí người ta sẵn sàng dùng mọi thủ đoạn để có tiền, không phải “ăn bữa
nay, lo bữa mai,” được ăn sung mặc sướng, được “hãnh diện” với đời, nhất là
thời nay người ta coi trọng bề ngoài lắm. Con người là thế, như người Pháp nói: “C’est
la vie!” – Đời là thế! Thiết tưởng Ông cũng là “nạn nhân” của
quan-niệm-thực-tế đó, cái mà người ta không dám nhận, tật mà người ta không dám
nhận, tội mà người ta không dám thú, dù người ta cũng đang dùng mọi thủ đoạn
tinh vi để có thể sống ung dung hưởng thụ, thế nên người ta thường nói đùa mà rất
thật rằng “tình cảm là chín (đáng lẽ là “chính”) nhưng tiền bạc là mười”!
Ông Giuđa ơi, nếu Ông sống ở thế kỷ XXI này, Ông sẽ được nghe người ta ví von: “Tiền là tiên, là Phật; là sức bật của lò so; là nỗi lo của tuổi trẻ; là sức khỏe của người già; là cái đà của danh vọng; là cái lọng của con người.” Có thể Ông cũng “mắc cười” khi nghe vậy, và có thể Ông cũng “khó hiểu” – phần vì khác ngôn ngữ, phần vì khác thế hệ. Nhưng “câu vè” có vẻ khôi hài đó lại nói lên cái thực tại của con người, không dễ gì cưỡng lại, vì tiền bạc có mãnh lực, thậm chí là ma lực. Thế nên người ta vẫn ĐÃ và ĐANG không ngại tham nhũng, hối lộ, bóc lột hoặc chà đạp người khác để mình sống vinh thân phì da – dù người đó là người có niềm tin tôn giáo hoặc vô thần. Đáng sợ thật! Cũng chỉ vì tham lam, mê vật chất và quyền lực mà người ta BẤT CHẤP CÔNG LÝ, sẵn sàng hành hạ “kẻ yếu” bằng mọi cách. Ông đã theo Thầy Giêsu rong ruổi khắp nơi thì chắc Ông đã hiểu. Cũng có thể vì Ông thấy thực tế phũ phàng quá nên Ông mới nghĩ ra cách moi tiền của họ mà Thầy Giêsu vẫn “nguyên xi.” Xét cho cùng, Ông cũng rất tin vào quyền năng của Sư phụ Giêsu. Nhưng ai dè… Thầy Giêsu bị lôi đi như một tên tội phạm nguy hiểm!
Ông biết Sư phụ
Giêsu của Ông “ngon” lắm, vì Thầy mới nói “Tôi đây!” mà bọn lính ngã lăn cù cả
đám. (x. Ga 18:6) Lúc đó hẳn là Ông chắc mẩm đã làm cho bọn ác ôn bị Ông lừa để
có số tiền “béo bở” kia. Không biết Ông có gật gù và cười đắc chí không nhỉ? Thế
nhưng Ông quá bất ngờ khi Thầy cho chúng đứng dậy và để chúng bắt trói. Chắc là
Ông cảm thấy thất vọng lắm, vì Ông không hiểu sao Thầy mình bỗng dưng lại mất
hết “phép thần thông” để rồi bị những người xấu bắt như vậy. Họ đúng là những
người “miệng nam-mô, bụng một bồ dao găm.” Và Ông tuyệt vọng!
Sau đó, Ông bực
mình nên đã ném trả lại tiền cho các thượng tế và các kỳ mục, rồi tự thú: “Tôi
đã phạm tội nộp người vô tội, khiến Người phải chết oan.” (Mt 27:4a) Ông
là đệ tử nên Ông biết rõ Thầy Giêsu VÔ TỘI. Ông dám nói thật lòng mình như vậy thì
chắc hẳn lương tâm Ông đã cắn rứt lắm, nghĩa là Ông cũng cảm thấy ăn năn. Lương
tâm không có RĂNG mà vẫn có thể CẮN được. Kỳ diệu quá phải không Ông? Chắc chắn
đó là sám hối, dù là trực tiếp hay gián tiếp, đạo Công giáo gọi là “ăn năn tội
cách trọn” hoặc “ăn năn tội cách chẳng trọn.” Chính tay Ông ném trả lại tiền
cho họ, nhưng họ vẫn thản nhiên: “Can gì
đến chúng tôi. Mặc kệ anh!” (Mt 27:4b)
Người ta không
xét sâu đến khía cạnh đó mà luôn có thành kiến xấu với ông, thậm chí còn gọi
Ông là “thằng” nữa. Có điều buồn là Ông lại vội đi thắt cổ tự tử (Mt 27:5)
trong khi Thầy Giêsu vẫn hết lòng yêu quý và thương xót Ông. Còn việc Ông ném
số bạc vào Đền Thờ rồi Ông đi thắt cổ, liệu ai là người dám nhận mình công
chính để dám xét đoán Ông? Chắc chắn chỉ có Thiên Chúa biết. Nhưng dù sao Ông
cũng mắc “tội trống” mà người khác phải coi đó để cố gắng sống tốt hơn, đừng
lừa thầy phản bạn, và ít ra cũng phải biết “ăn cây nào rào cây ấy.”
Những người kết
án Ông là ai? Là những người “có chức, có quyền,” những người “ăn trên, ngồi trước,”
những người “ỷ thế, cậy quyền,” những người “thấy cái rác trong mắt người mà
không thấy cái đà trong mắt mình,” (x. Mt 7:3-5; Lc 6:41-42) những người được
“tôn xưng” là thượng tế, là kỳ mục, là kinh sư, là thầy thông luật,... Toàn là
“ông lớn” thôi! Và cũng chính những người đó đã tiếp tục nỡ lòng kết án Thầy-Giêsu-công-chính.
Họ lấy tiền mà Ông bán Thầy Giêsu để mua thửa ruộng gọi là “Ruộng Máu.” Đó cũng
là “cái giá” Ông phải trả, và Ông bị mang tiếng xấu cho đến tận thế. Xin chân
thành chia buồn với Ông!
Ngày xưa, ông bà
nguyên tổ đã phạm tội vì bất tuân lệnh Chúa. Thế nhưng Tội Nguyên Tổ được “viết
hoa” và được gọi là “Tội Hồng Phúc.” (Exultet đêm Vọng Phục Sinh) Còn Ông lại
bị người đời nguyền rủa đủ kiểu, vuốt mặt không kịp.
Thưa Ông,
Thánh Ý Thiên
Chúa quá nhiệm mầu, trí óc loài người của cháu chỉ như “bã đậu,” không thể nào
hiểu hết. Nhưng tận đáy lòng, chắc là không ai dám xét đoán Ông đâu. Thấy Ông
mà mọi người phải “sờ gáy” để tự phán xét mình trước đấy. Nhắc tới Ông mà cháu
“nhột gáy” lắm, Ông ạ!
Tuần Thánh tới, ngày
giỗ Thầy Giêsu và cũng là ngày kỵ của Ông, nụ hôn bán Thầy của Ông vẫn nóng
bỏng lắm. Đôi lời tâm sự và xin được thông cảm với “nỗi khổ tâm” của Ông, nhưng
không “đồng lõa” với Ông. Mong Ông hiểu cho! Chúc Ông bình tâm và bớt ray rứt. Hy
vọng Ông cũng được cứu độ nhờ Lòng Thương Xót vô biên của Thầy Giêsu nhân hậu.
Ông bị chê trách, dòng họ Ítcariốt của gia tộc Ông cũng bị mang tiếng xấu. Phàm
nhân chúng cháu là thế thôi, như ca dao Việt Nam của chúng cháu có câu: “Yêu nhau yêu cả đường đi, ghét nhau ghét cả
tông chi họ hàng.” Đành chịu vậy thôi, Ông nhỉ!
Cháu hy vọng như vậy đối với Ông, đối với mọi người và đối với cháu nữa, vì bị những kẻ thủ ác giết chết mà Thầy Giêsu vẫn bênh vực cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23:34) Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mầu nhiệm lắm!
Có câu chuyện
dạng biếm ngôn kể rằng: Ngày Chung Thẩm, sau khi phân loại dê ra dê, chiên ra
chiên. Kẻ dữ vô Hỏa Ngục, người lành vào Thiên Đàng. Mọi người đâu vào đấy rồi,
nhưng Chúa Giêsu vẫn đứng tựa cửa dõi mắt xa xăm, khóe mắt rưng rưng. Mọi người
xúm lại hỏi thì Chúa Giêsu trầm giọng nói: “Ta
đứng đợi người cuối cùng là đệ tử Giuđa của Ta ngày xưa.” Lòng Thương Xót
của Thiên Chúa bao la quá!
TRẦM THIÊN THU
✽ Vấn Đề Đau Khổ – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/03/van-e-au-kho.html
✽ Giờ Đã Điểm – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/04/gio-iem.html
✽ Chuyện Người Nghèo – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/03/chuyen-nguoi-ngheo.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment