Thứ Bảy, 5 tháng 2, 2022

CHỮ NGUYỆN

[Niệm ý Mc 6:30-34]

Thiên Chúa là tình yêu
Luôn giàu lòng thương xót
Và Ngài luôn thấu suốt
Nhìn ai sao biết ngay

Vất vả suốt cả ngày
Không có giờ ăn uống
Ngài bảo tìm nơi vắng
Để sức sống phục hồi

Đơn giản là nghỉ ngơi
Quan trọng là cầu nguyện
Hành động cần thiết lắm
Nhưng cầu nguyện cần hơn

Chơi lắm cũng hóa buồn
Vui nhiều rồi cũng chán
Vì mình, mệt thành oán
Vì Chúa, dại nên khôn

Ai cũng thích được khen
Được khen hóa kiêu ngạo
Nói thật thì bảo xạo
Khôn vẫn là lặng câm [1]

Chúa Giê-su vẫn khuyên
Đừng lải nhải, lắm chuyện
Nhất là khi cầu nguyện [2]
Chỉ cần hướng tâm lên

Chữ nguyện là lặng im
Nguyện để gần Thiên Chúa
Để có thể buông bỏ
NGUYỆN xong rồi mới CẦU

TRẦM THIÊN THU
[1] Thánh LM TS Tôma Aquinô (1225–1274) bị các thầy và bạn bè đương thời chê là “bò câm – the dumb ox” – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/01/con-bo-cam-cua-chua.html. Đặc biệt là ngài chết ở “tuổi độc” 49, mà người Việt thường nói: “49 chưa qua, 53 đã tới.”
[2] Mt 6:7; Hc 7:14.
NGHỈ NGƠI
[Niệm ý Mc 6:30-34]

Con người cần phải nghỉ ngơi
Tinh thần, thể lý phục hồi lẫn nhau
Người ta tìm đến rất nhiều
Chúa thương xót họ sớm chiều ngược xuôi
Các môn đệ cũng mệt nhoài
Thân xác rã rời – bữa đói, bữa no
Chúa thương nên đã tỉ tê
Rằng cần có lúc dành cho riêng mình
Vẫn luôn sống có nghĩa tình
Từ bỏ chính mình để giúp tha nhân
Nghỉ ngơi hồi phục xác hồn
Phục hồi sức khỏe để làm việc luôn
Khỏe thì làm việc tốt hơn
Mệt thân xác kéo tinh thần mệt theo
Đó là sống đức thương yêu
Vì mình một chút, cho nhau cả đời
Tĩnh tâm là cách nghỉ ngơi
Lắng nghe tiếng Chúa, vâng lời Ngài khuyên

TRẦM THIÊN THU

CHUYỆN CHỮ CHUYỆN NGHĨA
(về dấu giọng trong Việt ngữ – thư giãn rất nghiêm túc)

Đời có nặng như NHẸ có dấu NẶNG?
Không ngả nghiêng sao VỮNG vẫn NGÃ ra?
Tưởng đã HIỂU vậy mà vẫn phải HỎI
Trong cái XẤU lại có SẮC lạ kỳ

Trong chữ ĐEN không dấu HUYỀN chi cả
Dẫu CHUA, CAY mà lại bảo là THANH
Vẫn thấy CONG ngay ở trong cái THẲNG
Sao lại NGỜ khi làm XONG rất nhanh?

Viết chữ DÀI mà lại nhìn thấy ngắn
Viết chữ NGẮN mà lại nhìn thấy dài
Học phải cố, chí đừng bao giờ nản
Có TỐT nghiệp chưa chắc tốt hơn ai!

TRẦM THIÊN THU

 Chuyện Chữ Nghĩa – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/12/chuyen-chu-nghia.html
 Vấn Đề Ngôn Ngữ – https://tramthienthu.blogspot.com/2021/04/van-e-ngon-ngu.html
 Sai Một Phẩy Nhảy Ngàn Dặm
     https://tramthienthu.blogspot.com/2017/11/sai-mot-phay-nhay-ngan-dam.html

IM LẶNG LÀ THÔNG MINH

Nói thì ai nói cũng được, nhưng đôi khi bạn cần phải im lặng thì lại là điều rất khó cho nhiều người. Bởi vì ai cũng nghĩ rằng im lặng là nhu nhược, hèn nhát, nhục nhã. Nhưng trên thực tế, người biết im lặng mới là người hay.

Vậy lúc nào bạn nên im lặng?

– Im lặng khi lời nói của bạn không còn ý nghĩa gì với người khác.

– Im lặng khi lời nói của bạn chỉ làm mọi việc thêm tồi tệ.

– Im lặng khi bạn muốn chứng minh cho đối phương thấy, bạn không dễ bị tác động bởi những lời nói linh tinh.

– Im lặng khi bạn nói mà không ai muốn nghe.

– Im lặng khi bạn cần suy nghĩ và để hỏi lại trái tim mình.

– Im lặng khi bạn muốn đối phương phải suy nghĩ.

– Im lặng khi bạn không cần đến người vô ý nghĩa quan tâm.

– Im lặng khi bạn muốn giữ tình bạn, tình yêu.

– Im lặng khi bạn muốn nghe và hiểu rõ một người.

– Im lặng khi bạn muốn tìm lại sự bình an cho tâm hồn.

– Im lặng khi bạn muốn kết thúc một chuyện tình trong êm đẹp.

Vậy bạn có đủ bản lĩnh để im lặng không, hay bạn cứ muốn nói để chứng tỏ ta đây không sợ ai và sẽ làm cho ra lẽ?

Thật ra, khi một người biết im lặng, họ mới thật sự là người thông minh và có sự trưởng thành nội tại...

(sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment