Bài này được viết theo một chương trong cuốn “Roses Among Thorns: Simple Advice for Renewing Your Spiritual Journey” (Hoa Hồng Giữa Bụi Gai: Lời Khuyên Đơn Giản Để Đổi Mới Hành Trình Tâm Linh) của Thánh GM Phanxicô Salê.
Để trở thành người đạo đức, chúng ta không chỉ muốn làm theo ý Chúa mà còn phải vui vẻ làm theo ý Ngài. Nếu tôi không là giám mục, chưa biết những gì tôi biết, tôi sẽ không muốn trở thành giám mục. Nhưng là giám mục, tôi không chỉ có nhiệm vụ làm những gì mà chức vụ phiền phức này yêu cầu, mà tôi phải làm điều đó một cách vui vẻ, tôi phải thích thú với nó và chấp nhận nó. Làm như vậy là làm theo lời Thánh Phaolô: “Khi được kêu gọi ở địa vị nào, mỗi người cứ ở địa vị đó trước mặt Thiên Chúa.” (1 Cr 7:24)
Chúng ta không được vác thập giá của người
khác, mà vác thập giá của chính mình. Điều này có nghĩa là mỗi chúng ta phải “từ
bỏ mình,” (Mt 16:24) nghĩa là từ chối ý muốn của chính mình. Chúng ta bị cám dỗ
bởi những suy nghĩ như thế này: “Tôi muốn làm điều này. Tôi sẽ tốt ở đó hơn là
ở đây.” Chúa biết Ngài nói về điều gì. Chúng ta hãy làm theo ý Ngài và ở lại
nơi Ngài đã đặt chúng ta. Bạn không chỉ nên đạo đức và yêu cuộc sống sùng mộ,
mà bạn còn phải làm cho cuộc sống đó trở nên tươi đẹp hơn.
Bây giờ, nó sẽ đẹp ở mức độ hữu ích và dễ
chịu đối với người khác. Người bệnh sẽ yêu mến lòng đạo đức của bạn nếu điều đó
khiến họ được an ủi theo cách nhân ái. Gia đình của bạn sẽ thích nếu nó khiến
bạn biết quan tâm hơn đến những điều tốt đẹp của họ, dịu dàng hơn khi đối mặt
với những thăng trầm của cuộc sống và biết khôi hài hơn. Vợ hay chồng của bạn
sẽ yêu nó đến mức độ mà sự tận tâm của bạn làm cho bạn ấm áp hơn và tình cảm
hơn. Nếu cha mẹ và bạn bè của bạn nhìn thấy ở bạn sự thẳng thắn, sự giúp đỡ và
sẵn sàng tuân theo ý muốn của họ trong những điều không trái với ý muốn của Thiên
Chúa, họ cũng sẽ thấy đời sống đạo đức của bạn hấp dẫn. Điều này nên là mục
tiêu của bạn, càng nhiều càng tốt.
1. TƯỞNG TƯỢNG KHI CẦU NGUYỆN
Không thể cầu nguyện nếu không sử dụng trí
tưởng tượng và sự hiểu biết. Tuy nhiên, không thể nghi ngờ rằng chúng ta chỉ
nên sử dụng chúng để lay chuyển ý chí, và rồi không như vậy nữa. Một số người
nói rằng không cần thiết phải sử dụng trí tưởng tượng để mô tả với chính mình về
nhân tính của Đấng Cứu Độ. Có lẽ không, đối với những người đã tiến xa trên
đỉnh cao của sự hoàn hảo. Nhưng đối với những người những người vẫn còn ở trong
các thung lũng, mặc dù muốn leo lên, tôi nghĩ nên tận dụng tất cả các khả năng
của chúng ta, bao gồm cả trí tưởng tượng.
Tuy nhiên, trí tưởng tượng này phải khá đơn
giản, đóng vai trò như một chiếc kim để luồn những tình cảm và quyết tâm vào
tâm trí chúng ta. Đây là con đường tuyệt vời, từ đó chúng ta không nên nghỉ ngơi
cho đến khi ánh sáng ban ngày sáng hơn một chút và chúng ta có thể nhìn thấy
những con đường nhỏ. Đúng là những tưởng tượng này không nên bị rối bởi quá
nhiều đặc thù, mà nên đơn giản. Chúng ta hãy nán lại một thời gian nữa trong
các thung lũng thấp.
2. SỰ BÌNH AN CỦA CHÚA
Hãy cố gắng duy trì sự an bình và tĩnh lặng
mà Chúa đã ban cho bạn. Thánh Phaolô nói: “Bình
an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh
em được kết hợp với Giêsu Kitô.” (Pl 4:7) Bạn không thấy rằng Thánh Phaolô nói
sự bình an của Thiên Chúa “vượt lên trên mọi hiểu biết” hay sao? Điều đó dạy bạn
đừng bao giờ được tự làm phiền mình khi có bất kỳ tình cảm nào khác ngoài tình
cảm của Thiên Chúa. Giờ đây, sự bình an của Thiên Chúa là sự bình an chứng minh
những quyết tâm mà chúng ta đã thực hiện cho Thiên Chúa và con đường mà Thiên
Chúa đã định cho chúng ta. Hãy vững bước đi trên con đường mà sự quan phòng của
Thiên Chúa đã đặt cho bạn, đừng nhìn sang bên phải hay bên trái.
Đó là cách hoàn thiện dành cho bạn. Sự thỏa mãn
về tinh thần này – ngay cả khi nó không có hương vị – có giá trị hơn cả ngàn
lời khen tặng thú vị. Nếu Thiên Chúa định cho bạn đối mặt với một số khó khăn,
bạn phải đón nhận chúng từ Ngài và bạn không được buông bỏ Ngài cho đến khi
Ngài đưa bạn đến mức hoàn thiện. Bạn sẽ thấy rằng sự quan phòng của Thiên Chúa
sẽ hoàn thành mọi việc theo ý định của bạn, miễn là chúng hoàn toàn phù hợp với
ý định của Ngài. Điều cần thiết ở bạn là sự dũng cảm và kiên quyết hơn một
chút.
3. SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA
Ở trong sự hiện diện của Thiên Chúa và đặt
mình trong sự hiện diện của Ngài là hai việc khác nhau. Để đặt mình trước sự
hiện diện của Ngài, chúng ta phải rút linh hồn mình khỏi mọi vật thể khác và
khiến bản thân chú ý đến sự hiện diện của Ngài. Sau khi đặt mình trước sự hiện
diện của Ngài, chúng ta có thể giữ mình ở đó bằng hành động của ý chí hoặc trí
tuệ: bằng cách nhìn vào Chúa hoặc nhìn vào điều gì khác vì yêu mến Ngài, hoặc
không nhìn bất cứ thứ gì mà thay vào đó là nói với Ngài, hoặc không nhìn Ngài
cũng không nói chuyện với Ngài mà chỉ đơn giản là ở lại nơi Ngài đã đặt chúng
ta, như một bức tượng trong vị trí của nó. Và khi, hành động duy trì này kết
hợp với một tình cảm nào đó mà chúng ta dành cho Chúa và Ngài là tất cả của
chúng ta, thì chúng ta phải tha thiết cảm ơn lòng nhân lành của Ngài.
Nếu một bức tượng có thể nói, và chúng ta hỏi
nó:
– Tại sao bạn lại ở đó?
Nó sẽ trả lời:
– Bởi vì chủ nhân của tôi, nhà điêu khắc, đã
đặt tôi ở đây.
– Nhưng tại sao bạn không di chuyển?
– Bởi vì ông ấy muốn tôi bất động.
– Nhưng bạn phục vụ ở đó có ích gì? Bạn có lợi
gì khi ở đó theo cách này?
– Tôi tồn tại không phải để phục vụ bản thân,
mà là để phục vụ và tuân theo ý muốn của chủ nhân.
– Nhưng bạn không thể nhìn thấy ông ấy.
– Không, nhưng ông ấy nhìn thấy tôi và cam
đoan rằng tôi đang ở nơi ông ấy đã đặt tôi.
– Nhưng bạn có muốn di chuyển để có thể ở gần
ông ấy hơn không?
– Không, trừ khi ông ấy ra lệnh cho tôi.
– Rồi bạn không mong muốn gì sao?
– Không, vì tôi ở nơi ông ấy đã đặt, và niềm
vui sướng của ông ấy là niềm vui duy nhất của tôi.
Lời cầu nguyện này hay biết bao, và tốt biết
bao khi giữ mình trong sự hiện diện của Thiên Chúa theo cách này, bằng cách
tuân theo ý muốn và niềm vui thích của Ngài. Maria là một bức tượng ở vị trí
thích hợp của cô ấy khi không cần nói một lời hay cử động nào, và có lẽ thậm
chí không cần nhìn Ngài, cô ấy “ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Ngài dạy.” (Lc 10:39)
Khi Ngài nói, Maria lắng nghe. Khi Ngài ngừng nói, cô ngừng nghe, nhưng cô vẫn
ở đó. Một đứa trẻ nằm trong lòng mẹ khi hai mẹ con ngủ, đó là nó đang ở nơi tốt
và đáng mơ ước nhất, mặc dù mẹ không nói với con, con cũng không nói với mẹ.
Chúng ta hạnh phúc biết bao khi muốn yêu mến
Chúa của chúng ta! Sau đó, chúng ta hãy yêu Ngài, và chúng ta đừng dừng lại để
nghĩ rằng chúng ta đã làm ít như thế nào đối với tình yêu của Ngài, với điều
kiện chúng ta biết rằng chúng ta sẽ không bao giờ muốn làm bất cứ điều gì ngoại
trừ tình yêu của Ngài. Chúng ta thậm chí có thể không nói rằng chúng ta vẫn ở
trong sự hiện diện của Ngài khi chúng ta ngủ hay sao? Vì chúng ta ngủ trước mặt
Ngài, theo ý thích của Ngài, và theo ý muốn của Ngài, và Ngài đặt chúng ta trên
giường của chúng ta như bức tượng ở vị trí của nó. Khi thức dậy, chúng ta thấy Ngài
ở đó, gần chúng ta, mà Ngài không hề nhúc nhích, và chúng ta cũng vậy. Chúng ta
đang ở trong sự hiện diện của Ngài. Đó là đôi mắt của chúng ta nhắm lại.
TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ CatholicExchange.com)
Đêm cuối tháng 01-2022
✽ Đừng Ngại Sống Đạo Đức – https://tramthienthu.blogspot.com/2024/06/ung-ngai-song-ao-uc.html
✽ Đức Tin & Sống Đạo – https://tramthienthu.blogspot.com/2017/09/uc-tin-va-song-ao.html
✽ Đức Tin & Việc Lành – https://tramthienthu.blogspot.com/2022/08/uc-tin-va-viec-lanh.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment