Tết Nguyên Đán có điều gì đó rất đặc biệt, cả về tinh thần lẫn ngoại cảnh. Theo chiết tự: Tết là “tiết,” Nguyên là “khởi đầu,” Đán là “buổi sáng sớm.” Tiết Nguyên Đán được “rút gọn” và biến âm Tiết thành Tết, người Trung Hoa gọi là Xuân Tiết.
Nói đến Tết thì có nhiều thứ để nói, nhưng có lẽ không thể không nói tới tấm Thiệp Xuân – một dạng phổ biến ngày xưa, ngày nay không còn phổ biến nhưng lại có dạng e-card (thiệp điện tử), thậm chí là “tin nhắn.” Do đó, hình như tình cảm không còn “thật” như xưa, cứ “nhạt” dần, thế nên người ta cũng có vẻ “xa nhau” dần…
Dù ở dạng nào, thiệp Xuân (có kèm lời chúc) vẫn là nét văn hóa thể hiện
sự quan tâm lẫn nhau, biểu hiện “chất” yêu thương, nhưng đôi khi người ta lại sử
dụng thiệp ở dạng “thô,” tức là mang nặng hình thức chứ chưa thực sự chân
thành. Đó là điều thật đáng tiếc!
Chẳng ai lại không biết tấm thiệp là cái gì và như thế nào, tùy dịp,
đặc biệt là thiệp Xuân. Riêng về thiệp Xuân, Ns Lê Minh Bằng (nhóm “bộ ba” là LÊ
Dinh, MINH Kỳ và Anh BẰNG) có một loại thiệp “khác người,” đó là “Cánh Thiệp
Đầu Xuân” bằng âm nhạc chứ không bằng giấy. Thường thì người ta nói “tấm thiệp”
chứ ít người nói “cánh thiệp.” Thiết tưởng, nói “cánh thiệp” có vẻ “cao cấp”
hơn, vì nó diễn tả cái gì đó sâu lắng và thâm trầm hơn.
Ca khúc “Cánh Thiệp Đầu Xuân” được viết ở âm thể Trưởng (D, rê trưởng),
với nhịp 4/4 (C), lồng trong giai điệu tươi vui, tiết tấu không cầu kỳ, chỉ có
những đảo phách đơn giản ở đầu các trường canh, rất đều đặn, nhưng không đơn
điệu (monotone), và vẫn tạo được nét “nhí nhảnh” của mùa Xuân vốn dĩ trẻ trung.
Mùa Xuân là mùa
của muôn hoa, mùa của lộc biếc, mùa của yêu thương, mùa của mơ ước. Người ta có
thể nhận thấy bóng dáng Xuân qua cảnh vật. Xuân đến, Tết về, ai mà không biết? Thế
nhưng người ta vẫn “giả nai” để duy trì tính ngây thơ khi hỏi nhau, thực ra là
muốn chia sẻ niềm vui khi Xuân mà thôi: “Hoa,
lá nở thắm đẹp làn môi hồng, Xuân đến rồi đây nào ai biết không? Mang những
hoài mong đi vào ngày tháng, bao nhiêu mơ ước đến khi mùa Xuân sang.”
Mùa Xuân cũng là
mùa của những lời chúc, ước mong cho nhau những điều tốt đẹp. Nhưng đôi khi
người ta lại cảm thấy lúng túng, không biết chúc thế nào cho hợp lý nhất, đặc
biệt là khi gặp nhau vào ngày Tết: “Tôi
chúc gì đây vào mùa Xuân này? Khi nắng vàng tươi nhuộm làn tóc ai, khi gió nhẹ
lay hoa đào hồng thắm, trong khi Xuân ấm mới tô đẹp tháng năm.” Chúc gì thì
chúc, miễn sao đó là lời chúc tốt lành và chân thành.
Vâng, chắc chắn không
gì hơn là lòng chân thành, cứ thấy sao nói vậy, đừng “rào trước, đón sau,” đừng
đầu môi, chót lưỡi. Đây là lời chúc Xuân: “Tôi
chúc muôn người mọi điều ước muốn.” Có lẽ đó lời chúc “khôn” nhất: “Chúc mọi điều ước muốn.” Có thể gọi đó
là lời chúc của các lời chúc, sự như ý của các sự như ý. Và cụ thể là: “Non nước vinh quang trong tia nắng thanh
bình, để người anh yêu dấu quay về gia đình, tìm vui bên lửa ấm.”
Cụ thể hơn nữa là
những điều bình thường của mọi người, cách riêng với người trẻ: “Tôi chúc yên lành người người khắp chốn,
mong gió đưa duyên cho cô gái xuân thì, ước nguyện sao chóng thành, rượu hồng
se duyên.”
Vô vàn lời chúc,
vô vàn kiểu chúc. Tác giả tiếp tục chúc những gì rất đời thường: “Tôi chúc ngày mai dù đường xa vời, trai gái
bền duyên đẹp tình lứa đôi, cho bướm vàng bay trên nẻo đường mới, vai bên vai
những lúc tâm tình lên khơi.”
Sum họp rồi chia
tay, cuộc vui nào cũng tàn, nỗi buồn nào cũng hết, Xuân đến rồi Xuân đi. Quy
luật tự nhiên là thế. Cầu chúc cho nhau dù xa mặt nhưng không cách lòng, mãi
còn nhớ về kỷ niệm ngày gặp mặt vào mùa Xuân này: “Tôi chúc rồi đây người về phương nào, cho dẫu thời gian lạnh lùng
lướt mau, mong ước ngày sau như là ngày trước, tay trong tay nhớ lúc
trao thiệp đầu Xuân.”
Được vui Xuân
này, đó là hạnh phúc thực tại, không là trong mơ tưởng, hãy cứ vui cho trọn, vì
biết mình còn có được vui Xuân sau nữa hay không. Nói vậy xem chừng “bi quan,”
nhưng KHÔNG, vì hoàn toàn thực tế. Lá xanh hay vàng đều “rụng,” thậm chí cò khi
“bị hái.” Nhưng đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận. Vì thế, người ta
càng cần chân thành với nhau hơn, nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán.
Công giáo không
dùng thiệp Xuân, nhưng những năm gần đây, người ta dùng Lời Chúa để mọi người
hái lộc đầu Xuân. Có thể coi đây là dạng “thiệp Xuân” mà Chúa gởi đến mỗi gia
đình và mọi người trong dịp đón mừng năm mới, với ý Chúa trong câu Kinh Thánh
mỗi người nhận được.
Về lời chúc, Kinh
Thánh cho biết rằng, ngày thứ năm trong công cuộc sáng thế, Thiên Chúa cầu chúc
vạn vật: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều,
cho đầy biển; và chim phải sinh sản cho nhiều trên mặt đất.” (St 1:22)
Thiên Chúa nói
với ông Ápram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ
hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi
thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy
lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho
ngươi; ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, MỌI GIA TỘC TRÊN MẶT ĐẤT SẼ ĐƯỢC CHÚC PHÚC.” (St 12:1-3)
Ông Menkixêđê,
vua thành Salem, cầu chúc cho ông Ápram: “Xin
Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, CHÚC PHÚC cho Ápram!” (St 14:19) Rồi ông được đổi tên là Ápraham. Khi ông Ápraham tuân lệnh
Chúa là hiến tế con trai duy nhất, sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông và nói: “Đây là sấm ngôn của Đức
Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc
con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm
cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi
biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất
sẽ CẦU CHÚC CHO NHAU được phúc
như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta.” (St 22:16-18)
Người ta chúc
phúc cho cô Rêbêca: “CHÚC em sinh vạn sinh ngàn, giống dòng chiếm
cứ cửa thành địch quân.” (St 24:60) Kinh Thánh còn cho biết: “Đức Chúa
CHÚC PHÚC cho ông Isaác và ông trở nên giàu có, mỗi ngày một giàu thêm, giàu
vô kể. Ông có những đàn chiên, đàn bò, có nhiều đầy tớ, khiến người Philitinh
phải ghen.” (St 26:12-14) Hoặc như tác giả Thánh Vịnh nhắn nhủ: “Kẻ nghèo hèn được ăn uống thỏa thuê, người
tìm Chúa sẽ dâng lời ca tụng. CẦU CHÚC họ vui sống ngàn đời.” (Tv 22:27)
Tác giả Thánh
Vịnh nói về kẻ xấu, những người chúc bằng môi miệng chứ không thật lòng: “Con người ấy, chúng chỉ mưu hạ bệ, chúng
thỏa lòng vì đã nói dối nói gian. Miệng thì CHÚC PHÚC cầu an, mà lòng nguyền rủa chứa chan những lời.” (Tv
62:5) Câu này khiến chúng ta phải lưu ý, vì nếu không thật lòng chúc lành, đôi
khi chúng ta lại “vô tình” chúc dữ cho người khác.
Chúc nhau những
điều tốt lành là chuyện cần, nhưng cần hơn chắc chắn phải là cầu chúc nhau được
lãnh nhận hồng ân, đặc biệt là làm vinh danh Thiên Chúa: “Nguyện Chúa Trời dủ thương và CHÚC
PHÚC, xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời trên chúng con, cho cả hoàn cầu
biết đường lối Chúa, và muôn nước biết ơn cứu độ của Ngài. Ước gì chư dân cảm
tạ Ngài, lạy Thiên Chúa, chư dân phải đồng thanh cảm tạ Ngài!” (Tv 67:2-4)
Hẳn là thế, vì Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha. (x. Mt
6:9-13; Lc 11:2-4)
Chúng ta cũng cần
tỉnh táo và lưu ý, vì có thể chúng ta lại hiểu lệch lạc hoặc ganh tỵ với người
khác về việc cầu chúc. Thánh Máccô kể: Khi người ta dẫn trẻ em đến với Đức
Giêsu, để Người đặt tay trên chúng, nhưng các môn đệ la rầy chúng. Thấy vậy,
Người bực mình và quở trách các ông. Rồi “Người ÔM LẤY các trẻ em và ĐẶT TAY CHÚC LÀNH cho chúng.” (Mc 10:16)
Có lẽ tốt nhất là
chúc bình an. Vì Chúa Giêsu đã căn dặn: “Vào
nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy.” (Mt 10:12) Khi chữa lành
cho người ta, Ngài cũng thường cầu chúc bình an cho khổ chủ, (Mc 5:34; Lc 7:50;
8:48) đặc biệt là lời chúc của Chúa Giêsu sau khi Ngài phục sinh: “Bình an cho anh em.” (Lc 24:36; Ga 20:19,
21, 26)
Nhưng khó nhất
vẫn là cầu chúc cho những người không cùng phe mình, đối nghịch với mình, không
ưa mình,... Điều này rất “ngược đời,” không phù hợp với bản tính nhân loại, rất
khó thực hiện, và tưởng chừng không thể, nhưng đó lại là điều tích cực mà Chúa
Giêsu buộc chúng ta phải thực hành: “Hãy YÊU KẺ THÙ và LÀM ƠN cho kẻ ghét anh
em, hãy CHÚC LÀNH cho kẻ nguyền
rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em.” (Lc 6:27-28)
Chúng ta phải làm theo lệnh truyền của Chúa Giêsu, vì Ngài đã yêu thương và thương xót chúng ta dù chúng ta chỉ là những tội nhân khốn nạn. Chúng ta phải yêu thương không chỉ theo lệnh truyền mà còn vì lý do rất thực tế mà ngôn sứ Isaia đã nói từ ngàn xưa: “Ngài [Đức Giêsu Kitô] đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta.” (Mt 8:17)
Thiên Chúa duy nhất vĩnh hằng: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như
hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời.” (Dt 13:8) Xin Ngài thương xót và cứu độ chúng con.
TRẦM THIÊN THU
✽ Chuyện Tống Cựu – Nghinh Tân
✽ Cung Chúc Tân Xuân – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/01/cung-chuc-tan-xuan.html
✽ Phúc Lộc Thọ – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/01/phuc-loc-tho.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment