Thật chí lý khi ca dao Việt Nam đưa ra nhận định về tình yêu thương trong mối quan hệ phu thê: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề – Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng.”
Quan trọng là biết cách “kê” cho hết chênh vênh, bập bênh. Chắc chắn phải khéo léo lắm. Vợ chồng là hai con người hoàn toàn khác nhau về mọi thứ, cái mà người ta gọi là “giống nhau” hoặc “hợp nhau” cũng chỉ mang tính tương đối. Không bao giờ có hai chiếc lá giống nhau, chắc chắn cũng chẳng bao giờ có hai con người giống nhau – dù là song sinh. Chỉ là bề ngoài, hai người sinh đôi cũng vẫn có điểm khác để có thể nhận biết ai là anh (chị) và ai là em. Đối với người Công giáo, cách “kê” tuyệt vời nhất là khiêm nhường, tha thứ, nhịn nhục,...
Bất kỳ phàm nhân nào cũng có một gia đình, cho
nên chẳng ai lạ gì, thế nhưng để cho “vuông tròn” một gia đình đúng nghĩa thì lại
là chuyện không hề đơn giản. Vả lại, ngày nay người ta không còn đề cao vai trò
gia đình, vì thế mà tỷ lệ ly thân và ly hôn đang ở mức báo động đỏ! Tình yêu –
hôn nhân – gia đình là ba vấn đề, nhưng không thể tách rời nhau. Có tình yêu
chân thành thì mới dẫn tới hôn nhân tốt lành, nhờ đó mà có một gia đình an
bình.
Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã truyền Mười Điều
Răn cho ông Môsê. Đó là rường cột vững chắc của Đạo Chúa. Trong đó có điều răn
thứ tư đề cập gia đình – tế bào gốc của xã hội và Giáo Hội. Gia đình như chiếc
kiềng ba chân: Cha – Mẹ – Con. Ba “chân” này giúp giữ vững “chiếc kiềng” gia
đình, trong đó có hai mối quan hệ chính: Phu thê, Mẫu tử hoặc Phụ tử. Đó là gia
đình nền tảng. Gia đình còn hàm ý “đại gia đình” – bao gồm mọi thành phần trong
Giáo Hội.
“Thảo kính cha mẹ” là điều răn thứ tư, được
truyền cho con cái trong mối quan hệ với cha mẹ, vì mối quan hệ này phổ biến
nhất. Ngĩa vụ đối với cha mẹ được đề cập chi tiết trong Hc 3:1-16, với câu kết
này: “Ai bỏ rơi cha mình thì khác nào kẻ
lộng ngôn, ai chọc giận mẹ mình sẽ bị Đức Chúa nguyền rủa.” Chương 7 của
sách Huấn Ca có những lời khuyên về các vấn đề khác liên quan gia đình và xã
hội. Gia đình thực sự quan trọng vì mọi sự bắt đầu từ đó – đặc biệt là các nhân
đức. Tuy nhiên, có điều cần phải lưu ý: “Lòng
nhân ái bắt đầu từ gia đình, nhưng không nên kết thúc luôn ở đó.” (Thomas
Fuller, 1608-1661, sử gia Anh quốc)
Điều răn thứ tư không chỉ quan tâm mối quan
hệ thân thuộc giữa các thành viên gia đình và dòng tộc, mà còn đòi hỏi lòng
kính trọng, yêu thương, biết ơn tổ tiên và những người lớn tuổi. Tuy nhiên,
điều răn này còn mang tầm vóc rộng lớn hơn: trách nhiệm của học sinh đối với
thầy cô giáo, nhân viên đối với chủ nhân, người dưới đối với người trên, công
dân đối với tổ quốc và những người lãnh đạo. Nghĩa vụ đa dạng, không hề đơn
giản.
Thật vậy, Giáo lý Công giáo (số 2199) cho
biết: “Điều răn này bao gồm nhiệm vụ của
cha mẹ, người hướng dẫn, người dạy dỗ, người lãnh đạo, quan tòa, người lãnh
đạo, người có quyền trên người khác hoặc cộng đồng.” Từ hệ lụy gia đình dẫn
tới các hệ lụy khác, vì xã hội là một tổng thể mang tính liên đới.
Gia đình rất quan trọng, dù đó là gia đình
nhỏ hay to, giàu hay nghèo, thế nên người ta gọi gia đình là “Tổ Ấm” và là “tế
bào gốc” của xã hội và Giáo Hội – Nhiệm Thể Đức Kitô. Khi xuống thế làm người,
chính Chúa Giêsu cũng có một gia đình, và Ngài rất yêu quý gia đình.
Khởi đầu một gia đình là khởi đầu đời sống
hôn nhân chân chính. Sau khi tạo dựng con người đầu tiên trên thế gian, Thiên
Chúa đã xác định: “Con người ở một mình
thì không tốt.” (St 2:18a) Thế nên Ngài quyết định: “Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó.” (St 2:18b) Và gia
đình đầu tiên đã được tạo dựng. Ađam nghĩa là “con người” và Êva là “mẹ của
chúng sinh” chứ không là tên gọi như chúng ta ngày nay.
Trình thuật St 2:19-22 cho biết rằng Thiên
Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem
con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì, tên nó sẽ là thế.
Con người được Thiên Chúa trao quyền đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và
mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. Thiên
Chúa đã biết trước “nỗi niềm” của con người như vậy, Ngài biết con người sẽ
“khắc khoải” vì cảm thấy trống vắng, thiếu thốn tình cảm. Và rồi Ngài cho một
giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Lúc đó, Ngài rút
một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên
Chúa lấy cái xương sườn đã rút ra từ con người, làm thành một phụ nữ và dẫn đến
“ra mắt” con người. Chua choa, vừa lạ vừa đẹp!
Nhìn thấy “sinh vật lạ,” giống mình mà vẫn
khác mình, chắc là lúc đó con người bối rối lắm. Chuyện đời xưa nay là thế. Con
người thích thú và nói: “Phen này, đây là
xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi! Nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được
rút từ đàn ông ra.” (St 2:23) Việt ngữ gọi “sinh vật lạ” đó là nàng, là em,
là phụ nữ, là nội tướng, là vợ,... Kinh Thánh xác định: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai
thành một xương một thịt.” (St 2:24) Nam châm khác dấu thì hút nhau mạnh
lắm, đến nỗi “bỏ” cha mẹ mà theo nhau kia mà. Vì là xương thịt của nhau nên vợ
chồng ngày xưa gọi nhau là “mình ơi!” Việt ngữ thật là độc đáo!
Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu, vấn đề quan
trọng là về lâu về dài. Ngày cưới là ngày hạnh phúc nhất, nụ cười tươi nhất, y
phục đẹp nhất, nhưng đó chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Chuyện vợ chồng là
chuyện ăn đời ở kiếp chứ không chỉ vài tháng hoặc vài năm, trong khi vốn dĩ
“đời là bể khổ.” Cái khó là chỗ đó. Lâu ngày dày kén, liệu vợ chồng còn có thể
cười với nhau và cười với người khác hay không?
Chuyện cũ mà không bao giờ xưa. Vào giữa năm
2015, có một phiên tòa ly hôn kỳ lạ và hy hữu tại Đăk Mil, Đăk Nông. Phiên tòa
này phân xử chuyện ly hôn của hai vợ chồng Đặng Văn Đó (sn 1985) và Phạm Thị
Lụa (sn 1987), người dân ở Đăk Rla (Đăk Mil, Đăk Nông) quá đỗi bất ngờ. Tại
sao? Đôi uyên ương ấy đã từng yêu nhau tới gần 5 năm, cố gắng vượt qua sự ngăn
cấm của hai bên gia đình để có thể được ở bên nhau. Thế nhưng, ở với nhau chưa đủ
“ấm hơi” đã vội dẫn nhau ra tòa ly dị. Nguyên nhân là việc tranh giành giữ của
hồi môn và thùng tiền cưới, mâu thuẫn xảy ra ngay trong đêm tân hôn chỉ vì…
tiền. Thảo nào người ta gọi là tiền tệ!
Hạnh phúc không thể tự dưng mà có hoặc “ngẫu
nhiên” như trái sung rụng, mà nó phải được vun xới bằng hy sinh, mồ hôi, nước
mắt, và từ hai phía. Cây cảnh chỉ có thể tươi đẹp nếu nó được chăm sóc, vun
tưới. Hạnh phúc gia đình cũng vậy. Hạnh phúc kỳ diệu ở ngay bên chúng ta chứ
không cần tìm kiếm ở nơi nào xa lắc xa lơ: “Hạnh
phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn
làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may!” (Tv 128:2) Hạnh
phúc vô hình mà thực tế, đừng ảo tưởng mà đứng núi này trông núi kia! Nam nữ
đến với nhau vì hạnh phúc của nhau – vừa vị kỷ vừa vị tha. Đó là hạnh phúc chung
– của chính mình và của người bạn đời.
Sự thật không mơ hồ, mà rất minh nhiên: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào
cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn
ăn. Đó chính là PHÚC LỘC Chúa dành cho kẻ kính sợ Người.” (Tv
128:3-4) Đó là ước mơ không của riêng ai, nhưng khó là mỗi thành viên
trong gia đình đều phải cố gắng để có thể biến ước mơ đó thành sự thật ngay trên
cõi đời này. Thánh Vịnh gia cầu chúc: “Xin
Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn
được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu.” (Tv
128:5-6)
Có được hạnh phúc gia đình không phải dễ,
chúng ta sẽ chẳng làm nên trò trống gì nếu thiếu ơn Chúa. Ơn Chúa luôn dồi dào,
nhưng vấn đề là chúng ta có thành tâm đón nhận hay không. Chúa Giêsu đã từng
cầu nguyện cho chúng ta: “Xin Cha lấy sự
thật mà thánh hiến họ. Lời Cha là sự thật.” (Ga 17:17) Chính sự thật sẽ tạo
nên hạnh phúc gia đình, vì chỉ có sự thật mới giải thoát chúng ta. (x.
Ga 8:32)
Có câu chuyện về Con Muỗi và Ba Giọt Máu thế
này: Người chồng hết lòng thương yêu vợ, nhưng người vợ lại có thói trăng hoa, cứ
nhân tình nhân ngãi với người kia, kẻ nọ. Một hôm, bỗng dưng người vợ lăn ra
chết.
Người chồng buồn rầu, ôm xác vợ và bỏ xứ ra
đi. Một hôm, anh ta gặp một đạo sĩ và cầu xin cứu sống vợ. Chạnh lòng thương
cảm, đạo sĩ bảo người chồng chích vào ngón tay rồi nhỏ ba giọt máu lên xác vợ.
Người chồng làm theo và người vợ hồi sinh.
Hai vợ chồng cùng nhau trở về quê cũ. Người
chồng tưởng rằng người vợ hồi tâm và sẽ sống đời với mình, nhưng ngựa quen
đường cũ, người vợ bỏ đi theo một tay lái thương giàu có. Hết lời khuyên can
không được, người chồng nói: “Nàng có thể
ra đi nhưng xin trả lại tôi ba giọt máu.” Người vợ chích ngón tay lấy máu
hoàn trả. Nhưng lạ thay, máu vừa chảy ra thì nàng cũng tắt thở.
Chết đi, nàng hóa thân thành con muỗi, tìm
người để lấy lại ba giọt máu, và mong được hồi sinh. Nàng bay tới đâu cũng bị
xua đuổi, nên luôn miệng vo ve than vãn. Do đó, chỉ có Muỗi Cái mới hút máu
động vật.
Duy trì tiếng cười trong gia đình là duy trì hạnh
phúc, chắc chắn Thiên Chúa sẽ chúc lành và hứa ban Nước Trời mai sau. Cố gắng
chu toàn bổn phận hằng ngày cũng là cách “tử đạo liên lỉ.” Có vẻ đơn giản vậy
chứ không hề dễ dàng! Thánh Phaolô cho biết: “Con người đã bị thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, chúng
ta lại thấy được Thiên Chúa ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, bởi vì
đã cam chịu tử hình. Con người đó, chính là Đức Giêsu. Thật vậy, Đức Giêsu đã
phải nếm sự chết, là để cho mọi người được cứu độ, nhờ ơn Thiên Chúa.” (Dt
2:9) Gia đình nhỏ có hạnh phúc thì gia đình lớn mới có hạnh phúc.
Tất cả chúng ta, không phân biệt gì, đều là
thành viên trong Đại Gia Đình của Thiên Chúa. Gia đình nhỏ cần có hạnh phúc để
vui sống và phát triển, gia đình lớn cũng vậy. Thánh Phaolô xác định: “Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng
đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã
làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu trải qua gian khổ mà trở thành vị
lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ. Thật vậy, Đấng thánh hoá là
Đức Giêsu, và những ai được thánh hoá đều do một nguồn gốc. Vì thế, Người đã
không hổ thẹn gọi họ là anh em.” (Dt 2:10-11) Chúng ta chỉ là tội nhân mà
được Thiên Chúa nhận là huynh đệ thì quả là trên cả tuyệt vời rồi!
Gia đình được mệnh danh là tổ ấm, nhưng gia
đình không có hạnh phúc thì chỉ là tổ lạnh và bất hạnh. Gia đình thiếu hạnh
phúc sẽ dẫn đến cảnh vợ chồng ly thân hoặc ly hôn. Dù là dạng “ly” nào cũng là
“chia ly,” dạng nào cũng tệ hại vì gây bất hạnh – cho chính hai vợ chồng, nhất
là bất hạnh cho con cái, vì chúng sẽ bị ảnh hưởng xấu về tâm sinh lý.
Theo trình thuật Mc 10:2-12, có mấy người
Pharisêu đến gần Đức Giêsu và hỏi người chồng có được phép rẫy vợ hay không. Họ
hỏi thế là để thử Ngài thôi, tâm địa của họ thế nào thì còn ai lạ gì nữa! Chúa
Giêsu “đi guốc” trong bụng họ nên Ngài trả lời họ bằng một câu hỏi: “Thế ông Môsê đã truyền dạy các ông điều gì?”
Họ nói rằng ông Môsê đã cho phép chồng viết giấy ly dị mà rẫy vợ. Ngài nói: “Chính vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông
Môsê mới viết điều răn đó cho các ông. Còn lúc khởi đầu công trình tạo dựng,
Thiên Chúa đã làm nên con người có nam có nữ; vì thế, người đàn ông sẽ LÌA cha
mẹ mà GẮN BÓ với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ
không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, SỰ GÌ THIÊN CHÚA ĐÃ
PHỐI HỢP, LOÀI NGƯỜI KHÔNG ĐƯỢC PHÂN LY.”
Có nhiều dạng ơn gọi. Hôn nhân là một ơn gọi.
Vợ chồng được mời gọi diễn tả tình yêu phối ngẫu qua 3 chữ T: Thân
mật, Thủy
chung và Thanh
tịnh (khiết tịnh). Với 3 chữ T đó, cả vợ và chồng đều phải tự nhủ: “Tôi Trung Thành.” Đó không chỉ là lời
hứa với nhau mà chính là hứa với Thiên Chúa: “Anh/em nhận em/anh làm vợ/chồng, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với
em/anh, khi thịnh vượng cũng như lúc gian lao, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh
khỏe, để yêu thương và tôn trọng em/anh mọi ngày suốt đời anh/em.” Lời đó không
là lời hứa bình thường theo nghi thức, mà là lời “thề độc,” vày không ai có thể
“giải” được.
Hôm đó, khi về đến nhà, các môn đệ hỏi Chúa
Giêsu về vấn đề phu thê. Ngài cho biết: “Ai
rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình đối với vợ mình; và ai bỏ chồng
để lấy chồng khác thì cũng phạm tội ngoại tình.” Tội lỗi có tính liên đới,
hệ lụy, và các “cấu trúc tội” cũng có căn nguyên trong trách nhiệm của tội cá
nhân. Có “chiều kích xã hội” vì nó nằm trong cách thức chúng ta có thể phạm tội. Đó không chỉ là hành động trực
tiếp của mình, mà còn gián tiếp liên lụy các tội do người khác phạm trực tiếp.
Tình trạng đó gọi là liên lụy tội lỗi. Các thánh nói gì về tội lỗi? Thánh Piô Năm Dấu khuyên:
“Hãy tiến bước một cách đơn sơ trên đường
lối Chúa, và đừng làm khốn khổ trí lòng mình. Hãy học cho biết gớm ghét tội
lỗi, nhưng hãy gớm ghét một cách điềm tĩnh.” Thánh Cyril, người Giêrusalem,
phân tích: “Tội lỗi là sự dữ đáng kinh
sợ, nhưng với người biết sám hối thì rất dễ chữa lành.” Thánh Moses, người
Ethiopia, cho biết: “Thiên Chúa sẽ KHÔNG
nhậm lời chúng ta cầu nguyện nếu chúng ta KHÔNG nhận mình là tội nhân. Chúng ta thực thi điều ấy khi chúng ta suy
xét về tội lỗi của chính mình, chứ không suy xét tội lỗi của tha nhân.” Lòng
thương xót của Chúa vẫn bao la, chỉ cần tội nhân thành tâm sám hối mà thôi. Hãy
đứng dậy ngay, đừng bao giờ thất vọng!
Điều cần chú ý: Chúng ta đang sống thời cuối,
thời mà ma quỷ tấn công mạnh về các giá trị gia đình. Thánh Piô Năm Dấu nhắc
nhở: “Hãy yêu mến Đức Mẹ và hãy lần chuỗi
Mân Côi, vì chuỗi Mân Côi là vũ khí chống lại sự dữ trong thế giới ngày nay.
Mọi ân sủng đều được Thiên Chúa trao ban qua Đức Mẹ.”
Lạy
Thiên Chúa nhân lành, xin giúp chúng con nhận thức và ý thức về giá trị gia
đình, nhờ vậy mà nỗ lực tuân giữ Luật Ngài truyền là bảo vệ gia đình, nhân phẩm
và luân lý. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất
của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
▶ Lòng Cha Nở Hoa Tình Chúa – https://youtu.be/lqCCSJ1TKY0
▶ Viết Về Cha – https://youtu.be/AKHM3g80WeU
▶ Nhớ Thương Mẹ Hiền – https://youtu.be/1_tBxvirgOE (Nam) – https://youtu.be/QPJKCJLWQV8 (Bắc)
▷ Ước Mơ Tuổi Thơ – https://youtu.be/rO8UWhWbT8k
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment