Nước mắt là biểu hiện của nỗi buồn, hiếm khi là biểu hiện của niềm vui như cụ Nguyễn Công Trứ mô tả: “Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười.” (thi phẩm Cây Thông)
Nước mắt nào cũng mặn, nhưng có nhiều loại nước mắt. Loại nước mắt bị người ta ghét nhất là “nước mắt cá sấu.” Loại nước mắt bị ghét nhất mà lại thường thấy nhiều nhất! Vậy người ta thích loại nước mắt nào? Chắc hẳn loại nước mắt người ta thích là “nước mắt thật lòng” – dù buồn lắm.
Trong nhạc phẩm “Giọt Nước Mắt Ngà,” nhạc sĩ Ngô Thụy Miên đã mô tả: “Em đứng bên sông buồn, nhìn cuộc tình trôi qua và lòng người phôi pha. Trên hai đóa môi hồng, nụ cười đã đi xa, ôi giọt nước mắt nào cho cuộc tình đầu…” Ở đây là loại tình yêu đôi lứa. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể hiểu cho các loại tình yêu khác. Nước mắt thật lòng luôn buồn, y như người ta vẫn nói: “Sự thật hay mất lòng.” Ôi, “Giọt Nước Mắt Ngà” của ông Ngô Thụy Miên cũng buồn lắm, dù quý lắm, nhưng giọt nước mắt đó đã hướng thượng: “Anh đi về dấu giáo đường, cho cuộc tình bay cao, cho lòng mình xôn xao…” Màu buồn mà vẫn đẹp, sắc tím mà vẫn lung linh.
Chúa Giêsu cũng đã từng khóc. Ngài xúc động tới ba lần trước cái chết của anh bạn Ladarô. Khi thấy cô Maria khóc và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến, (Ga 11:33) đó là lần thứ nhất. Ngài khóc lần thứ hai khi đi đến mộ Ladarô. (Ga 11:35) Người Do Thái thấy vậy liền nói: “Kìa xem! Ông ta thương anh Ladarô biết mấy!” Khi nghe người ta đặt vấn đề rằng Ngài chữa khỏi chứng mù mà sao lại không thể làm cho Ladarô khỏi chết. Thế là Ngài lại thổn thức trong lòng, (Ga 11:38) tức là Ngài khóc lần thứ ba.
Sinh ra ai cũng khóc. Khóc vì “tiên tri” rằng đời là bể khổ, hay là khóc cần thiết cho cuộc sống? Phần cứng được cài đặt sẵn trong máy vi tính là có dụng ý của nhà chế tạo. Nước mắt cũng vậy, chắc hẳn có dụng ý mầu nhiệm của Thiên Chúa. Thật vậy, Chúa Giêsu đã xin Chúa cất khỏi chén đắng mà không được, rồi vẫn phải bị te tua tơi tả cho đến chết thê thảm. Và chính Chúa Giêsu cũng đã phải khóc nhiều lần, buồn não lòng, “buồn đến chết được” (Mt 26:38; Mc 14:34) kia mà!
Samuel Beckett (1906-1989, tiểu thuyết gia, kịch tác gia và thi sĩ Ai Len) có triết lý độc đáo lắm: “Nước mắt của thế gian này luôn bất biến. Nơi này có người bắt đầu khóc thì ở nơi nào đó có một người ngừng rơi lệ. Với tiếng cười cũng vậy.” Tính liên đới rất lạ!
Thật dễ để dùng vạt áo lau khô những giọt lệ, nhưng rất khó để có thể xóa sạch dấu vết nước mắt khỏi trái tim mình. Tuy nhiên, nước mắt lại chính là ngôn ngữ bí ẩn của trái tim, không thể diễn tả được. Vì thế, chúng ta phải cố gắng để có thể biết cách nhìn lại những giọt nước mắt để chúng ta có thể mỉm cười, nhưng đừng bao giờ nhìn lại những nụ cười vì chắc chắn chúng ta sẽ bật khóc.
Nước mắt tốt cho thị lực, và cũng có lợi cho tinh thần. Nước mắt có thể làm trôi đi nhiều thứ, kể cả tội lỗi. Chúng ta phải khóc nhiều vì tội nhiều, phải khóc cả đời, thế mà vẫn không sạch hết tội.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con!
TRẦM THIÊN THU
Vừa chật hẹp vừa lắm những gai chông
Chầm chậm bước mà luôn phải ngó chừng
Sảy một ly có thể nguy ngàn dặm
Mắt ngó thẳng, đi mà thấy thăm thẳm
Chẳng thấy đâu bóng mát để dừng chân
Trời oi ả, da cháy nắng, mắt vàng
Mồ hôi đổ nhễ nhại, người phờ phạc
Rồi bất chợt bão, lũ, mưa như trút
Người rời rã bởi dãi nắng dầm mưa
Kiếp phàm nhân gánh đau khổ ê chề
Đi theo Chúa, ôi chao, sao mà mệt!
Ngày trĩu khổ, đêm lo toan đầy ắp
Tháng nhọc nhằn gom đủ năm gian nan
Xuân rồi Hạ, Thu, Đông, cứ luân phiên
Ngó trước sau, dọc ngang, chỉ thấy khổ
Đường theo Chúa sao mà gập ghềnh quá!
Chẳng êm đềm, chẳng thấy ai đồng hành
Giữa khổ đau cứ một mình loanh quanh
Vai rát nóng vì vết hằn thập giá
Có đôi khi chân chao đảo ngã qụy
Phải rán sức đứng dậy, cố bước đi
Cầu cứu Chúa mà sao chẳng thấy gì
Nhưng lạy Ngài, con không muốn bỏ cuộc!
Con sẽ cố vác khổ đau tới chết
Chỉ xin Ngài thổi Thần Khí cho con
Giữa nhọc nhằn rồi con sẽ chết mòn
Nhưng lúc đó Chúa ôm con thật chặt
Bắt đầu sống ngay khi bắt đầu chết
Chúa là đường, là chân lý, trường sinh
Xin giúp con tín thác và trung thành
Để đạt được mục đích: vạch-sinh-tử
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment