Thứ Ba, 12 tháng 1, 2021

ĐỜI KHUYẾT ĐỜI TRÒN

Lá vàng rụng cả mùa Thu

Bay đầy chiều lặng đón mùa Đông sang

Xuân xanh lại hóa Hạ vàng

Tứ thời, bát tiết kết vòng quanh năm

Đời người là chuỗi ăn năn

Nửa vầng trăng khuyết mong tròn vầng trăng

Giống nhau một cõi thọ chung [1]

Giàu, nghèo – một chỗ thọ đường nằm im [2]

Hơn nhau là ở con tim

Thắm tươi dòng máu mang niềm yêu thương

Cuộc đời một chuyến vô thường

Dù là hưởng thọ, hưởng dương – ích gì?

Cầu xin Thiên Chúa từ bi

Ban ơn, thêm sức kiên trì tin yêu

Thời gian cứ sáng lại chiều

Mỗi ngày mong hóa hạt yêu kết đời


TRẦM THIÊN THU

Chiều 12-01-2021

[1] Thọ chung: già thì chết.

[2] Thọ đường: quan tài.

QUÂN TỬ và TIỂU NHÂN

Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến hỏi thăm Khổng Tử thì gặp một người đang đứng ở cổng nhà Khổng Tử.

Người khách này ngăn vị học trò  kia lại và nói: “Nghe nói thầy dạy của ngài là Khổng thánh nhân, như vậy thì học vấn của ngài chắc phải cao lắm. Ngài cho ta hỏi một năm có mấy mùa? Nếu ngài trả lời đúng, ta sẽ dập đầu quỳ lạy ngài, còn nếu trả lời sai thì ngài phải bái lạy ta.”

Vị đệ tử kia suy nghĩ một lát rồi nói: “Xuân, Hạ, Thu, Đông, có bốn mùa!”

Người khách kia cãi lại: “Sai! Có ba mùa!”

Vị đệ tử này cảm thấy thực sự là kỳ quái nói: “Rõ ràng là một năm có bốn mùa, sao ngươi lại nói là có ba mùa?”

Đúng lúc hai người tranh luận không thôi thì Khổng Tử đi ra. Vị khách kia hỏi: “Thánh nhân, xin ngài hãy phân xử, một năm rốt cuộc là có mấy mùa?”

Khổng Tử nhìn vị khách một lượt rồi nói: “Ba mùa!”

Vị khách vô cùng đắc thắng, quay sang cậu học trò của Khổng Tử: “Ngươi nghe đã rõ chưa, còn không bái ta một lạy tạ lỗi sao?” Nói rồi đắc chí cười ha hả đi thẳng.

Cậu học trò thấy hết sức quái lạ, bèn hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy, một năm rõ ràng là có bốn mùa, sao vừa rồi thầy lại nói là có ba mùa?”

Khổng Tử trả lời: “Con không thấy người kia sao? Đó là một con châu chấu biến hóa mà thành. Một năm, châu chấu chỉ sống có ba mùa, xuân, hạ và thu, nó đâu có biết mùa đông? Con tranh luận với nó chẳng phải là không bao giờ có kết thúc sao?”

Vị đệ tử bừng tỉnh hiểu ra đạo ý cao thâm của bậc thánh nhân: Tranh cãi với người không cùng cảnh giới là việc phí thời gian vô ích. Lão Tử nói: “Thiện giả bất biện, biện giả bất thiện.” (Người thiện thì không tranh biện, người tranh biện thì không thiện.)

Sự tu dưỡng, trưởng thành trong đời một người thể hiện ở việc làm, không phải ở lời nói, tranh biện. Xưa nay, phàm đã là chân lý thì không cần tranh biện!

(Ôn Cố Tri Tân)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment