Tiếng Vang Từ Hoang Địa Mời Sám Hối
Lời Vọng Của Chứng Nhân Tạo An Bình
Ngày xưa Thánh Gioan Tẩy Giả ví mình là “Tiếng Kêu Trong Sa Mạc.” Nghe buồn bã, lạc lõng. Tuy nhiên, nỗi buồn của ngôn sứ này không ảo não như tiếng kêu đời thường. Có lẽ vì vậy mà Chúa Nhật III Mùa Vọng có màu Tím nhưng mang sắc Hồng, bâng khuâng mong chờ nhưng vẫn hân hoan hy vọng, với biểu tượng là cây nến màu hồng.
TIẾNG VỌNG
Tiếng kêu trong sa mạc của Thánh Gioan Tẩy Giả gợi nhớ tới loài Vạc, cũng gọi là Hạc. Đó là động vật có cánh, một loài chim thuộc họ Diệc, kiếm ăn ban đêm và có tiếng kêu buồn thảm. Tiếng Vạc kêu sương nghe buồn thảm vì là tiếng lòng của kẻ lẻ bạn, đơn độc, một mình bay đi kiếm ăn ban đêm nhưng lòng vẫn thương nhớ khôn nguôi về người bạn tình phương xa. Tương tư khổ sở lắm, tiếng Vạc kêu trong đêm vắng nghe não nề lắm.
Cuộc sống có những nỗi buồn, nhưng chính nỗi buồn lại làm cho người ta khôn ngoan hơn và biết thương nhau hơn. Có truyện ngụ ngôn về bốn ngọn nến – tượng trưng cho [1] Hòa Bình, [2] Niềm Tin, [3] Tình Yêu, và [4] Hy Vọng. Thế giới hiếm khi không có chiến tranh, giữa người với người cũng vẫn thiếu sự hòa thuận, dù là những người trong cùng một gia đình. Ngọn nến Hòa Bình cứ mờ dần, chỉ còn leo lét, rồi… tắt. Cũng vậy, thế giới ngày nay đang mất dần niềm tin, cứ ngờ vựa nhau, coi tôn giáo là xa xỉ phẩm, thậm chí còn bách hại. Ngọn nến Niềm Tin cứ tắt dần, tỏa ra làn khói trắng luyến tiếc. Tương tự, người ta cũng không còn tha thiết với ngọn nến Tình Yêu nên không muốn thắp lửa yêu thương. Những người thân ruột thịt với nhau mà còn thổi tắt ngọn nến này thì gia đình không thể sáng sủa. Cả ba ngọn nến đã tắt, chỉ còn ngọn nến Hy Vọng, ánh sáng le lói, nhưng vẫn có lửa cháy. Đó là điều quan yếu.
Dù có thế nào thì cuộc sống này vẫn rất cần ngọn nến Hy Vọng. Ngọn nến này cần thiết vì chính lửa Hy Vọng (đức Cậy) sẽ đủ sức thắp sáng ba ngọn nến kia. Đó là triết lý sống của Mùa Vọng, mùa đợi trông Đấng Cứu Thế. Cần ghi nhớ và thực hành theo lời khuyên của Thánh LM Don Bosco: “Càng khốn khó thì càng phải tin cậy vào Thiên Chúa.” Trong tình trạng dịch bệnh vẫn có nhiều nguy cơ hiện nay giúp chúng ta cảm nghiệm sự cần thiết của niềm hy vọng.
Ngược lại, thất vọng dẫn tới tuyệt vọng. Tuyệt vọng là chấm hết, là cái chết ngay khi còn hít thở, là cái chết yểu trước khi chết thật.
Thiên Chúa sẽ xót thương và cứu vớt những ai biết tin cậy vào Ngài, biết khiêm tốn nhận ra mình hèn mọn. Ngôn sứ Isaia cho biết: “Thần khí của Đức Chúa là Chúa Thượng ngự trên tôi, vì Đức Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, sai đi báo tin mừng cho kẻ nghèo hèn, băng bó những tấm lòng tan nát, công bố lệnh ân xá cho kẻ bị giam cầm, ngày phóng thích cho những tù nhân, công bố một năm hồng ân của Đức Chúa, một ngày báo phục của Thiên Chúa chúng ta.” (Is 61:1-2) Công lý phải được tôn trọng, vì có công lý thì mới có hòa bình đích thực. Thế giới sẽ hoàn toàn đổi mới nếu người ta tôn trọng công lý, nghĩa là không còn ai bị áp bức.
Khi có Thiên Chúa, cuộc sống vui mừng gia tăng bất ngờ. Ngôn sứ Isaia cho biết: “Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa, nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao! Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ, choàng cho tôi đức chính trực công minh, như chú rể chỉnh tề khăn áo, tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang. Như đất đai làm đâm chồi nẩy lộc, như vườn tược cho nở hạt sinh mầm, Đức Chúa là Chúa Thượng cũng sẽ làm trổ hoa công chính, làm trổi vang lời ca ngợi trước mặt muôn dân.” (Is 61:10-11) Không có loại trang phục nào quý giá bằng “chiếc áo” Hồng Ân Cứu Độ và “áo choàng” Chính Trực Công Minh. Đó là trang phục đặc biệt của tín nhân.
Thục nữ Maria là một thụ tạo đơn nghèo và giản dị, một nữ tỳ khiêm hạ, nhưng lại trở nên một nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại. Nghe lời chúc mừng của Bà Chị Êlidabét về việc làm Mẹ Thiên Chúa, Cô Em Maria không thể trì hoãn niềm hạnh phúc thánh đức nên đã thốt lên tuyệt tác Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn! Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.” (Lc 1:46-50)
Công lý luôn được Thiên Chúa bảo vệ, Ngài cũng luôn có cách hành động khác biệt đối với phàm nhân: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.” (Lc 1:52-53) Rất khác thường nhưng rất tuyệt vời. Thật vậy, Thánh Phaolô xác định: “Thiên Chúa không để cho người ta nhạo báng đâu! Thật vậy, ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy.” (Gl 6:7)
Đối với chúng ta, cuộc đời này là Mùa Vọng kéo dài, và không ai có thể biết chắc mình đang ở “tuần” thứ mấy của Mùa-Vọng-Cuộc-Đời, nhưng có lúc chúng ta cảm thấy vui như tâm tình của Chúa Nhật III Mùa Vọng này, vui vì sắp đến đích. Nhưng Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu. Anh em ĐỪNG dập tắt Thần Khí. CHỚ khinh thường ơn nói tiên tri. HÃY cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ, còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa.” (1 Tx 5:16-22) Bộ ba Đừng-Chớ-Hãy là các mệnh lệnh cần thiết.
Nếu thực sự chúng ta có thể làm như vậy thì chắc chắn được Thiên Chúa chúc lành, như mong ước của Thánh Phaolô: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó.” (1 Tx 5:23-24) Ước gì mỗi tín nhân chúng ta xứng đáng lãnh nhận ơn phúc trọn vẹn như ước nguyện đó.
LỜI CHỨNG
Một nhân vật quan trọng nào đó sắp đến một nơi nào đó, người ta có phái đoàn đi do thám trước để chuẩn bị những gì cần thiết, đặc biệt là vấn đề an ninh. Chẳng hạn tổng thống Mỹ đi đến quốc gia hoặc lãnh thổ nào cũng có những người đi trước để bảo đảm an ninh tuyệt đối.
Càng đặc biệt đối với cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu, được chuẩn bị hàng ngàn năm trước chứ không chỉ vài năm. Trước khi Ngài xuất hiện, một người được Thiên Chúa sai đi tiên phong là Gioan. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến làm chứng về ánh sáng để mọi người nhờ ông mà tin.
Lời chứng của đại nhân Gioan Tẩy Giả được ghi lại trong Ga 1:6-8,19-28 (≈ Mt 3:1-12; Mc 1:1-8; Lc 3:1-18). Khi người Do-thái từ Giêrusalem cử một số tư tế và mấy thầy Lêvi đến hỏi xem ông là ai. Chính ông thẳng thắn tuyên bố: “Tôi không phải là Đấng Kitô.” Thế nhưng họ không tin, có lẽ họ thấy ông thực sự kỳ lạ, một dị nhân rất đặc biệt. Và rồi họ lại hỏi ông như thế là thế nào, có phải ông là ngôn sứ Êlia hay không. Thật phi lý, vì Gioan là Gioan, không thể là Êlia hoặc bất cứ ai khác. Ông Gioan vẫn xác nhận là không. Họ lại hỏi ông có phải là vị ngôn sứ hay không, ông dứt khoát là không.
Tại sao họ cứ lải nhải hỏi dai như đỉa vậy? Vì họ có nhiệm vụ đi dò la tin tức, kiểu tay sai, như lũ “bưng bô” ngày nay vậy, để về báo cáo với thượng cấp. Động thái của những người có ác ý đó nhắc nhở chúng ta về động thái cố chấp, rõ ràng nhãn tiền mà vẫn không chịu tin. Khốn thay, vì kẻ không tin thì nhẹ tội hơn kẻ không thèm tin.
Đám do thám cứ nài ép ông Gioan nói về chính mình, ông nói thẳng: “Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ Isaia đã nói.” Trong số họ có một số thuộc nhóm Biệt Phái, những kẻ chuyên thọc gậy bánh xe. Họ đặt vấn đề với ông Gioan rằng nếu ông không phải là Đấng Kitô, không phải là ông Êlia hay vị ngôn sứ thì tại sao lại làm phép rửa. Ông Gioan lắc đầu chán ngán cái đầu bã đậu của tụi này, ông giải thích: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.”
Đối với những kẻ hợm mình như nhóm Biệt Phái thì thật thấm thía với nhận định của Alfred Einstein: “Cái gì cũng có điểm dừng, chỉ có cái ngu là không có điểm dừng.” Và cũng rất chí lý với cách phân tích của D. Granin: “Người ta thường không mắc sai lầm vì dốt mà vì tưởng mình giỏi.” Chung quy cũng chỉ tại “cái tôi” mà ra!
Ông Gioan là V.I.P., một ngôn sứ quan trọng vì là nhịp cầu nối Cựu Ước với Tân Ước, nhưng ông lại rất khiêm nhường. Điều này gợi nhớ câu nói khác của ông nói về Chúa Giêsu và chính ông: “Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi.” (Ga 3:30) Quả thật, đức khiêm nhường là nền tảng của tòa nhà nhân đức.
Theo Kinh Thánh, sự kiện này đã xảy ra tại Bêtania, bên kia sông Giođan, nơi ông Gioan làm phép rửa cho Chúa Giêsu. Thảo nào nhóm Pharisêu và Sađốc quỷ quyệt tìm cách “gài bẫy” người khác ngay tại nơi xảy ra sự kiện quan trọng. Tâm tà là tâm xà, tâm địa quỷ ma. Trong cuộc sống, có lẽ chúng ta cũng hơn một lần muốn “hạ gục” người khác bằng chiêu thức nào đó. Thế nhưng sự thật mãi mãi là sự thật, mọi chứng gian đều không thể bóp méo hoặc biến đổi sự thật, như tục ngữ nói: “Cây ngay không sợ chết đứng.”
Bất cứ ai chân chính, dù là tín nhân hay vô tín ngưỡng, thì không thể dính líu tới loại máu của loài quỷ đỏ hoặc Joe Biden. Quả thật, người Công giáo thực sự xấu hổ về ông Joe Biden, một con người không chỉ gian dối và mưu mô mà còn ủng hộ phá thai, hoàn toàn trái ngược với giáo lý Công giáo.
Lạy Thánh Phụ nhân lành, xin ban Đấng Thiên Sai để giúp chúng con biết cúi xuống trước người khác, sẵn sàng trở nên tiếng vọng giữa sa mạc cuộc đời vì Thánh Danh Đức Giêsu Kitô, sống vì sự thiện, thực thi công lý, bảo vệ chân lý và công ích. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment