Làm chồng và làm cha là hai bổn phận khác
nhau, nhưng vẫn nối kết với nhau, vì hai trách nhiệm nhưng chỉ có một người
phải thực hiện sao cho vuông tròn.
Muốn làm cha thì dễ nhưng để làm cha thì khó.
Đối với con cái, người mẹ quan yếu về lĩnh vực tình cảm, người cha quan yếu về
lĩnh vực tính cách. Vai trò nào cũng có tầm vóc riêng, nhưng phải làm sao giáo
dục cho con cái biết sống có trách nhiệm, như R. Tagore nói: “Từ thuở ấu thơ
đến lúc trưởng thành, những bài học về nghĩa vụ được coi là sự giáo dục toàn
diện.”
Một con người nhưng hai trọng trách: làm
chồng và làm cha. Làm chồng trước rồi làm cha sau, nhưng trước đó phải đặt vấn
đề về tình yêu.
I. TỰ VẤN TÌNH YÊU
Tình yêu khó giải thích nhưng ai cũng khả dĩ
cảm nhận. Tình yêu è Hôn nhân è Gia đình. Hôn nhân là chuyện cả đời, không như
canh bạc, “được ăn cả, ngả về không,” thế nên phải hết sức cẩn trọng. Hãy tự
hỏi mình các câu hỏi dưới đây và bạn sẽ sống hạnh phúc hơn. Bạn không tin ư?
Vậy thì cũng đáng để bạn thử tự vấn đấy. Nào, bắt đầu nhé!
1. TÔI CÓ THỰC SỰ YÊU CHƯA?
Đây là câu hỏi hóc búa đối với hầu hết những
người nghiêm túc – nhất là đối với nữ giới, vì câu hỏi đó làm cho họ suy nghĩ
về điều mình muốn, chứ không phải điều người kia muốn. Đa số sẽ trả lời “có” và
kèm theo chữ “nhưng...” Những gì theo sau chữ “nhưng” mới thực sự là vấn đề.
Chớ khinh suất!
Phụ nữ quan ngại nhiều hơn nam, vì “12 bến nước,
không biết bến nào đục, bến nào trong.” Phụ nữ trả lời “có,” nhưng đắn đo vì sợ anh
ấy uống rượu nhiều quá. Có, nhưng mong muốn anh ấy đừng liếc nhìn phụ nữ khác.
Hãy suy nghĩ xem anh ấy có là “người đàn ông đích thực của mình” hay không. Nếu
không, hãy tự hỏi điều gì làm bạn hạnh phúc hơn và hãy lập kế hoạch quan trọng
cho mình trước khi quá muộn!
Tất nhiên đàn ông cũng phải tự vấn xem mình
đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm với “xương sườn cụt” của mình hay chưa, hay là
chỉ biết đòi hỏi và “gia trưởng.” Đừng quên: Cây càng cao, gió càng rung. Nam
hay nữ đều khổ nếu lấy phải người “chẳng ra gì.” Không KHÔN nên hóa KHỐN là
vậy!
2. TÔI THỰC SỰ MUỐN LÀM GÌ NẾU MỌI NGƯỜI THU
NHẬP NHƯ TÔI?
Việc đưa tiền bạc ra khỏi “phương trình” sẽ
giúp bạn tập trung vào những gì bạn thực sự thích làm. Khi nghĩ về công việc mơ
ước, hãy tự hỏi điều gì thu hút bạn. Có thể đó là giờ giấc linh động hoặc chịu
trách nhiệm về kế hoạch riêng. Tuy nhiên, đừng ảo tưởng hoặc mơ mộng hão huyền,
hãy bắt tay làm việc để có thể... vượt qua chính mình. Lo cho mình nghiêm túc
trước rồi mới có thể hy vọng người khác nghiêm túc. Tiền bạc không thể mua được
hạnh phúc, nhưng nó vẫn cần để hỗ trợ hạnh phúc. Không nên lệ thuộc nó, mà hãy
làm chủ nó. Vì coi trọng nó mà huynh đệ tương tàn, hôn nhân rạn nứt, thậm chí
phá vỡ cả tình mẫu tử hoặc tình phụ tử.
3. TÔI CÓ THỰC SỰ ĐÓI?
Nếu chỉ ăn khi thấy đói thì không lo tăng
cân. Nhưng nếu dùng đồ ăn để thỏa mãn cảm giác (chán nản, cô đơn, buồn
miệng...) thì nên tự hỏi: “Tôi có thực sự đói?” Nếu “có” thì đói tới mức
nào? Chưa cồn cào thì đừng ăn. Làm vài lần như vậy với các đồ ăn khác nhau, cơ
thể sẽ cho bạn biết nên ăn gì. Hãy luôn tự hỏi để tránh tăng cân. Tất nhiên,
tránh béo phì là tránh bệnh. Sống khỏe sẽ sống hạnh phúc.
Tuy nhiên, cái đói ở đây còn mang nghĩa bóng,
nghĩa là tình yêu đã thực sự chín muồi đến mức không thể thiếu nhau trong cuộc
đời hay không?
4. TÔI CÓ THỰC SỰ CẦN GIÀU?
Người ta nghĩ đến việc trúng số để “đổi đời”
hoặc chí ít cũng là cải thiện cuộc sống về mặt tài chính. Nhưng bạn không cần
một tài sản lớn để có cuộc sống như mong muốn. Mỗi tháng để dành vài trăm ngàn
thì sau vài năm bạn sẽ có vài chục triệu. Bạn có thể đặt ra mục đích để phấn
đấu. Về cơ bản, đừng nghĩ suông mà hãy hành động cụ thể. Việc quản lý tiền bạc
cũng như kiểm soát thể trọng của bạn vậy, hãy cố gắng đạt được mục đích, đừng
“bán đồ nhi phế” – bỏ dở nửa chừng.
Kinh Thánh nói về giàu – nghèo: “Xin đừng
để con túng nghèo, cũng đừng cho con giàu có; chỉ xin cho con cơm bánh cần
dùng, kẻo được quá đầy dư, con sẽ khước từ Ngài; hay nếu phải túng nghèo, con
sinh ra trộm cắp, làm ô danh Thiên Chúa của con.” (Cn 30:8-9)
5. BẠN BÈ THÊM GÌ CHO TÔI?
Nếu câu trả lời là “những điều tốt lành” thì
bạn có một nền tảng vững chắc. Nhưng nếu câu trả lời là “những điều gây phiền phức”
thì bạn nên xem lại những người bạn đó. Có bạn tốt thì cũng có bạn xấu, đúng là
phải “chọn bạn mà chơi.” Albert nói: “Người bạn tâm giao là người dám làm
trái ý ta cả trăm lần để mang lại lợi ích cho ta.” Những người thẳng thắn
như vậy mới là người bạn tốt.
6. CHA MẸ TÔI CÓ BIẾT RÕ?
Bạn cảm thấy muốn đổi chỗ làm hoặc đi với ai
đó, nhưng mẹ bạn cho rằng bạn sai lầm. Bạn không biết nên làm gì. Ý của cha mẹ
có thể đúng, có thể sai, nhưng bạn nên cân nhắc kinh nghiệm của những người đi
trước. “Bảy mươi phải học bảy mốt” kia mà. Sự khôn ngoan của người lớn rất đáng
học hỏi. Trước khi bỏ qua ý kiến của cha mẹ, bạn hãy tự hỏi ý tưởng đó đến từ
đâu và có chứng cớ gì đáng tin cậy hay không. Nếu nghi ngờ, hãy dứt khoát bỏ
ngay.
7. MỨC ĐỘ SỐNG ĐẠO THẾ NÀO?
Với người có niềm tin tôn giáo nói chung, và
người Công giáo nói riêng, cuộc sống còn đòi hỏi bổn phận và trách nhiệm với
Thiên Chúa, Đấng mình tôn thờ – nghĩa là SỐNG ĐẠO chứ không đơn giản chỉ là GIỮ
ĐẠO. Xác cần lương thực để sống thì hồn cũng cần “lương thực” để sống, xác cần
vận động và chừng mực để sống khỏe thì hồn cũng vậy. Đời sống đạo cần tích cực
thể hiện ba đức đối thần nhưng cũng cần phát triển các đức đối nhân.
Người Pháp có câu nói chí lý: “Đừng vì
kính mến Chúa mà chống đối người khác.” Có vậy thì mới khả dĩ sinh hoa kết
trái của Chúa Thánh Thần, túc là hoa quả của Thần Khí: “Bác ái, hoan lạc,
bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Không có
luật nào chống lại những điều như thế.” (Gl 5:22-23)
II. NGƯỜI CHA và NGƯỜI CHỒNG
Nữ giới hướng nội, nam giới hướng ngoại. Đó
là quan niệm cổ xưa, bất cân bằng. Nữ là âm, nam là dương. Đó là quy luật hài
hòa. Càn khôn phải có âm dương hòa hợp. Tuy nhiên, nội hay ngoại đều cần, không
thể tuyệt đối bất di bất dịch mà chỉ nhiều hơn hay ít hơn một chút, nội hay
ngoại đều có một vị trí nhất định. Thói gia trưởng đã và đang là mối quan ngại
đối với phụ nữ trong việc lập gia đình, sinh con, tham gia hoạt động xã hội,… Làm
chồng thì đừng áp chế vợ, và làm cha thì đừng đè nén con cái.
Chăm sóc gia đình không chỉ là đưa tiền về
nhà với động thái “ban phát,” mà nam giới còn phải cởi mở thân thiện để vợ con
không ngại trò chuyện hoặc cảm thấy xa cách. Xã hội ngày nay cần có sự bình
đẳng tích cực, cha mẹ cùng chăm sóc con cái. Dĩ nhiên không ai được phép ỷ lại
hoặc đùn đẩy trách nhiệm – kiểu như “cục đường ăn cả, cục muối cắn đôi.” Đừng
tự quan trọng hóa cũng đừng khinh suất!
Sẽ có sự bình đẳng nếu nam giới biết chia sẻ
một nửa công việc chăm sóc gia đình với phụ nữ, nhưng vẫn giữ vai trò “chống
mũi chịu sào” của gia đình. Và như vậy, người chồng luôn được người vợ nể
trọng, người cha luôn được con cái kính yêu.
Để có được cái nhìn bình đẳng thực sự trong
gia đình, chính nam giới phải có sự thay đổi ngay từ trong nếp nghĩ. Thật vậy,
càng hiểu biết nhiều thì người ta càng dễ cảm thông và tha thứ. Sự khiêm nhường
luôn có hệ lụy với sự khoan dung, còn lòng kiêu ngạo luôn gắn liền với lòng ghen
tỵ.
Sống tốt là sống chân thành, không xu nịnh,
không vụ lợi hoặc thực dụng, dù là trong các vấn đề sinh tử. Đó là bổn phận làm
người. Lão Tử dạy: “Lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì bình.” Sống
tốt ngay từ trong gia đình, vì gia đình là nền tảng của đất nước và xã hội – kể
cả giáo hội. Nền tảng gia đình là để tạo lập và bảo vệ hạnh phúc đích thực – cái
mà không thể mua bằng vàng bạc hay bất cứ loại châu báu nào.
Mọi người đều là thiên thần, nhưng thiên thần
chỉ mới có một cánh. Chúng ta có thể bay lên cao được nhờ biết hợp tác, biết
đồng lao cộng khổ và cùng chung lưng đấu cật ở mọi hoàn cảnh. Nghèo không sợ hãi
và khổ không nao núng, đó là con người không bao giờ bị khuất phục. Syrius khuyên:
“Nên tin vào sự can đảm của mình hơn là sự may mắn.” Không ghen ghét ai
và không cầu cạnh ai thì làm gì cũng tốt, vì không lệ thuộc bất kỳ ai.
Ca dao Việt Nam có triết lý sống đơn giản
nhưng vẫn thâm thúy:
Bề trên lượng cả khoan hồng
Khiến cho bề dưới đem lòng kính yêu
Thiên Chúa luôn đề cao gia đình, vì chính
Chúa Giêsu cũng sống trong một gia đình và được cha mẹ chăm sóc. Hôn nhân là
một trong bảy bí tích được Thiên Chúa thiết lập. Kinh thánh dạy: “Hãy thảo
kính cha mẹ.” (Hc 3:1-16) Và rồi Chúa Giêsu đã nêu gương vâng phục cha mẹ.
(Lc 2:51)
Thánh Phaolô đưa ra lời khuyên về đời sống
gia đình: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người
thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ
làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những
bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.” (Cl
3:18-21)
Thánh Phaolô cũng nói riêng về trách nhiệm
cha mẹ: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo
dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy.” (Ep 6:4)
Phàm điều gì là bổn phận và trách nhiệm thì
không hề dễ thực hiện, tức là khó lắm, thế nhưng vẫn phải làm, vì thế mới phải
không ngừng cố gắng!
III. NHÀ TƯ VẤN GIÊSU
Nếu Chúa Giêsu là nhà tư vấn hôn nhân, Ngài
sẽ khuyên bạn làm gì? Trang beliefnet.com đề cập 5 vấn đề:
1. PHỤC VỤ
Chắc hẳn Chúa Giêsu sẽ khuyên vợ chồng phải
phục vụ lẫn nhau, như Thánh Phaolô nói: “Vì lòng kính sợ Đức Kitô, anh em
hãy tùng phục lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì
chồng là đầu của vợ cũng như Đức Kitô là đầu của Hội Thánh, chính Người là Đấng
cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Đức Kitô
thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm
chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình
vì Hội Thánh; như vậy, Người thánh hoá và thanh tẩy Hội Thánh bằng nước và lời
hằng sống, để trước mặt Người, có một Hội Thánh xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố,
không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh
tuyền. Cũng thế, chồng phải yêu vợ như yêu chính thân thể mình. Yêu vợ là yêu
chính mình.” (Ep 5:21-28)
2. TRAO TẶNG và BIẾT ƠN
Hãy trao tặng cả con người của mình, vì “cho
thì có phúc hơn là nhận.” (Cv 20:35) Mối quan hệ phu thê luôn cần nhiều sự quan
tâm, chăm sóc, cả tinh thần và thể lý. Một bữa ăn, một ly cà phê, một lời cảm
ơn,… đó là thể hiện tình yêu dành cho nhau: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã
làm ra con người có nam có nữ. Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ
mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Như vậy, họ không còn là hai,
nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người
không được phân ly.” (Mt 19:4-6) Thánh Phaolô nói: “Ở đâu và lúc nào
chúng tôi cũng đón nhận những ân huệ ấy với tất cả lòng biết ơn.” (Cv 24:3)
3. YÊU THƯƠNG và THA THỨ
Yêu thương và tha thứ luôn liên quan với
nhau. Có yêu thương thì mới khả dĩ tha thứ. Thánh Phaolô nói: “Anh em đừng
mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn
Lề Luật. Thật thế, các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được
giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn
khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.
Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật
vậy.” (Rm 13:8-10)
Thánh Phaolô phân tích: “Đức mến thì nhẫn
nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều
bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng
khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả,
tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13:4-7)
4. ĐỪNG ÍCH KỶ
Ích kỷ là tính xấu, là hoa trái không tốt
lành. Chúa Giêsu muốn mọi người biết tôn trọng nhau và yêu thương nhau, huống
chi là vợ chồng với nhau. Ngài biết chúng ta bất toàn, thế nên Ngài ở giữa để
lấp đầy khoảng cách đó. Tuy nhiên, chúng ta có thể gieo hạt để có thể thu hoạch
trong mối quan hệ phu thê. Thánh Giacôbê nói: “Nếu anh em sống theo tính xác
thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành
vi của con người ích kỷ nơi anh em thì anh em sẽ được sống.” (Rm 8:13)
5. ĐỪNG NÓNG GIẬN
Cơn giận khiến người ta mất khôn và khiến xa
cách nhau. Do đó, hãy cố gắng làm hòa trước khi đi ngủ. Nóng giận là một trong
những điều do tính xác thịt gây ra, (Gl 5:19-20) không nóng giận là thể hiện
đức mến. (1 Cr 13:5) Thánh Giacôbê khuyên: “Mỗi người phải mau nghe, đừng
vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối
công chính của Thiên Chúa.” (Gc 1:19-20) Không nóng giận sẽ làm cho gia
đình ngập tràn niềm vui.
Về sự tức giận, Kinh Thánh vừa khuyên nhủ vừa
nghiêm huấn: “Đừng bè bạn với người hay nóng giận, chớ giao du với kẻ dễ nổi
xung, kẻo con lại học đòi lối sống của chúng, khiến thân con mắc phải bẫy dò.”
(Cn 22:24-25) Và còn hơn như thế: “Đứa nóng giận thì độc ác, kẻ thịnh nộ thì
bạo tàn.” (Cn 27:4)
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo ĐMHCG số 406 tháng 06-2020, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Mỹ]
✽ Vai Trò Gia Trưởng – https://tramthienthu.blogspot.com/2020/03/vai-tro-gia-truong.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment