Kinh Thánh đã minh
định: “Kính sợ Đức Chúa là bước đầu của tri thức. Kẻ ngu si khinh thường khôn ngoan và lời nghiêm huấn.” (Cn 1:7) Có sự khôn
ngoan thật thì biết tiếp thu giáo dục. Sự giáo dục đúng đắn dựa trên nền tảng
yêu thương khả dĩ biến đổi kẻ xấu thành người tốt. Kinh Thánh nhắn nhủ: “Hỡi
các con, hãy lắng nghe lời nghiêm huấn của bậc cha anh, và chú ý để hiểu cho
tường. Thật vậy, thầy ban cho các con lời khuyên quý báu; đừng sao nhãng giáo
huấn của thầy.” (Cn 4:1-2)
Giáo dục không hẳn là
phải dùng lời nói mà đôi khi chỉ cần thể hiện động thái một cách nghiêm nghị:
Từ Chối hoặc Im Lặng.
1. IM LẶNG
Có thể số 2 là “số đẹp” – theo ý nghĩa thông
thường. Chia vui
phải có hai người, chia buồn phải có hai người, đùa giỡn phải có hai người, cãi
nhau phải có hai người, tâm sự phải có hai người, khiêu vũ phải có hai người,…
Không thể kéo nhau nếu không có hai đầu dây. Cuộc tranh luận cũng phải có ít
nhất hai người. Chuyện gia đình cũng vậy, phải có cha hoặc mẹ và một đứa con
thì mới xảy ra xung đột.
Ca dao Việt Nam nói: “Lời nói
chẳng mất tiền mua – Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.” Tốt cũng cái lưỡi, xấu cũng cái
lưỡi. Muốn ngừng xung đột, một người phải dừng lại. Muốn ngừng “kéo co,” một người phải buông dây. Muốn
ngừng tranh cãi, một người phải ngừng nói. Tục ngữ Việt Nam thật chí lý: “Một
sự nhịn, chín sự lành.” Có ai dám “đổ dầu vào lửa” không? Chỉ có người… điên!
Tóm lại, cách xử lý một đứa trẻ
hay tranh cãi là không nói gì. Im lặng làm người khác “không thoải mái,” nhất là các thiếu niên. Chúng
không quen thấy cha mẹ ở trước mặt mình mà không ai nói gì. Và chúng tìm cách
“mở miệng” cha mẹ. Nếu cha mẹ không vững lập trường thì có thể sẽ “phát thanh”
ngay!
Hãy thử im lặng xem sao khi chúng
nói những lời “không lọt tai.” Nếu cha mẹ không đủ “bản lĩnh” sẽ “nổi xung” ngay. Cứ cố gắng im
lặng khi chúng “nói khó nghe”, dọa nghỉ học hoặc bỏ học, nói rằng chúng không
được yêu thương, hoặc dùng những lời thô lỗ để “bày binh bố trận” nhằm chứng tỏ
“bản lĩnh” của mình để “lấn át” người khác. Khi đó, chúng đang khiêu khích để
người lớn cảm thấy phải phản ứng. Lúc này có thể “im lặng là vàng,” nói gì cũng vô ích, chỉ nên
nghiêm mặt với ánh mắt cương nghị. “Ánh mắt là cửa sổ tâm hồn” nên người ta rất
“ngại” nhìn vào “cửa sổ” ấy! Thật vậy, “mẹ đánh một trăm không bằng cha ngăm
một tiếng” là với ý đó.
Khi trẻ tranh luận, chúng bị lấn
át bởi cảm xúc, đó là phản ứng tất yếu của não, nên chúng ít có khả năng suy
xét. Nhưng khi cảm xúc lắng xuống, như thủy triều rút cạn, não sẽ phản ứng để
chúng xem lại cách hành xử của mình. Vì thế mà người ta mới biết ăn năn hối lỗi
sau khi sai lầm, dù lúc đang nóng ai cũng cho mình là… đúng. Não cũng có phần thu âm và
thu hình, sau cơn giận là lúc nó phát lại cho chính người đó “rà soát” lại. Đó
là “tiếng nói lương tâm,” là phần
phản ứng của não có điều kiện, trẻ sẽ lưu ý và rút kinh nghiệm để sống tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu “cuộn băng” đó thu âm hai giọng nói – của con và của cha/mẹ – và cả hai đều “phát” một lúc,
phản ứng não của
trẻ sẽ “hiểu” là “mình nói đúng” hoặc “mình làm đúng.” Do đó mà trẻ cố chấp, khó nhận
lỗi mình – nếu chúng
thực sự hành xử sai trái.
Nếu cha mẹ sai, ít có cha mẹ nào
dám nhận lỗi mình và “can đảm” xin lỗi con cái, vì luôn nghĩ mình lớn thì đúng,
có sai cũng không phải xin lỗi con cái. Đó là SAI LẦM quá lớn! Cũng hiếm cha mẹ
nghĩ mình sai lầm khi tranh cãi với con cái, muốn lấn lướt con cái. Về điểm
này, thiết tưởng các bậc làm cha mẹ phải xem lại chính mình. Nếu cha mẹ sai,
con cái thấy cha mẹ nhận lỗi và xin lỗi thì chúng càng đánh giá cao về cha mẹ
và chúng cũng học tập để dễ nhận lỗi phần mình.
Đa số các cuộc tranh cãi hoặc
xung đột đều do các phản ứng của não “đối kháng” nhau, như kiểu giằng co trong
lòng chúng ta. Đó là lý do mà việc tranh cãi, dù ít hay nhiều hoặc bình thường
hay căng thẳng, không là chiến lược hiệu quả để giáo dục trẻ thành nhân.
Giáo dục là hoạt động song
phương, chỉ có thể xảy ra khi có người chịu lắng nghe. Khi xảy ra xung đột với
trẻ, cha mẹ nên có điều gì đó thực tế để giáo dục chúng, nhờ đó chúng mới thực
sự tâm phục khẩu phục, sẵn sàng coi cha mẹ là… “thần tượng.”
2. TỪ CHỐI
Không dễ từ chối khi có thể chấp
nhận. Những cha mẹ nuông chiều con cái có thể khiến chúng dễ lo âu và trầm cảm
trong tương lai. Nguy hiểm của sự nuông chiều là làm cho chúng tự quan trọng
hóa và trở nên ích kỷ.
Tiết kiệm và tự khước từ có giá
trị quan yếu. Nhưng nhiều thiếu niên đã thiếu (hoặc mất) các “đức tính” đó.
Chưa thể trách chúng vì chính cha mẹ nuông chiều mà chúng trở nên như vậy. Còn
là học sinh mà xài điện thoại di động để làm gì? Chúng đã làm gì để có tiền trả
cước phí? Tất nhiên cha mẹ lại phải thanh toán. Được voi thì đòi tiên!
So với 10 hoặc 20 năm trước, trẻ
em ngày nay lười làm việc nhà hơn. Nghiên cứu ở Úc cho thấy 53% trẻ con muốn
mua đồ xài riêng để cảm thấy hãnh diện và 73% các cha mẹ nói rằng con cái họ
“tập trung" vào mua sắm và hoang phí. Cha mẹ càng phải làm việc nhiều hơn
để con cái “không thua kém bạn bè.”
Nhu cầu của trẻ tăng cao cũng do
làn sóng tiếp thị nhắm vào chúng. Viện Nhi khoa Hoa Kỳ ước tính mỗi năm trung
bình một đứa trẻ Mỹ xem 40.000 chương trình quảng cáo. Đó là áp lực vô thức lên
cả cha mẹ và con cái, khó tránh khỏi. Cha mẹ cần biết cân bằng giữa các thuận
lợi của xã hội và các giá trị nhân bản của cuộc sống: Muốn đạt được mục đích
thì phải biết chờ đợi, tiết kiệm và làm việc chăm chỉ. Trẻ em có thể học tự
kiềm chế bằng cách quan sát cách xử sự của người khác, đặc biệt là cách xử sự
của cha mẹ.
Muốn vậy, cha mẹ phải mất nhiều
thời gian để quan tâm tới con cái. Cha mẹ chú trọng các giá trị cao thì mới đủ
uy tín để dạy chúng các tiêu chuẩn sống. Hạn chế yêu sách của chúng không phải
là “cấm” chúng mà
phải giải thích cho chúng hiểu những gì thực sự cần thiết hoặc chưa cần thiết,
đồng thời cũng cần lắng nghe chúng trình bày, tuyệt đối đừng áp chế chúng. Có
thể khó nhận biết thế nào là “đủ” nhưng vẫn khả dĩ nhận ra sự “quá đáng” để dừng lại.
Phụ huynh cần luyện tập kỹ năng
làm cha mẹ để giáo dục luân lý và đạo đức cho con cái, đồng thời cần hiểu rõ
tầm ảnh hưởng mạnh mẽ của các loại hình thông tin đại chúng (báo chí, phim ảnh,...) tác động vào chúng hằng
ngày. Hãy lưu ý chúng, nói chuyện với chúng và lắng nghe chúng. Nhờ vậy mà có
thể ngăn ngừa và động viên chúng hướng thiện.
Được động viên thì trẻ thêm lòng
tin, được chia sẻ thì trẻ biết rộng lượng, được tha thứ thì trẻ biết khoan dung
và nhẫn nại. Ngược lại, trẻ sẽ lên án khi sống với những người hay chỉ trích,
trẻ sẽ nhút nhát sợ sệt khi sống giữa cảnh hãi hùng, trẻ sẽ tham lam khi sống
trong không khí đố kỵ. Rau nào, sâu nấy. Cha mẹ trung thực thì con cái công
bằng, cha mẹ hạnh phúc thì con cái nhân ái, cha mẹ hiền hậu thì con cái đức độ.
Những cảnh thương tâm có thể dạy cho trẻ biết đồng cảm.
Có con thì dễ, làm cha mẹ thì rất
khó. Chúng ta không chỉ dạy con bằng những điều bảo ban mà còn bằng cách sống
của chính mình. Sử Viễn nói: “Vui nhất không gì bằng đọc sách, cần nhất
không gì bằng dạy con.”
Đời sống đạo cũng luôn phải biết
từ chối nhiều thứ, vì Đức Kitô đã xác quyết: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ
chính mình, vác thập giá mình mà theo Thầy.” (Mt 16:24; x. Mt 10:38 và Lc
14:26-27) Muốn đủ sức từ chối điều gì đó thì phải có sức mạnh tinh thần. Thật
không dễ, vì con người luôn bị giằng co, như Thánh Phaolô đã kinh nghiệm: “Tôi
làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi
ghét thì tôi lại cứ làm.” (Rm 7:15)
Cuộc sống luôn cần
nghiêm luật, càng cần luật hơn trong lĩnh vực giáo dục. Kinh Thánh cho biết: “Huấn
lệnh là ngọn đèn, lời dạy dỗ là ánh sáng, và lời quở trách bảo ban là đường dẫn
tới sự sống.” (Cn 6:23)
TRẦM THIÊN THU
[Đăng báo ĐMHCG tháng
04-2020, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]
✽ Sức Mạnh Tha Thứ – https://tramthienthu.blogspot.com/2014/10/suc-manh-cua-su-tha-thu.html
Suy Tư Tâm Linh
CÔ QUÁI NÀNG QUỶ
Cô Rô, Cô Vít, Cô Vy [*]
Ba cô “hợp tác” gây nguy cho người
Mưu mô nham hiểm miệng cười
Liếc nhìn mắt xếch là loài quỷ ma
VIỄN ĐÔNG
[*] Corona, Covid-19, nCoV, đúng ra là Cúm Tàu Cộng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment