Trả giá hoặc ngã giá là việc làm khi mua bán,
cũng gọi là mặc cả, nhưng trả giá cũng có nghĩa là “cái giá phải trả” – và
thường là giá đắt, giá mắc.
Khi những người Pharisêu, ỷ mình là dân biệt
phái, với ý là được đặc cách, lên mặt tranh luận với Chúa Giêsu và đòi Ngài một
dấu lạ từ trời để thử Ngài. Thấy họ “chảnh” như vậy, Ngài thở dài não nuột và
nói: “Sao thế hệ này lại xin một dấu lạ? Tôi bảo thật cho các ông biết: thế
hệ này sẽ KHÔNG ĐƯỢC MỘT DẤU LẠ NÀO CẢ.” (Mc 8:12; Mt 16:4) Theo lời kể của Thánh
Mátthêu, Chúa Giêsu gọi họ là “thế hệ gian ác và ngoại tình.” (Mt 16:4)
Chúa Giêsu đã thẳng thắn từ chối cho họ thấy
dấu lạ. Ngài làm được, nhưng Ngài không làm, vì họ không xứng đáng được thấy dấu
lạ. Và đó là cái giá mà chính họ phải trả.
Khi Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong hoang địa, (Mt 4:1-11; Mc 1:12-13; Lc 4:1-13) Ngài từ chối, không nghe lời dụ dỗ của nó, rồi
nói thẳng với nó – và cũng là mệnh lệnh dành cho nó: “Ngươi CHỚ THỬ THÁCH Đức
Chúa là Thiên Chúa của ngươi. Ngươi PHẢI BÁI LẠY Đức Chúa là Thiên Chúa của
ngươi, và PHẢI THỜ PHƯỢNG một mình Người mà thôi.”
Mặc dù không nói rõ, nhưng có thể nhiều lần chúng
ta cũng đòi dấu lạ như người Pharisêu. Nhưng Thiên Chúa đã từ chối. Ngày xưa, Thiên
Chúa đã nói rõ: “Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn;
các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy
những máu.” (Is 1:15) Và Ngài cũng xác định: “Chúng có ăn chay, cầu
khẩn, Ta cũng chẳng thèm nghe tiếng; có dâng lễ toàn thiêu và lễ phẩm, Ta cũng
chẳng tỏ lòng xót thương, vì Ta sắp dùng gươm đao, đói khát và ôn dịch mà tiêu
diệt chúng.” (Gr 14:12)
Khi cơn đại dịch Corona bùng
phát và lây lan với tốc độ nhanh như hỏa tiễn, con người bất lực trong việc kiềm
chế mà vẫn vênh vang, ngang ngược, chưa thực sự sám hối. Lời Chúa từ ngàn xưa lại
vang lên giữa thời đại ngày nay: “Dân này còn khinh thị Ta đến bao giờ nữa?
Cho đến bao giờ, chúng không chịu tin vào Ta, mặc dầu Ta đã làm bấy nhiêu dấu
lạ ở giữa chúng? Ta sẽ dùng ôn dịch mà đánh phạt chúng, sẽ không cho chúng
hưởng gia nghiệp.” (Ds 14:11-12)
Thiên Chúa không im lặng, Ngài vẫn nói, nói không
ngừng, nhưng vì nhân loại không muốn nghe lời Ngài cảnh cáo. Tuy Ngài là Thiên
Chúa cao cả, nhưng Ngài “vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn.” (Tv 138:6a) và sẵn sàng biến
đổi số phận của chúng ta, bởi vì Ngài thực sự muốn chúng ta hạnh phúc – ngay cả
đời này và đời sau. Ngài sẵn sàng bỏ qua tất cả nếu chúng ta nhận biết tội lỗi của
mình mà chân thành sám hối.
Thật vậy, trong trình thuật St 18:20-32, Tổ
Phụ Ápraham đã đối diện Thiên Chúa với mối quan ngại về điều sẽ xảy ra cho
thành Sôđôm. Ông Ápraham đặt vấn đề: “Chẳng lẽ ngài tiêu diệt người lành
một trật với kẻ dữ sao?” Theo lời mặc cả của ông Ápraham, Thiên Chúa chấp
nhận tha chết cho dân thành Sôđôm nếu có 50, 45, 40, 30, 20 người lành, thậm
chí chỉ có 10 người lành. Và vì 10 người lành đó mà Thiên Chúa sẽ tha bổng cho
cả thành. Sau đó Thiên Chúa đi và Ápraham trở về nhà. Chỉ cần 10 người lành mà
cũng không có. Thật khốn thay!
Cầu nguyện như hơi thở duy trì sự sống tâm
linh. Thánh Augustinô nói: “Bao lâu chúng ta chưa thôi cầu nguyện là dấu
chắc chắn Chúa đang thương.” Chúa Giêsu đã từng xác định: “Xin sẽ được,
tìm sẽ thấy, gõ sẽ mở.” (Mt 7:7-8; Lc 11:9-10) Xin không được, tìm không
thấy, gõ không mở là lỗi của chúng ta. Thật vậy, Thánh Giacôbê phân tích: “Anh
em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết; anh em ganh ghét cũng chẳng được
gì, nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau. Anh em không có là vì anh
em không xin; anh em xin mà không được là vì anh em xin với tà ý, để lãng phí
trong việc hưởng lạc.” (Gc 4:2-3)
Đối với Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là
tội nhân và luôn rất cần đến Lòng Thương Xót của Ngài, bởi vì “tất cả chúng ta
đều phạm tội, ngay cả các tâm hồn đạo đức cũng chỉ chập chững tìm về Nhà Cha
qua con đường tội lỗi và thứ tha.” (Thánh Y-nhã) Thiên Chúa luôn thấu hiểu, lắng
nghe, cảm thông và chấp nhận sự yếu đuối chúng ta. Ngài chỉ cần chúng ta nhận biết
mình là bụi tro phàm hèn, không dám ngông nghênh ngạo mạn, mà khiêm nhu thật
lòng, và Ngài sẽ ra tay cứu giúp. Chỉ vì chúng ta không cần Ngài, rồi lại bảo
Ngài làm ngơ, thậm chí còn cho rằng không có Ngài hoặc muốn tôn mình lên hơn Ngài.
Tai ương vương tai họa thì chẳng oan ức chi cả!
Giữa cơn đại dịch Corona – Covid-19, cái giá mà chúng ta phải trả, thiết tưởng chúng ta nên suy tư về nhận định
của Thánh Lm Arnold Janssen (1837-1909), Đấng sáng lập Dòng Ngôi Lời – SVD,
Societas Verbi Divini: “Mặc dù ý Chúa KHÔNG PHÙ HỢP với bạn thì vẫn LUÔN ÍCH
LỢI cho bạn.”
Vì cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giêsu
Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới. Xin Cha tha thứ và giải
thoát chúng con khỏi tai họa mà chúng con tự tạo ra đang hoành hành thế giới
trong thời gian này. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Chiều 17-02-2020
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment