Thứ Năm, 16 tháng 1, 2020

LỜI HẰNG SỐNG

Chúa Giêsu đã thẳng thắn nói với loài ma quỷ: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4:4) Thánh Vịnh gia tâm niệm: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi.” (Tv 119:105) Có lần ngư phủ Simôn Phêrô xác định với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời.” (Ga 6:68)
Chắc chắn không ai lại không cần Lời Chúa – Lời Hằng Sống. Quả thật, Lời Chúa vô cùng quan trọng, đến nỗi Thánh TS Giêrônimô xác định: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô.”
1. TIN MỪNG VÀ SÁM HỐI
Khi thi hành sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã loan báo và mời gọi: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.” (Mc 1:15) Tin Mừng Cứu Độ và lòng sám hối luôn gắn liền với nhau. Sám hối không thể tách rời với canh tân – sửa đổi tâm hồn và lối sống.
Qua lời mời gọi của Chúa Giêsu, chúng ta biết chắc rằng chúng ta đang sống trong Thời Cuối Cùng, mỗi phút qua đi là thời gian ngắn hơn một chút, nghĩa là càng gần thời điểm tận thế. Không ai biết lúc nào sẽ xảy ra “khoảnh khắc” đó, cụ thể là khi chính mình trút hơi thở cuối cùng. Vì thế, chuẩn bị sẵn sàng là thượng sách, giống như năm trinh nữ khôn ngoan vậy. (x. Mt 25:1-13)
Làm sao có thể chuẩn bị và sẵn sàng? Chúa Giêsu đã cho biết: Sám hối và canh tân đời sống. Nhiều lần Đức Mẹ hiện ra cũng thường nhắc nhở. Sám hối là chấn chỉnh lối sống, bỏ đường tà, theo đường ngay nẻo chính. Có lần Chúa Giêsu đã nói với ông Si-môn Cùi về người phụ nữ tội lỗi ngồi khóc bên chân Ngài: “Tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” (Lc 7:47-48) Nước mắt của phụ nữ này đã làm trôi bao tội tày trời của chị. Chị sám hối nên được Chúa thứ tha – tức là chị đã can đảm xưng thú tội lỗi. Chúng ta cũng không thể làm gì khác hơn là đến với Bí tích Hòa giải – Bí tích của Lòng Chúa Thương Xót.
Thánh Teresa Avila nói: “Cho dù đang mắc tội trọng đi nữa, anh chị em cũng cứ cầu nguyện. Tôi xin bảo đảm rằng anh chị em sẽ đạt đến bến cảng phần rỗi.” Dù cho tội lỗi đến mức nào cũng đừng thất vọng, đó là vấn đề quan trọng. Gương các thánh đã minh chứng điều đó: Dismas (người trộm lành), Phêrô, Augustinô,... Thành Ninivê được tha thứ nhờ biết nghe lời ngôn sứ Giôna mà sửa đổi lối sống, bỏ tà theo chính. Vả lại, qua Thánh Faustina Maria Kowalska (1905-1938), chính Chúa Giêsu đã minh định: “Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn tội lỗi của con và của cả nhân loại.” (Nhật Ký, số 1485) Như vậy, đừng dại dột hoặc ngu xuẩn mà nằm lì trong “vũng lầy tội lỗi.” Hãy đứng dậy, trở về và thú tội chân thành: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.” (Tv 51:4-5)
2. BIẾN HÌNH
Trình thuật Mt 17:1-8 (≈ Mc 9:2-8; Lc 9:28-36) cho biết về cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên Núi Tabor. Sự kiện này cho thấy Thiên Đàng có thật chứ không mơ hồ hoặc ảo vọng. Việc lắng nghe Lời Chúa là điều cần thiết, chứng tỏ tấm lòng yêu mến đối với Thiên Chúa – và hoàn toàn có lợi cho chúng ta.
Theo Kinh Thánh, khoảng một tuần sau khi tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất, Chúa Giêsu đem theo ba môn đệ tín cẩn – ông Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông Giacôbê – cùng lên núi cầu nguyện. Khi Chúa Giêsu đang cầu nguyện, Ngài biến đổi hình dạng trước mặt các ông, dung nhan Ngài chói lọi như mặt trời, và y phục Ngài trở nên trắng tinh như ánh sáng. Và bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Ngài. Quá đã luôn! Các ông cảm thấy lâng lâng hạnh phúc, muốn làm ba lều cho ba người để các ông được tiếp tục sống trong niềm hạnh phúc kỳ diệu như vậy. Ông Phêrô nói: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Thầy muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia.” Như vậy nghĩa là chỉ cần lo cho ba vị thôi, còn họ quên cả chính mình, không cần gì nữa, sao cũng được.
Thế nhưng khi ông Phêrô còn đang nói thì chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. Bấy giờ Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giêsu mà thôi. Ba môn đệ ngơ ngẩn sau cơn “xuất thần,” nhưng họ cảm thấy tiếc nuối. Đó chính là cảm giác được “nếm thử” niềm hạnh phúc đích thực của Thiên Đàng, không gì có thể so sánh.
Tuy nhiên, cuộc đời không phải lúc nào cũng êm ái như đi trên thảm nhung lụa. Thật vậy, cuộc sống luôn nhiêu khê, không chỉ gập ghềnh với những ổ gà, ổ voi, mà còn phải leo đồi, vượt núi, băng ngàn, lướt sóng,... Ôi thôi, đủ thứ gian nan, như người ta ví von là “lên thác, xuống ghềnh” vậy. Tabor là nơi các ông được nếm hưởng vị ngọt hạnh phúc, nhưng không thể ở mãi đó, mà phải tiếp tục leo cho tới đỉnh Canvê sầu thảm, đầy vết máu loang lổ. Chúa Giêsu đã nhắc nhở nhiều lần, không thể không nghe. Mưa dầm thấm sâu. Lời nói lung lay, gương bày lôi kéo. Chúa Giêsu đã nói và làm gương, tín nhân chúng ta cũng không thể đi con đường nào khác: Thập Giá. Chắc chắn vác thập giá thì “oải” lắm, vì thế mà phải cầu nguyện không ngừng: “Hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn.” (Mt 26:41; Mc 14:38)
3. CẦU NGUYỆN
Khi còn tại thế, Chúa Giêsu thường xuyên tìm nơi thanh vắng để cầu nguyện. Thứ nhất là cầu nguyện, thứ nhì mới là hành động. Cầu nguyện là lắng nghe Chúa, điều mà Chúa Giêsu nói là “phần tốt nhất.” (x. Lc 10:38-42) Thật vậy, bác học André-Marie Ampère (1775-1836, người Pháp) đã cảm nhận: “Chúng ta chỉ vĩ đại khi chúng ta cầu nguyện.” Đây là một số kinh nghiệm của các thánh về sức mạnh của lời cầu nguyện:
– Theo tôi, cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, là tiếng kêu của tình yêu tri ân phát xuất từ đỉnh cao niềm vui hoặc đáy sâu tuyệt vọng: đó là một sức mạnh lớn lao và siêu nhiên, mở rộng tâm hồn chúng ta, và liên kết chúng ta mật thiết với Chúa Giêsu. (Thánh Thérèse Lisieux)
– Bằng việc cầu nguyện và cậy trông, chúng ta hãy gắng sức xua đi mọi ưu tư trần thế. Nhưng nếu chúng ta không thể làm được như thế để đạt đến trọn lành, chúng ta hãy thưa với Chúa về những khiếm khuyết của chúng ta và đừng bao giờ từ bỏ việc siêng năng cầu nguyện. Bởi vì bị trách cứ về những thiếu sót thường xuyên thì vẫn còn hơn là sự chểnh mảng hoàn toàn. (Thánh Mark khổ tu)
– Cầu nguyện làm cho chúng ta quen dần với việc kết hiệp với Chúa. Nhờ thực hiện lâu ngày, việc ấy sẽ đưa chúng ta đến chỗ thân thiết với Ngài. Tình yêu Chúa chấp nhận và không ngại chia sẻ tình thân với những con người không có giá trị, miễn là tình yêu sống trong họ đem lại cho họ sự bạo dạn. (Thánh Nilus Sinai)
– Việc cầu nguyện giúp tâm hồn nhìn thấy sự phù phiếm của vật chất và khoái lạc trần thế. Việc cầu nguyện đổ tràn ánh sáng, sức mạnh và sự an ủi cho họ, đồng thời cho họ cảm nếm trước hạnh phúc thanh nhàn nơi quê hương trên trời. (Thánh Rose Viterbo)
– Phương cách cầu nguyện tuyệt hảo là chẳng theo phương cách nào cả. Khi cầu nguyện, nếu tạo được trong tâm hồn khả năng tinh tuyền để có thể tiếp nhận tinh thần Thiên Chúa, điều ấy đã đủ cho mọi phương cách. (Thánh Jeanne de Chantal)
– Người không bỏ cầu nguyện thì không thể kéo dài thói quen xúc phạm Thiên Chúa. Hoặc họ bỏ cầu nguyện, hoặc họ sẽ ngưng phạm tội. (Thánh Alphonsus Liguori)
– Thiên Chúa sẽ không nhậm lời chúng ta cầu nguyện nếu chúng ta không nhận mình là tội nhân. Chúng ta thực thi điều ấy khi chúng ta suy xét về tội lỗi của bản thân, chứ không suy xét tội lỗi của tha nhân. (Thánh Moses, người Ethiopia)
Đặc biệt nhất là lời khuyến cáo mạnh mẽ và rõ ràng trong Kinh Thánh: “Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu.” (Is 1:15)
Kinh Thánh nói: “Lời Chúa phán là lời chân thật, như bạc nấu trong lò, đã bảy lần tinh luyện.” (Tv 12:7) Tuân giữ Lời Chúa để được sống đời đời với Ngài. Hãy nghe Thánh Thomas Aquino phân tích: “Có ba điều cần để con người được cứu độ: biết mình TIN gì, biết mình MUỐN gì, và biết mình LÀM gì.” Ba điều đó như chiếc kiềng ba chân giúp cân bằng đời sống tâm linh theo chuỗi liên kết: có Tin thì mới Muốn, có Muốn thì mới cố gắng Làm.
TRẦM THIÊN THU
Miền Tháng Giêng – 2020

 Ánh Sáng Đức Kitô – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/02/anh-sang-uc-kito.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment