Kinh Thánh Cựu Ước cho biết: “Từ nguyên
thủy đã sinh ra những kẻ khổng lồ tiếng tăm lừng lẫy, vóc dáng to cao, thạo
nghề chinh chiến. Nhưng những người này, Thiên Chúa không chọn, cũng chẳng dạy
cho con đường hiểu biết.” (Br 3:26-27) Thế nhưng Thiên Chúa lại chọn
Israel.
Người ta luôn chú ý vóc dáng, nhất là phụ nữ,
và người ta có câu: “Nhất dáng, nhì da.” Cái vóc dáng quan trọng vì là
cái “đập vào mắt” người khác, ít khi người ta chú ý vẻ đẹp tâm hồn – và phải
cần có thời gian mới có thể biết được. Thật chí lý khi tục ngữ nói: “Cái nết
đánh chết cái đẹp”. Chắc chắn rằng cái gì TỐT thì ĐẸP, nhưng cái gì ĐẸP thì
chưa chắc TỐT. Ngày nay, có lẽ vì quá chú trọng “bề ngoài” (đẹp, giàu, xài
sang, nhà cao, xe xịn,…) nên người ta vẫn thường nói đùa mà thật: “Cái đẹp
đè bẹp cái nết”. Có lẽ đó là nỗi đau của thời đại vì quá coi trọng vật chất
– mặc dù chưa đến mức duy vật.
Mọi người đều bình đẳng trước mặt Thiên Chúa,
với đầy đủ nhân vị, nhân phẩm và nhân quyền, đồng thời có ba thiên chức (vương
giả, tư tế và tiên tri). Thế nhưng người ta vẫn “kỳ thị” nhau đủ kiểu, vẫn “bên
trọng, bên khinh,” kỳ thị rõ ràng chứ không “thoang thoảng” đâu. Trí tuệ hạn
hẹp của phàm nhân thật nhỏ bé, nông cạn, vì thế mà càng dễ ảo tưởng và tự tôn.
Từ xa xưa, Kinh Thánh đã xác định: “Trước
Thánh Nhan, toàn thể vũ trụ ví tựa hạt cát trên bàn cân, tựa giọt sương mai rơi
trên mặt đất.” (Kn 11:22) Các chi tiết rõ ràng, rạch ròi. Cả vũ trụ còn
chẳng là gì huống chi “hạt bụi phàm nhân” là mỗi chúng ta! Nhưng có vấn đề đáng
lưu ý: “Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa
nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.”
(Kn 11:23) Đó chính là lòng thương xót của Thiên Chúa. Thánh GH Gioan Phaolô II
có “bài toán thần học” thế này: Sự đau Khổ + Lòng Thương Xót = Sứ Vụ. Lãnh nhận
sứ vụ để phục vụ chứ không để thống trị hoặc hưởng tư lợi. Phục vụ là thương
yêu, thương xót. Vì thế, đừng lạm dụng cụm từ “lòng thương xót” hoặc suy diễn
theo ý riêng mình.
Thiên Chúa là tình yêu, Ngài không thể không
chạnh lòng thương xót. Sách Khôn Ngoan xác định: “Chúa yêu thương mọi loài
hiện hữu, không ghê tởm bất cứ loài nào Chúa đã làm ra, vì giả như Chúa ghét
loài nào thì đã chẳng dựng nên. Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn
tại nổi? Nếu như Ngài không cho hiện hữu, làm sao nó có thể được duy trì?”
(Kn 11:24-25) Ba giả thuyết thật tuyệt vời. Chúng ta là tội nhân khốn nạn mà
Ngài không ghê tởm, còn chết để cứu chuộc chúng ta. Vì thế, chúng ta không thể
viện bất cứ lý do gì để mà tránh né yêu thương người khác.
Kinh Thánh là Lời Chúa, mọi điều trong đó đều
được Thiên Chúa linh hứng. (2 Tm 3:16) Do đó, Lời Chúa luôn chính xác và rõ
ràng: “Lạy Chúa Tể là Đấng yêu sự sống, Chúa xử khoan dung với mọi loài, vì
mọi loài đều là của Chúa.” (Kn 11:26) Gió, lửa và nước rất hiền và rất mềm,
nhưng khi chúng “nổi điên” thì không ai có thể chống lại, dù là các phương tiện
khoa học tân tiến nhất. Thật ngu xuẩn khi người ta huênh hoang nói rằng chống
lũ lụt, thay trời làm mưa, hoặc vắt đất ra nước. Nói hay, nổ to, xạo giỏi,
nhưng nào có làm được gì. Đúng là điếc không sợ súng!
Thực sự phải công nhận rằng tín nhân chúng ta
thật may mắn khi có thể nhận biết Thiên Chúa, được Ngài ở với và ở trong chúng
ta, đồng thời lại kiên nhẫn và vô cùng xót thương, mặc dù chúng ta chẳng ra gì,
luôn muốn nổi loạn: “Quả vậy, lạy Đức Chúa, sinh khí bất diệt của Ngài ở
trong muôn loài muôn vật. Vì thế, những ai sa ngã, Chúa sửa dạy từ từ. Chúa
cảnh cáo họ, nhắc cho họ nhớ họ đã phạm tội gì, để họ bỏ điều ác mà tin vào
Chúa.” (Kn 12:1-2) Chúa dễ thương hết sức, dễ thương tới mức chúng ta cảm
thấy khó tin, đôi khi có vẻ như “không chịu nổi.” Nhưng tình trạng “không chịu
nổi” có hai dạng: Một là không-thể-không-yêu-mến (dạng tốt), hai là phát tức vì
ganh tỵ – kiểu như “nổi loạn” vậy (dạng xấu).
Từ xưa tới nay, không hề thấy một vị lập quốc
nào hoặc vị lập đạo nào mà dám tuyên bố mình là Chúa, không chỉ Chúa mà Thiên
Chúa, nhưng chỉ có Chúa Giêsu dám nói, dù bị tra khảo và bị giết chết cũng
không thay đổi “lời khai” tại dinh Philatô và Caipha. Chỉ đơn giản thế thôi
cũng đủ biết Chúa nào là Chúa thật. Còn những kẻ tuyên bố là “thiên tử” chỉ là
những kẻ đại bịp bợm. Vì thế, chúng ta phải biết tạ ơn và mau mắn tôn vinh Thiên
Chúa như Thánh Vịnh gia đã xưng tụng: “Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của
con, con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Ngày
lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời.”
(Tv 145:1-2) Chỉ có Chúa Giêsu là Thiên Chúa thật, vì Ngài là sự thật, và cho
chúng ta biết thế nào là chân lý, đồng thời còn cho chúng ta biết “bí quyết” để
được sống đời đời. Vì ghen tức mà người ta hèn hạ, hèn hạ vì hèn nhát, càng hèn
nhát càng thủ đoạn, tìm đủ cách để bách hại những ai tin theo Chúa Giêsu Kitô.
Nghiên cứu
cho biết rằng cứ 7 Kitô hữu thì có 1 người bị bách hại vì đức tin của mình, có gần
300 triệu Kitô hữu sống tại các miền đất bị bách hại. Sự gia tăng bách hại mạnh
mẽ tại 20 quốc gia: Arập Sauđi, Burkina Faso, Camerun, Trung Quốc, Bắc Hàn, Ai
Cập, Eritrea, Philippines, Ấn Độ, Indonesia, Iran, Iraq, Myanmar, Niger,
Nigeria, Pakistan, Cộng Hòa Trung Phi, Siria, Sri Lanka và Sudan. Thật đáng quan
ngại về sự vi phạm nhân quyền mà các Kitô hữu phải chịu. Đó là cuộc tử đạo liên
lỉ của Giáo Hội, xin Thiên Chúa che chở họ!
Đức
Mẹ xác định: “Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ
Người.” (Lc 1:50) Như vậy, ngay từ thuở tạo thiên lập địa đã có Lòng Thương
Xót của Thiên Chúa, chứ không chỉ có từ khi Chúa Giêsu mặc khải lòng thương xót
cho Thánh nữ Maria Faustina Kowalska (1905-1938). Đó chỉ là thời điểm cần phải “nhấn
mạnh” vì người ta khinh suất hoặc lơ đãng, mặc dù trước đó Chúa Giêsu đã mặc
khải Tình Yêu Thiên Chúa cho Thánh nữ Magarita Maria Alacoque (1647-1690) ở
dạng khác: Thánh Tâm – với vòng gai và ngọn lửa. Như vậy, Thánh Tâm và Lòng
Thương Xót không hề khác nhau – với Lòng Thương Xót là hai tia sáng, với Thánh
Tâm là Lửa Tình Yêu. Chỉ MỘT tình yêu của Thiên Chúa, nhưng được diễn tả bằng
các cách khác nhau mà thôi.
Thật vậy, Thiên Chúa là tình yêu, cũng là
lòng thương xót, lòng trắc ẩn, sự chạnh lòng, đúng như Thánh Vịnh gia cho biết:
“Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân
ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên.” (Tv
145:8-9) Thật là “may mắn” cho chúng ta, thế nên phải biết chân nhận và lên
tiếng: “Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu
trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng
Ngài là Đấng quyền năng, để nhân loại được tường những chiến công của Chúa, và
được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang.” (Tv 145:12)
Thiên Chúa luôn thành tín trong mọi lời Ngài
phán, đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm, đặc biệt là quan tâm những người
thấp cổ bé miệng, vừa yếu đuối vừa yếu thế: “Ai quỵ ngã, Chúa đều nâng dậy,
kẻ bị đè nén, Người cho đứng thẳng lên.” (Tv 145:14) Ngài là Thiên Chúa của
mọi chân lý nên Ngài cương quyết bảo vệ công lý. Ai muốn làm đệ tử của Ngài thì
cũng phải hành động như Ngài. Chắc chắn như vậy. Hành động bảo vệ Chân Lý và
Công Lý là thực hiện thiên chức Tiên Tri (Ngôn Sứ) mà Thiên Chúa đã trao ban.
Đó là trách nhiệm – trách nhiệm thì không thể không thi hành. Từ xưa, Thiên
Chúa đã truyền lệnh: “HÃY giải thoát người bị áp bức khỏi tay phường áp bức,
ĐỪNG hèn nhát khi con phải xét xử.” (Hc 4:9) Một câu mà hai mệnh lệnh – một
xác định, một phủ định.
Tất cả là hồng ân của Thiên Chúa, bởi vì
“chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban.” (Ga 3:27) Thánh Phaolô vừa
tâm sự vừa khuyên nhủ: “Lúc nào chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em: xin
Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng
quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm
vì lòng tin. Như vậy, danh của Chúa chúng ta là Đức Giêsu sẽ được tôn vinh nơi
anh em, và anh em được tôn vinh nơi Người, chiếu theo ân sủng của Thiên Chúa
chúng ta và của Chúa Giêsu Kitô.” (2 Tx 1:11-12) Sự cầu nguyện luôn cần
thiết và có tính liên đới kỳ lạ.
Người ta càng sống lâu thì càng có thể nhận
ra rằng cuộc sống rất nhiêu khê, cả tinh thần và đời thường, luôn có những thứ
có thể khiến chúng ta dao động – đặc biệt là về sự kiện tận thế. Rất cần phải
tự tin, tự tin cả đời thường và tâm linh, nếu không thì chúng ta sẽ bị chao
đảo, ảnh hưởng cả thể lý và tinh thần. Thánh Phaolô nhắc nhở: “Nếu có ai bảo
rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết
rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần dao động, cũng
đừng hoảng sợ.” (2 Tx 2:2) Đó là động thái “cứ là chính mình”, không bị chi
phối bởi bất cứ ai hoặc bất cứ điều gì. Không nghiêng ngả vì vật chất, không
mặc cảm vì kém cỏi, không sợ hãi người có quyền, không khúm núm với người thích
dùng mệnh lệnh, không bợ đỡ người có chức vị,… như thế mới thực sự là người sống
đủ bản lĩnh, không khuất phục những thứ vớ vẩn.
Thánh sử Luca kể: Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức
Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Dakêu (Zacchaeus,
Ζακχαῖος hoặc Zakchaios – nghĩa là người Trong Sạch và Công Chính). Ông có
quyền thế vì là người đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông
có uy tín chứ chẳng bình thường, nhưng ông thấy nể trọng Đức Giêsu, thế nên ông
mới tìm cách để xem cho biết Ngài là ai. Nhưng ông không thể thấy được Ngài, vì
ông lùn tịt giữa đám đông dân chúng. Ông phải dùng mưu: chạy tới phía trước và
leo lên một cây sung để nhìn cho tỏ tường dung nhan Ông Giêsu, vì Ngài sắp đi
qua đó. Ông Dakêu “nhanh trí” ghê đi!
Ông là người có quyền, có của, nhưng kém ngoại
hình, vóc dáng ông thuộc dạng “thiếu thước tấc”. Được cái nọ thì mất cái kia,
đó là chuyện thường tình, và cũng là lẽ công bằng. Tuy nhiên, tại sao một người
có thế giá như ông, có thể “chơi ngông” kiểu Công tử Bạc Liêu, vậy mà lại muốn được
diện kiến để gặp gỡ Ông Giêsu? Gặp trực tiếp thì sẽ trò chuyện, đối thoại, hai
năm rõ mười. Có lẽ đó mới là điều ông thực sự mong muốn. Ôi, như thế thì thật tuyệt
vời!
Chắc chắn Chúa Giêsu biết có người muốn nhìn
thấy mình nên khi tới chỗ ấy, Ngài nhìn lên cây và nói: “Này ông Dakêu, xuống
mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!” (Lc 19:5) Chúa Giêsu là Thiên
Chúa nên Ngài biết mọi sự. Chưa gặp bao giờ mà Ngài biết “ông thu thuế leo cây”
tên là Dakêu, cũng có lần Ngài biết Philípphê từ lúc ông ở dưới cây vả trước
khi gặp mặt. (Ga 1:48) Có lẽ ông Dakêu cũng chẳng dám mong được Ông Giêsu ưu ái
đến như vậy, ông chỉ cần thấy bóng dáng Ngài thì ông cũng mãn nguyện lắm rồi. Vừa
nghe Chúa Giêsu bảo xuống và sẽ ở lại nhà mình, ông Dakêu khoái chí lắm, vội
vàng tụt xuống ngay, và mừng rỡ đón rước Ngài tới nhà mình.
Đám đông thấy vậy nên xầm xì với nhau: “Nhà
người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!” (Lc 19:7) Miệng thế gian thì khỏi
nói! Vừa xuống khỏi cây, chưa biết ất giáp thế nào, ông Dakêu không chần chừ,
không so đo, không tính toán, mà vui mừng nói ngay: “Thưa Ngài, đây phân nửa
tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì,
tôi xin đền gấp bốn.” (Lc 19:8) Ôi chao, thế thì còn gì bằng! Chắc hẳn lúc
này Đức Giêsu vừa cười vừa gật gù vì thấy ông lùn này thế mà hay đáo để, chịu
“đền tội” ngay ở thế gian này. Rồi Ngài nói rõ về ông cho mọi người cùng biết: “Hôm
nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ
Ápraham.” (Lc 19:9) Đám đông thấy vậy chắc hẳn cũng cảm thấy “nóng gáy” lắm.
Ông Dakêu là cán bộ thu thuế, dưới tay ông có nhiều tay sai, thế mà ông lại dám
tìm gặp Đức Kitô, đúng là ông can đảm thật. Theo cách nhìn của người đời thì
ông là người xấu, nhưng thật ra ông lại là người tốt – tốt thật.
Câu nói này của Chúa Giêsu rất đặc biệt, đáng
lưu ý: “Con Người ĐẾN để TÌM và CỨU những gì đã mất.” (Lc 19:10) Ba động
từ tạo thành Tam-Giác-Đều của Lòng Chúa Thương Xót. Chẳng cần bàn gì thêm, vì điều
đó đã nói lên tất cả. Thật vậy, Thánh Phaolô xác định: “Ở đâu tội lỗi đã lan
tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.” (Rm 5:20) Còn ĐGH Phanxicô nói:
“Những người tội lỗi là những người ở gần Thánh Tâm Chúa Giêsu nhất.”
Chúa Giêsu đền thế gian vì muốn cứu những gì đã mất, đó là các tội nhân. Mà các
tội nhân là ai? Là tất cả chúng ta chứ “còn ai trồng khoai đất này” nữa?
Thật lạ lùng, kỳ diệu, và thú vị: Ông Dakêu thấp
thể lý, kém chiều cao, mà người lùn thì thường mập, vóc dáng không “bắt mắt”
người khác, nhưng ông có vóc dáng tinh thần cao ráo và linh hồn rất xinh đẹp. Người
ông không đẹp, nhưng nết ông đẹp. Cái nết có thể “đánh chết” cái đẹp. Và chắc
rằng Chúa cũng chỉ mong như thế mà thôi. Kinh Thánh nói: “Vẻ đẹp và duyên
dáng làm người ta thích nhìn, nhưng cánh đồng xanh mướt còn đáng nhìn hơn.”
(Hc 40:22) Thế nào là vẻ đẹp? Đó là khiếu thẩm mỹ mà không phải ai cũng có
được. Người đẹp chưa chắc thực sự đẹp, bởi vì có thể với người này là đẹp nhưng
với người khác thì không. Hầu như mọi lĩnh vực đều có khái niệm như vậy.
Lạy Thiên Chúa, Đấng sáng tạo mọi loài và tác
giả của muôn vẻ đẹp (Kn 13:3), xin giúp chúng con biết thực hiện đúng mệnh lệnh
của Chúa Giêsu đã truyền dạy, biết xác định “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” mà không
coi trọng hình thức. Xin giúp chúng con biết nghiêm túc giữ trọn Luật Yêu Thương,
can đảm bảo vệ Chân Lý và Công Lý bằng mọi giá. Chúng con cầu xin nhân danh
Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN THU
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment