Thứ Tư, 30 tháng 10, 2019

THAM

[Niệm ý Lc 16:9-15]

Vì tham mà ham hố
Tính toán và so đo
Vì Tham mà lươn lẹo
Gian dối lắm mưu mô

Vì tham mà ham của
Tình nghĩa cũng chẳng cần
Nịnh trên và đạp dưới
Hiền nhân phải chịu oan

Vì tham mà bất tín
Làm những chuyện tày trời
Bất kể nhỏ hay lớn
Cứ chiếm đoạt mà thôi

Vì tham mà đòi hỏi
Muốn bắt cá hai tay
Vì Tham mà phạm tội
Nên cuộc đời đắng cay

Vì tham mà mất hết
Xôi hỏng và bỏng không
Tham thì thâm – đúng thật
Khi chết, được gì chăng?

Phải biết sống ngay thẳng
Cùng đích là Nước Trời
Thiên Chúa và tiền của
Có thể chọn một thôi

TRẦM THIÊN THU
Chiều 30-10-2019

VẦN IÊN
[Niệm ý Lc 16:9-15]

Chữ Tiền vần với chữ Tiên
Dễ gây lầm lẫn mà quên cái cần
Con người luôn có hai phần
Rạch ròi tách biệt xác thân – linh hồn
Cái nào là cái cần hơn
Đó là phân định ngọn nguồn phân minh
Có tình thì ghét yêu tinh
Không mê vật chất thì khinh bạc tiền
Bởi tiền có vẻ giống tiên
Mê tiên thì chắc chẳng yên bao giờ
Người khôn cũng hóa kẻ khờ
Vì tiền mà lú, hóa ngu vì tiền
Nhiều người phải khóc vì tiên
Nhiều người phải khốn vì tiền đấy thôi
Chúa và tiền chẳng sánh đôi
Luôn phải rạch ròi, quyết định khôn ngoan
Thờ Thần Tài sẽ bất an
Thờ Thiên Chúa sẽ an toàn ngày đêm

TRẦM THIÊN THU

CHUYỆN TIỀN BẠC
[Niệm ý Lc 16:9-15]

Chuyện tiền bạc vẫn là chuyện muôn thuở
Như làn ranh phân định giàu và nghèo
Như thước đo hạnh phúc và khổ đau
Nhưng thật ra lại không phải như vậy

Con người có tay phải và tay trái
Nhưng chỉ được sử dụng một tay thôi
Nếu đã chọn nắm lấy cái này rồi
Thì không được nắm thêm cái gì nữa

Nắm lấy tiền hay là nắm giữ Chúa
Chỉ chọn một, cấm lững lờ nước đôi
Như tình yêu chỉ được yêu một người
Kẻ bất trung chẳng có đáng chi cả!

Pha-ri-sêu vốn ham hố tiền của
Bị đụng chạm nên tự ái nổi lên
Họ giả bộ công chính và nghĩa nhân
Giấu loài người chứ không thể giấu Chúa!

Chuyện tiền bạc vẫn là chuyện muôn thuở
Xưa thế nào thì nay cũng vậy thôi
Kẻ có tiền luôn tỏ vẻ khinh người
Với Thiên Chúa, đó là điều ghê tởm!

TRẦM THIÊN THU

LẰN RANH

Tôi sinh ra giữa lằn ranh Đàng Trong và Đàng Ngoài, rất xa kinh kỳ nghìn năm văn hiến và Saigon đổi thay từng ngày. Cái cù lao giữa nguồn Son và nguồn Nậy của sông Gianh quê tôi một thời không thuộc Chămpa, không thuộc Đại Việt, không phải Đàng Trong chẳng phải Đàng Ngoài… Một thời chúa Trịnh, chúa Nguyễn lãng quên… Nhưng bốn mùa cái cù lao ấy vẫn đón nhận phù sa phía thượng nguồn và mở cửa nhìn ra biển cả. Giữa bốn bờ sông nước ngọn lửa khát vọng tự do vẫn bùng cháy trong tôi…
Tôi lớn lên trong thiếu thốn và sống chung với cái đói, không đủ khôn ngoan để nghĩ rằng cái chữ có thể thay đổi được cuộc đời. May thay số phận đưa đẩy cho tôi học như là niềm vui duy nhất của một người không tìm được nguồn vui nào khác... Những ngày đông buốt trên đất Cố đô còn làm tôi giật mình khi nhớ lại, sống lại với cơn đói không thể đói hơn của những năm 1979-1982. Cố học, nhưng chữ nghĩa cũng không giúp tôi bước qua được lằn ranh của kẻ có chữ vượt ngưỡng trở thành kẻ có cơm, có tiền. Những người tự sắm cho mình con chữ mà không phải cướp giật được gì ngòai sự tử tế của chữ nghĩa có lẽ đều phải như vậy?
Rời xứ gió đông bắc để đón nồm Tây Nam tôi mới biết xứ Vũng Tàu cũng là đất lằn ranh của Chămpa và Chân Lạp. Nhiều thời, nhiều trăm năm hoang đảo này cũng không thuộc về ai cả. Là nơi hội tụ cư dân 61 tỉnh thành Việt, xứ biển Ô Cấp dường như lúc nào cũng là “thành phố lạ.”
Tôi đã ra đi từ lằn ranh Trịnh Nguyễn, đến lằn ranh của Huyền Trân Công Chúa rồi bước tiếp tới lằn ranh của công nữ Ngọc Vạn… Ngày trước, tôi không đủ khôn ngoan để nghĩ rằng cái chữ có thể thay đổi được cuộc đời, còn bây giờ vẫn loay hoay khi biết chắc chắn rằng cái chữ không thể thay đổi được cuộc đời.
Giữa bốn bề sông nước Vũng Tàu, ngọn lửa khát vọng tự do vẫn tiếp tục cháy trong tôi… Cho dù tôi vẫn ở giữa các lằn ranh của số phận, của từng dãi đất và con nước thủy triều, của các sắc thái văn hóa, của thời cuộc, của danh phận và lằn ranh của chính mình… Nhưng phù sa phía thượng nguồn vẫn trôi về biển cả mà không chia lằn ranh nào…
ĐINH VĂN HẠNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment