Bốn chất kết hợp thành vạn vật trong thiên nhiên là Lửa, Đất, Khí và Nước. Thật kỳ lạ trong Việt ngữ, vì cả bốn chất đều phát âm với thanh trắc, cho thấy điều gì đó “sắc bén” lắm. Thật vậy, bốn chất đó rất cần trong cuộc sống, thiếu thứ gì thì khổ thứ đó – nghĩa là không thể thiếu.
LỬA thể hiện
tuổi trẻ, với niềm đam mê hừng hực, sôi nổi, không đắn đo đôi khi liều lĩnh, có
thất bại rồi lại cháy lên lửa lạc quan với ước mơ và hoài bão. ĐẤT thể hiện
sống có trách nhiệm, ý thức hơn, cẩn trọng và thực tế hơn. KHÍ (Gió) thể hiện
sự an toàn, hướng ra thế giới rộng lớn, muốn kết nối với mọi người, mọi vật, để
trải nghiệm cuộc sống. NƯỚC thể hiện sự khép lại cuộc đời dần dần, như xuôi
theo dòng chảy tìm một chốn an nghỉ.
Bốn chất đó
gọi là “tứ đại.” Chúng có vẻ “đối nghịch” nhau nhưng lại lại luôn hài hòa.
Trong cuộc sống cũng vậy, có những điều tưởng xuôi mà hóa ngược, tưởng ngược mà
lại xuôi; và cũng có nhiều điều tưởng chừng là nghịch lý, nhưng thực ra lại là
thuận lý – gọi là nghịch-lý-thuận. Đối lại là thuận-lý-nghịch, tưởng xuôi mà
lại ngược, tưởng hên mà hóa xui. Triết lý cuộc đời khá nhiêu khê, không hề đơn
giản!
Đó là khái
niệm của loài người về vấn đề dạng đối lập (phải – trái, trên – dưới, trước –
sau, xuôi – ngược, lên – xuống,… ), đối với Thiên Chúa thì khác hẳn, không lệ
thuộc bất cứ thứ gì. Chính Chúa Giêsu đã cho biết: “Đối với loài người thì
không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên
Chúa thì mọi sự đều có thể được.” (Mt 19:26; Mc 10:27)
Lửa đa dụng:
thắp sáng, làm khô, làm chín, thiêu hủy,... Sử dụng đúng thì lửa hữu ích, sử
dụng không đúng thì lửa tác hại. Ánh nắng là một dạng lửa rất cần thiết cho mọi
loài, mọi vật. Lửa là chất hữu hình mà như chất khí, không thể cắt đứt, nhỏ mà
to, to mà nhỏ, càng chia sẻ càng thêm nhiều chứ không bị giảm bớt. Thật kỳ lạ! Ngày
xưa, Thiên Chúa dùng “cột lửa” để dẫn đường cho dân đi đúng hướng vào ban đêm
(Xh 13:22) trong suốt thời gian họ đi qua sa mạc để về miền đất hứa. Cả màn đêm
dày đặc cũng không thể dập tắt được một đốm lửa nhỏ. Lại thêm một sự kỳ lạ nữa.
Từ xưa, Kinh
Thánh đã đặt vấn đề và xác định: “Thiên Chúa làm cho đất trổ sinh dược liệu;
những thứ đó, người khôn chẳng dám coi thường. Chẳng phải nhờ khúc gỗ mà xưa
nước ra ngọt khiến cho người ta thấy hiệu năng của khúc gỗ hay sao? Cũng chính
Thiên Chúa cho con người được hiểu biết để tôn vinh Người vì những việc lạ
Người làm.” (Hc 38:4-6) Quả thật, “tất cả đều là hồng ân,” (Rm 4:16) đúng
như Thánh Vịnh đã so sánh: “Ví như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là
uổng công.” (Tv 127:1) Chính Chúa Giêsu cũng đã xác định: “Không có
Thầy, anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15:5)
Tác giả sách
Huấn Ca kết luận: “Như thế công việc của Người vẫn tiếp tục cho đến khi
thiên hạ được an lành.” (Hc 38:8) Và rồi còn đưa ra lời khuyên thực tế: “Con
ơi, khi đau ốm, con chớ coi thường, nhưng hãy cầu xin Đức Chúa, Người sẽ chữa
lành cho. Hãy từ bỏ lỗi lầm, hành động cho đúng đắn, thanh tẩy tâm hồn sạch mọi
tội khiên.” (Hc 38:9-10) Tâm an thì thân khỏe, tâm rối thì xác loạn. Khoa
học cũng đã chứng minh đúng như vậy. Những người hay ghen ghét, hờn giận, thù
hằn,… dễ bị bệnh hơn những người hiền dịu, yêu thương, cảm thông, tha thứ,…
Tính xấu “tích tụ” nhiều hóa tâm bệnh, tâm bệnh dẫn tới thể bệnh.
Chắc hẳn ai
cũng đã từng trải nghiệm nhiều nỗi khốn khó trong cuộc sống đời thường hoặc tâm
linh, và cũng có thể cảm nhận như Thánh Vịnh gia: “Tôi đã hết lòng trông đợi
Chúa, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu. Người kéo tôi ra khỏi hố
diệt vong, khỏi vũng lầy nhơ nhớp, đặt chân tôi đứng trên tảng đá, làm cho tôi
bước đi vững vàng. Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa
chúng ta. Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ và tin tưởng vào Chúa.” (Tv
40:2-4) Thiên Chúa yêu thương và chúc phúc cho chúng ta, (Đnl 7:13) luôn ở với
chúng ta và không bỏ rơi chúng ta. (Đnl 31:8)
Thế nhưng vẫn
luôn có nhiều thứ nghịch lý trong cuộc sống, có thể chúng ta lại gặp bất trắc, bởi
vì đau khổ luôn xuất hiện để tôi luyện chúng ta, và cũng là “lời nhắc khéo” để
chúng ta không “ngủ quên trên chiến thắng” mà hóa kiêu ngạo. Do đó mà phải kiên
trì và tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót bằng cách không ngừng tha thiết cầu
nguyện: “Thân phận con khốn khổ nghèo hèn, nhưng Chúa hằng nghĩ tới. Ngài là
Đấng phù trợ, là Đấng giải thoát con, lạy Thiên Chúa con thờ, xin đừng trì
hoãn!” (Tv 40:18) Cứ an tâm, vì Ngài nghe từ sáng sớm. (Tv 5:4)
Từ khi có
loài người tới nay, có lẽ Thánh Gióp là người “trắng tay” giống Chúa Giêsu
nhất. Ông chịu những nỗi đau khổ đến tột cùng, bị người đời nguyền rủa, kể cả
người vợ yêu quý, vì họ cho rằng ông bị đủ thứ hoạn nạn là do ông thế này thế
nọ. Và rồi khi các con ông đang ăn tiệc uống rượu trong nhà người anh cả, bỗng
có một trận cuồng phong thổi tới xoáy mạnh khiến căn nhà sập xuống đè họ chết
hết, chỉ có một người thoát nạn về báo cho ông hay. Lạ thay, ông Gióp trỗi dậy,
không buồn giận, thản nhiên xé áo mình, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và
nói: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng.
Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G
1:21) Khổ tột cùng mà vẫn tạ ơn Chúa, đức tin của ông Gióp thật vĩ đại. Giả sử
chúng ta bị hoạn nạn như vậy thì sao? Liệu đức tin còn vững vàng hay bị lung
lay? Đã từng có những người dám nguyền rủa trời đất chỉ vì chuyện nhỏ chứ chưa phải
chịu nỗi đoạn trường quá đỗi như ông Gióp. Có qua gian nan mới biết ai thế nào,
đồng hay thau sẽ rạch ròi ngay.
Người ta ví
cuộc sống là thương trường, và còn hơn thế nữa, mà như chiến trường, vì luôn phải
chiến đấu với đủ thứ đau khổ, và cam go nhất là chiến đấu với chính mình, thế
nên rất cần đức tin mạnh mẽ. Thánh Phaolô nói: “Phần chúng ta, được ngần ấy
nhân chứng đức tin như đám mây bao quanh, chúng ta hãy cởi bỏ mọi gánh nặng và
tội lỗi đang trói buộc mình, và hãy kiên trì chạy trong cuộc đua dành cho ta,
mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin. Chính Người đã
khước từ niềm vui dành cho mình, mà cam chịu khổ hình thập giá, chẳng nề chi ô
nhục, và nay đang ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.” (Dt 12:1-20) Đức Tin thực
sự rất cần thiết cho hành trình tâm linh xuyên suốt cuộc lữ hành trần gian này,
và người ta nên công chính là nhờ đức tin mạnh mẽ. (Cv 13:39; Rm 3:22, 26, 28,
30) Chính Tổ phụ Ápraham cũng đã nhờ tin mà được công chính hóa. (Rm 4:11-13)
Trong cuộc
chiến trần gian này, muốn chiến đấu ngoan cường thì nghe lời khuyên của Thánh
Phaolô: “Anh em hãy TƯỞNG NHỚ Đấng đã cam chịu để cho những người tội lỗi
chống đối mình như thế, để anh em khỏi sờn lòng nản chí. Quả thật, trong cuộc
chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu đâu. Thiên Chúa lấy
tình cha mà giáo dục.” (Dt 12:3-4) Chúng ta có “máu chảnh” nên thường viện
đủ cớ để tự biện hộ cho mình.
Theo lẽ
thường, chúng ta không thể nào chấp nhận những nghịch lý cuộc sống, nếu không
vững tin. Chính cuộc đời Chúa Giêsu cũng đã đầy những nghịch lý. Và có lẽ chúng
ta khá “sốc” khi nghe Ngài xác định: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và
Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy còn một phép rửa phải
chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất! Anh em
tưởng rằng Thầy đến để ban hoà bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết:
không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” (Lc 12:49-51) Bình an và chia
rẽ, “chỏi” nhau lắm!
Lại nói về Lửa.
Lửa rất mềm nhưng lại rất mạnh, không gì có thể cưỡng lại. Một đốm lửa thì gió
thổi tắt, thậm chí hơi thở của chúng ta cũng có thể thổi tắt, nhưng ngọn lửa
lớn thì gió càng to càng làm lửa cháy bùng lên. Trong đó cũng có điều nghịch
lý. Lạ thật! Những vụ hỏa hoạn và cháy rừng đủ minh chứng sức mạnh của lửa, mà
bắt đầu chỉ là một chút lửa – bởi một que diêm hoặc một tia lửa điện.
Lĩnh vực tâm
linh cũng tương tự. Lửa mến leo lét thì dễ bị tắt ngúm khi gặp gian nan, nhưng
lửa mến mạnh mẽ thì không gì cản nổi – kể cả tử thần, vì thế chúng ta rất cần nỗ
lực nhiều để có thể xác tín như Thánh Phaolô: “Không có gì tách được chúng
ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.”
(Rm 8:39) Chính ngọn lửa cháy bỏng đó đã tạo nên những thánh nhân, rõ nét là
các thánh tử đạo, cụ thể là Thánh PT Lôrensô (tử đạo ngày 10-8-258).
Sự bình an
và sự chia rẽ – đối mà không nghịch, đặc biệt là ý nói của Chúa Giêsu: “Từ
nay, năm người trong cùng một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba chống lại hai, hai chống
lại ba. Họ sẽ chia rẽ nhau: cha chống lại con trai, con trai chống lại cha; mẹ
chống lại con gái, con gái chống lại mẹ; mẹ chồng chống lại nàng dâu, nàng dâu
chống lại mẹ chồng.” (Lc 12:52-53) Ôi chao, xem chừng rất nghịch lý, thế nhưng
lại không phải vậy. Ngài chỉ nói sự thật, mà sự thật thì vĩnh hằng, như Ngài có
lần minh định: “Sự thật sẽ giải thoát quý vị.” (Ga 8:32) Đêm tối không
che nổi đốm lửa, gian ác không thể đánh bại công lý. Cây kim sự thật sẽ có lúc
lòi ra từ chiếc bao độc ác.
Chắc chắn bất
cứ ai dám sống theo Cách Giêsu, đi trên Đường Giêsu, nói Lời Giêsu, làm theo
Kiểu Giêsu,... đều bị coi là dại dột, ngu xuẩn, điên rồ, thậm chí còn bị ghen
ghét hoặc bị bách hại. Cuộc sống đã và đang cho thấy rất rõ ràng. Có loại nghịch
lý hóa thuận lý: “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta.” (Lc
9:50) Tương tự, nghịch cảnh vẫn có thể trở thành thuận cảnh để chúng ta gặp
được chính Đức Kitô, Đấng đã chuyển bại thành thắng, dùng nhục hình thập giá để
làm bàn đạp tới vinh quang. Đau khổ là một loại đòn bẩy hiệu quả.
Lạy Thiên
Chúa nhân lành, xin ban thêm đức tin cho chúng con (Lc 17:5) và củng cố đức tin
còn yếu kém của chúng con, (Mc 9:24) xin khơi lửa yêu mến để chúng con đủ sức vượt
qua mọi nghịch cảnh và đi xuyên qua đau khổ hằng ngày. Chúng con cầu xin nhân
danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
TRẦM THIÊN
THU
✽ Mặc Khải TT Chúa – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/06/mac-khai-thanh-tam-chua.html
✽ Tìm Hiểu TT Chúa – https://tramthienthu.blogspot.com/2016/05/tim-hieu-thanh-tam-chua-giesu.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment