[Niệm ý Mt 7:21-27 ≈ Lc 6:46-49]
Vào nhà thờ rất khiêm cung
Nhìn thấy rõ ràng phong cách đức tin
Ra nhà thờ thấy khác liền
Cầu xin, khấn vái thầm thì
Kinh dài, kinh ngắn, sớm khuya thuộc làu
Cuộc đời có khác gì đâu
Như làn khói tỏa tan vào hư không
Đức tin trống rỗng – tin suông
Vỏ ngoài khác với ruột trong – giả hình
Chỉ mong thể hiện chính mình
Người mà nhìn giống như hình nộm thôi
Bốn phương, tám hướng đất trời [*]
Đi nhiều, mỏi cẳng, chơi vơi cõi lòng
Lạy nhiều, vái lắm, mỏi lưng
Xin nhiều, cầu lắm, hồn không ích gì
Chỉ lo hình thức thôi mà
Oai phong thân xác, ốm o linh hồn
Lạy Thiên Chúa, Đấng từ nhân
Xin cho con biết điều cần làm hơn
Yêu người, mến Chúa vuông tròn
Sửa sai khuyết điểm, tìm quên phần mình
Thành tâm chứ chẳng giả hình
Mọi điều vì Chúa nhân lành mà thôi
TRẦM THIÊN THU
Sáng 25-06-2019
[*] Bốn phương là Đông, Tây, Nam, Bắc; xen kẽ bốn phương đó có bốn phương nữa là Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam. Tất cả là tám hướng.
CHỮ LƯƠNG
Kinh Thánh xác định: “Đức Chúa quý chuộng người lương thiện, nhưng Người kết án kẻ mưu mô. Kẻ làm ác đâu đứng vững được hoài, nền móng của chính nhân chẳng bao giờ lay chuyển.” (Cn 12:2-3)
Có một câu truyện xảy ra năm 1920 trong một buổi lễ tốt nghiệp cho các bác sĩ ở Anh, hôm đó có sự hiện diện của thủ tướng Anh quốc. Theo thông lệ, bác sĩ trưởng khoa chia sẻ kinh nghiệm với các sinh viên mới ra trường. Và ông đã kể về một sự cố đã xảy ra thật với chính ông. Ông nói:
“Hôm ấy đã quá nửa đêm, tôi nghe thấy tiếng gõ cửa nhà mình. Khi mở cửa ra, tôi thấy một phụ nữ lớn tuổi đang hoảng hốt và nói với tôi: Ôi bác sĩ ơi, con tôi đang bệnh rất nghiêm trọng, xin ông hãy cứu nó.”
“Tôi vội chạy ra theo bà ta đến nhà họ mà không kịp nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra. Hôm đó là một đêm giông bão và rất lạnh, trời mưa như trút, lái xe rất nguy hiểm nhưng tôi không kịp lo cho mình nữa. Nhà bà ta ở ngoại ô Luân Đôn, và sau một hành trình khó khăn, chúng tôi mới tìm đến nơi. Bà sống trong một căn phòng nhỏ với con trai. Khi bước vào phòng, tôi thấy cậu bé nằm trên giường kê ở góc phòng và đang rên rỉ vì đau đớn.”
“Sau khi tôi khám và kê đơn cho đứa trẻ, người mẹ đưa cho tôi một ít tiền. Tôi từ chối và nhẹ nhàng nói với bà rằng tôi không thể nhận vì họ cần tiền hơn tôi, nhưng tôi sẽ chăm sóc con bà cho đến khi cậu bé khỏe lại.”
Và bác sĩ trưởng khoa kết thúc bài diễn văn: “Đó chính là cách hành nghề y thực sự, vì trở thành bác sĩ tức là đến gần nhất với Lòng Nhân Ái và là một trong những nghề nghiệp gần gũi nhất với Thiên Chúa.”
Ngay khi bác sĩ trưởng kết thúc bài phát biểu của mình, thủ tướng bước ra khỏi chỗ ngồi, tiến lên bục giảng và nói với trưởng khoa: “Hãy cho phép tôi được hôn tay ông. Tôi đã tìm ông suốt hai mươi năm nay vì tôi chính là đứa trẻ mà ông đã cứu trong câu chuyện vừa rồi. Ôi, mẹ tôi sẽ hạnh phúc và an lòng yên nghỉ. Trước khi lâm chung, bà đã tha thiết yêu cầu tôi đi tìm ông để cảm tạ lòng tốt của ông với chúng tôi khi chúng tôi rơi vào cảnh nghèo khổ.”
Chính đứa trẻ đáng thương được bác sĩ cứu sống ngày xưa là ngài Lloyd George – thủ tướng Anh quốc thời đó.
Có vấn đề liên quan vài chữ “lương” ở đây: Lương tâm, Lương thiện, Lương y, Lương thực, Lương lậu. Lương tâm đòi hỏi sự lương thiện, có lương thiện mới nên làm thầy thuốc, xứng đáng được người ta gọi là “lương y như từ mẫu,” nếu không thì chẳng khác chi đồ tể. Sống cần có lương thực để làm việc, hành nghề. Hành nghề thì xứng đáng nhận lương – thường gọi là lương lậu. Việt ngữ thật thâm thúy, bởi vì ngày nay, “lương” không nhiều mà “lậu” gấp nhiều lần. Thế nên người ta tranh giành chức quyền để có dịp “ăn nên, làm ra” một cách mau chóng, theo kiểu “ngồi mát ăn bát vàng.” Có bị phát hiện thì lại viện đủ cớ để biện minh, và rồi “che mắt” thiên hạ bằng vài giọt nước mắt cá sấu!
Lương lậu quá hậu hĩnh nên người ta bất chấp mọi thủ đoạn, không cần biết lương tâm là gì. “Nhân chi sơ, tính bổn thiện,” nhưng “chất thiện” bị người ta cố ý biến hóa khiến cho lương tâm chai lì, xơ cứng. Cứ làm rất đúng quy trình như thế, riết thành quen, quen rồi không sửa được nên không bỏ được, lâu ngày “chất ác” thấm sâu nên trở thành bản chất, khó cải thiện. Thật chí lý với cách xác định của tiền nhân: “Giang sơn dễ đổi, bản chất khó dời.” Dù “khó dời” mà quyết tâm và dứt khoát thì vẫn có thể “đổi dời”, chỉ vì không muốn nên không thể.
Kinh Thánh cho biết: “Kẻ ác dù có được dung tha cũng KHÔNG học biết đường công chính; trong xứ người lương thiện, nó VẪN làm những chuyện gian tà, CHẲNG thấy được oai phong của Đức Chúa.” (Is 26:10) Có lương tâm ngay thẳng là có phúc. Mối phúc đó được sách Huấn Ca đề cập: “Phúc thay ai không bị lương tâm cắn rứt, và kẻ không rơi vào thất vọng.” (Hc 14:2)
Có lương tâm đúng đắn thì mới biết yêu thương. Việc nhỏ nhưng đầy ắp yêu thương sẽ trở thành điều lớn. Chén nước lã chẳng là gì, nhưng nó vẫn có giá trị trước mặt Thiên Chúa nếu chén nước lã đó chứa đầy “chất yêu thương.” (x. Mt 10:42; Mc 9:41)
TRẦM THIÊN THU
Đêm 24-06-2019
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment