Động từ VÁC chỉ hành động được thực hiện đối
với các vật nặng và cần nhiều sức, người ta phải cố gắng nhiều. Còn đối với các
vật nhẹ, người ta chỉ cầm, xách, ôm, thậm chí là lôi, kéo, hoặc có thể bế,
bồng, cõng đối với một đứa bé – nghĩa là không cần phải cố gắng nhiều.
Đối với Thập Giá, Chúa Giêsu phải VÁC chứ
không thể làm cách khác, điều đó chứng tỏ Thập Giá nặng nề lắm chứ chẳng vừa
sức đâu.
Nghiên cứu tường tận, học giả De Fleury tin
rằng Chúa Giêsu đã vác cả thập giá từ dinh Philatô tới đỉnh đồi Canvê. Cuối
thế kỷ 20, các sử gia thấy rằng các tử tội bị án đóng đinh vào thập giá chỉ vác
một thanh ngang thập giá, còn thanh dọc được dựng sẵn tại nơi xử tử. Ước tính
trọng lượng thập giá Chúa Giêsu vác là 200 cân Anh (gần 91 kg), khoảng đường xa
3 dặm (gần 5 km), đi khoảng 1 giờ thì cần nghỉ, một người thợ mộc khỏe mạnh có
thể vác 220 cân Anh gỗ dài 150 bộ (gần 46 m) trên vai trước khi cần nghỉ.
Học giả De Fleury tính toán rằng thập giá có
thể nặng khoảng 220 cân Anh (xấp xỉ 100 kg), nhưng ông cho rằng Chúa Giêsu kéo
lê hơn là vác thập giá, trọng lượng đó đối với Chúa Giêsu như vậy thì cảm thấy
chỉ còn khoảng 55 cân Anh (xấp xỉ 25 kg). Tuy nhiên, trong tình trạng sức khỏe
yếu đuối sau khi bị hành hạ như vậy, trọng lượng vừa phải cũng trở nên quá nặng
đối với Chúa Giêsu, do đó mà quân lính Rôma mới bắt ông Simon thành Xyrênê vác
thập giá giúp đỡ Ngài.
Học giả De Fleury đã ước tính ra khối lượng
thập giá khoảng 10,9 inch khối (gần 30 cm khối). Nhưng tổng khối lượng các mảnh
ông đo được tới 240 inch khối (hơn 6 m khối). Con số đó khiến ông ngạc nhiên. Có
nhiều mảnh đã mất từ nhiều thế kỷ – có thể bị hủy hoại trong chiến tranh hoặc
trong thời cải cách. Ông nhân với 10 thì sẽ là 2.400 inch khối (gần 61 m khối),
chỉ khoảng 1/5 kích cỡ thập giá mà Chúa Giêsu bị đóng đinh vào.
Trong cuốn “Mémoire sur les Instruments de la
Passion” (Ký Ức về Dụng Cụ Khổ Nạn), xuất bản năm 1870, học giả De Fleury kết
luận rằng nếu tất cả thánh tích của Thánh Giá Thật được gom lại, hẳn sẽ không
đủ để đóng đinh một con người, đừng nói chi đóng con tàu Nôê. Thế kỷ 20, tác
giả Evelyn Waugh, người Anh, đề cập vấn đề liên quan kết luận của học giả De Fleury.
Tác giả Evelyn Waugh nói: “Dù khối lượng
thế nào cũng không có dấu vết nào liên quan tính nhẹ dạ cả tin của các tín hữu.”
Cây Thập Giá mà Chúa Giêsu đã phải vác hẳn là
nặng lắm, sức nặng càng tăng lên vì Chúa Giêsu đã nhịn đói cả ngày hôm đó, rồi
suốt đêm không được ngủ, lại còn bị những kẻ thủ ác hành hạ đủ kiểu. Chắc chắn
Ngài kiệt sức lắm rồi. Chỉ tưởng tượng thôi cũng thấy rợn cả người!
Khi cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi với Năm Sự
Thương, qua mầu nhiệm thứ tư, chúng ta cầu xin ơn vui lòng “vác Thánh Giá theo
chân Chúa.” Chúng ta yếu đuối nên cần nhờ ơn trợ lực của Chúa. Vả lại, Chúa
Giêsu đã nhiều lần bảo chúng ta phải từ bỏ mình, bởi vì phải can đảm từ bỏ
chính mình thì mới khả dĩ theo Ngài, mà theo Ngài thì không được sung sướng,
không an nhàn, không thảnh thơi, mà ngược lại, theo Ngài thì phải vác thập giá,
nghĩa là luôn phải chịu thiệt thòi, chịu đau khổ, gặp khốn khó, xui tận mạng.
Chắc chắn ai theo Ngài thì phải là người thực sự can đảm lắm, chứ không thể cứ
tà tà được đâu!
Trong lúc áp giải Đức Giêsu đi, họ thấy Chúa
Giêsu kiệt sức lắm rồi, thế nên họ bắt một người mới từ dưới quê lên, tên là
Simôn, gốc Kyrênê, đặt thập giá lên vai cho ông ta vác đi với Đức Giêsu. Dân
chúng đi theo đông lắm, trong số đó có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc vì
thấy thương Ngài, nhưng Ngài quay về phía các phụ nữ và nói: “Hỡi chị em thành Giêrusalem, đừng khóc
thương tôi làm gì. Có khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu.” (Lc
23:28)
Chúa Giêsu cũng đang nói với chúng ta những
lời như vậy: “Con hãy thật lòng than khóc
vì tội con chứ Ta không cần con thương khóc gì Ta đâu!” Hôm đó có hai tên
gian phi cũng bị án tử và bị điệu đi hành quyết cùng với Chúa Giêsu, nghĩa là
Ngài bị người ta coi là thành phần “bất hảo,” phạm pháp. (Mc 15:28)
Mặc dù Chúa Giêsu chịu đau khổ vì chúng ta,
nhưng Ngài vẫn chấp nhận mọi gánh nặng chỉ vì thương xót chúng ta, tình yêu của
Ngài trọn vẹn dành cho chúng ta hoàn toàn vô điều kiện. Thập Giá gồm hai thanh
gỗ ghép lại, nặng cả trăm ký chứ đâu ít gì, có kéo lê đi thì sức nặng cũng chẳng
nhẹ. Vả lại vác đi lên đồi cao trên con đường gồ ghề sỏi đá thì gay go lắm, mà
lúc đó Chúa Giêsu kiệt sức lắm rồi, nửa sống nửa chết chứ đâu còn bình thường
nữa.
Trên con đường từ dinh Philatô tới Đồi Sọ,
Đức Maria chứng kiến nỗi đau khổ và nhục nhã mà Con Trai phải chịu. Chúng ta có
thể tưởng tượng đôi mắt và khuôn mặt của Đức Mẹ thế nào? Chắc chắn Mẹ đau đớn
lắm, nước mắt cũng cạn rồi. Khó có thể tưởng tượng tới mức Đức Mẹ đau khổ thế
nào.
Mùa Chay, chúng ta cùng cầu xin Chúa thêm sức
cho chúng ta đủ sức vác thập giá đời mình đến cuối đường trần, và cầu xin Đức
Mẹ nâng đỡ chúng ta trên con đường thập giá trần thế này. Những nỗi đau khổ to
lớn thì chắc chắn ghê gớm lắm, nhưng các nỗi đau khổ nho nhỏ và âm ỉ hằng ngày
cũng chẳng dễ chịu chút nào. Ước gì chúng ta đủ can
đảm để “lột xác” và “chết đi” thực sự để có thể phục sinh với Đức Kitô.
Ngày xưa, một Saolê đã từng bách hại “tới bến” đối với những ai yêu mến
Thánh Giá, nhưng sau khi ngã ngựa và bị mù mắt thể lý, con-người-cũ Saolê đã trở
thành con-người-mới Phaolô, không chỉ được sáng mắt thể lý mà lại được sáng mắt
tâm linh. Hạnh phúc quá lớn đến nỗi ông đã tha thiết ước mong: “Ước chi tôi
chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá Đức Giêsu Kitô.” (Gl 6:14)
Chính Thiên Chúa đã minh định: “Chính Ta,
chính Ta đây là Đức Chúa, ngoài Ta ra, CHẲNG CÓ AI CỨU ĐỘ. Chính Ta đã báo cho
biết, đã cứu độ và nói cho nghe, chứ giữa các ngươi, CHẲNG CÓ THẦN LẠ NÀO. Vậy
chính các ngươi là nhân chứng của Ta, và chính Ta là Thiên Chúa, tự muôn đời,
Ta vẫn là Ta: KHÔNG AI CỨU THOÁT KHỎI TAY TA, Ta đã làm, ai dám làm ngược lại?”
(Is 43:11-13) Đó là sự thật minh nhiên, chỉ có một Thiên Chúa duy nhất. (Xh
20:3; Xh 34:14; Đnl 4:35; Đnl 4:39; Đnl 5:7; Đnl 32:39; Kn 12:13; Is 43:10; Is
44:8; Is 45:5-6; Is 46:9; Đn 14:41; Hs 13:4) Có điều cần xác định và ghi nhớ: Mỗi người chỉ có MỘT cuộc đời, KHÔNG
có luân hồi.
Dù mang thân tro kiếp bụi, tội lỗi ngập đầu, mặc dù cho có lúc cảm thấy
thất vọng về chính mình nhưng ĐỪNG BAO GIỜ TUYỆT VỌNG. Lời cầu nguyện, việc ăn
chay, hy sinh, hãm mình, đền tội,.. luôn có hiệu quả, có thể biến họa thành
phúc, cụ thể là dân thành Ninivê đã thay đổi chính số phận của họ. Đời họ đen
thành trắng, vì họ biết ăn năn sám hối chân thành.
Việc cần làm ngay là tuân hành lệnh truyền của Thiên Chúa: “Hãy tẩy
rửa lòng ngươi sạch mọi gian tà để được ơn cứu độ.” (Gr 4:14) Và hãy thành
tâm chân nhận: “Con cô đơn, xin đến cứu giúp con. Lạy Chúa, ngoài Ngài ra,
con đâu còn ai nữa!” (Et 4:17t)
TRẦM THIÊN THU
Đêm Mùa Chay, 12-03-2019✽ Vác Cuộc Đời [4 & 5 Mùa Thương] – https://tramthienthu.blogspot.com/2019/09/vac-oi.html
✽ Vác Đời [suy niệm] – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/01/vac-oi.html
✽ Vác Đời [suy niệm] – https://tramthienthu.blogspot.com/2018/01/vac-oi.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Comment