Thứ Năm, 21 tháng 3, 2019

NỮ TỲ VĨ ĐẠI

Nữ Tỳ Khiêm Nhu Tín Thác Tuân Phục
Thánh Mẫu Vĩ Đại Tràn Đầy Thánh Ân

Khiêm nhường, tín thác và tuân phục là ba nhân đức quan trọng và liên quan lẫn nhau, liên kết như “chiếc kiềng” cân bằng đời sống tâm linh. Mỗi nhân đức đều có tầm quan trọng riêng, không hơn cũng chẳng kém, như “chiếc kiềng” không thể thiếu bất cứ chân nào.

Trong ba nhân đức đó, đức tuân phục là nhân đức đặc biệt, quý giá hơn cả lễ vật. (1 Sm 15:22; Tv 40:7; Tv 50:8-9; Tv 51:18; Hs 6:6) Người khiêm nhường tín thác thì sẵn sàng vâng lời – mối liên kết rất chặt chẽ. Đức Mẹ là người rất khiêm nhường và hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa, do đó Đức Mẹ cũng tuyệt đối tuân phục Thiên Chúa. Lễ Truyền Tin nói lên chiều kích đó. Đức tuân phục đặc biệt vì là một trong ba lời khấn chủ yếu của các tu sĩ, nhân đức này phải được dựa trên nền tảng vững vàng là lòng khiêm nhường và niềm tin tưởng.

Tháng Ba thật lạ lùng, còn vương vấn Mùa Xuân mà lại mang sắc màu Mùa Chay – đầy gai nhọn và đinh sắc, tím rịm nỗi khổ đau của Đức Kitô, thế nhưng lại có niềm vui khởi đầu Ơn Cứu Độ: Chúa Cha trao ban Con Một cho nhân loại. Lễ Truyền Tin là Tin Vui không chỉ riêng cho Đức Maria mà còn cho cả nhân loại. Nhờ sự kiện truyền tin và nhờ lời “xin vâng” của Đức Maria mà chúng ta có Đấng Emmanuel, Vị Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Khi cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi, với mầu nhiệm thứ nhất Mùa Vui: Sứ thần truyền tin cho Đức Maria, Giáo Hội dạy chúng ta cầu xin ơn biết sống khiêm nhường – nhân đức nền tảng của “tòa nhà nhân đức.”

Thực sự rất tuyệt vời, chỉ trong vòng nửa năm mà tin vui được nhân đôi: Mới trước đó là tin vui cho vợ chồng ông Dacaria và bà Êlidabét (còn gọi là Isave) với tin thụ thai ngôn sứ Gioan Tẩy Giả, và nay là tin vui cho Đức Maria với tin thụ thai Đấng Cứu Thế. Tin vui lớn dần, tin vui sau lớn hơn tin vui trước. Quả thật, niềm vui ấy lan tỏa mau chóng, bao phủ khắp nơi, đầy ắp lòng người. Niềm vui như vỡ òa. Và Giáo Hội nhắc nhớ: “Khắp cả trần gian hãy biết rằng, Tin Mừng giải thoát đã tràn lan.” (Thánh Thi)

Thường thì “phúc bất trùng lai,” nhưng ở đây lại khác hẳn, bởi vì Tin Vui nối tiếp và nhân đôi. Đối với Tin Vui thứ nhất, chúng ta có Thánh ca “Chúc Tụng” (Benedictus) của ông Dacaria, (Lc 1:68-79) Đối với Tin Vui thứ nhì – Tin Vui vĩ đại hơn, chúng ta có Thánh ca “Ngợi Khen” (Magnificat – Lc 1:46-55) của Đức Maria.

Cái gì cũng hết, dù điều tuyệt vời mà nói hoài cũng nhàm chán và cũng chẳng biết nói gì thêm. Nhưng chắc hẳn chẳng có bút sách hoặc văn lực nào có thể nói đầy đủ về Đức Maria – một Nữ Tỳ Vĩ Đại, một Tuyệt Tác của Thiên Chúa, một loại kỳ hoa dị thảo đặc biệt nhất. Trí óc phàm nhân không thể nào hiểu nổi chuyện “thụ thai mà còn đồng trinh,” có so sánh như “ánh nắng chiếu qua tấm kiếng” thì cũng chỉ để hiểu được phần nào thôi. Và càng khó hiểu hơn về một thụ tạo mà lại trở thành Mẹ của Thiên Chúa, điều mà người chị họ Êlidabét đã xác nhận và reo vui: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1:43) Nhiệm mầu cao cả và kỳ diệu vô cùng!

Kinh Thánh cho biết từ thuở xa xưa, Đức Chúa đã cho vua Akhát biết: “Ngươi cứ xin Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi ban cho ngươi một dấu dưới đáy âm phủ hoặc trên chốn cao xanh.” (Is 7:11) Thiên Chúa cho phép ông xin bất cứ điều gì, nhưng ông lại không dám xin chi cả. Ông xác định: “Tôi sẽ không xin, tôi không dám thử thách Đức Chúa.” (Is 7:12) Đó là cách sống đức tin và khiêm nhường, tấm gương sáng ngời để mỗi chúng ta cần phải thường xuyên “soi” mình xem dung nhan linh hồn thế nào để có thể kịp chấn chỉnh trước khi quá muộn, đặc biệt là trong dịp Mùa Chay quý báu này.

Cảnh báo là điều cần làm, cảnh báo vì còn yêu thương, không cảnh báo là bỏ mặc, không còn yêu thương nữa. Và rồi ngôn sứ Isaia đã nghiêm túc cảnh báo: “Nghe đây, hỡi nhà Đavít! Các ngươi làm phiền thiên hạ chưa đủ sao, mà còn muốn làm phiền cả Thiên Chúa của tôi nữa? Vì vậy, chính Chúa Thượng sẽ ban cho các ngươi một dấu: Này đây người thiếu nữ mang thai, sinh hạ con trai, và đặt tên là Emmanuel.” (Is 7:13-14) Lời cảnh báo nghiêm túc và thẳng thắn, nhưng vẫn kèm theo lời hứa đầy ắp yêu thương. Lòng thuông xót của Thiên Chúa thật bao la và kỳ diệu biết bao!

Dĩ nhiên đó cũng là lời cảnh báo đối với chúng ta, bởi vì chúng ta cũng chưa sạch “máu nổi loạn” nên vẫn làm phiền Thiên Chúa, khoái những “sự lạ,” nhưng tính tò mò lớn hơn niềm tin. Đơn giản như khi đi đường, thấy có gì “khác thường” là người ta xúm lại xem rồi bàn tán rôm rả, thậm chí còn thêm đủ thứ “gia vị.” Biết bao người đã và đang là “nạn nhân” của “những cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.” Tương tự, người ta chỉ mong được thấy “sự lạ” ở nơi này hoặc nơi kia, rỉ tai nhau rồi ùn ùn kéo nhau đi. Xong rồi thôi, chính cuộc sống của những người đó chẳng thấy có gì thay đổi tích cực về tâm linh. Như thế chỉ là vô ích. Thậm chí có người còn nói thấy Chúa, thấy Mẹ, hoặc thấy “người lạ” nào đó, muốn người khác biết mình là “thị nhân” để “có tiếng” chứ đâu phải là muốn vinh danh Thiên Chúa?

Thật vậy, nhiều người cho biết họ được ơn này ơn nọ, rồi làm chứng đủ kiểu, nhưng có người tỏ ra như cuồng tín. Đôi khi nghe kiểu nói của họ thì có vẻ làm chứng về mình hơn làm chứng về Chúa, thậm chí còn có dạng “không dám tin là thật” vì thấy “không ổn” chút nào. Kinh Thánh nói: “Ngươi không được phao tin đồn nhảm. Đừng làm chứng gian mà tiếp tay với kẻ xấu.” (Xh 23:2) Thánh Phaolô cho biết: “Lạ gì đâu! Vì chính Satan cũng đội lốt thiên thần sáng láng! Vậy có gì là khác thường khi kẻ phục vụ nó đội lốt người phục vụ sự công chính. Chung cục, chúng sẽ lãnh nhận hậu quả công việc chúng đã làm.” (2 Cr 11:14-15) Cẩn tắc vô ưu, vì cũng liên quan niềm tin, nhưng đức tin trái ngược với cuồng tín!

Hằng ngày, có nhiều “dấu lạ” nhãn tiền mà lại không mấy ai thực sự lưu tâm, hoặc là cố ý làm ngơ. Dấu lạ thật sao? Đúng vậy! Các dấu lạ đó minh nhiên, không hề xa lạ, đó chính là KHÔNG KHÍ – thứ luôn rất cần thiết để chúng ta hít thở từng giây mà sống, cả ÁNH SÁNG nữa, và đặc biệt là phép lạ THÁNH THỂ hằng ngày tái diễn trên bàn thờ, chính Chúa Giêsu vẫn hiện diện sống động thực sự ở giữa chúng ta, cụ thể là nơi Nhà Tạm. Quen quá hóa nhàm chăng?

Như chúng ta đã biết, đức vâng lời là nhân đức thể hiện lòng khiêm nhường (khiêm nhu, khiêm tốn, khiêm hạ). Vâng lời (tuân phục, thanh tuân) là lời khấn thứ nhất của các tu sĩ, sau đó mới là lời khấn nghèo khó và khiết tịnh (có dòng còn thêm một số lời khấn khác). Thánh Vịnh gia nói: “Chúa chẳng thích gì tế phẩm và lễ vật, nhưng đã mở tai con; lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa không đòi, con liền thưa: ‘Này con xin đến!’.Trong sách có lời chép về con rằng: con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con.” (Tv 40:7-9) Điều này được thể hiện rõ nét nơi Đức Mẹ, vì Đức Mẹ cũng là người ít nói, biết được gì thì cũng “hằng ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.” (Lc 2:19) Quả thật, im lặng là vàng ròng, là ngọc quý. Vô giá!

Trong lòng đấy ắp niềm vui, Thánh Vịnh gia bộc bạch: “Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh. Đức công chính của Ngài, con chẳng giữ riêng lòng mình biết; nhưng con đã nói lên đức trung tín và ơn cứu độ của Ngài, chẳng giấu giếm chi cùng đại hội rằng Ngài thành tín và yêu thương.” (Tv 40:11) Điều này cũng phải là quyết định của mỗi Kitô hữu. Biết hành động như vậy là hợp tác với Thiên Chúa: loan báo Tin Mừng, truyền bá lòng sùng kính Thánh Tâm, truyền bá Lòng Chúa Thương Xót, đồng thời cũng là cố gắng hoàn thiện và đem Chúa đến với người khác để họ khả dĩ nhận biết Ngài để cũng được Ngài cứu độ.

Nhưng cũng nên lưu ý, bởi vì Thánh Phaolô cho biết: “Máu các con bò, con dê không thể nào xóa được tội lỗi. Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” (Dt 10:4-7) Vì vâng lời, cậu bé Samuel đã biết chân thành thân thưa: “Người là Đức Chúa. Xin Người cứ làm điều Người cho là tốt.” (1 Sm 3:18) Còn nhỏ mà đã khôn ngoan như vậy thì thật tuyệt vời. Hằng ngày, ước gì mỗi chúng ta cũng biết sống đức vâng lời mà cầu nguyện như vậy!

Vì là nhân đức quan trọng nên đức vâng lời cứ được lặp đi lặp lại. Thánh Phaolô dẫn chứng: “Trước hết, Đức Kitô nói: Hy lễ và hiến tế, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Chúa đã chẳng ưa, chẳng thích, mà đó chính là những thứ của lễ được dâng tiến theo Lề Luật truyền. Rồi Người nói: Này con đây, con đến để thực thi ý Ngài. Thế là Người bãi bỏ các lễ tế cũ mà thiết lập lễ tế mới. Theo ý đó, chúng ta được thánh hóa nhờ Đức Giêsu Kitô đã hiến dâng thân mình làm lễ tế, chỉ một lần là đủ.” (Dt 10:8-10) Với tinh thần vâng lời tuyệt đối, Đức Mẹ đã mau mắn nói lời “xin vâng,” vì ý Chúa chứ không vì ý riêng. Và chính Đức Kitô cũng hoàn toàn tuân phục, dù Ngài cũng có sự giằng co của nhân tính trước khi nhận “chén đắng.” Ngài vẫn cảm thấy sợ, nhưng quyết tâm vâng lời chứ không khước từ những gì Chúa Cha đã trao.

Trong trình thuật Lc 1:26-38, Thánh sử Luca cho biết: Bà Êlidabét có thai được sáu tháng thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, Thôn nữ Maria rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền trấn an: “Thưa Chị Maria, xin đừng sợ, vì Chị đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây Chị sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

Vốn dĩ hiền thục và theo bản tính e ngại phàm nhân, Đức Maria thắc mắc nên nhẹ nhàng thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Thế nhưng sứ thần quả quyết: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Chị, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Chị, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa Cô Êlidabét, người họ hàng với Chị, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Cô ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, KHÔNG CÓ GÌ LÀ KHÔNG THỂ LÀM ĐƯỢC.” Ôi, thật tuyệt vời, thật kỳ diệu!

Và như vậy, Đức Mẹ không còn nghi ngờ và cũng chẳng ngần ngại chi ráo trọi, rồi thưa ngay: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1:38) Một câu nói đầy ắp sự can đảm với tầm nhìn tương lại rộng lớn. Quả thật, không dễ gì mà có thể quyết định mau mắn với đại sự như vậy. Đây là động thái quan trọng, chính nhờ Đức Mẹ vui lòng “xin vâng” mà Ngôi Hai nhập thể để bắt đầu Chương Trình Cứu Độ: “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người, và ở cùng chúng ta.”

Sứ vụ loan báo hỷ tín đã đã hoàn thành, Tổng thần Gabriel từ biệt ra đi. Và Đức Maria bắt đầu trang đời mới với trọng trách mới và cũng đầy gian khó. Xin hết lòng tạ ơn Thiên Chúa xót thương và tạ ơn Đức Trinh Nữ Maria chấp nhận trọng trách với tinh thần vâng phục.

Đức Maria là một Nữ Tỳ nhưng trở nên vĩ đại vì được làm Thánh Mẫu Thiên Chúa, đồng thời là Nhà Tạm đầu tiên bởi vì Đức Mẹ là Người-mang-Thiên-Chúa (Theotókos, God-Bearer). Ôi, thật diễm phúc cho phàm nhân chúng ta, vì mỗi khi đón nhận Thánh Thể, chúng ta cũng thực sự trở nên Nhà Tạm của Thiên Chúa Ngôi Hai. Thật vậy, Thánh Phaolô xác nhận rằng “chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa hằng sống.” (2 Cr 6:16) Điều kỳ diệu không chút mơ hồ: Được làm con cái của Thiên Chúa thật là diễm phúc, được làm con cái của Đức Mẹ thật là vui sướng!

Lạy Thiên Chúa toàn năng, vì công ích, xin Ngài cứ thực hiện những gì Ngài muốn đối với cuộc đời con, mặc dù có thể trái ý con, nhưng xin giúp con luôn biết xin vâng tuyệt đối và mau mắn. Lạy Thánh Mẫu Thiên Chúa, xin hướng dẫn và nâng đỡ để con luôn noi gương Mẹ, xin cầu thay nguyện giúp cho mọi người và xin giải cứu đất nước Việt Nam nhỏ bé này. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại. Amen.

TRẦM THIÊN THU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment