Thứ Tư, 20 tháng 3, 2019

NHÌN CHAY

Bồi hồi tâm sự Mùa Chay
Nào ai có hiểu niềm cay nỗi sầu!
“Áo, cơm chia sẻ cùng nhau
Mà nỡ lòng nào dứt nghĩa tình thân?[1]
Phàm nhân yếu đuối mọn hèn
Nhiều khi cảm thấy phân vân trong lòng
Thật ra chẳng có bất thường
Lọc lừa, áp bức, bất công hằng ngày
Mọi thời vẫn thấy có đầy
Chúa Giêsu uống chén này ngày xưa [2]
Nỗi buồn rồi sẽ mau qua
Lặng nhìn Thánh Giá, an hòa tâm can

TRẦM THIÊN THU

[1] Ga 13:18; Tv 41:10.
[2] “Con đừng ngạc nhiên vì đôi khi bị tố cáo bất công. Chính Ta đã từng uống chén đau khổ bất công này trước vì yêu con.” (Nhật Ký Thánh Faustina, số 289)

IM LẶNG – ĐỈNH CAO CỦA SỰ THẤU CẢM

Im lặng được xem như một loài hoa, hoa ngôn ngữ, không tỏa hương nhưng mang lại một vẻ đẹp thanh cao và thuần khiết. Loài hoa này sẽ toát hết cái vẻ quyền uy của nó nếu bạn biết cách khai mở chúng.
Nếu cuộc sống này tràn ngập ánh nắng thì những khoảng lặng sẽ là những cơn mưa. Cho nên ý thức được sức mạnh của “im lặng” sẽ giúp chúng ta hiểu mình, hiểu người hơn. Từ đó bạn chỉ đợi chờ gặt hái kết quả của sự thành công mà thôi.
IM LẶNG LÀ GÌ?
Im lặng là sự vắng mặt của những lời nói thường ngày, những âm thanh có thể làm ta trở nên vui tươi hơn, hoặc sẽ làm tâm trạng chúng ta chùn xuống bất cứ lý do gì. Lắm lúc chúng ta nhận ra rằng người đối diện hay đang giao tiếp có vẻ im lặng dường như phớt lờ đi mọi ý tưởng hiện đang trình bày. Tuy nhiên im lặng không có nghĩa là dửng dưng với mọi thứ xung quanh mà im lặng để chiêm nghiệm rõ hơn về nguyên nhân-hậu quả của vấn đề, quan trọng hơn đó cũng là cách để thể hiện cảm xúc thấu hiểu hơn về vấn đề đang là.
Hơn nữa sự thấu hiểu của ta phát xuất từ những khoảng lặng sâu kín tận tâm hồn, cho nên im lặng không có nghĩa là khinh thường hay miệt thị ai đó với thái độ bất cần, mà là cho chúng ta cơ hội để hiểu nhau hơn. Đôi khi im lặng còn mạnh mẽ hơn rất nhiều so với những lời nói hoa mỹ có cánh.
IM LẶNG LÀ VÀNG
Câu nói của người xưa như nhắc nhở chúng ta hiểu thêm về giá trị của sự im lặng. Đôi khi nói không phải là cách để giải quyết tốt nhất cho sự việc đang xảy ra. Xã hội hiện nay là một thực trạng con người có thể mất mạng vì một lời nói vô tình hay cố ý.
Giữ im lặng là sức mạnh có thể ngang bằng với lời nói, giống như một cái ôm thắm thiết có giá trị hơn lời nói: “Chia buồn cho sự mất mát của bạn.” Ở tại thời điểm đó, bạn tốt nhất nên chọn im lặng khi họ chia sẽ những câu chuyện có ý nghĩa. Hãy để cho họ cảm thấy được những cử chỉ gật đầu im lặng và những ánh mắt chia sẻ.
IM LẶNG VÀ MỈM CƯỜI
Im lặng và mỉm cười là hai vũ khí lợi hại nhất. Mỉm cười là cách để giải quyết vấn đề. Im lặng là cách để tránh những rắc rối xảy ra. Quả thật vậy chúng ta đều muốn bình an cho bản thân mình, nhưng chúng ta thường là ngược lại.
Thêm vào đó, những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ nhưng tại sao nó lại trở thành to lớn? Vì chúng ta muốn thể hiện cái tôi của chính mình. Biểu hiện ra bên ngoài để mọi người biết rằng: “Tôi giỏi, tôi đủ khả năng để hiểu biết mọi vấn đề…” nhưng cổ nhân lại có câu: “Thiên ngoại hữu thiên, nhân ngoại hữu nhân,” có nghĩa là “bên ngoài bầu trời này còn có bầu trời khác, người tài có người tài hơn.”
Thiết nghĩ, câu thành ngữ đọc có vẻ vui tai nhưng hàm ẩn triết lý sâu sắc về cách học làm người của người xưa. Đừng thể hiện quá sớm khi cái hiểu biết của mình còn quá hạn hẹp trong một phạm vi. “Sông càng sâu càng tĩnh lặng, lúa càng chín càng cúi đầu.” Càng minh chứng rõ hơn về sự khiêm nhường của chúng ta.
Cho nên biết hay không là một chuyện, thể hiện cái hiểu biết của mình như thế nào mới là quan trọng. Hơn nữa để giải quyết vấn đề không mang lại tranh cãi, tốt nhất chúng ta nên mỉm cười và tôn trọng ý kiến của họ để tránh những việc đáng tiếc xảy ra đó mới thật sự khôn ngoan.
Tuân Tử cũng có câu: “Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là năm cung bậc khác nhau của trí tuệ.”
HỌC CÁCH IM LẶNG THAY VÌ BỘC LỘ CẢM XÚC
Đôi khi thể hiện những suy nghĩ ra bên ngoài sẽ làm ta mất tự chủ trong mọi hành động, nếu vượt quá tầm kiểm soát bạn sẽ hối hận về những việc sau này. Câu chuyện dưới đây sẽ cho chúng ta hiểu hơn về giá trị của im lặng hơn là hành động theo bản năng cảm xúc hằng ngày.
Một ngày nọ, vị samurai đến thu nợ của người đánh cá. Tuy nhiên khi đến thu nợ, người đánh cá nói rằng: “Tôi xin lỗi, năm qua thật tồi tệ, tôi không có tiền để trả ngài.” Vị samurai nổi nóng định rút kiếm ra chém chết người đánh cá. Rất nhanh chóng người đánh cá nhanh trí nói: “Tôi cũng là một người học võ và sư phụ của tôi dạy không nên đánh nhau khi đang tức giận.” Vị samurai nhìn người nọ một lúc và hạ kiếm xuống. Ông nói: “Sư phụ của ngươi rất khôn ngoan. Sư phụ của tôi cũng dạy như thế. Đôi khi ta không thể kiểm soát được sự giận dữ của mình.”  Vị samurai nói tiếp: “Ta sẽ cho ngươi một năm để trả nợ và khi đó chỉ thiếu một xu thôi ta cũng sẽ giết ngươi.”
Vị samurai trở về rất muộn, ông nhẹ nhàng vào nhà vì không muốn đánh thức vợ, nhưng ông ta bất ngờ khi thấy vợ mình ngủ với một kẻ lạ mặc áo samurai. Ông nổi điên lên và giận dữ muốn giết cả hai, ông nâng kiếm lên nhưng chợt nhớ tới lời của người đánh cá bên tai: “Đừng hành động khi đang giận dữ.”
Vị samurai kiềm chế kích động, ngừng lại, thở sâu và cố tình gây ra tiếng động lớn, sau đó vợ ông thức dậy và kẻ lạ mặt cũng vậy, mà kẻ lạ mặt không ai khác chính là mẹ của ông. Vị samurai gào lên: “Chuyện này là sao, xém chút nữa con đã giết chết hai người.” Vợ của ông lên tiếng giải thích: “Vì sợ kẻ trộm lẻn vào nhà nên em để mẹ mặc quần áo của chàng để dọa chúng.”
Một năm sau, người đánh cá quay lại và trả tiền cho vị samurai và có cả tiền lãi nữa. Vị samurai nói: “Hãy cầm lấy tiền của ngươi đi, vì ngươi đã trả nợ cho ta rồi.”
Đừng để sự tức giận làm mờ mắt bạn mà gây ra những lỗi lầm đáng tiếc. Cách tốt nhất trong khi giận dữ là im lặng để thật bình tĩnh và hạn chế sự tức giận, tốt hơn là hơn thua.
IM LẶNG LÀ VŨ KHÍ TỐI THƯỢNG TRONG GIAO TIẾP
“Tại sao ta sinh ra lại có hai tai nhưng lại chỉ một miệng?” – ở đây ta có thể tạm gọi nó là quy luật “Hai và Một”. Có bao giờ chúng ta tự hỏi bản thân như vậy chưa? Ở đây mọi việc, sự vật hiện tượng trên thế gian này có mặt đều có lý do của nó cả. Thay vì nói nhiều sẽ tạo khó chịu cho người đối diện, tại sao chúng ta không nói ít lại để lắng nghe ý kiến của những người xung quanh nhiều hơn? Biết đâu rằng im lặng lắng nghe sẽ giúp bạn chinh phục người nghe một cách tuyệt đối thì sao?
Mặt khác kinh nghiệm thực tế đã cho chúng ta nhận ra được im lặng chính là món vũ khí lợi hại trong giao tiếp. Bạn có khi nào tiếp xúc với người lúc nào cũng tranh phần nói với mình hay chưa? Nếu bạn chưa gặp thì xin chia buồn cùng bạn vì bạn vẫn chưa được trải nghiệm cảm giác khó chịu và bức rứt khi gặp một người miệng nhanh hơn não. Ngược lại, nếu bạn đã từng tiếp xúc thì cả một bầu trời kinh nghiệm để nhìn lại bản thân mình một cách nghiêm túc.
Hơn nữa cảm xúc là một thứ gì đó dễ lây lan vì nó rất dễ chạm đến sự nghe của người khiếm thính, và là hình ảnh trong cái sự mờ ảo của người khiếm thị. Nếu đối diện với người lúc nào cũng giành phần nói với ta thì cảm giác của bạn sẽ như thế nào? Chắc chắn sẽ là rất khó chịu vì họ thiếu tôn trọng và ngắt đi nguồn cảm hứng chia sẻ, tâm sự của ta.
Tốt nhất là chúng ta nên nhường sân cho những người thích thể hiện bản thân họ, để mình lắng nghe kinh nghiệm từ những người đi trước cho dù, và hơn thế là mình có thể kiềm chế những xúc cảm không tốt nơi tận đáy tâm hồn. Từ những vẫn đề nêu trên chúng ta ý thức rất rõ rằng im lặng không phải là vũ khí để tạo nên sự hận thù, mà sự khôn ngoan ấy chính là món thần binh để dập tắt những cung bậc cảm xúc dẫn chúng ta đến con đường sai lầm.
Im lặng nhìn sâu vào bản chất của từng vấn đề, nó sẽ không như chúng ta nghĩ. Mọi người ai cũng có quyền thể hiện cái hiểu biết về vấn đề họ từng trải, hay chia sẽ một kinh nghiệm hay mà họ đạt được.
Im lặng không phải che giấu sự thiếu hiểu biết của mình, ngược lại nó là phép thử xem chúng ta có áp dụng đúng quy luật nghe nhiều hơn nói hay không? Nếu vượt qua được cảm giác khó chịu ấy chúng ta thực hiện đúng quy trình mà cuộc sống đã ban tặng, và đó cũng chính là lý do tại sao chúng ta có quy luật “Hai và Một.”
HOÀNG PHÚC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment