Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

PHỤC VỤ HÒA BÌNH

Một mối phúc trong Bát Phúc liên quan hòa bình: “Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.” (Mt 5:9) Đó là mối phúc thứ bảy, và chúng ta đọc theo Kinh Tám Mối Phúc Thật thế này: “Ai làm cho người hòa thuận, ấy là phúc thật, vì chưng sẽ được gọi là con Đức Chúa Trời vậy.”
Tin nóng sốt lúc này là Nam Hàn và Bắc Hàn đã bảo đảm chấm dứt chiến tranh, quyết tâm cùng nhau xây dựng nền hòa bình chung của dân tộc, cùng nhau phục vụ hòa bình. Thật tốt lành biết bao!
Cuộc sống trần gian có nhiều thứ bất an nên con người luôn khao khát bình an. Muốn có hòa bình thì mỗi người phải tích cực kiến tạo hòa bình, cụ thể là sử dụng tình yêu thương để phục vụ, như Thánh Phaolô đã nhắn nhủ: “Hãy lấy đức mến mà phục vụ lẫn nhau” (Gl 5:13) và “Hãy làm mọi sự vì đức ái.” (1 Cr 16:14) Phục vụ lẫn nhau là phục vụ Thiên Chúa. Có thực hiện như vậy mới mong có hòa bình đích thực, bởi vì “Thiên Chúa là nguồn mạch bình an.” (2 Tx 3:16)
Thiên Chúa không muốn chúng ta chỉ ĐI (đến) nhà thờ theo thói quen – hoặc miễn cưỡng, mà Ngài muốn chúng ta thực sự LÀ Giáo Hội của Ngài, vui vẻ bước đi trong bình an và suốt đời phụng sự một mình Ngài, thường xuyên LÃNH NHẬN Thánh Thể và CHIA SẺ cho nhau chính tấm-bánh-cuộc-đời-mình. Đó là cách sống phục vụ cụ thể, và cũng là cách phục vụ hòa bình.
Phục vụ là khiêm nhường, là nhịn nhục, là quên mình, là dấn thân vì tha nhân và vì công ích. Khi hai anh em con ông Dêbêđê cùng người mẹ đến xin hai vị trí quan trọng nhất, các môn đệ đã tỏ ra “khó chịu”, chắc là Chúa Giêsu buồn lắm, và Ngài nghiêm túc giáo huấn: “Ai muốn LÀM LỚN giữa anh em thì PHẢI làm người PHỤC VỤ anh em. Và ai muốn LÀM ĐẦU anh em thì PHẢI làm ĐẦY TỚ anh em.” (Mt 20:26-7; Mc 10:43-44) Rồi Ngài xác định: “Con Người đến KHÔNG phải để ĐƯỢC người ta phục vụ, nhưng là để PHỤC VỤ, và HIẾN MẠNG SỐNG làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28; Mc 10:45)
Có vậy mới hy vọng được hưởng hòa bình. Quả thật, hòa bình vô cùng cần thiết và cấp bách. Sau khi phục sinh, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, và lời chúc bình an là câu đầu tiên của Ngài: “Bình an cho anh em.” (Ga 20:19; Ga 20:21; Ga 20:26) Điều đó chứng thực rằng sự bình an rất quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Ở đâu có hòa bình (bình an tâm hồn và xã hội) thì mới có hạnh phúc; ngược lại, ở đâu có chiến tranh là có đau khổ, bất hạnh.
Kinh nghiệm sống cho chúng ta thấy rằng chiến tranh và hòa bình là hai thái cực đối lập. Nhưng người ta nói: “Nếu bạn muốn hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh”Câu này là do câu tục ngữ Latin: “Si vis pacem, para bellum.” Nguồn gốc câu tục ngữ này vẫn còn là một điều bí ẩn, nhưng có lẽ chỉ là một cách mỉa mai. Thế mà câu tục ngữ này được tin tưởng một cách rộng rãi, dĩ nhiên có thể là đúng mà cũng có thể là sai. Người ta cho rằng câu đó xuất xứ từ một câu của sử gia Rôma là Publius Flavius Vegetius Renatus: “Igitur qui desiderat pacem, praeparet bellum.” Câu này có trong một tác phẩm của ông là cuốn “Epitoma Rei Militaris” (Về Quân Sự) – có thể đã được viết vào khoảng năm 390. Đó là một giả thuyết, chưa ai dám chắc chắn !
Tuy nhiên, có sự khác biệt khó nhận ra giữa hai câu trên. Câu thứ nhất mạnh mẽ và dứt khoát. Đó là một mệnh đề phụ thuộc, mở đầu là một mệnh đề có trạng từ bổ nghĩa với một động từ. Một câu bình thường yêu cầu phải có một động từ chính để trình bày nhưng tác giả đã biến nó thành câu điều kiện và câu mệnh lệnh: “Nếu bạn thực sự muốn hòa bình, hãy chuẩn bị cho chiến tranh.”
Còn trong câu thứ nhì, tư tưởng của Vegetius chỉ là một giả thuyết – ít quả quyết và ít dứt khoát hơn, trong điều kiện giả định của một mệnh đề với cả hai động từ trong lối trình bày là dạng mệnh lệnh cách: “Bất cứ ai trước khi muốn có hòa bình đều phải chuẩn bị cho chiến tranh.” Tất nhiên câu này không mang ý nghĩa khuyến khích chiến tranh, vì trái với nhân đạo, ngược với ý Chúa.
Chắc hẳn ai cũng khả dĩ nhận biết rằng chiến tranh thật là khủng khiếp, nhất là đối với những người đã từng chịu cảnh chiến tranh, mặc dù chưa sống trong chiến tranh thì người ta cũng có thể biết sự tàn khốc của nó. Nếu là người Việt Nam từ 50 tuổi trở lên thì có thể “trực tiếp” biết sự tàn khốc của chiến tranh về cả thể lý lẫn tinh thần và tâm lý, sự tàn phá cứ âm ỉ và dai dẳng. Cái chết của người thân bị giết gây ảnh hưởng nặng nề tới ông bà, cha mẹ, con cái, vợ chồng, anh chị em, bạn bè, xóm giềng,... Lệ sầu rơi xuống không chỉ cay mắt và mặn môi, rồi sẽ khô và nguôi ngoai theo thời gian, nhưng quan trọng hơn là nó còn làm “ướt” nhiều thứ khác và hầu như không bao giờ “khô” được. Vết thương thể lý sẽ khỏi – chẳng chóng thì chày, nhưng vết thương tâm lý lại rất khó lành – đôi khi có thể trở thành mãn tính!
Bà Agatha Christie (1890-1976), nữ tiểu thuyết gia về tội phạm và kịch tác gia người Anh, nhận định: “Bây giờ người ta kinh hãi nhận ra rằng chiến tranh chẳng giải quyết cái gì cả, thắng một cuộc chiến cũng thảm khốc như thua cuộc.” Người Việt cũng có cách nói tương tự: “Chưa đánh được người thì mặt đỏ như vang, đánh được người rồi thì mặt vàng như nghệ”. Chuyện đời lạ lắm, đôi khi người hả hê thắng cuộc lại chính là người thê thảm thua cuộc, người bị coi là thua cuộc lại chính là người thắng cuộc. Đó là nghịch-lý-thuận độc đáo mang tính triết lý thâm thúy !
Thật vậy, lịch sử cho thấy rõ ràng: Chúa Giêsu bị người ta giết chết thê thảm trên Thập Giá, người đời coi như Ngài bị thua cuộc, nhưng không ngờ Ngại lại dùng chính Thập Giá làm đòn bẩy để tới chiến thắng hiển hách: Phục Sinh vinh quang. Đau khổ không là bất hạnh mà là hạnh phúc: “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt.” (Dt 12:6) Và chắc chắn, sau đó sẽ là phần thưởng ngọt ngào khôn tả!
Trăm năm trước tại Fátima, vào các ngày 13 của các tháng – từ tháng 5 tới thánh 10 năm 1917, Đức Mẹ đã hiện ra với ba em chăn chiên (Lúcia dos Santos, Francisco Marto và Jacinta Marto) và căn dặn các em phải siêng năng lần hạt Mân Côi để cầu hòa bình cho thế giới, tất nhiên chúng ta cũng cần phải “canh tân đời sống” và “tôn sùng Đức Mẹ” nữa. Đó là bí quyết tâm linh mà Đức Mẹ đã “bật mí” cho nhân loại, phương thế kiến tạo hòa bình và biệt dược chữa lành vết thương chiến tranh.
Ai đã từng sống trong cảnh hòa bình thì mới cảm thấy an tâm và hưởng hạnh phúc. Chưa có hòa bình đích thực nên người ta vẫn khao khát hòa bình để có hạnh phúc thật. Vì thế, người ta cảm thấy nuối tiếc quá khứ khi không còn cảnh thanh bình của những ngày xưa thân ái. Vâng, sống ở đời ai cũng miệt mài đi tìm hạnh phúc – vì “mọi người sinh ra đều bình đẳng, Tạo Hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc.” (Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ, 4-7-1776) Có thể quan niệm về hạnh phúc khác nhau theo mỗi người, cấp độ và mục đích cũng khác nhau, nhưng chung quy vẫn là “sự thanh thản” của cuộc sống, cả về tinh thần và thể lý. Hòa bình xã hội rất cần thiết, nhưng hòa bình tâm hồn còn quan trọng hơn. Và loại hòa bình này chỉ có được ở nơi Thiên Chúa.
Khá đa dạng về quan niệm hạnh phúc. Có người cho rằng hạnh phúc là quên mình, dấn thân phục vụ, vì người nghèo, vì những người khốn cùng trong xã hội, với người đời thì đó là ngu xuẩn, điên rồ. Tuy nhiên, họ làm vậy để đạt được hạnh phúc đích thực trong chính Đức Giêsu Kitô: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16:24-26) Nhưng ngược lại, có người quan niệm hạnh phúc là ăn chơi xả láng, thậm chí là giết người để cướp của để giành lấy phần hạnh phúc cho mình, không cần biết người khác ra sao, miễn sao họ “thoải mái” sống là được!
Thế nhưng có điều chắc chắn rằng không hề có hạnh phúc đích thực ở trên thế gian này. Có quyền rồi cũng hết, có tiền rồi cũng hết, có tình rồi cũng chẳng còn,… có bất cứ cái gì rồi cũng là con số không, bởi vì phàm nhân chúng ta chẳng có gì sở hữu vĩnh viễn, có chăng chỉ là quản lý chúng một khoảng thời gian nào đó thôi. Rõ ràng là ai chết cũng chẳng đem theo được gì ngoài đôi tay trắng, giống như lúc mình ra đời: “Chúng ta đã KHÔNG MANG GÌ vào trần gian, thì cũng CHẲNG MANG GÌ ra được.” (1 Tm 6:7) Có lẽ vì thế mà càng ngày người ta càng cảm thấy trống rỗng, bất an, nên những người khôn ngoan luôn cố gắng tìm kiếm và duy trì niềm tin để sống. Niềm tin đó không là thứ gì khác ngoài niềm tin tôn giáo, tức là người ta rất cần tôn giáo, rất duy tâm, ngay cả những người vô thần – không duy tâm thì sao lại thắp nhang vái lạy? Và rồi nhiều người vô thần cũng biết tìm đến tôn giáo, vì họ không thấy gì bền vững nơi thế giới duy vật này – chỉ là khoác lác, lừa bịp, gian dối,...
Sự thật minh nhiên là tôn giáo khả dĩ dẫn tới hòa bình. Tuy nhiên, chỉ có niềm tin tôn giáo mà thôi cũng chưa đủ để có được hòa bình, vì còn liên quan những thứ khác: Có niềm tin tôn giáo thì người ta mới có thể biết yêu thương đồng loại, có yêu thương nhau thì mới khả dĩ tha thứ cho nhau, nhờ đó mà mới có được nền hòa bình đích thực. Trước tiên là tu thân để có cái tâm an, nhờ đó mà lan tỏa sang những người xung quanh. Một quy trình tất yếu: Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.
Theo quốc tế ước tính, hiện nay trên thế giới có khoảng 500.000 tôn giáo đang tồn tại. Trong số hơn 7 tỉ người trên trái đất, có 85% là những người có niềm tin tôn giáo. Nhưng có nhiều ý kiến cho rằng các cuộc xung đột trong thế kỷ 21 này có thể là sự xung đột giữa các tôn giáo. Và thực tế này cũng đang manh nha!
Thế nhưng thật may mắn, vì vào ngày 20-9-2014, lần đầu tiên một Hội nghị Thượng đỉnh Liên tôn vì Hòa bình Thế giới đã được tổ chức tại Seoul (Hàn quốc), tham dự có khoảng 1.500 vị lãnh đạo thuộc các tôn giáo trên thế giới. Quả thật, sự kiện này đáng quan tâm vì là sự kiện đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong quá trình hoạt động của các tôn giáo và lịch sử của một thế giới vì một nền hòa bình chân chính.
Khi đối mặt với những thử thách trong cuộc sống, làm sao có được sự bình an trong tâm hồn?
Ông Bill Hale đã từng đối mặt với nhiều thử thách trong cuộc sống, nhưng ông cũng đã tìm được sự bình an qua việc phục vụ tha nhân.
Ông là tình nguyện viên làm việc tại kho hàng của tổ chức Children’s Hunger Fund ở San Antonio – Texas, Hoa Kỳ. Mỗi tuần ông dùng ba giờ để đóng thùng hàng và giúp chuyển tới những nơi cần. Ông thích dành thời gian để cầu nguyện, nghe nhạc, và chuyện trò với các tình nguyện viên khác.
Ông Bill và vợ, bà Candy, đều là tình nguyện viên. Tuy nhiên, con trai ông bị chứng tự kỷ nên thời gian rất cần để chăm sóc, con gái ông bị yếu thận nên ảnh hưởng sức khỏe tinh thần và thể lý. Vợ chồng ông phải chăm sóc chúng nhiều, nhưng họ vẫn cảm thấy con cái là phúc lành của mình. Ông cho biết rằng ông cảm tạ Chúa ban cho ông tình yêu thương, lòng kiên nhẫn và sự bình an mà người khác không thể hiểu.
Năm 2017, ông Bill phát hiện bị ung thư. Khi biết tin này, ông cảm thấy buồn, như rồi ông vẫn nhận thấy Thiên Chúa hành động mầu nhiệm bằng nhiều cách trong thời gian ông được điều trị, được chăm sóc y tế, được yêu thương và nâng đỡ qua các bác sĩ, người vợ, thân nhân và bạn bè.
Hiện nay ông đã xuất viện. Ông sẽ trở lại làm việc cho tổ chức Children’s Hunger Fund. Ông cảm thấy bình an khi đi làm tình nguyện viên. Sự bình an này đem lại cho ông sức mạnh để xác tín rằng Thiên Chúa vẫn ở bên cạnh ông hằng ngày.
Giống như con chim mẹ nhẹ nhàng đẩy chim con ra khỏi tổ để nó bay vào thế giới bên ngoài, chúng ta cũng được Thiên Chúa ân cần mời gọi đến gặp Ngài qua việc tham dự Thánh Lễ. Đừng viện cớ là chưa sẵn sàng, khó tập trung, bận việc,... Hãy nghe Chúa Giêsu đặt vấn đề: “Nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16:26; Mc 8:36) Thánh Thể và Lời Chúa là hai bàn tiệc đặc biệt nuôi sống tín nhân, đúng như Chúa Giêsu minh định: “Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.” (Ga 6:63)
Trong mọi trường hợp, chúng ta luôn được hướng dẫn đi trong bình an. Thiên Chúa mời gọi chúng ta đến nhà thờ và rồi đi vào đời, sống chứng nhân cho Ngài mọi nơi và mọi lúc. Cách sống là “cách nói” hay nhất và hiệu quả nhất. Có thực sự bình an thì chúng ta mới khả dĩ bước đi trong bình an, biến đổi, và được trang bị để biến đổi thế giới xung quanh chúng ta.
Sống trong bình an là sống trong hòa bình. Hãy để cho bình an của tình yêu Thiên Chúa thấm sâu vào con người của chúng ta. Khi chúng ta có bình an, chúng ta có thể đem bình an đến cho người khác, chia sẻ sự bình an của Đức Kitô với những người đang cần được sống bình an. Chia sẻ bằng cách nào? Một ánh mắt, một nụ cười, một lời nói, một cái bắt tay, một cái vỗ vai,... Đơn giản mà hiệu quả – vừa rẻ, vừa bổ, vừa ngon. Tuyệt cú mèo!
Bình an là của mỗi chúng ta. Như vậy, chúng ta bước đi trong sự bình an để phụng sự Thiên Chúa và phục vụ lẫn nhau. Kết lễ có lời chúc bình an. Đó là lúc chúng ta vào đời để phục vụ hòa bình nhân danh Đức Kitô Giêsu. Thánh nữ tiến sĩ Teresa Avila (1515-1582) nói: “Càng gần Thiên Chúa càng trở nên giản dị.” Đó là sự bình an kỳ diệu lắm!
TRẦM THIÊN THU
[Bài chủ đề báo ĐMHCG số 387, tháng 11-2018, Dòng Chúa Cứu Thế xuất bản tại Hoa Kỳ]

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Comment